Ngày 14.12, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã công bố kết quả khai quật nội thành di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
Theo đó, trong 2 năm, các nhà khoa học đã tiến hành 6 hố khai quật với tổng diện tích 25.000 m2. Đây là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật.
Qua lần khai quật này, đã phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần-Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng.
Cụ thể, đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc thời Trần-Hồ tại các hố khai quật ở khu vực Trung tâm, khu vực Đông Nam và Tây Nam. Tại khu vực Trung tâm đã phát hiện được 10 kiến trúc. Khu phía Đông nền Vua, xuất hiện 2 cụm dấu tích kiến trúc với kết cấu móng cột gia cố phân bố đều nhau và trong phạm vi rộng lớn. Khu phía Tây nền Vua xuất hiện dấu tích kiến trúc nhiều gian và xác định được 1 kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 4 cột.
Quá trình khai quật nội thành, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột được xây dựng bằng gạch ngói vụn (thời Lê sơ); phát hiện 2 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột trung bình 1,3mx1,4m được xây dựng bằng gạch ngói vụn.
Theo PGS, TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã bước đầu thu được kết quả hết sức khả quan như đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam, tại khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ.
"Theo sự tính toán ban đầu cộng với địa danh nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay"- ông Tín cho hay.
Ông Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết, trên cơ sở xác định bước đầu tiềm năng di sản cũng như xác định các giá trị của những di tích đã phát hiện, cho thấy việc cần thiết phải có việc quy hoạch nghiên cứu tổng thể, chuyên sâu, xây dựng các kế hoạch bảo tồn và bảo vệ toàn vẹn khu di sản theo đúng các Công ước Quốc tế đối với một khu di sản thế giới tầm vóc như Thành Nhà Hồ.