Kim Tử Long là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Việt Nam. Anh từng đoạt giải "Đôi diễn viên được yêu thích nhất" năm 1994 (cùng nghệ sĩ Ngọc Huyền), Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995, Gương mặt nghệ sĩ tài hoa năm 2000, giải Mai Vàng 2003...
Nhiều năm hoạt động trong nghề, Kim Tử Long hoạt động đa năng khi không chỉ hát, diễn cải lương mà còn đóng góp cho tân nhạc Việt Nam.
NSƯT Kim Tử Long vừa chia sẻ về con đường đến với nghệ thuật của mình.
Anh cho biết, năm anh học lớp 10, anh thường qua nhà của em trai NSND Minh Vương chơi, nghe các em trai của Minh Vương hát vọng cổ quá hay nên anh bắt đầu yêu thích, dù trước đó chưa biết cải lương là gì.
Sau những lần đi xem NSND Minh Vương hát ở rạp Lao Động, anh “ghiền” luôn cải lương. Những câu vọng cổ đầu tiên của anh cũng là do em trai của NSND Minh Vương chỉ dạy.
Cũng vì quá mê hát nên Kim Tử Long thường xuyên trốn học để đi hát đám tiệc. Tuy “cát-xê” lúc đó chỉ đủ mua tô phở nhưng nó lại là niềm vui rất lớn với anh. Song, vì trốn học quá nhiều nên cô giáo chủ nhiệm đã báo với ba mẹ của Kim Tử Long. Kết quả là anh lãnh một trận đòn từ ba.
Kim Tử Long cho biết, ba của anh là người miền Bắc, ông không thích cải lương nên cực lực phản đối việc con trai mê hát bỏ học. Để ba vui lòng, anh đi học trở lại, nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến ca hát.
Không còn học lóm từ em trai của NSND Minh Vương nữa, anh lén ba mẹ đi học hát cải lương ở nhà thầy Út Trong – người Thầy của rất nhiều nghệ sĩ tài danh như: Út Bạch Lan, Thanh Nga, Hữu Phước, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh...
Mặc dù gia đình thuộc hàng khá giả, nhưng do học lén nên Kim Tử Long đã nghĩ ra việc đi bán bánh in để có tiền đóng học phí.
Mỗi mâm bánh có giá vốn là 10 ngàn đồng, nếu bán hết thì anh lời được 10 ngàn đồng. Tuy nhiên, “công việc kinh doanh” của anh không được suôn sẻ lắm.
Trong một lần bưng bánh đi bán ngang cầu chữ Y (TPHCM), ngay lúc trời chuyển mưa, để bánh không bị ướt, anh đội bánh chạy thật nhanh. Một cơn gió thổi qua, mâm bánh bay hết xuống sông. Kết quả là anh mất luôn cả vốn.
Sau lần kinh doanh thất bại này, anh lại bị ba phát hiện và ông đã có một buổi nói chuyện “nghiêm túc” với con trai.
Ông hỏi một lần nữa là giữa việc học và hát, anh chọn cái nào. Anh vẫn kiên định chọn hát. Trước sự kiên định của Kim Tử Long, ông đã đồng ý cho anh thi vào trường Đào tạo diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang khóa 2, cùng khóa với Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Quang Châu, Tô Châu... Trong gần 1.000 thí sinh, anh lại đậu với điểm cao nhất.
Trong trường, Kim Tử Long được NSND Phùng Há cùng các thầy cô dạy dỗ và giúp đỡ rất nhiều. Nghệ danh Kim Tử Long - con rồng vàng nhỏ bay trong bầu trời nghệ thuật - của anh cũng do nghệ sĩ Phùng Há đặt cho.
Sau 4 năm khổ luyện, Kim Tử Long thi tốt nghiệp với vai anh hề trong vở "Nàng tiên mẫu đơn".
Ngoài cố NSND Phùng Há, cố đạo diễn Đoàn Bá cũng là người mà Kim Tử Long vô cùng biết ơn. Anh kể năm đó, đạo diễn Đoàn Bá đang là Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang và nghệ sĩ Minh Phụng đang là kép chính của đoàn Trần Hữu Trang 1.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc ký kết hợp đồng của nghệ sĩ Minh Phụng và đoàn hát không thành, chính vì vậy cần có một kép chính khác thay thế. Trong buổi họp đoàn, giữa rất nhiều lựa chọn, đạo diễn Đoàn Bá đã chỉ vào Kim Tử Long và chọn anh.
Sau đoàn Trần Hữu Trang, Kim Tử Long chuyển sang cộng tác với nhiều đoàn cải lương khác như Minh Tơ, Huỳnh Long…
Năm 1991, giải thưởng Trần Hữu Trang mùa đầu tiên diễn ra. Kết quả được trao cho 6 nghệ sĩ gồm: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền.
Lúc đó, Kim Tử Long rất buồn vì không có tên mình. Nhưng giải thưởng Trần Hữu Trang năm 1992 đã gọi tên anh (cùng với 4 nghệ sĩ nữ là: Cẩm Thu, Phượng Hằng, Thoại Mỹ, Vân Hà).
Năm 1994 là thời hoàng kim của thể loại video cải lương. Lúc đó, lịch quay của Kim Tử Long kín mít đến mức mỗi ngày của anh đều chỉ xoay quanh 2 việc: đi quay xong về ngủ, ngủ dậy tiếp tục đi quay.