Theo đó, triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã đề xuất phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới bắt đầu từ ngày 15.3.
Phương án cũng nêu rõ các hoạt động du lịch quốc tế (inbound và outbound) cần tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ, thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng đối với mọi đối tượng khách du lịch, đặc biệt là tất cả các thị trường khách du lịch quốc tế đáp ứng các điều kiện về xuất nhập cảnh và an toàn y tế đều có thể tới Việt Nam.
Đánh giá từ lãnh đạo Tổng cục Du lịch, triển vọng về quá trình mở cửa du lịch quốc tế bước đầu đã có những thông tin tích cực khi lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 tăng mạnh.
Trong đó, dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12.2021, tăng cao trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12.2021 đến đầu tháng 1.2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1.1.2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021).
Đặc biệt, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21.1 tăng đến 425%, thời điểm ngày 3.2 tăng 374% so cùng kỳ năm 2021.
Vì thế, việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15.3 được xem là một trong những chính sách thích ứng kịp thời của Chính phủ nhằm phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Trước những băn khoăn về việc khó đạt mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 khi thị trường trọng điểm khách Nga sẽ sụt giảm vì một số yếu tố khách quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Nguyễn Trùng Khánh cho hay, thị trường Nga sẽ có những ảnh hưởng nhất định nhưng chưa phải là lớn.
Thời gian qua, du lịch Việt Nam đều đặn đón các đoàn khách từ Uzbekistan, Kazakhstan… là những nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Thông tin từ các đơn vị lữ hành khai thác từ những thị trường này cho thấy con số về lượng khách rất khả quan.
“Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, Bộ Y tế thận trọng là điều cần thiết nhưng chúng tôi cho rằng, Bộ Y tế nên xem xét sớm việc ban hành quy định phù hợp. Vì chỉ khi nào chúng ta công bố chính thức những quy định về y tế cho người nhập cảnh nói chung và du khách nói riêng thì việc thu hút khách tại các thị trường trọng điểm mới có thể diễn ra thuận lợi” – ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số thị trường chính của du lịch Việt Nam như Đông Bắc Á từng rất thận trọng trong việc mở cửa nhưng trước bối cảnh tới đây, các quốc gia trong khu vực này đã có điều chỉnh về chính sách thuận tiện hơn cho khách quốc tế đến cũng như cho người dân đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận và đón lượng khách triển vọng từ các thị trường trên.
Bộ VHTTDL cũng đã trình Chính phủ chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026. Với các lộ trình cụ thể, ngành du lịch Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong năm 2022 và năm 2023. Và để có thể phục hồi nhanh chóng, toàn ngành sẽ cần sự phối hợp của rất nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và các bộ, ngành để làm sao cố gắng đến hết năm 2023 phục hồi khoảng 45-50% so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cụ thể trước dịch, ngành du lịch Việt Nam đã đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Khánh cũng khẳng định, đây là một mục tiêu tương đối tham vọng mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra để nỗ lực. Đồng thời cũng cần đưa ra một lộ trình cụ thể trong việc đón khách quốc tế chứ không thể cứ mở cửa là có… khách ngay.
Sắp tới đây, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) sẽ tiếp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, hiệu quả kết nối hàng không và nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh điểm đến Việt Nam nhằm hoàn thành mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400 nghìn tỉ đồng trong năm 2022.