Cúng ông Công ông Táo như thế nào? Mâm lễ cúng ra sao? Có cần cúng cá chép? Có cần cúng đúng ngày?.... đó là một loạt câu hỏi mà những người trẻ, nhất là những người mới lập gia đình tìm kiếm trên mạng Internet khi 23 tháng Chạp đến gần.
Cũng chính từ việc quan tâm quá nhiều đến phần lễ khiến cho cái ý nghĩa về nguồn gốc ngày này lại vô tình bị lãng quên. Những hoạt động tâm linh gắn với văn hoá chưa khi nào mất đi giá trị. Triển lãm “Tết Xưa” đang diễn ra tại Khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I mang đến những giá trị văn hoá đáng quý với những người trẻ.
Ở chủ đề thứ 3 "Cung chúc Tân Xuân" đề cập đến nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Tết Ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp là nghi lễ đầu tiên của Tết cổ truyền. Nhà cửa được trang hoàng bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết với ước mơ về một năm mới nhiều may mắn. Một số nơi có phong tục dựng cây nêu, rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên trước sân nhà.
Trong tác phẩm "Thương nhớ mười hai", của Vũ Bằng, ở "Chương 12: Tháng chạp - Nhớ ơi chợ tết" có đoạn nói về ngày ông Công ông Táo: "Từ sáng tinh sương, chưa bước chân xuống giường, tôi đã nghe thấy rao ơi ới ở khắp các nẻo đường: “Ai mua cá ông Táo không?”, “Cá ông Táo không nào”. Nghe như thế, tự nhiên lòng mình bỗng nao nao vì biết rằng có cá ông táo là sắp đến Tết rồi. Không thể nào nằm được nữa.
Mình ra xem thì thấy những bà bán hàng gánh hai cái thùng sơn đi vắt vẻo đôi tay, như chạy, để bán vội cho hết hàng, kẻo còn phải về sớm để sắm sửa tiễn ông Công lên chầu Trời tâu việc hàng năm của mỗi gia đình. Ông Công đó là thần Trương Đàn hay Tử Quách, chỉ phụ trách riêng về việc bếp núc, còn Thổ Địa trông nom việc nhà, Thổ Kỳ có nhiệm vụ coi về chợ búa và tăng gia sản xuất cho đàn bà.
Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ là ba nhân vật trong truyện truyền kì “hai ông một bà” mà dân gian đều biết: hai ông là Trọng Cao và Phạm Lang, còn một bà là Thị Nhi cùng chết trong một đống rơm. Để kỉ niệm ba người cùng chết một lần vào ngày gần Tết, dân chúng làm cái bếp ghép bằng ba hòn gạch đều nhau bắt góc. Ở giữa, có để một hòn đá: đó là tên đầy tớ xông vào đám cháy để cứu chủ không được mà cũng bị chết lây. Thường thường, ai cũng tưởng lễ tiễn ông Táo là ngày lễ cuối cùng trong một năm, thật ra sau đó hai ngày còn lễ tiễn ông vải, lễ tạ trường và lễ tất niên.
Trong lễ tiễn ông vải, người ta đem hết cả những chân nhang trong một bát hương đốt quanh năm ra đổ xuống sông hồ hay đốt đi và thay tro khác vào bát hương. Nhân lúc con cháu dọn dẹp, bày biện lại bàn thờ, ông vải thừa dịp đi chơi vài ngày để chờ lễ Giao Thừa lại trở về ăn tết với con cháu trong nhà...".
Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp với những người trẻ bây giờ không còn hoạt động trang hoàng nhà cửa bằng câu đối đỏ, hoa tươi... Nhưng để những giá trị văn hoá được phát huy, từ những nghi thức cúng lễ sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục vẫn là điều cần được gìn giữ.