Sự độc đáo của văn hoá xứ Thanh

Hoàng Minh Tường |

Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hoá, xuyên suốt từ thuở các vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Ít có nơi nào như Thanh Hoá, vừa có đầy đủ các hình thái địa – văn hoá, vừa chứa đựng trong đó những thành tố văn hoá đa dạng, đặc sắc.

Bài 1: Thanh Hoá – một Việt Nam thu nhỏ

Tạo hoá hào phóng và khéo sắp đặt đã tạo cho vùng đất Thanh Hoá hội đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Đó là điều kiện cần và đủ để xứ Thanh phát triển, vươn tới khát vọng thịnh vượng, văn minh.

Nằm ở vị trí thuộc Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa kết nối giữa đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn với khu vực miền Trung dài và hẹp. Về địa chất, miền núi Thanh Hóa là sự nối dài của Tây Bắc Bộ trong khi đồng bằng Thanh Hoá là đồng bằng lớn nhất Trung Bộ. Về khí hậu, Thanh Hóa vừa có kiểu khí hậu của miền Bắc lại vừa mang những hình thái khí hậu của miền Trung. Với đặc điểm khá điển hình này mà Thanh Hoá được ví "như là hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ" tự bao đời là điều kiện cần và đủ để xứ Thanh phát triển, vươn tới khát vọng thịnh vượng, văn minh.

 
Hiện vật tìm được tại di chỉ núi Đọ (Thiệu Khánh, Thanh Hoá).

Xứ Thanh là miền đất cổ, lưu giữ nhiều dấu ấn của lịch sử, văn hóa dân tộc. Cách đây khoảng 6.000 năm đã có con người tối cổ sinh sống. Từ địa bàn rừng núi (núi Đọ, hang Con Moong), tiến ra trước núi, kéo xuống đồng bằng (Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa), rồi chiếm lĩnh biển khơi (Gò Trũng, Hoa Lộc). Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hoá Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở lưu vực sông Hồng.

Tiếp đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa với kỹ thuật chế tác đồ đồng và trống đồng đạt tới đỉnh cao đã toả sáng rực rỡ trong đất nước của các vua Hùng. Không chỉ là di chỉ khảo cổ mà truyền thuyết và di tích thời đại Hùng Vương từ vùng đất Tổ trung châu đã theo các dòng sông lớn về tận miền đất Cửu Chân với các truyền thuyết về Thánh Gióng, núi Sóc (Vĩnh Lộc), Mại An Tiêm (Nga Sơn), di tích Hùng Trinh Vương (Yên Bái, Yên Định), Phan Tây Nhạc (Hà Yên, Hà Trung), An Dương Vương (Quảng Châu - Quảng Xương, Nghi Sơn-Tĩnh Gia)…

 
Đền Đông Cổ (Xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh  Hoá).

Trải qua nhiều nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, xứ Thanh "là sân khấu chính trị" của của các vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Lê Trung Hưng, Nguyễn…

Các di tích lịch sử tiêu biểu như: Đền Bà Triệu, Khương Công Phụ; đền Lê Hoàn thời Tiền Lê; Đền Đồng Cổ - thờ thần trống đồng, đền thờ Lý Thường Kiệt và hệ thống chùa gắn với tên tuổi của vị tướng tài ba (Hương Nghiêm, Linh Xứng, Sùng nghiêm Diên Thánh), Bảng Môn Đình… thời Lý; đền thờ Trần Hưng Đạo, bia Tràng Kênh, Trần Nghệ Tông và chùa Thông, chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân… thời Trần; Thành nhà Hồ, Cung Bảo Thanh - thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của muôn dân Đại Việt; Khu di tích Lam Kinh, Thái miếu Bố Vệ thời Hậu Lê; Khu bái lăng Đa Bút, Yên Phú, lăng Lê Đình Châu, Nguyễn Văn Nghi, Quận Mãn, Ngô Thì Hiến, Ngô Thì Hải…, hành cung Vạn Lại, Yên Trường… thời Lê Trung Hưng; Lăng miếu Gia Miêu - Triệu Tường thời Nguyễn… vừa là nơi tưởng nhớ công đức của tiền nhân, là những công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn, vừa được hoà mình vào các hoạt động lễ hội, trò chơi, trò diễn và các tích trò đặc sắc nơi đây.

Lễ hội Lam Kinh 2019.
Lễ hội Lam Kinh 2019.

Mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị văn hoá vật thể quý giá và đặc sắc, mà chính ở các di tích này còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu như­: Thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hoá ẩm thực, các nghi lễ, tục kiêng khem... gắn với các nhân vật được thờ phụng, qua đó giúp cho du khách trong và ngoài nước, giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học, dân tộc học... khám phá và nhận biết về hiện thực lịch sử của con người và miền đất xứ Thanh đã góp phần làm đẹp cho lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Những di chỉ khảo cổ và di tích lịch sử trên đất xứ Thanh kết nối với các di tích ở mọi miền đất nước hướng con người vươn tới các giá trị nhân văn cao cả.

 
Bến En (Như Thanh, Thanh Hoá) - vẻ đẹp chưa được đánh thức.

Xứ Thanh có hệ thống núi non trùng điệp, tiềm năng lớn về kinh tế lâm nghiệp, dồi dào lâm sản, tài nguyên phong phú. Những cánh rừng nguyên sinh như Xuân Liên, Pù Hu, Bến En…, hệ thống hang động: Bo Cúng, Cây Đăng, hang Mường, hang Phi… kỳ bí, không khí mát lành, thác nước: Chín tầng, Ma Hao, thác Muốn, thác Voi... tựa dải khăn von từ trời cao đổ xuống, đường đèo quanh co có sức hấp dẫn du khách khám phá và chinh phục.

Những địa danh: Cổng trời, Son Bá Mười… quanh năm mây phủ, khí hậu ôn hoà chẳng khác gì như Sa Pa, Đà Lạt hiện hữu ở xứ Thanh. Đến với bản làng miền Tây tỉnh Thanh, bắt gặp và chứng kiến khiếu thẩm mỹ, bàn tay tài hoa thêu dệt nên thổ cẩm muôn màu sắc, thưởng thức các sản vật của núi rừng như cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương, rượu cần… tận hưởng không khí trong lành mát mẻ của thiên nhiên và những trò chơi, trò diễn đặc sắc để rồi lòng bỗng xốn xang, nhẹ nhõm lạ thường.

 
Sầm Sơn đẹp lung linh về đêm.

Với 102 km bờ biển, 2 đảo và 1 bán đảo, thềm lục địa có diện tích rộng 18.000km2 là ngư trường đánh bắt hải sản tiện lợi, làm nên văn hoá ẩm thực, mang đậm hương vị biển khơi. Ở các cửa lạch, nơi sông gặp biển hình thành nên những cửa sông lớn, là nơi tụ hợp đông dân cư làm nghề đánh cá, chế biến hải sản và buôn bán, chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển.

Dọc dài theo chân sóng, nhiều nơi "núi nhoài ra tận biển", tạo cho tỉnh Thanh có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Thắng cảnh Thần Phù, bãi An Tiêm, cửa biển Linh Trường, Lạch Bạng, thắng cảnh Thập Bát Mã Sơn… và các bãi biển kỳ thú như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà, vụng biển Nghi Sơn… Biển xứ Thanh không chỉ có non xanh, nước biếc, sóng vỗ đầu ghềnh, nắng vàng bãi cát… mà còn ẩn chứa biết bao huyền thoại và cổ tích của ngày hôm qua, ngày hôm nay và những câu chuyện tình của biển xốn xang lòng tao nhân, mặc khách và cả những ai nữa quên cả lối về.

 
Người dân làng chài Sầm Sơn đánh cá. (Nguồn: Amateur Pic).

Biển Thanh Hoá là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách suốt dọc bờ biển Trung Bộ và là nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam. Nếu quản lý tốt và tạo dựng được nếp giao tiếp, ứng xử thân thiện không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với thiên nhiên trong một triết lý sống "hoà" thì Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà không thua kém bất cứ bãi biển nào về cảnh quan thiên nhiên, nắng và gió khu vực Đông Nam Á.

Từ non cao về với biển khơi, sông Mã không chỉ cung cấp dòng nước mát lành mà còn ăm ắp mỡ màu bồi đắp phù sa, mở ra miền đồng bằng rộng lớn, êm ả chảy giữa đôi bờ lúa ngô tươi tốt và những xóm làng trù phú, làm nên những mùa vàng mong ước. Bức tranh quê của miền Thanh bảng lảng khói lam chiều và cánh diều bay bổng luôn là nỗi nhớ, niềm mong và tìm về không chỉ của những người con nơi đây và cả nhiều du khách.

 
Ven sông Mã là những vùng quê yên bình. Ảnh: Trần Liên Chương.

Đồng bằng sông Mã là vựa lúa lớn thứ ba của đất nước, mùa nào thức ấy những phẩm vật do tạo hoá ban cho và được người dân gắng công tái tạo đã đem đến những món ăn bổ dưỡng mà dân dã đời thường. Đồng bằng sông Mã xứ Thanh, nơi có dòng sông chảy suốt hàng vạn năm không khi nào ngơi nghỉ ấy còn trầm tích các lớp văn hoá, nuôi lớn sức vóc và tâm hồn các thế hệ người dân xứ Thanh hôm qua, hôm nay và cả những ngày sau.

Hoà mình với thiên nhiên, sống trong những nếp nhà sàn vùng núi cao, mái tranh ẩn mình bên những rặng cau của đồng bằng trù phú, hay căn nhà tuềnh toàng lộng gió phi lao hoà cùng sóng biển… cho ta thêm quý, thêm thương miền quê yêu dấu.

Hoàng Minh Tường
TIN LIÊN QUAN

Vẻ đẹp bình dị của ẩm thực xứ Thanh

Tống Thị Thanh |

Đi khắp xứ Thanh, bất cứ nơi nào cũng có thể gặp được những món ăn ngon, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc địa phương.

Ấn tượng từ một cảng hàng không non trẻ!

Cao Ngọ |

Kể từ sau chuyến công tác năm ấy, tôi được đi máy bay khá nhiều, nhất là bay đến các cảng hàng không nội địa nên tôi “mê” hàng không và cứ mong ngóng sao Thanh Hóa quê tôi có cảng hàng không dân dụng.

Mở đường vươn tới bản Mông

Bút ký của Sông Lô |

Trước kia, vào những thập niên 60, nhắc đến Mường Lát người ta sẽ nhớ đến một vừng rừng núi nguyên sinh hiểm trở “Ma thiêng nước độc” với những căn bệnh sốt rét hoành hành, phương tiện giao thông duy nhất lúc này chỉ có đi bộ và cưỡi ngựa. Nhưng nay, từng con đường vươn tới bản Mông đang khiến Mường Lát đổi thay từng ngày...

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Vẻ đẹp bình dị của ẩm thực xứ Thanh

Tống Thị Thanh |

Đi khắp xứ Thanh, bất cứ nơi nào cũng có thể gặp được những món ăn ngon, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc địa phương.

Ấn tượng từ một cảng hàng không non trẻ!

Cao Ngọ |

Kể từ sau chuyến công tác năm ấy, tôi được đi máy bay khá nhiều, nhất là bay đến các cảng hàng không nội địa nên tôi “mê” hàng không và cứ mong ngóng sao Thanh Hóa quê tôi có cảng hàng không dân dụng.

Mở đường vươn tới bản Mông

Bút ký của Sông Lô |

Trước kia, vào những thập niên 60, nhắc đến Mường Lát người ta sẽ nhớ đến một vừng rừng núi nguyên sinh hiểm trở “Ma thiêng nước độc” với những căn bệnh sốt rét hoành hành, phương tiện giao thông duy nhất lúc này chỉ có đi bộ và cưỡi ngựa. Nhưng nay, từng con đường vươn tới bản Mông đang khiến Mường Lát đổi thay từng ngày...