Hành vi vi phạm đầu tiên là bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến. Bởi thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi đối với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chia sẻ về sách lậu nói chung trong trường hợp này, và gọi đó là tình cảnh “dở khóc dở cười” mà không một nhà văn nào muốn trải qua.
Sách giả làm lu mờ vẻ đẹp văn hóa
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, sách lậu làm lu mờ đi vẻ đẹp của đời sống tinh thần xã hội. Trong bối cảnh xuất bản đóng vai trò thiết yếu đối với đời sống văn hoá của mỗi quốc gia. Tầm quan trọng của nó đã vượt quá vai trò hạn chế về kinh tế, nhà văn tin rằng, sách giả sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến văn hóa, làm xấu hình ảnh của đất nước.
Điều này cũng làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, khi mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên nhiều năm với quy mô ngày càng lớn, các nhà đầu tư sẽ dè dặt để hợp tác. Ông cho rằng, khi một người nước ngoài đến Việt Nam mà họ biết rằng, sách giả đang hoành hành, thì cái nhìn thiện cảm của họ về quốc gia, dân tộc cũng sẽ vơi đi.
Nhà văn đã ví sách lậu như “một thứ virus liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, tinh thần của cộng đồng”. Ông nhấn mạnh, sách lậu gây ra thiệt hại cho độc giả nhỏ tuổi còn nguy hiểm hơn nhiều so với những thiệt hại về kinh tế.
Không nhân nhượng với nạn sách giả, sách lậu
Nhà văn chia sẻ câu chuyện về những lần ông và những độc giả nhỏ tuổi đối mặt với sách giả: “Các em đưa sách cho tôi ký tên nhưng nhận ra đó là sách giả, tôi đành lịch sự từ chối và nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu. Tác giả ký tên cho một cuốn sách lậu chẳng khác nào thừa nhận tính hợp pháp của nó, tuyệt nhiên trở thành đồng loại của những kẻ làm sách lậu” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói.
Nhà văn cũng nêu quan điểm và đề xuất các giải pháp làm thế nào để vấn nạn sách giả không còn là vấn đề nhức nhối. Theo ông, điều đầu tiên cần làm là tạo ra môi trường lành mạnh để các em luôn mua những cuốn sách thật, bởi vì chúng ta không thể nào xây dựng văn hóa đọc bằng cách bán càng nhiều sách giả, sách lậu. Ông nhấn mạnh văn hóa đọc không thể xây dựng trên nền tảng phản văn hóa.
Ông Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ thêm: “Theo tôi nghĩ, các cơ quan chức năng quản lý về kinh tế và văn hóa mới có đủ công cụ để trấn áp về nạn này, bởi vì không ai có thể chống giặc bằng tay không”.
Nhà văn cho rằng, các nhà thực thi luật pháp nghiêm minh hơn, có sự điều chỉnh tội danh, hình phạt đối với các đơn vị vi phạm sao cho đủ sức răn đe. Bởi vì "nếu chỉ phạt 30 triệu cho hành vi bất chính thu lợi tới 300 triệu hoặc nhiều hơn nữa thì con số nhỏ nhoi này giống như là khuyến khích hơn là hình phạt", ông bày tỏ.
Theo quan điểm của ông, cần có sự chung tay của toàn xã hội, kêu gọi nâng cao ý thức của cộng đồng nhưng vẫn trông chờ nhất là các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền.