Nhà văn Sunethra: “Tôi sẽ đưa Kim Lân vào sách của mình”

Di Li |

Nữ nhà văn Sunethra Rajakarunanayake (Sri Lanka) đã có ba tháng ở lại Việt Nam và đầu tháng 12.2016, Đại sứ quán Sri Lanka đã tổ chức một buổi tọa đàm văn học Sri Lanka và một đêm thơ cho tác giả Sunethra. Sunethra là một trong những nhà văn hàng đầu của Sri Lanka và sách của bà được nằm trong danh mục sách cần đọc của tất cả các trường đại học ở Sri Lanka. Trong thời gian lưu lại Hà Nội, các tác phẩm của bà đã được dịch và in rải rác trên nhiều tờ báo Việt Nam. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn nhà văn nhân dịp này.
Bà đã có tới 43 đầu sách được phát hành. Những tác phẩm này đã được viết trong thời gian nào vậy thưa nhà văn?
- Từ nhỏ tôi đã là loại mọt sách. Nếu vớ được một tờ báo thì tôi sẽ đọc tất cả các chuyên mục trong đó từ trên xuống dưới kể cả quảng cáo. Hồi 8 tuổi, sống ở vùng sâu vùng xa nhưng tôi đã ngốn hết tất cả các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thời bấy giờ. Tôi cũng bắt đầu sáng tác thơ, nhạc, kịch sân khấu và văn xuôi khi còn rất nhỏ. Để xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, tôi đã phải bán đi chiếc xe của mình, tuy nhiên cuốn sách đã được tiêu thụ hết trong vòng ba tháng mà không cần tới bất kỳ một sự quảng cáo nào.
Sau đó, tôi được mời vào làm cho một chương trình phát thanh thường xuyên. Kể từ đó, bỗng dưng cuộc sống của tôi trở nên bận rộn với các hãng phát thanh, truyền hình, xưởng phim truyền hình, các ban giám khảo phim và nhiều hoạt động xã hội, văn học khác. Tôi còn phụ trách chuyên mục cho hai tờ báo có ấn bản lớn. Vì vậy, tôi không còn nhiều thời gian để dành cho việc sáng tác tiểu thuyết nữa. Mãi đến giữa những năm 90 thì cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi mới ra đời. Nó cũng đã được bán hết nhanh chóng và sau đó mọi thứ đều trở nên dễ dàng.
Vậy là bà luôn được các nhà phê bình ưu ái?
- Không, tôi cũng nhận được những lời đánh giá tiêu cực từ một số nhà phê bình vì nhiều quan điểm triết học Phật giáo của tôi và ý tưởng hòa giải chính trị không phù hợp với quan điểm của họ. Mỗi một giải thưởng đều mang lại cho tôi những vấn đề khó khăn sau đó.
ậy làm thế nào để bà vượt qua được tất cả những điều đó?
- Ồ, điều quan trọng nhất đối với một nhà văn là độc giả. Tôi có một lượng độc giả trung thành và một nhà xuất bản trung thực không bao giờ lừa dối tác giả về vấn đề bản quyền. Sáng tác liên tục và giành được nhiều giải thưởng, đó là điều khiến tôi vượt qua được mọi định kiến của giới phê bình.
Trong số những cuốn sách được giải của bà, có cuốn viết bằng tiếng Sinhala (ngôn ngữ phổ biến nhất của Sri Lanka) và nhiều cuốn viết bằng tiếng Anh. Có gì khác nhau giữa việc sáng tác song ngữ không, thưa nhà văn?
- Không khác nhau nhiều đâu vì tôi luôn phải dùng song song hai thứ tiếng trong vai trò là một biên tập viên và một chuyên gia tư vấn truyền thông. Ngôn ngữ giao tiếp khi còn học ở trường cũng là tiếng Anh. Cha mẹ tôi cũng biết tiếng Anh. Năm tôi vào lớp hai, trường học của tôi được chuyển giao cho chính phủ quản lý, vì vậy tôi buộc phải học bằng tiếng Sinhala, và tôi coi đó là một may mắn của mình. Rất nhiều sinh viên ở thế hệ tôi khi tốt nghiệp chỉ biết mỗi tiếng Sinhala hoặc Tamil.
Nhưng trong các thư viện trường thì không có nhiều sách bằng tiếng Sinhala, vì vậy tôi bắt đầu đọc sách viết bằng tiếng Anh, đơn giản chỉ vì tôi không thể sống mà thiếu việc đọc. Hồi ấy thì truyền hình cũng còn chưa có. Thậm chí chiếc radio chạy bằng pin của nhà tôi không phải lúc nào cũng hoạt động. Nên việc đọc sách đã thay thế tất cả các thông tin nghe nhìn khác.
Có một ngày tôi cũng ngạc nhiên khi nhận ra rằng mình có thể đồng thời viết bằng cả hai thứ tiếng. Tôi sáng tác những bài thơ, bài hát đầu tiên bằng tiếng Sinhala khi mới 9 tuổi, và sáng tác vở kịch sân khấu tiếng Sinhala đầu tay năm 11 tuổi. Nhưng mãi đến năm mười tám đôi mươi mới sáng tác thơ bằng tiếng Anh. Sau đó tôi làm việc cho một tờ báo tiếng Anh và năm 32 tuổi thì phát hành tập truyện ngắn bằng tiếng Anh đầu tiên.
Giờ thì tôi không cảm thấy sự khác biệt gì mấy giữa hai ngôn ngữ. Khi tôi theo học ngành báo chí ở Trường Đại học Berkeley, California năm 1994, tôi đã có thể đọc thơ của mình bằng tiếng Anh. Nhưng sách bằng tiếng Anh không có thị trường ở Sri Lanka và tôi chẳng thể bán quá 1.000 ấn bản cho mỗi đầu sách. Vì thế tôi chủ yếu viết tiểu thuyết bằng tiếng Sinhala. Như vậy nó có thể được tái bản nhiều lần hơn. Tôi cũng nghĩ việc nắm vững tiếng mẹ đẻ là rất quan trọng vì như thế ta có thể lắng nghe được nhịp đập của chính quê hương mình.
Trước giờ người Việt ít có thông tin về văn học Sri Lanka và ngược lại người Sri Lanka cũng vậy. Và bà thì đã đọc cả nhà văn Kim Lân. Bà tìm thấy ông ở đâu vậy?
- Tôi đọc được một truyện ngắn của ông in trong tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đã được dịch sang tiếng Anh và phát hành từ năm 1976. Tôi tìm thấy cuốn sách này trên giá sách nhà Đại sứ Sri Lanka ở Việt Nam, một người bạn thân thiết của tôi. Hóa ra đấy là một món quà tặng mà cha chị ấy đã tặng cho mẹ của chị. Có lần tôi đến thăm Việt phủ Thành Chương và tình cờ phát hiện ra chủ nhân của Việt phủ chính là con trai của nhà văn Kim Lân khi tìm thấy tên của nhà văn ở đấy.
Sau đó tôi đã xin phép gia chủ để được dịch truyện ngắn “Vợ nhặt” sang tiếng Sinhala. Họa sĩ Thành Chương cũng rất kinh ngạc vì anh không biết có cuốn sách đó bằng tiếng Anh. Điều đó chứng tỏ rằng những nhà văn thực sự không bao giờ chết. Họ luôn chạm vào trái tim của nhiều người khác dù độc giả có ở xa đến tận đâu. Tôi cũng muốn dịch thêm một số truyện ngắn trong đó nữa cũng như các truyện tôi đã đọc trên Vietnam News nhưng chưa biết cách làm thế nào để xin bản quyền.
Ngoài Kim Lân ra thì bà còn biết thêm tác giả nào của Việt Nam nữa không?
- Tôi vẫn đang đọc những tác giả quan trọng nhất của Việt Nam. Tất nhiên độc giả nước ngoài thì chỉ đọc được bản tiếng Anh mà thôi. Nhưng vẫn còn rất nhiều tác phẩm hay khác chưa được dịch sang tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, vì vậy vốn văn học Việt Nam của tôi cũng vẫn còn rất hạn chế, đành vậy. Tôi mới chỉ đọc vài cuốn sách văn học Việt bằng tiếng Anh nên việc đưa ra một cái nhìn tổng quát nào đó về nền văn học của các bạn sẽ là không chính xác.
Tôi cũng đã dịch bài thơ “Mây và bông” của tác giả Ngô Văn Phú sang tiếng Sinhala và dự định sẽ in trong cuốn sách viết về Việt Nam của tôi. Tôi cũng rất thích các bài thơ cổ của Việt Nam và đang tìm kiếm các bài thơ đương đại để đọc, nhưng dịch thơ sang một ngôn ngữ khác cũng thực sự khó, khó hơn là dịch truyện.
Bà đang viết một cuốn sách về Việt Nam ư? Điều gì khiến bà viết về đất nước của chúng tôi vậy?
- Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội là những ngôi nhà ba, bốn tầng hình ống với trụ cột lớn và ban công. Chúng xếp vào nhau như một bức tranh ký họa nhiều màu sắc. Tôi cũng quan sát những phụ nữ đội nón lá đi xe đạp chở đồ rất nặng. Tôi đã biết về quá khứ nặng nề của Việt Nam nên không hề nghĩ rằng người Việt lại thân thiện và luôn mỉm cười như vậy. Họ mang lại cho tôi cảm giác thân thiện vào mỗi buổi sáng tôi dạo bộ quanh hồ.
Đại sứ của chúng tôi cũng giới thiệu tôi với rất nhiều người thú vị. Vì vậy, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của tôi với những người Sri Lanka trong cuốn sách tiếp theo của mình. Tôi cũng hy vọng sẽ đưa truyện ngắn của Kim Lân và một, hai truyện của các nhà văn trẻ vào cuốn sách đó. Đó là một cuốn sách du ký viết về những nơi tôi đã thấy và những người tôi gặp ở Hà Nội. Hà Nội chưa thực sự giàu có hoặc sang trọng nhưng trong tương lai, Hà Nội sẽ xếp ngang hàng với các thành phố lớn khác trên thế giới. Song tôi hy vọng, đến lúc ấy Hà Nội vẫn sẽ giữ được nét duyên dáng giản dị này.
Tôi cũng thích cái cách người Việt Nam sống và làm nghệ thuật mà không hề than vãn về quá khứ. Hầu hết người Sri Lanka đều biết đến cuộc chiến tranh Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng một cuốn sách bằng tiếng Sinhala sẽ truyền tải thêm hình ảnh về người Hà Nội trong tâm trí tôi.
Sunethra Rajakarunanayake (1954) là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu nhất của văn học Sri Lanka. Bà cũng đồng thời là nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình, dịch giả, giáo viên dạy thiền và là tác giả của hơn 30 cuốn sách. Sunethra là nhà văn cả trong nghề nghiệp lẫn đời thực. Bà từng nói rằng: “Chính sự xáo trộn trong cuộc sống của tôi đã tự chuyển hóa thành vần điệu khi tôi sáng tác”. Những áng văn của bà hé lộ sự nhạy cảm của tác giả đối với những chủ đề đa dạng: Từ những giấc mơ thơ ấu, những chấn thương tuổi dậy thì cho đến sự lãng mạn của tuổi trẻ, sự vỡ mộng của người trưởng thành cho đến những biến động của đất nước và sự lung lay trong chính trị. Sunethra được người Sri Lanka biết đến như một phụ nữ cấp tiến, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, có nhiều thời gian làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên tâm hồn vẫn cắm rễ với quê hương, làng mạc. Sunethra được lòng cả giới học thuật hàn lâm lẫn độc giả bình dân. Tập truyện ngắn “Thời đại hoàng kim” của bà được Giải thưởng Văn học quốc gia năm 1999. Năm 2000, bà liên tiếp nhận thêm giải thưởng văn học quốc gia lần thứ hai cho cuốn tiểu thuyết “Ridi Thiranganavi”. Bà cũng đoạt hai giải Sách Vàng năm 2009 và 2011 (là người đầu tiên hai lần giành được giải thưởng này).
Di Li
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.