Quảng bá hình ảnh đất nước bằng sức mạnh mềm - Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản

Việt Văn - Đăng Huỳnh |

Trong thời đại ngày nay văn hóa được ví như sức mạnh mềm. Theo định nghĩa của từ điển Oxford, “sức mạnh mềm” thường được hiểu là thể chế và hệ giá trị quốc gia, bản sắc văn hóa, chính sách đối ngoại..., trong đó nhiều yếu tố văn hóa được ví như “sức mạnh mềm” và đã được nhiều quốc gia sử dụng thành công để truyền bá hình ảnh của mình ra thế giới. Nhìn nhận và đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp các nhà quản lý ở ta hoạch định chính sách để quản trị và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - một lĩnh vực vô cùng quan trọng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Vì sao cần chú trọng “sức mạnh mềm” về văn hóa?

Trước khi trả lời câu hỏi đó, cần tìm hiểu rõ khái niệm “sức mạnh mềm” về văn hóa.

Người đi tiên phong, đặt nền móng cho học thuyết sức mạnh mềm là Giáo sư (GS) Joseph Samuel Nye được trao học vị tiến sĩ ngành Khoa học chính trị của ĐH Harvard, từng là Hiệu trưởng Trường Chính sách công John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard. Năm 2011, Học viện Chính sách đào tạo, nghiên cứu và quốc tế thuộc Mỹ bầu chọn GS Joseph Samuel Nye đứng vị trí thứ 6 trong số những học giả ảnh hưởng nhất đến chính sách đối ngoại của Mỹ suốt 20 năm qua và tạp chí Foreign Policy bình chọn ông là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới hiện tại.

Theo một bài báo trên trang web https://vlabinnovation.com/, GS. Joseph Samuel Nye cho rằng “quyền lực mềm” hay “sức mạnh mềm” là một thuật ngữ thường dùng để chỉ những ảnh hưởng, tác động, can thiệp... thuộc về những nhân tố văn hóa - xã hội, kể cả những nhân tố tín ngưỡng, tâm lý, truyền thống, giá trị... “Sức mạnh mềm” là “khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”. “Sức mạnh mềm” mang tính phi quân sự, phi bạo lực, sinh ra từ sự lựa chọn chứ không phải áp đặt. Nó có khả năng giải quyết tốt các vấn đề từ góc độ văn hóa - xã hội. Có 3 nguồn lực chính để tạo nên “sức mạnh mềm” của một quốc gia, đó là: nền văn hóa, hệ giá trị và hệ thống chính sách.

Trên thực tế, “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” có khả năng hỗ trợ làm tăng ảnh hưởng cho nhau. “Sức mạnh cứng” có thể giúp phát huy “sức mạnh mềm”, làm cho “sức mạnh mềm” trở nên hấp dẫn.

Theo J. Nye, khả năng kết hợp giữa “sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng” sẽ tạo ra “sức mạnh thông minh” (Smart power).
Đầu năm 2010, J. Nye đã đến Việt Nam và có nhiều buổi thuyết trình về “sức mạnh mềm” trong đó, ông từng nhấn mạnh: “Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa. Việt Nam có tiềm năng về "sức mạnh mềm". Việt Nam có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình”.

Bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản “Thám tử lừng danh Conan - Tàu ngầm sắt màu đen” rất hấp dẫn các bạn nhỏ ở Việt Nam. Ảnh do CGV cung cấp
Bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản “Thám tử lừng danh Conan - Tàu ngầm sắt màu đen” rất hấp dẫn các bạn nhỏ ở Việt Nam. Ảnh do CGV cung cấp

Bài học từ đất nước mặt trời mọc

Nhật Bản là một trong những cường quốc châu Á, và có cả một chiến lược văn hóa để phát huy tối đa “sức mạnh mềm” từ văn học Nhật, truyện tranh Manga, hoạt hình anime...

Về văn chương Nhật, nổi tiếng nhất là thể thơ haiku được xem là đặc trưng văn hóa Nhật, phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo TS. văn học Hà Thanh Vân, haiku có thể được xem là thể thơ thể hiện rõ tâm hồn, tính cách của con người, đất nước Nhật Bản và được nhiều học giả gọi là thơ thiền. Những bài thơ haiku đầu tiên được dịch và giới thiệu ở Việt Nam là những bài thơ trong bài báo “Thi văn Nhật Bản với phong trào Âu hóa” của Hàn Mặc Tử, đăng ngày 3.2.1936 trên báo Sài Gòn.

Từ năm 1945 đến năm 1975, những nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam như: Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Nguyễn Tường Minh, Ngô Văn Tạo, Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người tiếp cận, am hiểu thơ haiku và có nhắc đến hay sáng tác thơ haiku trong những bài viết của mình trên sách, báo, tạp chí. Ở Việt Nam người đầu tiên dịch thơ haiku Nhật Bản ra tiếng Việt và xuất bản thành sách in, có lẽ là Nguyễn Tường Minh ở Sài Gòn, với hai tuyển tập “Hòa ca” (Sông Thao xuất bản, 1971) và “Luyến ca” (Sông Thao xuất bản, 1972).

TS. Hà Thanh Vân cho hay, sau năm 1975, một trong những người đi đầu trong việc dịch và giới thiệu thơ haiku nói riêng cũng như thơ ca và văn học Nhật Bản nói chung là nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Nhật Chiêu với những công trình “Basho và thơ haiku” (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 1994), “Nhật Bản trong chiếc gương soi” (Nxb Giáo dục, 1995), “Thơ ca Nhật Bản” (Nxb Giáo dục, 1998), “Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868” (Nxb Giáo dục, 2003), “Ba ngàn thế giới thơm” (Nxb Văn nghệ, 2007)...

Ngoài ra còn có một số tác phẩm khác được những dịch giả khác dịch ra tiếng Việt như Hàn Thủy Giang, Lê Thiện Dũng và gần đây nhất có công trình “Hợp tuyển văn học Nhật Bản từ Khởi thủy đến giữa thế kỷ XIX” do Mai Liên dịch, được xuất bản năm 2010 (NXB Lao động) và công trình “Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản” của Nguyễn Nam Trân (NXB Giáo dục, 2011) có dành nhiều trang viết về thơ haiku qua các thời kỳ phát triển

Trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam, từ năm 2002, dưới sự giới thiệu và biên soạn của PGS. Lưu Đức Trung và PGS.TS. Đoàn Lê Giang, thơ haiku đã được đưa vào chương trình học lớp 10.

Đặc biệt ở Việt Nam, thơ haiku đã chính thức đi vào đời sống văn học của cả nước với sự thành lập Câu lạc bộ thơ haiku Việt TPHCM, mà người góp công đầu là PGS. Lưu Đức Trung, một chuyên gia hàng đầu về văn học Châu Á, và gần đây một Câu lạc bộ thơ Haiku Việt tại Hà Nội cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Thêm vào đó, từ năm 2007, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM đã phát động phong trào thi sáng tác thơ haiku hai năm một lần. Cho đến nay, cuộc thi sáng tác này đã tổ chức đến lần thứ năm và sau mỗi lần tổ chức, lại thu hút đông đảo người yêu thơ tham dự. Cũng từ năm 2011, cứ hàng năm Ủy ban nhân dân thành phố Hội An đã tổ chức cuộc thi thơ Haiku Việt, tác phẩm vào chung khảo được trưng bày ở cuộc triển lãm văn hóa Nhật Bản - Hội An.

Ngoài thơ haiku thì các tác phẩm văn học nổi tiếng của Nhật Bản đã và đang được dịch ra tiếng Việt phát hành ở Việt Nam ngày càng nhiều với các tác giả nổi tiếng thế giới như Natsume Soseki, Akutagawa Ryunosuke, Kawabata Yasunari, Kenzaburo Oe, Murakami Haruki, Banana Yoshimoto... Hai nhà văn Nhật Bản từng đạt giải Nobel là Kawabata Yasunari, Kenzaburo Oe cùng với nhà văn Nhật Bản đương đại Murakami Haruki được xem là những gương mặt đại diện để người Nhật Bản quảng bá văn học của họ ra khắp thế giới.

Đặc biệt là độc giả Việt Nam được thưởng thức gần như toàn bộ các tác phẩm của nhà văn Murakami Haruki như: “Rừng Na Uy”, “Kafka bên bờ biển”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Nhảy, nhảy, nhảy”, “1Q84”, “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ”... Đây cũng là nhà văn có sức ảnh hưởng tới cách viết của một số nhà văn Việt Nam.

Bên cạnh đó, các tác phẩm khác của Ogawa Yoko, Suzuki Koji, Asada Jiro, Ekuni Kaori, Miyamoto Teru, Yumoto Kazumi, Ichikawa Takuji... với những câu chuyện về xã hội Nhật Bản đương đại đã đem đến cho các bạn trẻ Việt những đối chứng thú vị với những vấn đề của lớp trẻ hai nước.

Nói đến văn hóa Nhật Bản cũng là nói đến truyện tranh Manga nổi tiếng khắp thế giới như một thương hiệu quốc gia của Nhật.

Được biết, Manga xuất hiện với Việt Nam từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ XX bằng nhiều con đường, hầu hết là in ấn và xách tay mang về. Còn con đường du nhập chính thức là thông qua sách, báo và tạp chí nhập khẩu, dịch và xuất bản ở Việt Nam với sự đồng ý của tác giả và của nhà xuất bản phía Nhật Bản là từ sau 1986 với chính sách đổi mới, mở cửa.

Nhân vật quen thuộc chú mèo máy Doraemon chính thức đến với các bạn nhỏ Việt Nam vào năm 1996 và sau đó là cuộc đổ bộ của “Thám tử lừng danh Conan”, còn sau này là hàng loạt những cái tên khác như: “Sketdan - quái kiệt học đường”, “Siêu đầu bếp tí hon”, "Shin cậu bé bút chì"... với việc mua bản quyền và phát hành chủ yếu từ Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ cùng một số công ty tư nhân khác.

Hiệu ứng truyện tranh Manga thúc đẩy cho sự phát triển và thành công vang dội của loạt phim hoạt hình Nhật (Anime) cũng đoạt doanh thu khủng ở các phòng vé Việt mà tiêu biểu nhất vẫn là “Thám tử lừng danh Conan”, “Bảy viên ngọc rồng” và series phim Doraemon như phần mới nhất “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời” ra mắt tháng 5.2023 đã đánh bại nhiều siêu phẩm cùng phát hành, trở thành phim hoạt hình ăn nhất khách nhất mọi thời đại ở Việt Nam với doanh thu trên 83 tỉ đồng.

Anime là thuật ngữ tiếng Nhật mô tả các loại hoạt hình vẽ tay và máy tính có nguồn gốc từ Nhật Bản hoặc có sự gắn kết mật thiết với Nhật Bản, trở thành một khái niệm mang tính toàn cầu, một sản phẩm văn hóa đại chúng có thể kết nối và xâm nhập vào đời sống của giới trẻ nhiều nước trên thế giới.

Anime được coi như phương tiện quảng bá văn hóa Nhật Bản trong chính sách Cool Japan của chính phủ Nhật Bản với thế giới, đóng vai trò ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa của Nhật Bản. Từ Manga và Anime đã tạo ra phong trào Cosplay nhân vật. Cosplay là một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo ra, là sự kết hợp của "costume" (trang phục) và "role play" (hóa thân), chỉ việc người hâm mộ các nhân vật trong manga, anime, tokusatsu, truyện tranh sách, tiểu thuyết đồ họa, video games, phim giả tưởng, ca sĩ, quân nhân, nhân vật chính trị... ăn mặc hoặc có điệu bộ giống nhân vật mà mình yêu thích. Những người này được gọi là "cosplayer" và có thể lập các nhóm/ câu lạc bộ để luyện tập và diễn cùng nhau cũng như tham gia vào các sự kiện, lễ hội liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật có nhân vật giả tưởng được yêu thích...

Văn hóa Nhật cũng thẫm đẫm với nhiều bạn trẻ Việt Nam khi Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản (Hanami) diễn ra hàng năm tại Việt Nam, kể từ năm 2016, thu hút nhiều bạn trẻ coslay cũng như đông đảo công chúng tới ngắm hoa anh đào và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Ngoài ra, Trung tâm văn hóa Nhật Bản tại Việt nam cũng thường xuyên tổ chức các buổi học về Manga, tranh cắt giấy, nghệ thuật cắm hoa Ikebana...

Cảnh phim “Ninja Rùa” của Nhật bản. ảnh do CGV cung cấp.
Cảnh phim “Ninja Rùa” của Nhật bản. Ảnh do CGV cung cấp

Và câu chuyện của Hàn Quốc

Hai năm trải qua đại dịch COVID-19 là đại họa cho nền điện ảnh của nhiều nước nhưng với Hàn Quốc thì đó lại là cơ hội mới để bứt phá, sáng tạo. Với sức mạnh vượt trội của nền tảng dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu, với những kịch bản hay mang đậm văn hóa bản địa, điện ảnh Hàn Quốc đã lan tỏa những tác phẩm nổi tiếng đi khắp thế giới tiêu biểu như “Ký sinh trùng”, “Trò chơi con mực”, “Quyết tâm chia tay”, “Người môi giới”.

Đặc biệt, phim “Trò chơi con mực” (Squid Game) trở thành phim không nói tiếng Anh đầu tiên được đề cử hạng mục “Phim chính kịch xuất sắc” tại giải thưởng Emmy 2022. Tác phẩm từng gây sốt trên toàn cầu này nhận tổng cộng 14 đề cử. với kinh phí sản xuất là 21,4 triệu USD) ngay khi phát hành năm 2021 đã tạo nên kỳ tích với doanh thu gần 900 triệu USD, là loạt phim có nhiều người xem nhất trong lịch sử Netflix, với ước tính, hơn 142 triệu hộ gia đình trên thế giới đã xem.

Báo Le Monde, Pháp nhận xét: Sự thành công trên toàn thế giới của “Trò chơi con mực” hơn cả sự phổ biến đó là rất đậm chất Hàn Quốc. Báo Spiegel, Đức đánh giá: Vượt ra ngoài những kịch bản kinh dị đơn giản bằng cách bộc lộ những lời chỉ trích xã hội sắc bén. Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc ca ngợi: Khác với những chương trình game sinh tồn khác, nó được khán giả nước ngoài đánh giá cao về tính nhân văn, tình cảm, ấm ấp. Đài ABC (American Broadcasting Company), Mỹ khẳng định: Phim đã áp dụng một số yếu tố văn hóa Hàn Quốc để đưa ra các thông điệp quan trọng.

Đạo diễn phim “Trò chơi con mực” - Hwang Dong Hyeok từng nói: “Các sản phẩm văn hóa mà chúng tôi tạo ra cũng không ngừng nỗ lực để hướng đến thị trường nước ngoài. Giờ đây, cơ hội đến cùng với sự thay đổi của môi trường truyền thông. Và vì chúng ta đang sống trong một xã hội năng động và thay đổi khốc liệt nên nội dung sản xuất cũng phản ánh xã hội rất nhiều. Đây là cơ hội để content (nội dung sáng tạo) của Hàn Quốc được công nhận”.

Ở Việt Nam, dấu ấn của Hàn Quốc vào thị trường điện ảnh cũng rất rõ rệt với Công ty CJ CGV tạo nên khái niệm độc đáo về việc chuyển đổi rạp chiếu phim truyền thống thành tổ hợp văn hóa “Cultureplex”, nơi khán giả không chỉ đến thưởng thức điện ảnh đa dạng thông qua các công nghệ tiên tiến như: SCREENX, IMAX, STARIUM, 4DX, Dolby Atmos, cũng như thưởng thức ẩm thực hoàn toàn mới và khác biệt trong khi trải nghiệm dịch vụ chất lượng tại CGV. Thông qua những nỗ lực trong việc xây dựng chương trình "Nhà biên kịch tài năng", "Dự án phim ngắn CJ", "Lớp học làm phim TOTO", CGV ArtHouse cùng việc tài trợ cho các hoạt động liên hoan phim lớn trong nước như: Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Phim Việt Nam, CJ CGV Việt Nam mong muốn sẽ khám phá và hỗ trợ phát triển cho các nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam.

Trong quý I/2023, cụm rạp chiếu phim CJ CGV của Hàn Quốc đã đạt doanh thu 59,1 tỉ won (khoảng 1.053 tỉ đồng) và lợi nhuận hoạt động 9,3 tỉ won (khoảng 165,8 tỉ đồng) tại Việt Nam.

Trên màn ảnh nhỏ của các Đài truyền hình Trung ương và địa phương, các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc từ mấy chục năm nay đã đi vào từng hộ gia đình, từng lấy nước mắt, nụ cười của hàng triệu khán giả Việt Nam như các series phim “Hoa cúc vàng”, “Mối tình đầu”, “Anh em nhà bác sĩ”, “Trái tim mùa thu”... Mấy năm trở lại đây những bộ phim truyền hình dài tập như “Hậu duệ mặt trời”, “Hạ cánh nơi anh”, “Tầng lớp Itaewon”... tiếp tục chinh phục khán giả Việt Nam.

Chuyển sang lĩnh vực âm nhạc, khái niệm K-Pop viết tắt của cụm từ tiếng Anh - Korean Popular Music tức nhạc pop tiếng Hàn hay nhạc pop Hàn Quốc, là một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ Hàn Quốc như một phần của văn hóa Hàn Quốc đã trở nên quá phổ biến trên thế giới.

Chịu ảnh hưởng bởi các phong cách và thể loại từ khắp nơi trên thế giới, nhưng lại không bị đồng hóa theo một phong cách nào mà tạo ra một xu hướng biểu diễn riêng dựa trên nguồn gốc âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, K-Pop phát triển mạnh mẽ và tạo nên những thần tượng (idol) cho giới trẻ. Văn hóa "thần tượng" K-Pop hiện đại bắt đầu từ những năm 1990, và cùng với sự phát triển các dịch vụ mạng xã hội trực tuyến và các chương trình truyền hình Hàn Quốc, sự lan rộng hiện nay của K-Pop và giải trí Hàn Quốc, được gọi là Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu, tức là Hàn lưu), đã như vết dầu loang lan ra khắp nơi với 2 nhóm nhạc lớn, có tầm vóc quốc tế là Blackpink và BTS.

Sự hâm mộ cuồng nhiệt của các bạn trẻ Việt Nam qua hai đêm diễn của Blackpink tại Mỹ Đình (Hà Nội) với cơn sốt vé lên tới đỉnh điểm (40 triệu đồng/cặp vé chợ đen) là minh chứng cho thấy sức hút của K-Pop.

Ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc còn thể hiện sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, tác động lên phong cách sống của số đông bạn trẻ Việt, từ việc dùng điện thoại Samsung đến trang điểm đánh son môi kiểu Hàn Quốc, mặc đồ Hàn Quốc và ăn các món ăn Hàn Quốc...

Đi tìm câu trả lời thuyết phục

Sự thành công của việc truyền bá văn hóa ra thế giới của văn hóa Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là việc khai thác và phát huy tối đa những tinh hoa, nét đặc sắc không thể trộn lẫn vào đâu được, hay nói cách khác là những đặc trưng truyền thống của văn hóa dân tộc để mang cái mới mẻ, cái lạ ra thế giới.

Và cái truyền thống, bản sắc đó lại được lan tỏa, phổ biến, đáp ứng quy trình sản xuất theo phương Tây hiện đại. Có thể thấy rõ nhất ở hoạt hình Anime Nhật Bản và các nhóm nhạc Hàn Quốc. Anime đã tạo ra chỗ đứng vững chắc và tạo thành xu thế cho phim hoạt hình thế giới, trong khi các nhóm nhạc Hàn Quốc đã kế thừa nhiều nét đặc sắc của các thể loại nhạc khác trong khi vẫn giữ cái nền âm nhạc truyền thống của họ.

Yếu tố thứ ba là cả hai nước đều có chiến lược tổng thể, bài bản về mọi mặt gồm: quảng cáo, truyền thông, tổ chức sự kiện, khai thác thị trường, xem xét thị hiếu khán giả... để vươn ra quốc tế.

Tất cả nằm trong chiến lược phát huy thương hiệu quốc gia bằng văn hóa. Như chính phủ Hàn Quốc đã xác định phổ biến văn hóa Hàn Quốc (K- Culture) ra thế giới làm sao để mọi người tiêu thụ văn hóa Hàn Quốc như ăn cơm trộn (Kimbap).

Và K-Culture có K-Movie, K-Pop, K-Food, K-Drama, K-Game, K-Webtoon, tất cả không phát triển riêng lẻ mà cùng nhau phát triển bằng sự ảnh hưởng qua lại, tương tác lẫn nhau. Vấn đề không chỉ là định hướng mà còn là tốc độ. Các nghê sĩ Hàn Quốc được khuyến khích sáng tạo để thể hiện thế giới theo cách riêng của mỗi người.

Và chính phủ từng bước xây dựng hệ thống giáo dục khép kín Trẻ em - Thanh niên - Người lớn - Chuyên nghiệp (bao gồm tái đào tạo), liên kết mạng lưới giáo dục, thúc đẩy hội nhập và có thể giáo dục, đào tạo ở mọi nơi trên đất nước. Đối với người Hàn Quốc, đại dịch COVID-19 là cơ hội để điều hướng, định nghĩa lại mọi khái niệm như: Phim là gì, Điện ảnh sẽ phát triển như thế nào trong tương lai? Ngành công nghiệp nội dung toàn cầu sẽ phát triển theo hướng nào?...

Năm 2023, Hàn Quốc đã đầu tư cho điện ảnh 85,4 tỉ won cho dự án xúc tiến K-Movie, sản xuất phim nghệ thuật độc lập, phim cỡ vừa và nhỏ, hoạt hình, hỗ trợ lên kế hoạch, sản xuất, sàng lọc, phân phối, nghiên cứu chính sách điện ảnh, văn hóa điện ảnh và kỹ thuật điện ảnh. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực mới, lấy Học viện Điện ảnh Hàn Quốc làm trung tâm, mở rộng quyền thưởng thức phim. Cải thiện môi trường xem phim cho người khuyết tật, kích hoạt phim địa phương. Hỗ trợ toàn cầu hóa phim K-Movie bằng cách tham gia liên hoan phim quốc tế, hợp tác sản xuất, chiếu phim và phân phối ở nước ngoài, giao lưu quốc tế...

Từ những bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc, phía Việt Nam có thể tìm thấy những bài học kinh nghiệm cho chính mình khi truyền bá văn hóa bằng sức mạnh mềm.

Việt Văn - Đăng Huỳnh
TIN LIÊN QUAN

Chấn hưng văn hóa không phải là chuyện riêng của ngành văn hóa

Hoàng Văn Minh |

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, dường như văn hoá mới chỉ được quan tâm nhiều ở cái vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng các thiết chế văn hóa chứ chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt về chất.

Kết tinh tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng, chấn hưng văn hóa

Vương Trần |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy; coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Phát triển văn hóa không chỉ là dành bao nhiêu ngân sách, làm những việc gì

PHẠM ĐÔNG |

Để văn hóa được chú trọng, có sự chuyển biến về chất thực sự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, không phải chỉ đơn thuần là việc dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) làm những việc gì.

Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Campuchia trên nền tảng tin cậy, hợp tác chân thành

Thanh Hà |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác quốc phòng luôn là một trong những trụ cột quan trọng nhất của quan hệ Việt Nam - Campuchia; khẳng định sự hợp tác này chỉ có được trên nền tảng của sự tin cậy và hợp tác chân thành, được kiểm nghiệm qua thời gian.

Bắt tạm giam tài xế nhậu say, gây tai nạn liên hoàn khiến 1 cô gái tử vong

LÝ LINH |

TPHCM - Công an TP Thủ Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tạm giam đối với tài xế nhậu say, gây tai nạn liên hoàn khiến 1 cô gái tử vong trên đường Nguyễn Văn Tăng, TP Thủ Đức vào chiều ngày 12.11.

Băn khoăn nếu uống rượu từ tối hôm trước, hôm sau đi làm vẫn bị phạt nồng độ cồn

Thùy Linh |

Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của tài xế khi tham gia giao thông hay không?

Hai con bạc nữ giao dịch trăm tỉ đồng trong đường dây của ông trùm Nguyễn Minh Thành

Việt Dũng |

Trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ qua game bài do Nguyễn Minh Thành cầm đầu, Bùi Thị Quang và Bùi Thị Thương giao dịch hơn 100 tỉ đồng mỗi người và đều bị thua.

Hàng trăm hộ dân lo mất nhà trước mối họa biển xâm thực, sạt lở

Hoàng Bin |

Tình trạng xâm thực bờ biển tại Quảng Nam diễn ra rất mạnh, đã có nhiều ngôi nhà dọc ven bờ bị cuốn phăng ra biển và hàng trăm hộ dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Chấn hưng văn hóa không phải là chuyện riêng của ngành văn hóa

Hoàng Văn Minh |

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, dường như văn hoá mới chỉ được quan tâm nhiều ở cái vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng các thiết chế văn hóa chứ chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt về chất.

Kết tinh tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng, chấn hưng văn hóa

Vương Trần |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy; coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Phát triển văn hóa không chỉ là dành bao nhiêu ngân sách, làm những việc gì

PHẠM ĐÔNG |

Để văn hóa được chú trọng, có sự chuyển biến về chất thực sự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, không phải chỉ đơn thuần là việc dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) làm những việc gì.