Hai thập niên, văn chương và biển đảo

Mai Anh Tuấn |

Có thể nói, văn chương về biển đảo thực chất là một sự tái hồi, tái sinh của văn chương yêu nước vốn rất sinh động và có nhiều thành tựu trong lịch sử văn học Việt Nam.

1.

Hai mươi năm đầu thế kỷ XXI, tuy không dài về thời gian, nhưng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn học viết về biển đảo.

Sự xuất hiện của internet và các phương tiện truyền thông ngày một hiện đại, đa dạng khiến việc tiếp nhận một tác phẩm văn học, giờ đây, trở nên dễ dàng, nhanh chóng. Trường hợp bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển (đăng lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 5-2011 nhưng chỉ thực sự gây chú ý trở lại khi nó được lan truyền trên Internet) của Nguyễn Việt Chiến hay hàng ngàn bài thơ ra đời khắp mạng xã hội vào năm 2014 là những ví dụ sinh động cho thực tế rằng, với điều kiện truyền thông tân tiến thì không nơi nào rơi vào vòng xoáy im lặng, nhất là trước các vấn đề liên quan đến giang sơn gấm vóc. Văn học về biển đảo, như vậy, đã được hỗ trợ đắc lực bởi các phương tiện phát hành phi truyền thống.

 

Tuy nhiên, sẽ không thành cao trào nếu biển đảo không là một điểm nóng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Những tranh chấp, xung đột trên biển Đông và vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ là các sự kiện chính trị, xã hội thuần túy mà còn là “sự kiện tâm hồn” thường trực, luôn tác động rất lớn đến giới văn nghệ sĩ. Vì thế, hễ khi biển Đông dậy sóng thì văn đàn lại xuất hiện đông đảo các tác giả, tác phẩm “nói chí”, “tỏ lòng” về một phần máu thịt của Tổ quốc.

Chẳng hạn, khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển Việt Nam vào tháng 5.2014 thì ngay lập tức, các diễn đàn văn nghệ đều nhất tề lên tiếng phản đối và đăng tải những sáng tác trên dưới một lòng nhiệt huyết với biển đảo quê hương. Chưa bao giờ biển đảo lại thuộc về nhận thức tự thân của người cầm bút như thời gian này. Và cũng chưa bao giờ việc sáng tác về biển đảo lại trở nên cần kíp, thậm chí là một nhiệm vụ cao cả mà giới cầm bút phải thực hiện như vài năm qua.

2.

Nhìn một cách tổng quát, thành tựu văn học về biển đảo nằm chủ yếu ở thể loại bút ký (truyện ký) tiểu thuyết và thơ. Số lượng bút ký về biển đảo chiếm hầu hết các mặt báo, tạp chí văn chương nghệ thuật. Trong hàng trăm bút ký đó, có thể nhắc đến một số bút ký đặc sắc: “Trường Sa tháng tư năm hai nghìn” của Lê Thành Nghị; “Hành trình thuận chiều” của Khuất Quang Thụy; “Sóng gió Trường Sa” của Nguyễn Bảo; “Trường Sa, mai vàng mùa gió chướng” của Nguyễn Đình Tú; “Hồn thiêng sóng nước Hoàng Sa” của Lê Mạnh Thường; “Tiếng xuân từ lòng người lính biển” của Nguyễn Mạnh Hùng; “Thổ Châu, xa mà gần” của Nguyễn Tiến Vinh; “Tháng Năm, ở Trường Sa” của Phạm Duy Nghĩa; “Sóng không chỉ có trong bão giông” của Hồ Anh Mão; “Tôi đặt tên cho các con là Hải và Quân” của Phan Văn Quý; “Cô Lin, đảo nhỏ tiền tiêu” của Trịnh Xuân Tô; “Lỗi hẹn với mùa xuân” của Vũ Đình Sáng; “Xa thắm Trường Sa” của Đỗ Hoàng; “Chuyện kỳ thú ở quần đảo Trường Sa” của Sương Nguyệt Minh; “Đảo quê hương” của Lưu Thị Bạch Liễu, “Hẹn gặp lại giữa mùa xuân” của Bùi Doanh…

Ở đơn vị tập, nổi bật và được tái bản nhiều lần là Đảo chìm (2000), một kiểu “truyện ký” liên hoàn của Trần Đăng Khoa. Một số tập bút ký khác, xen lẫn với truyện ngắn và được gom lại từ nhiều mốc thời gian sáng tác, có thể kể: Sóng không từ biển (2009) của Phạm Nam Giang, Những người con đất biển (2011) của Đặng Kim Quy, Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn (2014) của Lê Hoài Nam…

Được sinh thành từ những chuyến đi thực tế, các bút ký, truyện ký đều chất chứa nhiều chi tiết cụ thể, đầy cảm xúc về biển cả, người lính và những vẻ đẹp của tình người, tình quê hương, của sự gắn bó giữa đất liền, quê nhà với đất đai xứ sở ở muôn trùng khơi. Xu hướng “tả thực” và đan cài chất trữ tình-chính luận là nét chủ đạo trong hầu hết các bút ký, truyện ký trên.

 

Tả thực ở đây gần như tái dựng lại những điều mắt thấy tai nghe về cuộc sống của người lính trên những hòn đảo với tên gọi, tọa độ chính xác, với những nhân vật có thực liên quan đến công việc thường ngày, trực tiếp trên đảo mà nhà văn được gặp gỡ, trò chuyện hoặc “ghi theo lời kể”. Cứ như vậy, người đọc lần lượt được xem những bức ảnh cận cảnh về Đá Lát, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, Tiên Nữ, Tốc Tan, An Bang, Ba Kè hay nhà giàn DK1- trạm dịch vụ khoa học kỹ thuật trên thềm lục địa… Một phần máu thịt Tổ quốc, trong phác họa hết sức chi tiết, trong trạng thái hào hứng được khám phá, được hiển hiện chi li đến gốc gác lai lịch của từng hòn đảo và những người thật việc thật được “lịch sử hóa”.

3.

Thơ và trường ca cũng là thể loại ghi dấu ấn thành công khi viết về biển đảo. Rất nhiều bài thơ đã thực sự “gây sóng” khi xuất hiện vào thời điểm nước sôi lửa bỏng của biển Đông. Đó là trường hợp “Tổ quốc nhìn từ biển” và “Tổ quốc bên bờ biển cả” của Nguyễn Việt Chiến, “Hào phóng thềm lục địa” và “Tòa án biển Đông” của Nguyễn Thanh Mừng, “Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió” và “Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh” của Phan Hoàng, “Mộ gió và Khát với Hoàng Sa” của Trịnh Công Lộc, “Tổ quốc ba nghìn cây số biển” của Nguyễn Ngọc Phú, “Nghe trẻ hát ở Trường Sa” của Ngô Minh, “Biển Việt” của Đỗ Trọng Khơi, “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai, “Gió nhà giàn” của Nguyễn Quang Hưng…

Số lượng trường ca tuy ít hơn, nhưng cũng đã tạo được tiếng vang nhất định, như “Trường Sa ơi Trường Sa” của Lưu Thị Bạch Liễu, “Giọng biển” của Lưu Đình Hùng, “Tổ quốc - Đường chân trời” của Nguyễn Trọng Văn, “Người sau chân sóng” của Lê Thị Mây, “Hạ thủy những giấc mơ” của Nguyễn Hữu Quý…

Nhìn chung, “thơ biển đảo” trước hết là một thái độ chính trị được trữ tình hóa qua các hình tượng nghệ thuật có khả năng bộc bạch những suy nghĩ của người viết về đất nước, chủ quyền và tinh thần bảo vệ biển đảo. Hình tượng dân binh, người lính, thành lũy, biên cương, người mẹ - Tổ quốc… xuất hiện với tần số cao như là cách tạo nên sự gắn kết, hô ứng liên tục giữa đất liền và biển cả, giữa những người dân và chiến sĩ hải đảo, giữa truyền thống và hiện tại.

Phần lớn các bài thơ đều có giọng điệu hào sảng, khỏe khoắn, giàu âm hưởng tráng ca và sử thi nhờ việc tái sử dụng các tích sử, tích truyền thuyết và đặc biệt là các sự kiện đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của cha ông. Nhưng biển đảo cũng gắn với nỗi đau, sự mất mát hy sinh.

Bài thơ Mộ gió của Trịnh Công Lộc với những câu thơ ngắn, dồn nén, chân thực mà ám ảnh đã tạo nên một bức tượng đài ghi lại sự hy sinh của những chiến binh - chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió:

Mộ gió đây,

                        những phút giây biển lặng

gió là tay ôm ấp bến bờ xa

 chạm vào gió như chạm vào da thịt

chạm vào

              nhói buốt

                             Hoàng Sa…

Giữa hai trạng thái anh hùng và trữ tình, thì biển đảo còn là không gian của những cảm xúc lãng mạn, của tình yêu tuổi trẻ, của bình yên sau những ngày bão tố. Nguyễn Thành Phong nhận ra những “Gót chân hồng trên biển cả”, tức những người phụ nữ đã đến với bộ đội Trường Sa, dù với tư cách gì, là vợ, người yêu hay chỉ đơn giản là diễn viên văn công, thì họ “Mang theo nhớ thương, tươi mát, dịu lành/ Các em làm thỏa nỗi khát khao đất liền/ Đảo đá mềm dưới bước chân con gái/ Dải san hô muốn hóa bờ đất bãi/ Vạt cát mặn muốn mọc lên cây trái/ Đảo đá sẽ xanh tươi, đảo đá mãi vững bền”.

Lê Thị Mây lại hình dung mình ở hình ảnh rất nhỏ, khiêm tốn nhưng gợi được không khí ấm cúng, thân quen: “Cửa biển tiếng tù và vây bùi nhùi ủ lửa. Em ước làm con bùi nhùi lửa nơi khuân bếp thuyền khơi. Con bùi nhùi ngoai lên lửa nhen lên cho ngày tháng có ngăn khoang thuyền đầy ắp cá. Biển có chân trời nâng được bát cơm ăn” (Người sau chân sóng).

Tuy nhiên, so với thơ biển đảo ở giai đoạn trước thì ở giai đoạn này, chất trữ tình, lãng mạn ít được khai thác hơn; lối tự tình, tâm tình cũng có dấu hiệu giảm bớt.

4.

Có thể nói, văn chương về biển đảo thực chất là một sự tái hồi, tái sinh của văn chương yêu nước vốn rất sinh động và có nhiều thành tựu trong lịch sử văn học Việt Nam. Dùng ngòi bút để biểu đạt chí ái quốc, chí nam nhi hay tấc lòng người quốc dân đã không còn mới mẻ nhưng bao giờ cũng gây nên sự đồng cảm lớn, sự hô ứng tự nhiên trong tâm ý mỗi người.

Nhìn rộng ra, văn học viết về biển đảo còn là sự thay đổi về cái nhìn: chuyển từ mô tả những câu chuyện, cảnh quan đồng bằng/đất liền (gắn với văn hóa nông nghiệp đề cao sự trù phú, phong nhiêu, bình yên) sang mô tả biển đảo/đại dương (gắn với văn hóa giao thương, đề cao sự năng động và linh hoạt ứng phó mọi tình thế phi truyền thống). Điểm đóng góp quan trọng này, theo tôi, là thức tỉnh những cái nhìn mới, khác về lãnh thổ, về căn tính dân tộc vốn tưởng đã vững chắc và mặc định từ lâu.

Mai Anh Tuấn
TIN LIÊN QUAN

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Khơi dậy tình yêu biển đảo cho các em học sinh

TIẾN ĐẠT |

Thừa Thiên Huế - Ngày 30.4, Đồn biên phòng Vinh Hiền, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên Huế phối hợp với trường THCS Vinh Hương, huyện Phú Lộc tổ chức buổi tuyên truyền “Hướng về biển đảo quê hương”.

Trái tim biển đảo - Vang mãi những khúc ca hùng tráng

Minh Thu |

Ngày 27 tháng 3, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội sẽ diễn ra Chương trình biểu diễn Nghệ thuật Trái tim biển đảo, hứa hẹn sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Thủ đô Hà Nội.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Khơi dậy tình yêu biển đảo cho các em học sinh

TIẾN ĐẠT |

Thừa Thiên Huế - Ngày 30.4, Đồn biên phòng Vinh Hiền, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên Huế phối hợp với trường THCS Vinh Hương, huyện Phú Lộc tổ chức buổi tuyên truyền “Hướng về biển đảo quê hương”.

Trái tim biển đảo - Vang mãi những khúc ca hùng tráng

Minh Thu |

Ngày 27 tháng 3, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội sẽ diễn ra Chương trình biểu diễn Nghệ thuật Trái tim biển đảo, hứa hẹn sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Thủ đô Hà Nội.