Phân loại phim thêm 2 mức 13+ và 18+: Vừa mở, vừa chặt hơn

VIỆT VĂN - LINH PHƯƠNG |

Từ 1.1.2017, bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi vừa được Bộ VHTTDL thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Việc áp dụng này giúp các nhà làm phim Việt tự do hơn trong việc sản xuất nhiều hơn các thể loại phim kinh dị, phim “nóng”... khi dán mác 13+ đến 18+. Tuy nhiên, các hành động bạo lực, sex hay ngôn ngữ thô tục, phản cảm cũng sẽ được hạn chế, trong khuôn khổ nhất định.
“Mở” hơn cho người làm phim

Việc áp dụng bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm 4 mức: P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18).

Theo đó, phim C13 là những phim phản ánh những vấn đề khiến nhận thức, cảm xúc của khán giả ở lứa tuổi dưới 13 bị lệch lạc, tâm lý bị xáo trộn hoặc rơi vào tình trạng lo sợ, bi quan, buồn chán. Phim C16 phản ánh sâu hơn những vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của khán giả dưới 16 tuổi. Phim C18 phản ánh những vấn đề của người trưởng thành, liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của khán giả dưới 18 tuổi.

Nếu “Bệnh viện ma” mà phát hành năm 2017 chắc sẽ được dán nhãn +13? Ảnh: TL.

Phim dành cho 3 lứa tuổi này đều không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành động bạo lực như gây ra đau đớn, thương tích được miêu tả chi tiết, căng thẳng, thời lượng kéo dài... Không chấp nhận hình ảnh khỏa thân, trừ các trường hợp sau: Hình ảnh khỏa thân không trực diện phía trước, phía sau của phụ nữ không liên quan đến tình dục; hình ảnh khỏa thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe...; Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh hoạt động tình dục.

Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả chi tiết, diễn ra thường xuyên, có thời lượng kéo dài; không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện, trừ trường hợp phù hợp với nội dung phim nhằm mục đích phản đối, lên án…

Không chấp nhận việc sử dụng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh thô tục, trừ trường hợp sử dụng một số từ chửi thề, tiếng lóng của các nhân vật phản diện phù hợp với nội dung phim nhưng không tục tĩu, không làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng thường xuyên, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng đưa ra quy định với phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P) không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh uy hiếp, đe dọa người khác; Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hoạt động tình dục, sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện; thể hiện cảnh kinh dị, ngôn ngữ thô tục...

Phần đông các nhà sản xuất, đạo diễn đều ủng hộ việc phân loại phim và độ tuổi khán giả, vì có thể yên tâm đầu tư kinh phí hơn, thoải mái hơn khi sáng tạo nội dung, đỡ nỗi lo phim bị “cắt nát”, chỉnh sửa khi kiểm duyệt. Tuy nhiên, việc xét duyệt phim vẫn do hội đồng thẩm định quyết định, xem xét thế nào là “hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, tình dục… được thể hiện ở mức độ vừa phải và phù hợp với nội dung phim”, nên các phim kinh dị, phim nóng… được “mở” đến đâu vẫn là câu hỏi mở.

Chặt với người xem?

Để thực hiện việc dán nhãn phân loại phim theo lứa tuổi, Cục Điện ảnh đã yêu cầu các cơ sở phát hành, phổ biến phim thông báo công khai đến khán giả tại các rạp chiếu thông tin về phân loại phim cũng như cách thức kiểm soát, kiểm tra tuổi đối với khán giả vào xem phim.

CGV có động thái đầu tiên khi đăng thông báo trên trang Facebook: “Khán giả xem phim C13, C16, C18 cần mang theo giấy tờ tùy thân hoặc hình ảnh của giấy tờ tùy thân có ảnh nhận diện và ngày tháng năm sinh”. Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) sẽ dán thông báo về quy định mới, kết hợp tuyên truyền, vận động khán giả tự giác chấp hành. Trước đây, với quy định cũ, Trung tâm đã có thước đo chiều cao để kiểm soát khán giả, nhưng chỉ là tương đối, vì không thể kiểm soát được những trẻ 13-14 tuổi nhưng… lớn sớm, to cao không khác 17-18 tuổi.

Việc yêu cầu khán giả xem phim xuất trình chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân khiến nhiều người lo ngại sẽ gây khó dễ cho khán giả, làm rạp chiếu mất khách. Thực tế, theo quy định cũ, có rất nhiều phim 16+ nhưng việc kiểm soát tuổi của khán giả không được thực hiện chặt chẽ. Hiện tại, 13 phim đang chiếu rạp vẫn đang được phân loại theo tiêu chí cũ, có tới gần chục phim 16+, với những tên phim “có mùi” bạo lực, như “Liên minh sát thủ”, “Sát thủ bóng đêm”, “Thế giới ngầm - trận chiến đẫm máu” (Mỹ); “Biệt đội mãnh hổ” (Trung Quốc), nhưng cũng có những phim “hiền khô”, như các phim Việt “Ba vợ cưới vợ ba” và cả “Chạy đi rồi tính” cũng bị dán nhãn 16+ khiến diễn viên nhí vai Subin đã khóc nức nở trong buổi ra mắt phim vì không được vào xem phim mình đóng.

Nhiều khán giả mua vé cho hay họ không để ý phim mình xem có cấm khán giả dưới 16 tuổi hay không, thậm chí càng cấm càng gây tò mò và càng thích. Nhân viên các rạp chiếu thì cứ bán vé, chỉ khi nào “thấy nghi ngờ, người mua mặt non quá”… mới kiểm tra, nhưng hiếm thấy trường hợp nào bị yêu cầu trình chứng minh nhân dân hay phải ra về vì chưa đủ tuổi.

Vì thế, quy định mới vừa mở, vừa chặt cho tất cả, từ nhà làm phim, phòng chiếu tới khán giả, khi các nhà làm phim phấp phỏng không rõ được “mở” đến đâu, còn các rạp chiếu vẫn chờ hướng dẫn, chưa có biện pháp rốt ráo để kiểm soát độ tuổi khán giả, mà vẫn trông chờ chủ yếu ở ý thức, sự tự giác của người xem.

VIỆT VĂN - LINH PHƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.

Ông Park Hang-seo: Tôi sẽ là người hâm mộ nhiệt thành của đội tuyển Việt Nam

AN NGUYÊN |

Huấn luyện viên Park Hang-seo bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể giành chức vô địch AFF Cup 2022 và nói lời tạm biệt sau hành trình 5 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam.