Người giữ hồn tượng nhà mồ Tây Nguyên

Phố Nhơn |

Để gìn giữ bản sắc văn hóa cha ông, có một nghệ nhân đang ngày đêm miệt mài dạy con cháu tác tượng nhà mồ.

Đó là nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Ksor Hnao (61 tuổi, người đồng bào Ja Rai, ngụ làng Kép, phường Đống Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) - một bậc thầy hiếm có về tạc tượng nhà mồ ở Tây Nguyên.

Thổi hồn vào những bức tượng

Gia đình không ai theo nghề tạc tượng nhưng ngay từ nhỏ, Ksor Hnao đã có niềm đam mê với nghề này. Khi mới lên 10, Hnao xin cha cho đi học tạc tượng với một nghệ nhân ở gần nhà nhưng cha kiên quyết không cho vì nghĩ con mình ốm yếu, không đủ sức cầm rìu. Tuy vậy, mỗi ngày sau khi cha lên rẫy, Hnao lại chạy đến nhà nghệ nhân trong làng học lén, rồi về đem rìu ra tự đẽo gọt các khúc gỗ phỏng theo các bức tượng. Nhiều lần, Hnao bị cha đánh đòn vì tội không nghe lời.

Lên 15 tuổi, Hnao không còn là đứa trẻ ốm yếu như xưa mà trở thành chàng trai rắn rỏi, nhanh nhẹn và nhiều lần theo những nghệ nhân trong làng lang thang khắp rừng già tìm gỗ về tạc tượng. Biết không thể phá bỏ niềm đam mê của Hnao, người cha rồi cũng chấp nhận cho cậu con trai của mình theo cái nghề này.

Qua bàn tay cần mẫn, sáng tạo, những bức tượng gỗ của Hnao ngày càng có sức sống. Rồi, chàng thanh niên trở thành nghệ nhân lành nghề từ lúc nào không hay. Những lần làm lễ bỏ mả, nhiều gia đình lại đón Hnao về tạc tượng giúp.

Theo NNƯT Ksor Hnao, để tạc được một bức tượng nhà mồ đẹp, có hồn, người nghệ nhân phải biết thổi hồn mình vào bức tượng để những vật vô tri vô giác đó trở nên sống động. Đối với những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua vân và thớ gỗ, chú ý độ đậm nhạt thì có thể chọn gỗ phù hợp với ý tưởng định khắc họa.

Nghệ nhân nào tinh tế, chau chuốt hơn nữa thì dùng sắc độ của cây gỗ để tạo mảng miếng đậm miếng nhạt trên tác phẩm. Được biết, hầu hết những bức tượng điêu khắc gỗ Tây Nguyên được trưng bày ở Làng Văn hoá Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) đều do một tay ông làm ra.

Bây giờ, nhiều người tạc tượng nhà mồ bằng bào, cưa, giấy nhám, đó là họ có đổi mới. Nhưng xưa thì làm bằng rìu, rựa, dao nhọn. Làm bằng vật dụng như xưa thì không được đẹp, nhưng mà nó có giá trị. Và tượng nhà mồ chỉ làm khi có người chết, với mong muốn những bức tượng được bầu bạn với người chết khi về thế giới bên kia. Còn bây giờ, đa phần tượng được làm bằng bào và không chỉ để ở những nhà mồ mà còn để làm cảnh trong nhà, để trưng bày ở các lễ hội.

Theo NNƯT Ksor Hnao, cái hay và độc đáo nhất khi theo nghề này là thông qua tượng nhà mồ có thể hình dung được cuộc sống mà người nghệ nhân muốn truyền đạt. Qua tác phẩm, cũng hiểu được một phần nào nội tâm của người nghệ nhân gửi gắm trong đó. Bởi, tượng nhà mồ ngoài yếu tố là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nó còn chứa đựng khát vọng nhân sinh của con người: buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau... Những biểu cảm ấy không chỉ có ở người sống mà vẫn lưu lạc, tiếp diễn ở thế giới bên kia.

Mở lớp dạy tạc tượng nhà mồ

NNƯT Ksor Hnao kể, trước đây ở vùng này có cả trăm người biết đẽo tượng nhà mồ. Mỗi lần có gia đình làm lễ bỏ mả thì người ta đẽo hàng chục tượng. Bây giờ những người biết đẽo tượng đã già, mắt mờ tay run không cầm nổi cái rìu để đục đẽo, lớp trẻ cũng không ai mặn mà với nghề tạc tượng này.

Thấy dân làng ngày càng xa rời với tượng nhà mồ, Hnao ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào trong người cũng bồn chồn, lo lắng. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết tâm vận động dân làng học tạc tượng nhà mồ. Trong các cuộc họp, ông luôn dành thời gian nói về ý nghĩa của tượng nhà mồ và khuyên dân làng nên duy trì việc chôn tượng nhà mồ trong lễ bỏ mả.

NNƯT Ksor Hnao trầm ngâm: “Cuộc sống bây giờ đã khác, người biết tạc tượng nhà mồ đang thưa thớt dần. Tôi buồn và lo sợ khi những người già như tôi về với Yàng (trời) thì sẽ không còn ai biết tạc tượng nhà mồ nữa. Thế hệ chúng tôi, dù phải sinh hoạt vật chất, ăn uống khổ cực hơn bây giờ nhưng về lĩnh vực văn hóa tinh thần hết sức phong phú. Tôi tự nghĩ phải làm tất cả để đánh thức lòng tự hào nguồn cội nơi con cháu”.

Ngày đầu mới mở lớp, NNƯT Ksor Hnao đến từng hộ tư vấn, khuyên bảo con cháu đến lớp học. Đến nay, số thanh niên theo học Hnao lên đến hàng trăm người nhưng ông không có ý định giới hạn. Ông bảo, việc tạc tượng tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất khó khăn, nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và hết sức kiên trì. Ban đầu học trò chưa quen nên những đường tạc rất cứng nhắc và các bộ phận trên khuôn mặt cũng không đều. Làm mãi không được, nhiều người nản chí, định bỏ không học nữa nhưng ông động viên nên họ trụ lại và giờ đã thành thợ.

Thật đặc biệt khi học trò của NNƯT Ksor Hnao có cả người nước ngoài. Đó là Francois Bourgineau, người Pháp. Francois Bourgineau rất mê tượng nhà mồ vì thế hễ ở đâu có tượng nhà mồ đẹp, ông đều chụp lại rồi nhờ người tạc theo. Nhà ông tận nước Pháp cũng có một khu bảo tàng nhà mồ thu nhỏ do ông sưu tầm. Vậy nên khi đến Gia Lai du lịch, ông muốn được học và tự tạc tượng theo ý thích.

Kể về cậu học trò đến từ nước Pháp, NNƯT Ksor Hnao cười hiền: “Hồi tháng 3 năm trước, qua một công ty du lịch, Francois Bourgineau đến chỗ tôi để nhờ dạy cách tạc tượng nhà mồ. Tôi lo sợ vì bất đồng ngôn ngữ không dám nhận. Tuy nhiên, thông qua hướng dẫn viên, Francois Bourgineau nài nỉ xin cho ở lại để được học.

Sau đó, tôi mới nhận ra dạy tạc tượng nhà mồ cho người nước ngoài là cách để quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc. Francois Bourgineau quả là người có năng khiếu, rất sáng tạo. Chỉ sau 10 tháng miệt mài học tập, Francois Bourgineau đã thành một thợ giỏi về tạc tượng nhà mồ. Đó là một trong những người học trò tôi yêu quý”. Nói rồi, Hnao mở lại clip quay về người học trò này cho chúng tôi xem như một niềm tự hào.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết: “Tượng nhà mồ Tây Nguyên là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, chứa đựng một nền nghệ thuật dân gian mà không phải nơi đâu cũng có được. Chính sự tài hoa, sáng tạo và cái tâm của những nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn cho khúc gỗ vô tri trở nên muôn hình vạn trạng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai số lượng nghệ nhân tạc tượng nhà mồ rất ít, những nghệ nhân giỏi thì càng hiếm hoi hơn. NNƯT Ksor Hnao là một trong số ít nghệ nhân xuất sắc còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống này”.

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.