“Phù thủy” thổi hồn cho đất

Nguyễn Tri |

Tám tuổi đã biết chuốt gốm trên bàn xoay, chưa đến 2 năm đã học hết “gia phả” của nghề gốm, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn miệt mài giữ lửa cho gốm. Không phải ngẫu nhiên mà những người dân xứ gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đều gọi bà Võ Thị Lợi (74 tuổi) là “phù thủy” gốm.

Đứa con của “tổ gốm”

Từ TP.Quy Nhơn, ngược theo hướng Tây Bắc non một tiếng đồng hồ có thể đến làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn. Làng gốm trăm tuổi nằm nép mình ở phía đông núi Long Cốt (nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), cạnh cổ tự Nhạn Sơn đã nhuốm màu thời gian. Sử cũ chép rằng, làng gốm này vốn có họ với dòng gốm cổ Chămpa tồn tại từ hơn 400 - 500 năm trước. Những năm 70 - 90 của thế kỷ trước, cả làng có đến 50 lò gốm thường xuyên đỏ lửa, với hàng trăm lao động. Vào thời cực thịnh ấy, gốm Nhạn Tháp được chở đi muôn nẻo, ra Bắc vào Nam, vang chấn một thời.

Giờ ở Nhạn Tháp, chỉ còn khoảng 5 - 7 lò gốm vẫn thoi thóp giữ lửa. Cái nghề vang bóng một thời ấy, vẫn được những người cao niên dùng chút sức lực còn lại để giữ gìn, đặng truyền cho con cháu, trong đó có “phù thủy” gốm của làng Nhạn Tháp - Võ Thị Lợi.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ đã mồ côi mẹ, cha đi bước nữa, bà Lợi được bà nội nuôi dạy. Sống ở thôn Bắc Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu), bà Lợi được làm quen với đất sét, lò nung... từ tấm bé. Bà cũng được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo và trí nhớ hơn người. Bất kể cái gì, chỉ cần nhìn qua vài lần, bà Lợi đều có thể bắt chước được ngay.

Lên 8, bà Lợi thường giúp nội đạp bàn xoay và dọn dẹp lúc nội chuốt (tạo hình) gốm. Có một lần cô bé Lợi đánh đặng xin bà nội cho thử. Dù ngạc nhiên với lời đề nghị của cháu mình, nhưng bà nội cũng cười hiền đồng ý cho đứa cháu gái làm thử, xem như cháu nghịch ngợm bởi “xưa nay nghề gốm có người học đến bạc tóc cũng chẳng làm được”. Nào nhờ, đôi bàn tay nhỏ xinh, non nớt ấy lại có thể thoăn thoắt chuốt, vuốt hết sức lành nghề, chỉ một chốc, cục đất sét đã thành hình hài.

Sau đó, bà Lợi được nội truyền nghề. “Tháng đầu tiên, tui học chuốt khuôn bánh xèo; tháng thứ 2, học chuốt cái vung đậy nồi; tháng thứ 3, chuốt được gụ nấu nước rồi tới cái ôm, nồi nấu cơm, ấm, hũ, bình... Chưa đến 2 năm, tui học hết “gia phả” nghề gốm của làng” - bà Lợi xa xăm nhớ lại.

Để học hết nghề gốm, người ta phải mất từ 6 đến 10 năm trời, có người đến già vẫn không học được, nhưng bà Lợi chỉ cần vỏn vẹn 2 năm. Từ đó, nhiều người gọi bà Lợi là con của “thần gốm”, “tổ gốm”, là “thần đồng” của làng gốm Nhạn Tháp. Tuy được mọi người tụng xưng, nhưng với cô bé Lợi năm đó, mọi chuyện lại rất bình thường bởi “họ nói khó, nhưng tui lại thấy dễ, đặt tay là tự làm được chứ chẳng phải học nhiều”.

Vào thời cực thịnh ấy, gốm Nhạn Tháp được chở đi muôn nẻo, ra Bắc vào Nam, vang chấn một thời. Ảnh: N.T
Vào thời cực thịnh ấy, gốm Nhạn Tháp được chở đi muôn nẻo, ra Bắc vào Nam, vang chấn một thời. Ảnh: N.T

Sáng tạo thêm nhiều mẫu gốm

Năm 16 tuổi, bà Lợi lấy chồng và được mẹ chồng mở cho một lò gốm tại thôn Bắc Nhạn Tháp để bà Lợi thỏa sức với đam mê làm gốm, lấy nghề gốm làm kế sinh nhai, nuôi sống cả gia đình. Trước thời bà Lợi, những mẫu gốm được truyền đời từ nghìn xưa của làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn chỉ có một số món đồ gốm cũ, đơn giản. Tuy nhiên, “phù thủy” gốm lại không chịu bó hẹp tài năng trong những khuôn mẫu xa xưa đó. Qua miệt mài tìm tòi, bà Lợi đã khai sinh thêm hành chục món đồ gốm mới, mẫu mã khác lạ, sáng tạo, làm dày thêm “bộ sưu tập” sản phẩm của nghề gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn.

Khách đến làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn muốn cái gì, kiểu dàng, mẫu mã, hoa văn... phức tạp như thế nào, chỉ cần tìm đến lò gốm bà Lợi. Bàn tay của “phù thủy” gốm phù phép cho những đống bùn nhão nhoét, nhạt nhẽo trở thành hàng trăm thứ đồ gốm với muôn kiểu hình hài, dáng vẻ. Chưa có loại đồ gốm nào khiến bà Lợi phải bó tay.

Những thế hệ của người dân Nhạn Tháp vẫn truyền tai nhau câu chuyện bà Lợi làm “bát đen ông sư”. Cũng đôi ba mươi năm trước, có sư thầy nghe danh “phù thủy gốm” Nhạn Tháp đã cất công từ ngoài Bắc tìm đến bà Lợi để đặt hàng làm 10 chiếc “bát đen ông sư”. Bát đen ông sư tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất cao, phải tinh xảo từng đường nét, thành bát trơn loáng, nhờn mịn như mỡ, không có một tí gợn.

Nghe đâu, sư thầy đã rong ruổi đến nhiều làng gốm nhưng vẫn chưa tìm được người làm ra chiếc bát như ý. Dù nhiều năm trôi qua, bà Nguyễn Thị Lượng (57 tuổi, con gái bà Lợi) vẫn nhớ rõ gương mặt mãn nguyện xen lẫn thán phục của vị sư thầy năm xưa. “Bát ông sư rất khó làm, họa may, cả vùng này chỉ có một người là mẹ tui mới làm được... Đến hạn, sư thầy quay lại, 10 chiếc bát sư chín đỏ đã được mẹ tui tạo ra khuôn tròn như một. Sư thầy mân mê, vuốt ve rất kỹ sau đó thì gật đầu rất hài long. Ổng mừng lắm. Thế rồi đều đặn mỗi năm, cứ đến kỳ hóa độ, sư thầy lại tìm về làng gốm chúng tôi để đặt bát đen ông sư. Bát này sau đó được gửi đi khắp nơi trong cả nước, chỉ có những sư thầy giỏi nhất mới dùng nó thôi” - bà Lượng tự hào khoe.

Giờ đây, dẫu đã ở ngoài tuổi thất thập, bà Lợi vẫn ngày ngày thổi hồn cho gốm. Ngồi trước bàn xoay, trông bà như trẻ ra đến cả chục tuổi, đôi mắt đã in hằn dấu vết của thời gian vẫn tinh anh, đôi tay lấm chấm đồi mồi vẫn nhanh nhẹn. Dường như khi tâm hồn gắn chặt với những tinh hoa của trời đất, ngày ngày nhào nặn, biến bùn đất thành những tác phẩm nghệ thuật, những nghệ nhân gốm vẫn cứ trẻ mãi, vẫn cứ là đứa trẻ vừa mới bắt đầu say sưa, tò mò thổi hồn cho đất. Trước gốm, người phụ nữ đã ở tuổi “gần đất xa trời” ấy vẫn toát ra nét duyên rất lạ với đôi bàn tay thoăn thoắt nhào nặn trên chiếc bàn xoay vẫn tít tắp như dòng chảy không ngừng của thời gian.

Leo lét ngọn lửa nghề

Thế sự xoay vần, gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn cũng không nằm ngoài sự bạc bẽo của thời gian, lùi vào dĩ vãng, sắp sửa trở thành cái nghề “vang bóng một thời. Ngoài bà Lợi, đếm hết làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn bây giờ, số thợ gốm chỉ còn đếm đúng một bàn tay, người thợ gốm trẻ nhất năm nay cũng đã 55. Truyền nghề vẫn là nỗi đau đáu của những nghệ nhân như bà Lợi.

Hơn hàng trăm món đồ trong kho tàng của “phù thủy” gốm Nhạn Tháp chỉ sợ sẽ mai một dần đi. “Trời cho tui bàn tay vàng, không học cũng làm được gốm. Tui như sinh ra để dành riêng cho nghề gốm này vậy. Suốt cuộc đời chỉ biết bùn đất và gốm, chẳng còn biết gì hơn. Có lúc đêm nằm cũng mơ thấy mình đang làm gốm”, bà Lợi tâm sự. Nỗi day dứt và trăn trở lớn nhất của bà, đó là tìm người để kế thừa vốn kiến thức và kinh nghiệm suốt cuộc đời làm gốm của mình.

“Giờ đã gần đất xa trời nhưng trong làng, tui vẫn chưa tìm được một người để truyền nghề. Kể cả con cháu ba đời sau của tui cũng vậy, không có một đứa nào học được nghề này hết. Tui nhiều lần khuyên nhủ tụi nó gắng giữ nghề của tổ tiên nhưng chúng chỉ lạnh lẽo đáp lại: Làm được rồi nhưng đeo bám cái nghế ấy thì có ngày rồi cũng chết đói” - bà Lợi day dứt.

Với những bậc cao niên ở làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn, làng gốm của họ đang sắp tàn lụi, đâu đó chỉ chừng 5 đến 10 năm nữa, các lò gốm ở Nhạn Tháp - Vân Sơn sẽ “tắt lửa” hết. Bởi khi lớp thợ gốm cuối cùng như bà Lợi khuất núi, nghề gốm cũng theo họ về với đất. “Một lý do nữa là nguyên liệu làm gốm đã cạn, trở nên đắt đỏ trong khi sản phẩm gốm làm ra thì bèo bọt, đầu ra không có. Mai này, liệu còn ai đeo đẳng cái nghề nghèo khó này nữa chứ”, cụ Đặng Ngọc Minh (65 tuổi, chủ lò gốm lớn nhất Nhạn Tháp - Vân Sơn) ngậm ngùi.

Nguyễn Tri
TIN LIÊN QUAN

Anh chàng lạ lùng 20 năm mất ăn mất ngủ nhặt về vạn món gốm cổ tiền tỉ

BẢO TRUNG - CUNG HUYỀN |

Mất hơn 20 năm sưu tầm cổ vật, anh Thông đã có một bộ sưu tầm cổ vật hơn 1 vạn món. Có nhiều đại gia ngỏ lời hỏi mua lại một số món nhưng anh Thông chẳng muốn bán cho ai bởi vì mỗi món cổ vật gắn liền với một kỷ niệm trong cuộc đời anh...

Cận cảnh ngôi chùa có tháp bằng gốm cao nhất Việt Nam

Theo PLO.vn |

Chùa Viên Giác, tọa lạc tại số 193 Bùi Thị Xuân (quận Tân Bình, TP HCM) được xây dựng vào năm 1955. Ngôi chùa nổi bật với tháp thờ Xá lợi Phật được làm hoàn toàn bằng gốm sứ.

Triển lãm gốm cổ Champa Bình Định: Nhiều góc nhìn về các đền tháp Champa

HOÀNG VINH |

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa tổ chức trưng bày 2 chuyên đề Triển lãm Gốm Champa và triển lãm ảnh kết nối Đền tháp Champa Nam Trung Bộ.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Anh chàng lạ lùng 20 năm mất ăn mất ngủ nhặt về vạn món gốm cổ tiền tỉ

BẢO TRUNG - CUNG HUYỀN |

Mất hơn 20 năm sưu tầm cổ vật, anh Thông đã có một bộ sưu tầm cổ vật hơn 1 vạn món. Có nhiều đại gia ngỏ lời hỏi mua lại một số món nhưng anh Thông chẳng muốn bán cho ai bởi vì mỗi món cổ vật gắn liền với một kỷ niệm trong cuộc đời anh...

Cận cảnh ngôi chùa có tháp bằng gốm cao nhất Việt Nam

Theo PLO.vn |

Chùa Viên Giác, tọa lạc tại số 193 Bùi Thị Xuân (quận Tân Bình, TP HCM) được xây dựng vào năm 1955. Ngôi chùa nổi bật với tháp thờ Xá lợi Phật được làm hoàn toàn bằng gốm sứ.

Triển lãm gốm cổ Champa Bình Định: Nhiều góc nhìn về các đền tháp Champa

HOÀNG VINH |

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa tổ chức trưng bày 2 chuyên đề Triển lãm Gốm Champa và triển lãm ảnh kết nối Đền tháp Champa Nam Trung Bộ.