Nhà văn Bảo Ninh: Tết, tôi yêu sự tĩnh lặng, sáng trong khác thường của Hà Nội

Hiền Hương thực hiện |

Rất khó để hẹn gặp nhà văn Bảo Ninh. Ông khiêm nhường và kiệm lời, từ chối những câu hỏi về bản thân. Chỉ đồng ý nói về Tết, về đời sống đang chảy của văn học đương thời, ông nói với sự tĩnh lặng, trầm mặc trong rất nhiều trăn trở.

“Hà Nội trong 3 ngày Tết, khác thường, thật vậy”

Bây giờ, ông thích điều gì nhất ở Tết? Tết đến từ lòng người, hay Tết đến theo sự luân hồi định kỳ của một cuốn lịch, theo ông?

- Hy vọng Tết này trời Hà Nội không đặc sệt sương xám ô nhiễm. Ở tuổi mình bây giờ 73, tôi yêu vẻ sáng trong, sự tĩnh lặng khác thường của Hà Nội trong ba ngày Tết. Khác thường, thật vậy, và như ảo giác, như ảo ảnh.

Ngày Tết tôi thường cùng gia đình thắp hương chùa Láng và các chùa bên hồ Tây: Kim Liên, Tảo Sách, Trấn Quốc… Sương mù trên mặt hồ tĩnh lặng tạo cảm giác yên ả và giúp mọi người khuất mắt trông coi khỏi những cấu kiện kiến trúc đen ngòm, xấu xí, thô lỗ đang lù lù mọc lên chễm trệ trên đất kinh kỳ ngàn năm văn vật. Một ảo giác thật dễ chịu.

Tết mang muôn màu sắc khác biệt trong văn chương. Tết từng đói nghèo, Tết từng xốn xang trong “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ, Tết cũng là sự linh thiêng đến lặng người trong nhiều tác phẩm. Như tôi, đọc những trang đầu của “Chuyện lính Tây Nam” khi người lính trở về sau hơn 4 năm chiến đấu dọc dài các nẻo chiến trường, thấy Tết thật xúc động. Câu văn viết “... Tôi trở về bước lên bậc thềm nhà đúng chiều 23 Tết Quý Hợi 1983. Bốn năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về”... Có cái Tết nào trong văn chương từng khiến ông đặc biệt ấn tượng?

- Vâng. Cũng như tác giả của “Chuyện lính Tây Nam”, hầu hết những người đã trải qua chiến tranh luôn ghi đậm trong lòng kỷ niệm về những cái Tết thời quân ngũ: Tết đầu tiên đời bộ đội, Tết trên đường giao liên Trường Sơn, Tết đầu tiên ở chiến trường B, Tết trước giờ nổ súng, Tết đầu tiên sau ngày hòa bình, Tết trở về đoàn tụ gia đình…Vui buồn, đau đớn hạnh phúc nhòa lẫn, nhưng cố nhiên vui và hạnh phúc nhiều hơn, vì dù gì thì cũng ngày Tết.

Tết bây giờ đã khác. Tết bỗng dưng bị mất đi hương vị đặc trưng, thậm chí còn bị chê “ngày càng nhạt”. Ông có bao giờ luyến tiếc Tết?

- Kẻ khen người chê, có cái sự gì ở đời mà không thế. Nhưng chê Tết ư? Chắc là chẳng mấy ai. Bởi đâu phải vì miếng ăn mà ngàn đời nay người Việt mình ăn Tết.

Thì cũng như mọi người, tôi chờ đợi Tết năm nay đang đến gần từng ngày.

Nhớ. Nhớ Tết xưa, nhớ năm tháng đã qua, nhớ cha, nhớ mẹ, Tết năm nào còn đó cầu phúc cho ta sáng mồng Một, Tết nay đã vắng bóng cõi trần…

Nhưng tiếc ư? Tiếc gì chứ. Tiếc chiến tranh chết chóc, tiếc gian khổ, đói rách, tiếc bom đạn giáng xuống đêm giao thừa, tiếc khốn khó những ngày đầu năm giá rét, u ám, mịt mùng bế tắc của thời bao cấp sau chiến tranh? Có gì để tiếc?

Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

“Bước chuyển thời của văn học đã bắt đầu rồi”

Người ta vẫn cho rằng, cả mấy thập kỷ nay, kể từ thời của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, văn đàn thiếu vắng những tên tuổi lớn, thiếu vắng một giọng văn làm nên tầm vóc mới cho văn chương Việt Nam. Ông có nghĩ như vậy?

- Tôi thường nghe nói như vậy, từ thời còn học văn ở trường phổ thông cho tới nay, nghe qua nhiều diễn đàn văn học. Nhà văn, nhà phê bình phát biểu thế, đông đảo người đọc cũng cho rằng thế.

Chẳng hạn, sau chiến tranh chống Mỹ luôn có câu hỏi được đưa ra là, tại sao đất nước mình vĩ đại như vậy, chẳng kém cạnh ai, mà văn học nước nhà chẳng làm nên nổi “Chiến tranh và Hòa bình” và vì sao mấy anh lính các anh không ai cầm bút đạt được cỡ như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Phan Tứ?

Những năm đổi mới mặc dù đã có sự tỏa sáng của các tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn, thiên hạ vẫn bảo rằng văn học chúng ta không thể nào còn có lại được các tác phẩm cỡ như của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng.

Có lẽ duyên do là vì văn học nước mình luôn có tâm thế chủ đạo là hoài niệm, thiên nhìn dõi về thời quá khứ. Với lại cũng rất hiếm có thời kỳ văn học nào mà tuổi trẻ là lực lượng giữ vị thế và vai trò chủ đạo trong sáng tác và phê bình.

Mà người trung tuổi, người cao tuổi thì thường hay tin tưởng một cách lấn át rằng thời của mình, những năm tháng đã qua, là vượt trội mọi bề so với buổi đương thời.

Trong đời sống văn đàn năm nay có cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn và ông tham gia hội đồng giám khảo chung khảo. Giải nhất tiểu thuyết thuộc về tác phẩm “Hoa xương rồng” của tác giả Nguyễn Trí. Sau khi nhận giải, tác giả Nguyễn Trí nói rằng đã viết tiểu thuyết bằng chính cuộc đời mình. Mọi tình tiết trong tiểu thuyết đều là biến cố, sóng gió, đau khổ trong cuộc đời của chính tác giả. Ông Nguyễn Trí nói, “mỗi con chữ viết ra đều phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của đời thật”. Cá nhân nhà văn Bảo Ninh có cho rằng, để viết được tác phẩm văn học có giá trị, nhà văn phải viết bằng chính đau khổ, mất mát của mình?

- Trên bàn của giám khảo vòng sơ khảo và chung khảo tất cả các bản thảo dự thi đều ẩn danh tác giả, do vậy, tới phút trao giải tại Nhà hát Lớn, chúng tôi mới biết “Con đường của Hạ” đạt giải Nhất thể loại truyện ngắn là của nhà báo Trịnh Phương Trà và tác phẩm “Hoa xương rồng” đạt giải Nhất thể loại tiểu thuyết là của nhà văn Nguyễn Trí.

Nhà văn Nguyễn Trí xuất hiện trên văn đàn vào khoảng 2006-2007, từ đấy ông sáng tác đều, xuất bản nhiều và hầu hết có tiếng vang trong nói chung dư luận bạn đọc và nhà văn.

Bản thân tôi, qua những gì đã được đọc, cảm nhận các trang viết của Nguyễn Trí khá đậm tính tự truyện, hoặc có thể nói, ông đã nhập thân được một cách rất thật, sâu đậm và nhuần nhuyễn, đầy sức thuyết phục vào các nhân vật hư cấu của mình. Thật và nhuần nhuyễn trong cách kể, giọng kể, trong các tình huống, tình tiết, biến cố của truyện, trong số phận, tâm trạng, trong đối thoại của nhân vật.

Tuy nhiên, cụ thể đời riêng của nhà văn Nguyễn Trí thế nào tôi đâu có biết. “Hoa xương rồng” là một tiểu thuyết hay, vậy là đủ. Với tôi và hẳn là với phần đông độc giả, văn bản tác phẩm nói lên tất cả.

Còn lý do nào tác giả viết như vậy và bởi đâu ông ấy viết được như thế thì không cần quá quan tâm. Cũng như thế đối với “Con đường của Hạ”, với “Nhân quả”, với “Phía sau tiếng sóng”, “Hệ sinh thái và cánh diều của cha”, “Bể than Đông Bắc”… Tên tác giả chúng tôi còn không biết, nói gì thân thế.

Còn những chi tiết về cuộc đời, những nghĩ ngợi về nghề nghiệp mà nhà văn Nguyễn Trí thổ lộ với độc giả thì mới đây qua báo chí tôi mới được biết. Tất nhiên nhờ các thông tin này tôi hiểu được kỹ hơn các sáng tác của nhà văn, mà cụ thể là về “Hoa xương rồng”.

Có điều thế này, tôi nghĩ, những thổ lộ của nhà văn Nguyễn Trí mà bạn trích dẫn, như, “Mỗi con chữ viết ra đều phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của đời thật”, là một cách nói thôi. Có lẽ ta không nên hiểu ý ông ấy muốn diễn đạt theo sát sàn sạt từng từ ông ấy nói ra.

Liệu có phải, nghịch lý của văn chương là, độc giả luôn đòi hỏi quá nhiều, trong khi không thể hình dung hết những cái giá đắt mà nhà văn phải trả?

- Tôi nghĩ, hầu hết độc giả văn học chẳng đòi hỏi nhiều, đòi hỏi ít gì ở nhà văn. Đối với một tác phẩm văn học, nói chung mọi người hoặc thấy hay, đáng đọc cho đến hết, hoặc không hay, đọc một vài trang, thậm chí vài dòng rồi bỏ.

Đọc, không đọc, thấy hay hoặc chẳng thấy hay, hoàn toàn là cảm nhận và hành xử của tự do cá nhân người đọc. Người đọc chẳng tự ép được cảm thụ của mình, cũng chẳng bị ai ép.

Còn nhà văn thì chẳng thể kể công hay kêu khổ, chẳng thể tự ngợi ca, tự phô trương, tự quảng cáo, cũng không thể phân trần biện minh này nọ gì cả về những dòng chữ của mình.

Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn đã cho thấy sự tác động mạnh mẽ từ biến động của thời đại lên thân phận con người. Đại dịch COVID-19, thời đại công nghệ hóa, số hóa cuốn con người vào vòng xoáy của các nền tảng số, đồng thời đẩy những lao động phổ thông vào cuộc mưu sinh vất vả. Chất liệu thời đại rất lớn, nhưng văn đàn vẫn thiếu những tác phẩm lớn, ông nghĩ thế nào về việc này?

- Một trong thành công của cuộc thi là đã đánh thức một mảng đề tài vốn rất lớn lao và sống động trong văn học nước nhà do những nhà văn nổi tiếng: Nguyên Hồng, Võ Huy Tâm, Ma Văn Kháng, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến… gây dựng nên.

Do hoàn cảnh chiến tranh và sau chiến tranh là thời hậu chiến bao cấp kéo dài nên mảng đề tài công nhân và công đoàn không còn mạnh mẽ và hay được như trước. Do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu vì các nhà văn công nông đã chuyển sang cầm súng, áo xanh áo nâu nhường thời cho áo lính.

Nay thời đã khác. Lực lượng viết văn cũng đã khác. Cuộc thi cho thấy như vậy và cũng cho thấy bước chuyển thời của văn học đã bắt đầu rồi. Mới chỉ bắt đầu nhưng mạnh mẽ khí thế và tràn đầy triển vọng.

“Từ hồi còn tuổi thơ học trò, cho tới 17 tuổi, cũng như mọi người, trước giao thừa tôi chờ đợi thơ chúc tết của Hồ Chủ Tịch. Những bài thơ chúc tết toàn dân của Bác Hồ, từ năm 1946 tới 1969, mãi còn trong tâm khảm thế hệ chúng tôi”.

Năm 2023, nhà văn Bảo Ninh được Ban tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân - công đoàn mời làm thành viên Hội đồng chung khảo.

Hiền Hương thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn Nguyễn Một và cái nhìn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

ngọc dủ (thực hiện) |

Trong cuộc trò chuyện đầu năm với Báo Lao Động, nhà văn Nguyễn Một - người vừa đoạt Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam năm 2023 với tác phẩm “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” đã đưa ra những góc nhìn về câu chuyện của một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, giai đoạn hậu chiến và những thông điệp đằng sau của nó.

Nhà văn dành 6 năm để thấu hiểu cuộc sống của công nhân ngành dầu khí

Thanh Hải (thực hiện) |

Tác phẩm tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” của tác giả Trương Quốc Anh xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Để có tác phẩm văn học xứng tầm thời đại cũng cần đúng người, đúng thời điểm

hào Hoa (thực hiện) |

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà văn Y Ban quanh câu chuyện về những sáng tác cho công nhân, người lao động nói riêng và tác phẩm văn học về thân phận con người nói chung trên văn đàn Việt Nam hiện nay giữa muôn vàn biến động thời cuộc.

Tết vui trên những công trình Tấm lòng Vàng

PHONG LINH |

“Tôi tin năm nay sẽ là một mùa Tết vui của bà con miền Tây, ít nhất là đối với những hộ gia đình, người dân lưu thông qua chiếc cầu, con đường do Quỹ Xã hội từ thiện (XHTT) Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ” - bà Lê Thị Đẩu (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.

Những lưu ý khi người dân trở lại Hà Nội làm việc sau Tết Nguyên đán

Quang Việt |

Dự báo, trong các ngày mùng 4-5 Tết Nguyên đán (ngày 13-14.2), đông đảo người dân và phương tiện giao thông sẽ quay trở lại thành phố bắt đầu làm việc, học tập.

Các nước BRICS nắm giữ 45 nghìn tỉ USD tài sản có thể đầu tư

Khánh Minh |

Số lượng triệu phú trong khối BRICS dự kiến sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới, với 45 nghìn tỉ USD có thể đầu tư.

Quảng Trị khơi thông điểm nghẽn ở cửa khẩu, góp phần tăng thu ngân sách

HƯNG THƠ |

Chính phủ đồng ý để Quảng Trị phối hợp với các đơn vị triển khai xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua biên giới đã mở ra một hướng đi, kỳ vọng nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và thu ngân sách ở Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Nga vươn lên vị trí thứ 6 thế giới về dự trữ ngoại hối

Song Minh |

Nga vượt qua Saudi Arabia với hơn 442 tỉ USD dự trữ ngoại hối.

Nhà văn Nguyễn Một và cái nhìn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

ngọc dủ (thực hiện) |

Trong cuộc trò chuyện đầu năm với Báo Lao Động, nhà văn Nguyễn Một - người vừa đoạt Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam năm 2023 với tác phẩm “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” đã đưa ra những góc nhìn về câu chuyện của một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, giai đoạn hậu chiến và những thông điệp đằng sau của nó.

Nhà văn dành 6 năm để thấu hiểu cuộc sống của công nhân ngành dầu khí

Thanh Hải (thực hiện) |

Tác phẩm tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” của tác giả Trương Quốc Anh xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Để có tác phẩm văn học xứng tầm thời đại cũng cần đúng người, đúng thời điểm

hào Hoa (thực hiện) |

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà văn Y Ban quanh câu chuyện về những sáng tác cho công nhân, người lao động nói riêng và tác phẩm văn học về thân phận con người nói chung trên văn đàn Việt Nam hiện nay giữa muôn vàn biến động thời cuộc.