NSND Sỹ Tiến: Người tận hiến

Vi Vi |

Câu nói bất hủ được truyền tụng của NSND Sỹ Tiến: "Nếu ta chết, đừng chôn ta! Hãy căng da ta lên mặt trống, để ta được gần sân khấu đêm ngày!". Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 (19.5.2012) bởi những công trình nghiên cứu và kịch bản cải lương có giá trị xuất sắc.

1. Sỹ Tiến (1916 - 1982) mất sớm vì sinh nghề tử nghiệp. Những lần chế thuốc giả làm máu đỏ theo bí quyết một người Hoa cùng phố truyền cho, uống vào từ chiều, để tối đến vừa thoại vừa hát, 3 lần thổ huyết đã làm nên một Chu Du có một không hai trong lịch sử sân khấu Việt Nam, khiến ông mắc bệnh dạ dày nặng và qua đời ở tuổi 66. Đến ngày cuối đời ông vẫn đau đáu nghề.

Ông bị tai biến vì huyết áp cao, mà chợt bừng dậy sinh khí, minh mẫn lạ thường, nhớ từng câu thoại lời ca của các vở diễn ông viết từ thời trai trẻ. Người cuối cùng ông gặp trước khi từ trần là nghệ sĩ ngôi sao - bà bầu lừng danh Kim Chung (chị ruột NSƯT Tiêu Lang - nổi tiếng vai Kim Trọng cùng vợ là Kim Xuân vai Thúy Kiều trong vở Kiều của Sỹ Tiến, thân sinh của NSND Như Quỳnh). Kim Chung (1923 - 2008) và chồng là ông bầu Long (Trần Viết Long) là người lập ra Đoàn Cải lương Chuông vàng tại Hà Nội và trước 1954 vào Sài Gòn lập Công ty với 7 đoàn Kim Chung nức tiếng. Bà đã dàn dựng và biểu diễn vở Mạc Tuyết Lan của Sỹ Tiến rất thành công tại Paris năm 1982.

Sỹ Tiến thiệt thòi cả cuộc đời. Vợ chồng ông đều sinh ra ở phố cổ Hà Nội và gắn bó nhiều năm cuộc đời với nơi này. Sinh ra và lớn lên trên phố Đào Duy Từ nơi trung tâm rạp hát - ăn chơi của Hà thành (anh ruột là kép tuồng Hoa Ngân - Nguyễn Xuân Ngân - đã mất trên sân khấu khi đóng vai chính trong vở "Tử vi thu bạch trạch", làm con rắn ngậm pháo sáng ở miệng để câu khách, ngờ đâu pháo chạy hậu, ộc máu mà qua đời), anh em Sỹ Tiến (Nguyễn Xuân Kim), Sỹ Hùng (Nguyễn Xuân Ngọc) từ nhỏ đã thích đàn hát.

Mới lên 8 tuổi, cậu bé Kim đã trốn nhà lên tàu vào Nam. Kim gia nhập một gánh xiếc ở Huế, vai một chú bé đi xe đạp. Rồi từ đây, chỉ với cái bánh đa và uống nước lã đi bộ vượt đèo Hải Vân, xuyên Việt học nghề kịch hát. Thời thiếu niên thanh niên bôn ba, chàng Kim đẹp trai sáng dạ được lòng rất nhiều bầu gánh, được gặp, học hỏi giao du và là bạn của nhiều nghệ sỹ thượng thặng. Hiếm có, nếu như không nói là chẳng có ai từ đất Bắc vào Kinh đô cải lương mà lại thành ngôi sao như Sỹ Tiến.

Ông còn làm ký giả kịch trường. Những vốn sống sinh động và kỷ niệm quý báu được ông viết trong cuốn Những mảnh tình nghệ sĩ (NXB Giang Sơn 1952, NXB Tổng hợp TPHCM 1984) khiến độc giả ngưỡng mộ và xúc động. Ông không biết đi xe đạp, xe máy, bàn chân bộ hành khắp Việt Nam, bàn chân quen từng ngả đường Hà Nội để gặp gỡ bạn bè, lấy tư liệu gần xa. Sinh nhật tuổi 60 của ông làm sớm một năm, cuộc hội tụ ngày 16.3.1975 với biết bao những người bạn mà chỉ nhắc tên đã thấy ông giàu có thế nào (giàu vì bạn).

Sổ lưu niệm gia đình vẫn còn lưu bút của những: Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Hoàng Quốc Việt, Trần Văn Giàu, Xích Điểu, Hoa Bằng, Ái Liên (mẹ của danh ca Ái Vân), Trà Giang. Đặc biệt, NSND Thế Lữ (1907 - 1989, thân phụ của NSND Nguyễn Đình Nghi) - người bạn vong niên hơn 9 tuổi đã chép tặng Sỹ Tiến một đoạn thoại trong vở "An Lộc Sơn" để nhớ vai diễn ấn tượng của bạn mình thời trẻ. Lên kép chính giữa đất Sài Gòn khi mới 18 tuổi với vai Ngũ Tử Tư; sau 1954, Sỹ Tiến là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Ca kịch Thủ đô (tương đương Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội ngày nay). Ông tự học và sở hữu một kiến văn uyên bác. Qua tuổi 60, ông vẫn được Bộ Văn hóa trọng dụng mời làm chuyên viên nghiên cứu tại Viện Văn hóa nghệ thuật. Ông chưa từng được phân nhà, chưa bao giờ được đi nước ngoài. Cả đời tận hiến, không một ngày được hưởng thụ, nghỉ ngơi. Sỹ Tiến là nghệ sĩ cải lương duy nhất của miền Bắc được phong danh hiệu NSND đợt đầu tiên (1984, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký) cùng đợt với người bạn - đạo diễn Phạm Văn Khoa (1914 - 1992) - người làm điện ảnh từ thời kháng chiến ở Đồi Cọ - Việt Bắc. Danh hiệu cao quý ấy là truy tặng, bởi Sỹ Tiến mất từ 1982. Ba mươi năm sau khi qua đời, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

2. "Sỹ Tiến là người bạn hầu như suốt cuộc đời của tôi. Sỹ Tiến, đồng niên nhưng lại mất sớm trước tôi gần 40 năm. Cuộc đời ông chịu nhiều thiệt thòi, bị kẻ tham chiếm bản quyền vở "Kiều" mà ra đi trong uất nghẹn. Nhưng vở cải lương "Kiều" là của Sỹ Tiến, vẫn có tôi và nhiều nghệ sĩ là nhân chứng. Sỹ Tiến là người đầu tiên đưa kiệt tác của Nguyễn Du lên sân khấu. Trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam, Sỹ Tiến - là ngôi sao sáng trong những ngôi sao sáng nhất, là bậc thầy của những người thầy kịch hát" - theo GS, AHLĐ Vũ Khiêu.

"Hằng năm, cả nước giỗ Tổ sân khấu ngày 12.8 Nguyệt lịch. Với tôi ông Tổ chẳng phải ai xa xôi, mà chính là ông Tổ Cải lương miền Bắc Sỹ Tiến. Tôi không tìm thấy ai đẹp về dung mạo, tâm hồn, toàn năng như ông trong nền sân khấu Việt Nam. Năm 1995, Nhà hát Cải lương Hà Nội đưa vở "Kiều" của Sỹ Tiến sang diễn tại Geneve Thụy Sỹ, vở diễn thành công đến mức Thị trưởng thành phố mời chúng tôi vào Tòa Thị chính chiêu đãi và mời ở lại diễn dài ngày. Nhiều nghệ sĩ tham gia vở là học trò, thành công - được danh hiệu cao quý là nhờ đóng nhân vật trong vở này. Gia đình tôi là hàng xóm của ông tổ cải lương trên phố Lương Ngọc Quyến, NSND Sỹ Tiến ở nhà số 24, còn gia đình tôi đang sống ở số nhà 34 phố này. Là nhạc công, tôi rất phấn khích mỗi lần chơi nhạc cho vở Kiều, hòa nhịp cảm hứng với các nghệ sĩ hát, diễn. Sỹ Tiến vẫn sống trong nỗi nhớ của lớp đồng nghiệp con cháu. Nhớ tới ông như một hình mẫu lý tưởng để ước mơ có thêm người như thế (dù rất khó và phấn đấu được phần nào như ông). Những lời nói, căn dặn và nhân cách lớn của một nghệ sĩ lớn vẫn sống động trong giới nghề, không chỉ qua chuyện kể, mà là những dấu ấn vở diễn, vai diễn. Tôi vẫn còn thuộc những câu thoại bằng thơ trong vở "Kiều" phải nói là quá hay và sâu sắc. Tôi được biết, nhiều nghệ sĩ lớp trước không đóng cũng thuộc lời thơ của những vở tuyệt vời mà Sỹ Tiến là tác giả và đạo diễn” - NSND Đào Văn Trung (nhạc công Violin).

Sỹ Tiến, nghệ sĩ nổi tiếng, con chim đầu đàn, cây cổ thụ của cải lương Hà Nội nói riêng và cải lương Bắc nói chung, là tư cách diễn viên, tư cách đạo diễn và tư cách tác giả. Đáng nói là, ở lĩnh vực nào, đề tài nào ông cũng để lại dấu vết của tầm hiểu biết rộng, sâu, một phẩm chất quan trọng của nhà văn hóa. Điều đó thể hiện trên các trang viết văn học, trong các cảnh dàn dựng (mise en scene) sân khấu của Sỹ Tiến. Sỹ Tiến diễn viên, Sỹ Tiến đạo diễn, Sỹ Tiến tác giả thì đã quá lừng danh. Nhưng Sỹ Tiến nhà nghiên cứu lý luận thì hậu bối ít biết đến. Tôi đã từng nói về tư cách này trong bài viết: Sỹ Tiến và công trình nghiên cứu "Bước đầu tìm hiểu sân khấu Cải lương". Không chỉ thông hiểu âm nhạc, ông còn biết chơi nhiều nhạc cụ: Đàn nguyệt, đàn nhị, đàn kìm, guitar phím lõm. Sỹ Tiến đã viết "Hướng dẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc", "Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu thủ đô" - vẫn còn giá trị lớn đến hôm nay.

Bên cạnh việc đi sâu vào nghệ thuật cải lương với hai chiều lịch đại (diachronique) và đồng đại (synchronique), Sỹ Tiến đã mở rộng tầm kiến thức của mình ra bề rộng về lý luận kịch nói chung, thi pháp kịch nói riêng. Với trình độ tiếng Pháp thông thạo, Sỹ Tiến đã nghiên cứu các công trình lý luận có giá trị ở tầm cỡ thế giới về nghệ thuật kịch và nghệ thuật sân khấu.

Nhà nghiên cứu, PGS Tất Thắng đã giành những lời trân trọng cho bậc tiền bối đại thụ Sỹ Tiến: "Bởi thế cho nên tôi luôn coi Sỹ Tiến là nhà văn hóa sân khấu. Ông là một nghệ sĩ lớn, hiếm có về tài năng và đức độ, đã cống hiến cho sân khấu Việt Nam thế kỷ 20 trên nhiều vai trò đều ở đỉnh cao: Diễn viên, tác giả, đạo diễn, nhà giáo (người thày), nhà nghiên cứu. "Dị nhân" Sỹ Tiến sở hữu tâm hồn lớn, nhân cách lớn, trái tim bác ái, giàu hi sinh, luôn vì người khác nên có nhiều người bạn là các nhà văn, nhạc sĩ nhà văn hóa lớn của thời đại và họ đều tự hào về ông. Người NSND tài hoa xuất chúng luôn luôn tạo nên những phút giây kì diệu, nói theo một câu thơ nổi tiếng của đại thi hào Nga A.Puskin, những điểm lấp lánh (brillant) trong vai diễn khi là diễn viên, trong vở diễn khi là đạo diễn, trong kịch bản khi là tác giả, và trong cả công trình học thuật khi là nhà nghiên cứu lý luận vẫn còn bền sáng với những dẫn chứng, hình mẫu kinh điển".

Vi Vi
TIN LIÊN QUAN

Khám phá du lịch, văn hóa Tây Ninh ngay tại Hà Nội

HOÀI ANH |

Chương trình “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 27 đến 29.9 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tăng tỷ lệ chiếu phim Việt: Có phải “Nhiệm vụ bất khả thi”?

VIỆT VĂN |

Để phim Việt không “thua trên sân nhà”, để tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh, tạo cho điện ảnh Việt Nam cơ chế và điều kiện phát triển thì một trong những điểm quan trọng được đề ra trong góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là tăng tỉ lệ chiếu phim Việt chiếu rạp. Nhiều câu hỏi đặt ra như làm sao số lượng phim Việt sản xuất ra đủ cầu? Và chất lượng phim Việt liệu có đảm bảo đủ sức cạnh tranh phim ngoại?

26 di sản văn hoá được UNESCO ghi danh trong vòng 10 năm

Linh Chi |

Việc thực hiện tiêu chí 16 về văn hoá trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa góp phần giáo dục truyền thống. Giai đoạn 2010 -2019 đã có 26 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Khám phá du lịch, văn hóa Tây Ninh ngay tại Hà Nội

HOÀI ANH |

Chương trình “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 27 đến 29.9 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tăng tỷ lệ chiếu phim Việt: Có phải “Nhiệm vụ bất khả thi”?

VIỆT VĂN |

Để phim Việt không “thua trên sân nhà”, để tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh, tạo cho điện ảnh Việt Nam cơ chế và điều kiện phát triển thì một trong những điểm quan trọng được đề ra trong góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là tăng tỉ lệ chiếu phim Việt chiếu rạp. Nhiều câu hỏi đặt ra như làm sao số lượng phim Việt sản xuất ra đủ cầu? Và chất lượng phim Việt liệu có đảm bảo đủ sức cạnh tranh phim ngoại?

26 di sản văn hoá được UNESCO ghi danh trong vòng 10 năm

Linh Chi |

Việc thực hiện tiêu chí 16 về văn hoá trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa góp phần giáo dục truyền thống. Giai đoạn 2010 -2019 đã có 26 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh.