Kể từ 2.8, trong hầu hết các chương trình phát sóng của HTV3 (trong hệ thống truyền hình cáp của Đài Truyền hình TPHCM-HTV) chạy hàng chữ: “Vì lý do HTV3 chưa xin được giấy phép nâng cấp nội dung cho kênh, nên một số nội dung đang phát sóng sẽ tạm ngừng từ ngày 8.8.2010”.
![]() |
Thông báo tạm dừng phát trong trên website của HTV3. |
Ngày 3.8, bộ phận PR của Cty Trí Việt (TVM) - đơn vị hợp tác sản xuất chương trình để cung cấp cho HTV3 - cũng gửi một thông báo tới nhiều cơ quan báo chí với nội dung tương tự. Kể từ ngày 9.8, gần 10 chương trình, phim ngoại và nội (do TVM nhập, sản xuất) phát sóng trên HTV3 đã được thay thế bằng một số phim, chương trình khác.
Sáng 10.8, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đào Duy - GĐ tiếp thị TVM - cho biết: “Để đảm bảo tiêu chí 100% nội dung phát sóng có bản quyền, TVM có ký một hợp đồng liên kết với HTV, theo đó, TVM mua lại một số chương trình của HTV để phát sóng trên HTV3. Từ ngày 9.8, chấp hành quyết định của HTV, HTV3 phát sóng những chương trình do HTV cung cấp. Trong năm 2010, HTV đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nội dung chương trình phát sóng trên HTV3... TVM ráng chờ cho tới khi HTV có công văn cho phép HTV3 phát những chương trình bị tạm ngừng từ 8.8”.
HTV3 được chính thức phát sóng từ tháng 1.2004. Đây là kênh đầu tiên của truyền hình phía nam có nội dung dành riêng cho thanh - thiếu nhi. Ngày 1.6.2008, HTV hợp tác với TVM cho ra đời HTV3 phiên bản mới, với nội dung đã mở rộng “biên độ hơn” - kênh dành cho trẻ em, thanh - thiếu niên và gia đình. Hai năm qua, trong những chương trình, phim do HTV3 nhập, sản xuất, một vài “món” cũng khá được lòng khán giả.
Còn nhớ, tháng 8.2009, một tình trạng “tạm thời ngừng phát sóng” tương tự xảy ra với HTV2 - kênh thoạt tiên được mở ra với mục đích ban đầu là chuyên về thể thao, nhưng sau đó, nhà cung cấp chương trình cho HTV2 cũng “bung” mở ra nhiều “món”… Lập tức HTV2 bị chấn chỉnh.
Liên quan đến HTV1, HTV2, HTV3 nói riêng và tổ chức, hoạt động của HTV nói chung, trong đầu quý I năm nay, Thanh tra TPHCM có kết luận đề cập tới sai phạm của HTV trong một số lĩnh vực, trong đó có chuyện “xã hội hoá kênh phát sóng” - được dư luận nhìn nhận là thực chất chuyện bán sóng, bán kênh cho đối tác, gây thất thu… Tiếp đó, UBND TPHCM ra một thông báo về kết luận thanh tra việc tổ chức hoạt động của HTV với ngôn từ khá mềm mỏng, như: “Mức độ kết luận của thanh tra vừa phải, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời UBND TPHCM cũng ghi nhận ĐTH TPHCM có những bước chủ động tự khắc phục sai sót của mình”…
Câu chuyện trên cho thấy, việc xã hội hoá kênh truyền hình còn nhiều chuyện phải bàn! Và đằng sau đó, ngoài chuyện tiền nong, còn là vấn đề nhận thức của những người làm truyền hình...
Thuỳ Ân