Sân khấu Việt “nghèo” toàn tập

VIỆT VĂN |

Trong khi showbiz Việt rộn ràng với nhiều chương trình quy mô lớn, vé bán giá cao ngất ngưởng người xem vẫn tấp nập tìm mua, các rạp chiếu phim gần như “thâu tóm” khán giả trẻ với bao suất chiếu trong ngày, thì sân khấu Việt nói chung để những đêm sáng đèn là quá chật vật….

Sau năm 2015, 2016 với hàng loạt Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, sân khấu thể nghiệm quốc tế, mang đến không khí sôi động, thêm Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa, nhiều vở diễn đã được mang vào “thánh đường sân khấu” biểu diễn, tưởng chừng sang năm 2017 nghệ thuật sân khấu sẽ có nhiều cơ hội thăng hoa, nhiều tương lai lạc quan hơn. Nhưng đã gần hết nửa năm, sân khấu Việt vẫn lặng lẽ “sống” chậm.

Ở Hà Nội có một chương trình kéo dài suốt tháng 5 tại Nhà hát Lớn với những vở diễn còn mãi với thời gian như “Hồ Quý Ly”, “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, “Vụ án Lệ Chi viên”, “Dây tràng hạt diệu kỳ”… và “Hà Nội đêm thứ 7” - một chuỗi chương trình mới của Nhà hát chèo Hà Nội để hút khách du lịch. TPHCM thì đã có dự án phát triển ngành sân khấu bằng các nguồn tài trợ, đặt hàng kịch bản, hỗ trợ dựng vở và biểu diễn cho các đơn vị sân khấu thành phố…

Nhưng ngoài hai thành phố lớn, còn lại hơn 60 tỉnh, thành kia gần như sân khấu Việt chỉ biết sự tồn tại khi có hội diễn, liên hoan toàn quốc.

Nghèo vở diễn

Nhìn các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc là thấy sự “nghèo”. Một kịch bản được nhiều đoàn dàn dựng hay một kịch bản gốc được chuyển thể cho nhiều loại hình sân khấu (như vở “Đường đua trong bóng tối” dạo nào). Kịch bản cũ thì được mang ra, làm mới chút xíu, rồi diễn lại. Kịch bản mới có chất lượng gần như rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các vở diễn hiện tại ở các sân khấu là những sản phẩm “ăn nhanh”, nghèo nàn cả nội dung lẫn hình thức. Còn ở các đơn vị có “thương hiệu” mạnh thì một năm, gọi là “được mùa” cũng chỉ có thể có vài vở mới.

Nghèo thủ pháp sân khấu - ngôn ngữ sân khấu

Cho đến hiện tại, các loại hình sân khấu thế giới đã thể nghiệm nhiều thủ pháp mới trong sáng tác, tạo ra ngôn ngữ sân khấu mới lạ, nhưng sân khấu Việt vẫn chỉ mới rụt rè thể nghiệm vài “chiêu”, còn thì vẫn cứ “bổn cũ soạn lại” ở hầu khắp các vở diễn.

Ngôn ngữ kịch cũng nghèo, dẫn đến thảm họa sân khấu. Kịch bản thiếu tính đối thoại, không nắm bắt nhu cầu của công chúng trước hiện thực “nóng” cuộc sống đang đặt ra, dẫn đến sự nhạt nhẽo của tác phẩm sân khấu. Quanh đi quẩn lại vẫn là cách bố cục cũ, không dám bứt phá. Nhiều vở diễn khai thác tiếng cười rẻ tiền, dựng những tình huống kịch khiên cưỡng, giả tạo, vô cảm trong diễn xuất, đối thoại.

Cái nghèo khác nữa của sân khấu là nghèo công nghệ. Với sân khấu thế giới, công nghệ được áp dụng tạo hiệu ứng đầy hấp dẫn, kích thích sự phán đoán, cảm thụ, đồng thời tạo tính tương tác rất cao với khán giả, những sân khấu 3D, 4D… được dùng khá phổ biến, như một thành tố quan trọng trong vở diễn. Nhưng sân khấu Việt Nam thì công nghệ mới chỉ tạm có ở việc dùng các màn hình led để thay bối cảnh, hay dùng các clip video kiểu như phim để thay thế cho một số cảnh mà sân khấu không đáp ứng được.

Nghèo nhân sự

Nghèo lực lượng sáng tác kịch bản, “tre đã già mà măng chưa mọc”. Trong các liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc, việc một tác giả có vài kịch bản là chuyện bình thường, và kịch bản của người trẻ thì vô cùng hiếm. Đặc biệt, tác giả viết kịch bản cho các thể loại sân khấu truyền thống cực hiếm. Đạo diễn cũng “nghèo”. 10 năm nay sân khấu Việt vẫn cứ có chừng ấy khuôn mặt “chinh chiến”, và phần đông là già và không còn trẻ (như NSND Lê Hùng là tiêu biểu), một số cái tên trẻ nhiều triển vọng như Anh Tú là rất hiếm. Hội diễn, liên hoan sân khấu, một đạo diễn có thể dựng cùng lúc cho 4-5 đoàn với 4-5 vở khác nhau. “Nghèo” đạo diễn, nên việc lặp lại ý tưởng, nghèo sáng tạo là chuyện đương nhiên.

Nghèo diễn viên sân khấu, đặc biệt với sân khấu các loại hình nghệ thuật truyền thống, đang khủng hoảng thiếu diễn viên trẻ, tài năng, đam mê nghề để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%, và từ 25-30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%.

Nghèo tiền đầu tư

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư dàn dựng các vở diễn của sân khấu đang ngày càng ít đi. Hiếm có vở tiền tỉ được đầu tư như mong đợi. Ngay cả việc để có vở tham dự hội diễn, liên hoan, thì phải “nhịn” rất nhiều thứ để tập trung cho vở. Ngay chi phí đầu tư ở hai thành phố có hoạt động sân khấu sôi động nhất cũng khác nhau. Nếu ở Hà Nội, một vở được đầu tư dàn dựng có kinh phí từ 800 triệu - 1 tỉ đồng, thì tại TPHCM, một vở chỉ được cấp khoảng 300 triệu đồng để hoàn tất dàn dựng từ cảnh trí, đạo cụ, phục trang, tác giả, đạo diễn, tiền tập - diễn cho nghệ sĩ...

Nghèo khán giả - Nghèo doanh thu

Khán giả đến với sân khấu phần đông là để giải trí, thỏa mãn sự ưa thích, hay cảm giác lạ, đổi món (khi chán gameshow, âm nhạc, phim…). Ít ai đi xem kịch để tìm kiếm những bài học đạo đức, hay hình thành nhân cách, nên hút được khán giả là quá khó, nếu muốn dung hòa hai yếu tố giải trí và có giá trị nhân văn. Sân khấu chính luận, tâm lý rất kén khán giả, đặc biệt khán giả trẻ càng thật khó mà mang họ đến với sân khấu. Ngay cả với những vở có giá trị nghệ thuật cao, có tiếng trong lịch sử sân khấu Việt Nam, và mang vào Nhà hát Lớn Hà Nội, thì khán giả mua vé vào xem cũng không khả quan.

Thăm dò lượng khán giả đến với các sân khấu cho thấy, khán giả thích xem dòng chính kịch, bi kịch hiện chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phần lớn vẫn chọn xem hài kịch vì có tính giải trí cao.

Có thể nói trong các loại hình nghệ thuật, thì sân khấu là nghèo nhất, nghèo “toàn tập”. Các nhà quản lý, hoạt động sân khấu Việt đều nhìn thấu cái “nghèo” này, nhưng để thoát “nghèo” vẫn là bài toán nan giải, chưa có một giải pháp nào thật sự toàn vẹn để gỡ một cách nhanh chóng và tổng thể. Làm sao thoát “nghèo”, sân khấu Việt rất cần nhiều giải pháp được hiến kế.

VIỆT VĂN
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.