Họa sĩ Thành Chương: Tôi như “lên đồng” với 60 con gà

Việt Văn (thực hiện) |

Tròn 1 vòng hoa giáp (60 năm) kể từ năm 1957 - Đinh Dậu, bức tranh “Đôi gà tồ” của họa sĩ Thành Chương khi ấy là cậu bé 7 tuổi vẽ (giải vàng ở cuộc thi tranh thiếu nhi quốc tế ở Anh), thì 20.1.2017, một triển lãm tranh cá nhân với 60 con gà của Thành Chương sẽ khai mạc...
Vì sao lại có triển lãm 60 con gà?
- 60 năm trước, ở cùng nhà tôi có ông quê ở tỉnh Hưng Yên, có nuôi một đôi gà Đông Cảo. Bấy giờ bố tôi (nhà văn Kim Lân) có giải thích với tôi: Đây là loài gà hiếm, vụng về, ngộc nghệch, khi ấp hay đạp vỡ trứng, nên hiếm có con. Thấy tạo hình của con gà đẹp, nên tôi vẽ và chính bố tôi đặt tên là “Đôi gà tồ” (gà Hồ).
Rồi bức tranh này được giải vàng ở Anh, in vào tạp chí, và họa sĩ Thẩm Đức Tụ có mượn để ở phòng truyền thống đội vẽ Cung văn hóa Thiếu nhi (sau bức này cũng thất lạc). Về sau, tôi có vẽ vài con gà nhưng không vẽ nhiều. Cho đến khi trung tâm nghệ thuật ở số 1 Lương Yên (trước hay làm Tết Art) năm nay muốn tổ chức 1 triển lãm tranh của trên 100 họa sĩ trong Nam ngoài Bắc chủ đề tự do, riêng tôi, được dành riêng 1 gian bày khoảng 10 bức sơn mài.
Tôi nghĩ nếu bày riêng phải có sự khác biệt. Năm nay là năm Gà, lại đúng 60 năm trước tôi vẽ “Đôi gà tồ” nên quyết định sẽ bày 60 tranh gà cả 3 chất liệu: Bột màu, sơn dầu, sơn mài. Khổ bột màu: 30 x 42cm, sơn dầu 1m x 1m, sơn mài 1m x 1m, chủ yếu là bột màu.
Thách thức lớn nhất của anh khi vẽ tới 60 tranh gà?
- Vẽ mấy chục con gà là một bài toán khó, làm sao để không trùng lặp, đòi hỏi họa sĩ phải đủ trường lực về tài năng, bút pháp. 60 con phải là 60 tranh với bút pháp đa dạng, muốn thế phải dựa vào các tích, các truyện, như gà trống nuôi con, gà gáy sáng, gà nở, triết lý đời sống, nhân cách hoá con gà, đôi khi đưa chính đời sống con người vào, thể hiện muôn mặt xã hội khi vẽ gà chọi, gà cảnh, gà rừng, gà yêu thương nhau, duy trì nòi giống...
Cái khó nữa là phô diễn bút pháp, kỹ thuật, nhưng vẫn thể hiện được phong cách cá nhân mạnh mẽ của tác giả.
Và anh đã vẽ mất bao lâu?
- Tôi phải vẽ gần 100 con, từ đó chọn ra 60 con. Do có ý đồ từ trước nên tôi vẽ nhanh, chỉ 1 tháng là hoàn thành, nhiều đêm vẽ tới sáng luôn.
 Thế giới gà trong tranh anh rất đa dạng, từ bút pháp hiện thực đến trừu tượng, từ đồ họa trang trí, hội họa tút tát đến lập thể, từ những nét tỉ mỉ, chi tiết đến những nét khái quát mang tính biểu tượng. Anh có nghĩ 60 tranh gà thể hiện đậm đặc nhất chữ ký Thành Chương?
- Tôi nghĩ như thế. Tôi như “lên đồng” với 60 con gà.
Vì sao anh có thể vẽ nhanh mà vẫn đẹp?
- Tôi may mắn có một thời gian dài (đúng hơn là gần như cả đời) minh họa cho các báo, nhất là Báo Văn Nghệ. Môi trường luyện cho tôi khả năng phản ứng nhanh để vẽ, xử lý các truyện trên trời dưới biển, kể cả chuyện nước ngoài... Phải xem nhiều, đọc nhiều, vận dụng hiểu biết, rồi biến báo, tưởng tượng... Có lần, tôi vẽ tranh truyện cho Báo Thiếu Niên, vẽ cảnh các cháu thiếu nhi vào lăng viếng Bác, lúc bấy giờ bên trong lăng còn chưa hoàn thiện, nhưng tôi tưởng tượng cứ vẽ và sau này thấy mình tưởng tượng cũng đúng...
Thế còn đề tài vẽ mặt mình, mà anh vẽ từ bao năm nay, anh vẫn theo đuổi chứ?
- Vẽ mặt mình là một mảng đề tài xuyên suốt, lâu vẫn vẽ, cảm hứng vẫn không nguôi. Tôi đã từng nói khi vẽ mẫu, cái tự do của họa sĩ thường là không tuyệt đối. Thường vẫn giấu cho người mẫu 1/100 hay 1/1.000 gì đó để cho người mẫu hài lòng. Còn khi vẽ mặt mình thì 100% là tự do, mình muốn vẽ gì thì vẽ. Mặt mình chỉ là cái cớ để họa sĩ thể hiện mình thoải mái nhất.
Có khi nào anh giật mình với bức tự họa của chính mình? Vì anh cảm giác vẫn chưa hiểu hết chính mình?
- Có, đôi lúc không hiểu tại sao mình lại vẽ như thế. Mảnh màu, nét vẽ, ánh sáng lạ, hay nhưng thực ra mình đâu có chủ định như thế. Người ta hay nói nghệ thuật phải thai nghén, phải đầu tư suy nghĩ, rồi vận dụng triết học, tri thức.... cũng không sai. Nhưng như cụ Kim Lân nhà mình nói: Có lúc thầy không hiểu sao thầy lại viết được như thế. Còn nhà văn Nguyễn Khải nói: “Thần mượn tay người”, tôi không dám nói đến chữ “thần”. Nhiều khi nghệ thuật cứ như chủ động tìm đến mình, dẫn dắt mình đi.
Nỗi lo lớn nhất của một họa sĩ?
- Vô cảm là điều đáng sợ nhất, nhưng không chỉ với nghệ sĩ mà với con người bình thường. Còn cảm hứng, đúng là nghệ sĩ rất cần cảm hứng. Nhưng tôi biết nhiều người ngày này qua tháng khác, không làm việc và bảo chưa có cảm hứng. 1 năm không cảm hứng đến 10 năm vẫn không cảm hứng thì không làm việc à? Người chuyên nghiệp phải tạo ra cảm hứng. Hãy làm việc hằng ngày và cảm hứng sẽ đến.
Có những lúc tôi chán nản, mệt mỏi nhưng cứ ngồi vào giá vẽ và rồi khi những nét vẽ hiện lên trên toan, rồi ánh sáng xuất hiện, tự nhiên nó cứ mở ra, đưa mình đi theo nó... Tỉnh ra thì mình đi xa quá rồi.
Anh nghĩ gì về hai chữ “đỉnh cao” và đỉnh cao của anh nằm ở đâu?
- Đỉnh cao trong nghệ thuật thì người nào cũng có, dĩ nhiên là đỉnh cao của mỗi người một khác nhau. Nghệ sĩ đang ở giai đoạn đỉnh cao thì vẽ như chơi, như múa, nhẹ nhàng như không.
Thời kỳ tranh pháo bán được, ông Nguyễn Lai - Giám đốc Gallery Nam Sơn - có nói họa sĩ nào phát tiết vẽ bán được nhiều tranh như Đình Dũng vẽ bột màu trên lụa 5 năm bán chạy là đỉnh cao, còn 10 năm là quá giỏi.
Tôi cũng không biết đỉnh cao của tôi như thế nào, chỉ thấy mình vẫn khí thế, nội lực đủ thâm hậu (cười). Có người nói phải thay đổi phong cách, nhưng tôi nghĩ thà mình cứ là mình còn hơn là thay đổi thành người khác.
- Xin trân trọng cảm ơn anh và nóng lòng chờ xem triển lãm “Gà” của anh!
“Đôi gà tồ” 1957 và “Gà tồ” 2016.

 

Việt Văn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Tri ân và tạm biệt thầy Park Hang-seo!

TAM NGUYÊN |

Tương lai là điều không thể nói trước, nhưng hiện tại, xin cảm ơn và tạm biệt thầy Park Hang-seo.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.