Tấn Minh thường xuất hiện trên sân khấu như một... người hiền, từ cách anh bước ra chậm rãi (có phần thận trọng), động tác tay dè dặt, tiết chế, cả khi bị xúc động mạnh, đến cách anh nhả giọng, từ tốn, thủ thỉ, như đang kể chuyện, hơn là đang hát... “Người hiền” ấy, khi bước vào không gian âm nhạc của Phú Quang, lập tức có ngay một chỗ cho riêng mình. Tuy không là một chiếc ghế đập mắt như Ngọc Anh, Hồng Nhung..., nhưng với một số ca khúc, thiết tưởng không gì hợp hơn, vừa vặn hơn, là giao cho “người hiền”.
Nhạc Phú Quang thường được cho là dễ hát, nhưng để hát hợp, hát hay, lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và chủ yếu là giọng nữ. Hai giọng nam được cho là hợp nhất (Quang Lý, Tấn Minh) thì đều tình cờ là... “người hiền”. Nhưng Quang Lý hiền kiểu khác, ông thâm trầm, điềm đạm kiểu từng trải, hiểu đời và hẳn là đã ở vào cái ngưỡng nhìn mọi sự bằng con mắt độ lượng, bao dung. Còn Tấn Minh hiền kiểu một người ưa hành xử nhẹ nhàng, mực thước, không việc gì phải vội, phải hoắng, phải ồn... Không ngạc nhiên khi anh đã làm không chỉ “tròn vai” mà còn lặng lẽ đặt được dấu ấn riêng của mình lên những ca khúc như thể được “đo ni đóng giày” cho Tấn Minh vậy: Điều giản dị; Hà Nội và em khi thu chớm đông sang; Biển, nỗi nhớ và em; Gửi bạn nơi xa; Mẹ... Minh rất hợp với những từ khóa kiểu: “chớm”, “giản dị”, gửi mẹ, gửi bạn..., vì chất giọng tâm tình, thủ thỉ riêng có của anh. “Mẹ” của Tấn Minh khác với “Mẹ” của Tùng Dương là thế. Nếu như “Mẹ” của Tùng Dương hiện lên lộng lẫy như một bức tượng đài đẹp nhất về người phụ nữ trong biểu cảm nồng nàn riết róng của Dương thì “Mẹ” của Tấn Minh lại ấm áp và gần gũi như bao người mẹ khác trên đời qua giọng kể dịu dàng trìu mến của giọng ca “Cỏ mềm”.
Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ với người viết bài này: “Có lần tôi bảo với Tùng Dương và Thanh Lam rằng: Nhạc của chú có “điểm yếu” là khi hát phải… đứng trên mặt đất, thành ra nếu chừng nào các cháu bớt lên đồng thì chú mời...”. Tấn Minh không bị “dọa” thế, vì cách anh chọn luôn là... “đứng trên mặt đất”. Bài toán mà Minh hay tìm cách giải, đấy là tiết chế và kiểm soát.
Trau chuốt mà vẫn giản dị - đấy có lẽ là “đặc sản” ở Tấn Minh, trong cách anh chọn làm “một người kể chuyện nhẹ nhàng và thủ thỉ”. Hát Đỗ Bảo hay Phú Quang, vì vậy, anh đều lựa cách hát nhỏ, như anh từng tâm sự với người viết bài: “Tới nỗi, có lúc tôi hơi lo không biết khán giả ở dưới có nghe rõ không, có thích không. Chỉ biết là lúc ấy mình thấy rõ… tay mình nổi da gà. Quả thực là trong nghề này, hát nhỏ mới là khó (trừ đôi lúc cũng cần phải hát to), khó hơn nghìn lần so với hát to. Trông thì nhẹ nhàng vậy thôi, nhưng thật ra khi hát nhỏ, chỉ có bạn mới cảm thấy cái bụng của mình như xoắn lại, quặn đau. Bởi nó phải nén chặt kinh khủng, thì mới nhả ra tơ được...”
Gần 30 năm trong nghề và tròn 25 năm đến với nhạc Phú Quang, hẳn Tấn Minh quá hiểu những gì anh có, khi bước vào không gian đó: “Trước khi được chú Quang chủ động gọi mời tham gia chương trình lần đầu vào năm 1993, tôi cũng đã từng “lén lút” tập và hát nhạc Phú Quang, vì nhạc của chú có những quãng rất hợp với giọng của tôi. Tới lúc nghe tôi hát thử, chú gật gù bảo “Mày hiểu chú đấy!...”. Thấm thoắt thế mà đã 25 năm song hành, gần như show nào chú cũng gọi mời, thậm chí có show còn được giao hát ca khúc chủ đề, như “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”...”.
“Hà Nội và em khi thu chớm đông sang” gần như được trao vào tay Tấn Minh đầu tiên, khi hẳn là không ai trong số các giọng ca ruột của Phú Quang có thể hợp hơn anh. Bởi trước hết, nó là chân dung của một “người hiền”, trong một cái kết buồn nhưng đẹp của một người đàn ông đủ yêu mến bao dung để chọn cho mình một cách “ra đi nhẹ gọn”, “để tránh cho em bớt một lời chào/ Và bớt cho đời một chút gió lao xao…”. Ca khúc có cái tựa dài nhất và ca từ ngắn nhất của Phú Quang, nhưng để nói ra được một cách “gọn nhẹ”, lại cần đến cả một sự tiết chế cao độ, như chính cách người đàn ông trong bài hát đã kìm nén nỗi tổn thương sâu sắc của mình. Tấn Minh đủ ân cần để nói ra điều ấy.
Tấn Minh bảo, điều anh thích nhất ở nhạc Phú Quang là “Cái khắc khoải, mãnh liệt, nhưng không bế tắc. Đau đớn mấy cũng tìm ra lối thoát”. Tính cách sẵn có là một phần, giọng ca “Điều giản dị” nói rằng anh còn học được từ âm nhạc Phú Quang “cách ra đi nhẹ gọn”.
Khi được hỏi về câu chuyện “Ngọc Anh hét giá cát sê” với tác giả “Romance 2”, anh từ chối bình luận và chỉ nói lên quan điểm riêng của mình: “Điều tôi quan tâm nhất ở chú Quang lúc này là mong chú có đủ sức khỏe để viết thêm vài bài mới, chú vui, mà mình cũng được vui, nền âm nhạc cũng được nhờ... Gần đây thấy chú có vẻ yếu hơn, thực sự là tôi rất lo cho chú. Còn thì, có rất nhiều chỗ để mình cân đo đong đếm, biết thế nào là đủ...”