Ngôi nhà vui vẻ nơi xứ Thanh yêu mến

Nguyễn Trọng Văn |

Nhà văn Kiều Vượng đã mất tại Thanh Hóa ngày 12 tháng 10 năm 2018. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. Cả cuộc đời, sự nghiệp văn chương, báo chí ông dành trọn cho xứ Thanh yêu dấu của mình.

Vài năm trở lại đây nhà văn Kiều Vượng không được khỏe, dường như mọi việc đều phải có người đỡ đần, ấy vậy mà “nơi ông ở”, đấy là tôi muốn nói đến Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ tại thành phố Thanh Hóa, lại như có nhiều anh em văn nghệ sĩ lui tới thăm chơi nhiều hơn.

Trên chiếc xe lăn (phương tiện đi lại của mình như nhà văn Kiều Vượng nói thế) luôn là một ông lão tuổi ngoài bảy mươi, mái tóc để dài, đôi mắt nheo vui, dạo qua dạo lại trong khuôn viên của ngôi nhà hai tầng ẩn khuất dưới những lùm cây cao xanh, ngôi nhà tuy khiêm nhường bên chân cầu vượt đại lộ Lê Lợi nhưng lại vô cùng hiếu khách bởi vẻ mát mẻ của nó.

Nhà văn Kiều Vượng (ngồi xe) với bạn văn trong “ngôi nhà vui vẻ“. Ảnh: Trọng Văn
Nhà văn Kiều Vượng (ngồi xe) với bạn văn trong “ngôi nhà vui vẻ“. Ảnh: Trọng Văn

Nhà văn Kiều Vượng vẫn thế, nghĩa là ông chưa từ bỏ “thói quen” cố hữu của mình là “túm tụm” hàn huyên cùng anh em văn nghệ. Ít nói nhưng lòng rộng mở nên nhà văn Kiều Vượng được anh em văn nghệ tỉnh nhà và tỉnh bạn luôn thấy thân gần.

Mọi người hoặc là rảnh việc, hoặc là có việc cần trao đổi hay chí ít là trên “con đường kinh lý vô nam ra bắc” gì thì gì đều ghé lại. Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ khu vực Bắc Miền Trung và Thanh Hóa tại thành phố Thanh Hóa “tự dưng” thành địa điểm để mọi người lại tụ hội.

Vui phải biết. Vui như người nhà. Vui như quen thân từ bao giở bao giờ. Nhà văn Kiều Vượng níu tay tôi nói nhỏ “Từ năm 1995 (năm Văn phòng đại diện bắt đầu hiện diện tại địa chỉ hiện nay) cho tới nay đã có hơn 300 nhà văn nhà thơ ghé chơi.

Sinh thời các “cụ” Tô Hoài, Nguyễn Tuân cũng từng lui tới. Những nhà văn miền Nam cũng chẳng chịu “thua kém”, cụ Sáng (nhà văn Nguyễn Quang Sáng) cùng nhiều nhà văn khác có dịp thuận cũng tới chơi bằng được”. Nói xong mà chẳng cần đợi tôi nói lại nhà văn Kiều Vượng đã dạo xe tới chỗ mấy cây viết trẻ có, đứng tuổi có đang đợi bên kia bàn nước. Nhìn cung cách ấy tôi ngộ ra “thân tình và cởi mở như thế ai mà chẳng mến, ai mà chẳng muốn ghé chơi. Thảo nào có người đã ví “Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ ở Thanh là ngôi nhà chung vui vẻ của giới văn nghệ cả nước”.

Thời trai trẻ, cái thời chưa hề cầm bút viết lách, thì Kiều Vượng là thanh niên xung phong. Đâu như năm 1961, năm đó cậu mới tròn mười bảy tuổi (ông sinh năm 1944) đã tình nguyện sang Lào cùng những người cũng tuổi trẻ như mình. Dạo ấy “sang Lào” rất khó khăn, đường sá chưa có, những chuyến đi dường như phải vạch rừng xẻ núi mà đi, đã thế tình hình chính trị, tình hình an ninh cũng rất phức tạp, đấy là chưa nói tới “bọn phỉ” hoạt động quấy nhiễu liên miên.

Ở Lào đợt đó chừng ba năm thì Kiều Vượng về nước, anh thanh niên hai mươi tuổi tham gia công ty vận tải thuyền nan chở gạo chi viện cho chiến trường miền Nam, chở hàng vào Quảng Bình hỗ trợ bà con chống trả máy bay Mỹ. Hình như mảnh đất Lào cũng như vùng rừng núi biên cương phía tây

Thanh Hóa có gì đó như gọi mời, như níu kéo Kiều Vượng? Năm 1976 anh thanh niên Kiều Vượng lại cùng Tổng đội thanh niên xung phong Thanh Hóa lên phía tây để mở con đường dọc biên giới Việt Lào từ huyện Hồi Xuân sang cửa khẩu Tén Tằn thuộc huyện Mường Lát. Ông đã cùng đồng đội đóng quân ở xã Pù Nhi 3 năm.

Chuyện mở đường cho mình và giúp nước bạn Lào đã nhập vào tâm hồn anh trai trẻ Kiều Vượng. Dấu ấn mở đường in đậm trong tim người thanh niên xung phong quê huyện Quảng Xương từ lúc nào chẳng rõ.

Nhà văn, nhà báo Kiều Vượng. Ảnh: Trọng Văn
Nhà văn, nhà báo Kiều Vượng. Ảnh: Trọng Văn

Những dấu ấn cùng tâm hồn rộng mở và nhất là kỷ niệm về đồng đội những năm kham khó và ác liệt đã thôi thúc anh cầm bút. Một loạt những sáng tác về “chuyện của mình” lần lượt ra đời. Có thể nói nhà văn Kiều Vượng là “nhà văn của ngành giao thông vận tải”.

Những cung đường biên giới, những chuyến tàu chở hàng trên biển trên sông và những tấm gương “anh dũng mở đường” của đồng đội thanh niên xung phong đã đi vào những trang viết của nhà văn Kiều Vượng. Hơn hai mươi đầu sách ra đời đánh dấu quá trình sáng tác về cuộc sống, lao động và chiến đấu ngay trên mảnh đất Thanh Hóa quê hương.

Tôi gặp nhà văn Kiều Vượng lần đầu và có cảm tình ngay lập tức. Đó là một sáng tháng 10 năm 2017, bữa ấy cơ quan đại diện báo Văn Nghệ tại Thanh Hóa có khá đông anh em văn nghệ sĩ. Từ Hà Nội vào có nhà văn Lê Ngọc Minh, có nhà văn Nguyễn Trường, có nhà thơ Lê Quang Sinh và có cánh chúng tôi, kíp làm phim chân dung về tác giả văn xuôi quê Thanh Hóa tên là Nguyễn Trường đang “nổi đình đám” trên báo Văn Nghệ năm 2017 (nhà văn Nguyễn Trường sau đó đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do báo Văn Nghệ tổ chức).

Người tỉnh nhà thì khó nhắc hết tên bởi nói vui chứ đến bữa trưa cũng tới bốn năm mâm rượu. Cuộc hàn huyên vui vẻ và thân thiện diễn ra như mọi bữa. Dưới tán lá xanh rì của cây muỗm cổ thụ, quanh chiếc bàn nước kê giữa vườn là những câu chuyện nổ như “pháo rang”.

Người cao hứng đọc thơ. Người chăm chú lắng nghe. Người quay sang nhau hỏi thăm gia đình con cái. Người khoe tác phẩm mới in. Nói chung là ai cũng có chuyện của mình, của bạn mình để hỏi để trải lòng. Nhà văn Kiều Vượng thì vẫn vậy, ông đẩy xe lăn vào sát đám này, ông chuyển xe lăn sang đám bên kia. Chan hòa và không để ai mếch lòng về sự “thiếu quan tâm” là nét thường thấy ở nhà văn Kiều Vượng trong hơn hai mươi năm qua ở “ngôi nhà chung vui vẻ” này.

Nhà văn Kiều Vượng (ngồi) tặng sách cho bạn bè. Ảnh: Trọng Văn.
Nhà văn Kiều Vượng (ngồi) giao lưu tác phẩm với bạn bè. Ảnh: Trọng Văn.

Thì ra ngôi nhà số 53 nằm trên đại lộ Lê Lợi này vốn là của Công ty xuất nhập khẩu. Đầu những năm chín mươi khi luồng gió đổi mới thổi tới làm thay đổi nhiều cung cách làm ăn thì hình như chuyện xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Lào cũng đổi thay. Ngôi nhà chợt như “hết công dụng”. Biết vậy nên nhà văn Kiều Vượng mạnh dạn đứng ra “xin” với tỉnh.

Lãnh đạo Thanh Hóa vốn “yêu quý và rất mến” văn nghệ và anh em văn nghệ sĩ (thời kháng chiến chống Pháp tỉnh Thanh Hóa được xem là vùng tự do, nơi đây từng đặt nhiều trụ sở của các cơ quan văn hóa kháng chiến, nhà thơ Tố Hữu đã có thời gian lưu lại xứ Thanh trước khi lên chiến khu Việt Bắc, đại loại thế) nên rất tạo điều kiện. Không lâu sau đó, một ngôi nhà hai tầng với một khuôn viên đậm chất “văn nghệ” hình thành.

Bước chân qua cánh cổng sắt khép hờ để vào khuôn viên của ngôi nhà, tôi có cảm giác như không hề xa lạ, tựa như về với nhà mình vậy. Không có “bác bảo vệ” quát to hỏi đi đâu. Một cảm giác gần gần, thân thân. Tiếng chào mời nhẹ êm. Tiếng chim véo von trên cành lá. Mùi hương hoa chợt dậy đâu đây. Sự ầm ào ngoài đại lộ Lê Lợi chợt như lắng lại.

Tháng 5.2018 có việc vào Thanh, cơm nước tối xong thì đã hơi muộn nhưng tự nhiên tôi lại “thèm” tới ngôi nhà chung vui vẻ. Thử gọi điện thoại xem sao. Đầu máy bên kia nhà văn Kiều Vượng nói còn chưa ngủ. Vậy là tôi rủ anh bạn trẻ đồng hành vội đến thăm ông. Văn phòng đã đóng cửa, nhà văn Kiều Vượng cũng đã đi nằm.

Sau khi cậu giúp việc nâng dậy thì ông kêu cậu bê giúp bộ sách dầy ự, bộ tuyển tập gồm 3 quyển có tựa chung là “Kiều Vượng – một đời văn” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2017 ra để khoe với bạn nơi xa. Rồi ông cầm một cuốn sách in lẻ giơ giơ. Đó là tiểu thuyết “Vùng trời thủng”, tác phẩm đoạt giải thưởng Văn học sông Mê Kông năm 2012 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016. Sách mới tái bản còn thơm mùi giấy.

 
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kiều Vượng.

Đặt cuốn sách lên bàn, nhà văn Kiều Vượng lấy bút, ông cẩn thận viết. Bằng những dòng chữ khiêm nhường nhưng vẫn thân tình như những người bạn thân tình một thuở, nhà văn Kiều Vượng đã cho tôi những cảm phục về đời văn còn mãi mặn nồng của ông, cho tôi cảm mến về tình cảm nồng hậu trong ngôi nhà chung vui vẻ ở nơi Xứ Thanh yêu mến.

Vẫn thái độ từ tốn, nhà văn Kiều Vượng mãi mới trả lời “thắc mắc” của tôi là “Tại sao mọi người hễ có dịp vào xứ Thanh hay qua xứ Thanh đều thích đến Văn phòng thường trực báo Văn Nghệ khu vực miền Trung ở địa chỉ 53 Lê Lợi, TP. Thanh Hóa trước khi muốn đến chỗ nào khác?”. Ông cười “Mình cũng chẳng biết là sao nhưng chắc là đến chơi đây có vui thì mọi người mới tới”.

Nguyễn Trọng Văn
TIN LIÊN QUAN

Thanh Hoá - thành phố tôi yêu

Lê Thị Thu Thanh |

Về thành phố (TP) Thanh Hoá những ngày này đâu đâu cũng thấy băng rôn, panô áp phích rộn ràng không khí chào mừng kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa” với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa.

Công trình quả cảm của người Thanh Hoá

Cao Ngọ |

Công trình xây dựng sân bay quân sự Sao Vàng là dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam nói chung, quân dân Thanh Hóa nói riêng. Công trình đó mãi mãi trường tồn cùng đất nước không thể lãng quên trong mỗi người dân Việt Nam nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa!

Thể lệ cuộc thi viết bút ký - phóng sự "Mãi mãi một tình yêu Thanh Hóa

BBT Báo Lao Động |

Được sự đồng thuận của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá, Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung Bộ báo Lao Động tổ chức cuộc thi bút ký, phóng sự với tiêu đề “MÃI MÃI MỘT TÌNH YÊU THANH HOÁ”. Mọi thông tin liên quan và tác phẩm dự thi đạt chất lượng sẽ được cập nhật sớm nhất tại địa chỉ https://laodong.vn/.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thanh Hoá - thành phố tôi yêu

Lê Thị Thu Thanh |

Về thành phố (TP) Thanh Hoá những ngày này đâu đâu cũng thấy băng rôn, panô áp phích rộn ràng không khí chào mừng kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa” với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa.

Công trình quả cảm của người Thanh Hoá

Cao Ngọ |

Công trình xây dựng sân bay quân sự Sao Vàng là dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam nói chung, quân dân Thanh Hóa nói riêng. Công trình đó mãi mãi trường tồn cùng đất nước không thể lãng quên trong mỗi người dân Việt Nam nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa!

Thể lệ cuộc thi viết bút ký - phóng sự "Mãi mãi một tình yêu Thanh Hóa

BBT Báo Lao Động |

Được sự đồng thuận của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá, Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung Bộ báo Lao Động tổ chức cuộc thi bút ký, phóng sự với tiêu đề “MÃI MÃI MỘT TÌNH YÊU THANH HOÁ”. Mọi thông tin liên quan và tác phẩm dự thi đạt chất lượng sẽ được cập nhật sớm nhất tại địa chỉ https://laodong.vn/.