Tuy nhiên, trong khi dạy ngoại ngữ và đào tạo kinh doanh đã tương đối phổ biến trên nền tảng online thì học nghệ thuật, có lẽ, chỉ mới bắt đầu đặt ra cấp thiết hơn gần đây. Lý do chủ yếu nằm ở chỗ, dù không phải quá quan trọng như cơm ăn nước uống, nhưng nhu cầu tìm biết nghệ thuật vẫn âm ỉ thường trực trong bản thân mỗi người, kể cả khi hao hụt tiền nong.
Hơn nữa, cho đến bây giờ, sau gần hai năm sống chung với các đợt giãn cách xã hội liên tục để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khiến các sự kiện và hoạt động văn hóa gần như “đóng băng”, thì chẳng mấy ai được quyền kén cá chọn canh thực đơn nghệ thuật của mình. Nhiều người đắm đuối vào trào lưu đọc sách, vẽ tranh hay xem phim tại gia từng nổi lên mạnh mẽ và tích cực chiếm sóng thảo luận, bàn tán trên mạng xã hội.
Nhiều khán giả khác thì cảm thấy hạnh phúc, may mắn khi được xem các show ca nhạc, các vở nhạc kịch hay ballet phát sóng trực tiếp miễn phí.
Một số nữa, nhất là những người quan tâm đến lịch sử, mỹ thuật và văn hóa, thì bắt đầu thích thú với các tour tham quan bảo tàng theo công nghệ thực tế ảo. Không hoàn toàn thỏa mãn mọi đối tượng nhưng môi trường văn hóa văn nghệ trực tuyến đang làm cuộc sống thời giãn cách bớt căng thẳng, mệt mỏi và nhàm chán.
Cá nhân tôi, cũng mới đây thôi, đến với khóa học nghệ thuật online từ một lần tìm kiếm thông tin cho bài nghiên cứu về điện ảnh Châu Á. Đó là chuỗi 16 bài giảng về điện ảnh Châu Á (Asian Cinema Education) do các chuyên gia, nhà phê bình, giám tuyển của nhiều nước thực hiện, được khởi xướng bởi bốn liên hoan phim chuyên quảng bá văn hóa Châu Á tại Châu Âu (cụ thể là Five Flavours Asian Film Festival của Ba Lan, CAMERA JAPAN Festival của Hà Lan, Udine Far East Film Festival của Ý và Helsinki Cine Aasia của Phần Lan), bắt đầu từ ngày 5.5 đến 28.7.2021. Các bài giảng không chỉ mở ra những trải nghiệm kiến thức điện ảnh Châu Á thực sự mà còn cho khán nhìn thấy sự tương đồng, khác biệt trong các sắc thái văn hóa, xã hội, truyền thống thẩm mỹ, cuộc sống thường ngày của nhiều quốc gia thuộc khu vực mà Việt Nam cận kề.
Nhờ đó, tôi đã biết thêm những bộ phim kinh dị Nhật Bản, tính chất hấp dẫn độc đáo của thể loại anime, sự thành công đến mức bành trướng của điện ảnh Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, sự định hình bản sắc và phát triển rõ nét của điện ảnh Thái Lan, Philippines. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến nền điện ảnh Bhutan và biết kỹ lưỡng hơn, nhờ thế ngạc nhiên và cảm thấy hưng phấn hơn, về phong cách nghệ thuật làm phim của Hầu Hấu Hiền - đạo diễn thường khiến giả ngủ ngon mỗi khi xem phim mình!
Theo dõi một khóa học nghệ thuật online, thực ra, cũng có nhiều điểm tương đồng với việc học kiến thức cơ bản, phổ thông. Dạy học online vốn dĩ có thế mạnh thiết lập sự tương tác thuận tiện, mọi nơi mọi lúc, cho phép người học được chủ động tham gia, được tự do “kích hoạt” một khối tri thức nào đó mà bản thân có thiện cảm và thế mạnh nhất.
Hơn nữa, khác với học trên lớp, học online tích hợp dễ dàng hơn các kỹ thuật, yếu tố đa phương tiện khi truyền tải nội dung. Nhưng điểm khó nhất và cũng là khác nhất trong học nghệ thuật online so với các lĩnh vực khác, theo tôi, đòi hỏi người học phải có niềm yêu thích thực sự với một bộ môn nghệ thuật cụ thể.
Yêu thích nghĩa là tự nguyện, tự giác theo học, kiên nhẫn duy trì niềm vui vun đắp cái gọi là “thế giới tinh thần” vốn đang bị xem nhẹ giữa đời sống kim tiền hiện nay. Yêu thích sẽ biến các cảm hứng tự phát thành những nỗ lực tìm hiểu và thực hành lâu dài. Số người học này, rõ ràng, không nhiều và vì thế, không có hiện tượng “bài giảng triệu view” như trong huấn luyện kinh doanh, luyện thi đại học hay tư vấn bất động sản.
Cả người dạy và người học nghệ thuật, nhìn chung, đều lặng lẽ theo đuổi những mục tiêu khá mơ mộng, rằng đến lúc đó nào, mỗi người đều có thể hiểu, cảm nhận một bức tranh, một bộ phim, một tác phẩm âm nhạc ở mức cơ bản hoặc thực hiện một dự án văn hóa nghệ thuật nho nhỏ, xinh xinh cho bản thân, cộng đồng.
Nhìn ở góc độ đó thì học nghệ thuật trên nền tảng online phải chăng sẽ miễn phí? Hẳn nhiên không hoàn toàn vậy. Không kể các công ty, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được quyền kinh doanh dạy học online, thậm chí tạo doanh thu lớn, thì ngay cả một số tổ chức, đơn vị văn hóa hoạt động phi lợi nhuận cũng đã, đang mở khóa học có thu phí. Điều này không hề làm giảm sụt cảm giác thụ hưởng nghệ thuật, mà ngược lại, nó thúc đẩy người học tập trung và đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên môn.
Trong vài năm gần đây, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD, Hội Điện ảnh) nổi lên như một cơ sở tiên phong đào tạo về điện ảnh thông qua các khóa học làm phim, diễn xuất, quay phim, đạo diễn, biên kịch, phân tích phim... Tuy nhiên, TPD cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện điện ảnh miễn phí, tìm kiếm các dự án tài trợ làm phim ngắn và xây dựng môi trường trao đổi nghề nghiệp cho các nhà làm phim trẻ, cộng đồng khán giả. Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, TPD nhanh chóng thiết lập, chuyển hướng hoạt động sang trực tuyến. Các khóa học vẫn đều đặn diễn ra, và đặc biệt, TPD vẫn tổ chức nhiều sự kiện điện ảnh không thu phí, thu hút khá đông khán giả yêu thích nghệ thuật thứ bảy.
Mới đây nhất, TPD tổ chức thành công Tháng phim tài liệu VARAN 2020 và sự kiện chuỗi thuyết trình về điện ảnh Châu Á. Mô hình kết hợp dạy học và thảo luận, workshop vừa thu phí vừa miễn phí của TPD, theo tôi, là sáng suốt để tồn tại trong bối cảnh khó khăn, nhưng quan trọng hơn là để duy trì, kết nối một bộ phận công chúng nghệ thuật chung thủy. Nếu không tận tâm “nuôi dưỡng” lớp công chúng này, xin nói ngay, rất khó để triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật, kể cả khi “bưng bê” miễn phí đến tận nhà.
Thái độ thờ ơ của khán giả một phần cũng do các bài giảng nghệ thuật đôi khi hơi mang tính sách vở. Khác với các loại dạy nghệ thuật nhằm vào kỹ năng, cầm tay chỉ việc (như chơi đàn, múa, hát, cắm hoa), những khóa học thiên về lý thuyết hoặc kiến thức hàn lâm sẽ không dễ phổ cập. Tuy thế, việc các tài nguyên tri thức này được lưu trữ và phát hành cho người dùng khắp nơi sẽ có tác dụng cải thiện tình trạng ngần ngại tiếp xúc cái khó, cái “cao siêu”.
Một chuỗi khóa học trực tuyến của Trung tâm Văn hóa & Sáng tạo Việt Nam (ViCHI) hiện lưu hành trên website creativehubs.vn có lẽ là sự “dàn hòa” giữa kiến thức lý thuyết và thực hành, giúp công chúng hào hứng, tự tin hơn với ý tưởng, công việc liên quan đến văn hóa, nghệ thuật của mình. Khẩu hiệu “nghệ thuật cho mọi người” như một khóa học nêu ra, tôi nghĩ, sẽ được chứng thực phần nào bởi ngày càng có nhiều người trẻ và các nhóm xã hội khác nhau quan tâm đến cái khó, thử thách của nghệ thuật hơn là sự tầm thường, lá cải, nhảm nhí. Phiêu lưu trong vẻ đẹp cái khó, bởi lòng hiếu tri nghệ thuật, xét cho cùng, cũng là một cách vui sống.