Chuyện làng văn nghệ:

Người đàn bà hát thơ

NGUYỄN THỤY KHA |

Tôi không nhớ lần đầu tiên gặp chị Lưu Nga là lúc nào. Chỉ nhớ đã lâu lắm. Hình như đấy là những ngày đầu, đất nước bước vào thời mở cửa, đổi mới. Có thể đấy là khi ngồi tại nhà Văn Cao gác 2 108 Yết Kiêu, chị đi cùng anh Toàn Hàng Giầy đến thăm “ông quốc ca”.

Có thể đấy là khi vội vã nơi quán cà phê bên hồ Thiền Quang cùng chàng họa sĩ mà chị đã một thời thân thiết. Có thể đấy là ở căn gác xép ọp ẹp ở 43 Lý Quốc Sư trong đêm sinh nhật Hoàng Cầm - đêm trước Hội Lim. Có thể và… có thể… Nhưng dù gặp chị lần đầu ở đâu, thì ấn tượng đến bây giờ về chị trong tôi, luôn là sự xoắn bện một phức cảm. Vừa ngưỡng mộ tài năng trình diễn hát thơ, vừa thân thiết gần gũi như người chị gái và vừa thầm kín phấp phổng niềm đam mê về một vẻ đẹp của một mỹ nhân không tuổi. Đẹp đến day dứt, nhất là khi nghe chị kể về cuộc đời truân chuyên và đa đoan của mình, có cảm giác đang thở cùng với một bảo tàng sống.

Chị đôi khi nhắc đến năm 1962 vinh quang với Huy chương vàng trong Hội diễn toàn miền Bắc. Huy chương vàng năm ấy về hát văn là Kim Liên. Còn Huy chương vàng hát chèo là Lưu Nga. Từ trên đỉnh vinh quang ấy, Lưu Nga bắt đầu trôi xuống một quãng đời long đong khi lập gia đình ở Quảng Ninh vùng mỏ. Đấy là những năm tháng bom đạn Mỹ trút xuống khắp miền Bắc. Những cuộc trình diễn của chị cùng cả đoàn văn công nằm trong một ý thức phải tồn tại đã được chuyển thành một phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Chị đã hát hết mình trong tiếng bom rơi, đạn xé. Chị đã hát hết mình trong tiếng hô vang bắn máy bay. Chị đã hát xoa đi nỗi đau mất mát. Chị đã hát trong tiếng khóc ấu thơ của cô con gái. Chị hóa thân vào các nhân vật, nhưng không thể hóa thân vào chính mình, chị luôn choáng ngợp giữa những sự thực ập xuống số phận mình.

Khi ấy, người chồng của chị bất ngờ lâm vào chuyện lao lý. Đường cùng, chị bế các con ngược lên Hà Nội. Một lối ngoặt bất ngờ mở ra trước chị. Sự chia sẻ không toan tính của một vị bác sĩ đáng kính đã khiến chị không ngã quỵ. Không ngã quỵ nhưng cũng không thể hát. Chị đã thực sự lăn xả vào đời sống, chịu bất cứ gánh nặng nào miễn là có thể nuôi nổi các con. Và qua thời gian, đến một ngày chị cảm thấy cần phải tựa vào một bờ vai ấm, chị đã chọn người không toan tính ấy. Kết quả, họ đã có cậu bé Bằng Kiều. Có lẽ, đó là tặng thưởng của thượng đế cho người đàn bà không tuổi này. Tôi viết như thế vì ngay từ khi Bằng Kiều ở tuổi đôi mươi, tôi đã bắt đầu để ý tới giọng nam cao khác thường này. Sau những lần hát cặp cùng Ngọc Tân, Bằng Kiều bắt đầu tự khẳng định mình, để có một Bằng Kiều của công chúng hôm nay.

Nhiều khi, tôi cứ thầm hỏi, không hiểu chị Lưu Nga có bí quyết gì mà trẻ lâu như thế. Thầm hỏi rồi thầm tự trả lời. Có lẽ tất cả những kiếp nạn đổ vào số phận chị cũng chỉ là những con sóng dâng trào ngày bão tố. Qua đi là qua. Trong tâm hồn của chị, vẫn tỏa sáng một triết lý sống hồn nhiên, không khuất phục bất kỳ bóng tối nào. Tất cả để dành cho sự thanh cao hướng về nghệ thuật đích thực. Những từng trải đã qua chỉ bồi đắp cho chị có thêm cảm xúc mãnh liệt khi thể hiện những tác phẩm bất hủ và bất tử của những bậc đàn anh cao quý mà chính sự từng trải của chị đã cho chị có được một từ trường cùng cộng hưởng với họ. Và chị đã hát thơ của họ lên bằng điệu tâm hồn mình.

Từ ngày đổi mới, người ta hay nhắc đến chị khi nhắc đến Hoàng Cầm. Lúc đó, nhiều người mến mộ thơ thèm khát được đọc “Về Kinh Bắc” của ông - một tập trường ca đắm nỗi, đắm niềm. Ngay cả tôi, đến khi được ông chép tặng cho một tập, tôi mới được đọc hết. Đến khi được đọc rồi, thì người ta lại thèm khát được nghe ai đó hát lên những bài thơ này. Ngay chính Hoàng Cầm đã từng hát một giai điệu riêng cho “Lá diêu bông” của mình. Rồi đến Hữu Nội, Lê Việt Hòa phổ nhạc, Trần Tiến thì lấy tứ để làm thành ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Nhưng nghe đi nghe lại nhiều lần thì nhiều người vẫn cảm thấy chỉ có chị Lưu Nga là hát “Lá diêu bông” hay nhất theo cách riêng của mình. Ở đấy, chị không vào vai em của tác giả mà vào vai chị Vinh mà tác giả lẽo đẽo đi theo để bày tỏ tình yêu thời ấu thơ.

Hình như khi vào vai chị Vinh để hát “Lá diêu bông”, chị cũng cảm thấy theo sau mình có mấy “giai” em như kiểu Hoàng Cầm. Không chỉ riêng “Lá diêu bông”, chị hát hay cả bộ tứ “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”, “Quả vườn ổi”, “Cỏ bồng thi”, hay đến mê hoặc. Người bị mê hoặc gần nhất chính là tác giả. Hoàng Cầm độc thân đã rất thành thực mong muốn “gọi đôi” cùng chị để bên ông đỡ giá rét những năm cuối đời. Nhưng chị Lưu Nga vì quá ngưỡng mộ “bậc Mét” (chị hay gọi đùa các ông là “các Mét”) Hoàng Cầm, nên dành cho ông một tình cảm rất thắm thiết về tinh thần, nhưng “kính nhi viễn chi” về đời thường. Năm 2002, kỷ niệm 70 năm “Thơ Mới” (1932 - 2002), tôi đưa Hoàng Cầm và chị Lưu Nga, cùng nhiều nhà thơ và nghệ sĩ về Hải Phòng làm chương trình, đêm ấy chị đã xuất thần đến cùng cực khi hát “bộ tứ” này.

Sở dĩ tôi gọi chị là người hát thơ vì chị Lưu Nga không ngâm thơ theo khuôn phép có sẵn như nhiều nghệ sĩ khác. Chắc chị học theo Hoàng Cầm. Trong kháng chiến chống Pháp và những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, Hoàng Cầm nổi tiếng ngâm thơ hay. Nhưng ông đâu có tuân theo cách ngâm nào. Ông chính là người tự hát thơ mình theo điệu của mình. Chị Lưu Nga hát thơ các tác giả bằng điệu của mình. Cứ thế, nhóm chúng tôi tụ quần quanh Hoàng Cầm những đêm xé đôi đường Hà Nội, những đêm huyền diệu trong say tỉnh mơ màng. Nhưng nồng điệu nhất vẫn là những đêm sinh nhật Hoàng Cầm. Càng về những năm cuối càng nồng điệu. Năm nào, tháng Giêng Hà Nội, đêm 12 đều long lanh như thế.

Đêm cuối cùng là đêm sinh nhật Hoàng Cầm năm Canh Dần 2010. Đêm ấy, cùng với nhóm ca trù Hải Phòng, chị Lưu Nga đã hát “Gọi đôi” hay đến bàng hoàng. Có lẽ linh tính đã mách bảo chị điều hệ trọng sắp đến chăng? Dù sự thực đã không là thế, nhưng chị luôn tôn trọng tình cảm của Hoàng Cầm. Ngày Hoàng Cầm chuyển cõi, Phạm Duy bay từ Sài Gòn ra đưa tiễn. Lúc ấy, chị Lưu Nga vừa tiếc thương người ra đi, nhưng đồng thời cũng phải an ủi người còn sống. Trên cùng một chiếc xe hơi, chị Lưu Nga và Phạm Duy trò chuyện biết bao điều không đầu, không cuối. Những câu chuyện mãi mãi đi vào bí mật của đời sống. Ngồi cùng xe, chiêm ngưỡng chị, thấy chị đẹp lên một vẻ thoáng buồn.

Từ ngày Hoàng Cầm chuyển cõi, chị đâm ra thân thiết với mấy “giai” em nhiều hơn. Chị thích gọi chúng tôi là: “Giai ơi!”. Chữ “giai” này tôi hiểu nó nằm trong chữ kép “giai nhân”. Có thể chị nghĩ tới câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ ngày xưa để gọi đúng ra mối quan hệ giữa chị với chúng tôi. Ở tuổi đã vào “nhân sinh thất thập” thật khó rơi nước mắt. Ấy thế mà có lần liên hoan chia tay chị về Mỹ với Bằng Kiều, tôi đã thầm khóc. Khóc như chị “nước mắt chảy xuôi”. Thấy thương chị vô cùng. Đã ở tuổi này, vì con vì cháu vẫn phải một mình xa xứ. Rất may, chị có một tâm hồn ham sống. Ở đâu, chị cũng có những người bạn để sẻ chia. Sự sẻ chia của những người cùng ly hương. Song sự thực là cũng không thể nào lấp đầy được. Nếu không thì sẽ không có khái niệm “quê hương” với từng con người gốc gác ở những quốc gia khác nhau.

Năm 2014, chị về Việt Nam khá lâu. Vẫn vẻ đẹp trẻ trung, vẫn giọng hát thơ chiếm lĩnh, chị quây quần cùng chúng tôi từ ngày vui này đến đêm vui khác. Tự nhiên rất nhớ một câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bạn uống rượu, lòng ta không thể chán”. Chỉ riêng cái cách uống rượu vừa dấn thân, vừa lịch lãm của chị đã khiến cho các “giai” em chẳng cần có “tay vịn” nào nữa. Chị đã là chỗ dựa cho cả cuộc uống. Chị đã bắt đầu hát đến thơ của chúng tôi, rồi hát đến thơ của đàn cháu nữa. Hôm ra tập “Hiền” của tôi, chị đã hát thơ tôi say sưa. Hôm bé Linh Lê - một nữ văn sĩ trẻ với những tiểu thuyết ấn tượng như “Không khóc ở Kuala Lumpur”, “Mùa mưa ở Singapore”… ra mắt tập thơ mới của mình, mặc dù bận chuẩn bị bay về Mỹ, chị vẫn đến hát mấy bài thơ Linh Lê khiến cô bé vô cùng cảm động. Chị thật gần gũi và cũng thật xa vời.

Mùa xuân Đinh Dậu 2017, tuy chị chưa về lại Việt Nam nhưng vẫn nhớ các “giai” em nên gửi tặng một chai Whisky rất “oách”. Rất may bây giờ thông tin toàn cầu quá dễ dàng. Hôm các “giai” em xử chai chị tặng, có lên Facebook gửi chị nhìn đỡ nhớ. Và cũng là để chúng tôi trong tháng Giêng nguôi nhớ chị. Lại nhớ những tháng Giêng xưa nồng nàn thương yêu quây quần bên nhau. Lại nhớ những ký ức mất tích. Nhớ để sống, để chờ đợi, để thoáng buồn, để thầm hát về chị - Người đàn bà hát thơ, người đàn bà không tuổi.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Chuyện làng văn nghệ: Thanh Tùng - đã một năm xa

NGUYỄN THỤY KHA |

Giám đốc (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam) Trần Bình chuyển cho tôi danh sách ca khúc Thanh Tùng trong chương trình “Lối cũ ta về” dự tính sẽ trình diễn vào hai đêm 15 - 16.3.2017 để tưởng nhớ tròn năm người nhạc sĩ tài hoa này ra đi. Nhìn tên những ca khúc đã quá quen thuộc với công chúng yêu nhạc suốt 30 năm qua, mới thấy thực sự đã mất Thanh Tùng. Nhìn những cái tên đó, thấy một dòng quá vãng xô dạt về.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Chuyện làng văn nghệ: Thanh Tùng - đã một năm xa

NGUYỄN THỤY KHA |

Giám đốc (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam) Trần Bình chuyển cho tôi danh sách ca khúc Thanh Tùng trong chương trình “Lối cũ ta về” dự tính sẽ trình diễn vào hai đêm 15 - 16.3.2017 để tưởng nhớ tròn năm người nhạc sĩ tài hoa này ra đi. Nhìn tên những ca khúc đã quá quen thuộc với công chúng yêu nhạc suốt 30 năm qua, mới thấy thực sự đã mất Thanh Tùng. Nhìn những cái tên đó, thấy một dòng quá vãng xô dạt về.