Hải quốc từ chương những cột mốc chủ quyền

Trần Trọng Dương |

Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn chương và truyền thống văn hoá biển đảo. Cuốn sách Hải quốc từ chương (NXB Khoa học Xã hội, 2022) đã công bố kho tàng văn học biển đảo với hơn 400 tác phẩm trong suốt nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là một kho tàng văn hoá viết về lịch sử, phong tục, tập quán, sản vật địa phương, phản ánh những suy tư, tâm tình, những lời ăn tiếng nói mang hơi thở của biển cả, là những cột mốc đánh dấu những nỗ lực của người Việt trong quá trình xác lập chủ quyền trên các vùng duyên hải và lãnh hải của đất nước.

Cảm hứng lịch sử

Nội dung chính của văn học biển đảo Việt Nam là việc ca ngợi vẻ đẹp non sông, các chiến tích lẫy lừng của thủy trận trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Mảng văn liệu này chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Những tác phẩm này, ngoài giá trị như những sử liệu, còn mang nhiều giá trị về mặt văn học. Đó là cảm hứng anh hùng, cảm hứng nhân văn,… Ví dụ bài thơ Hạnh An Bang phủ, vua Trần Thánh Tông (1240- 1290) viết như sau:

Sáng leo lên đỉnh mây trời,

Tối về vụng biển nằm ngơi trăng vàng.

Đây là bài thơ sớm nhất hiện còn của một vị quốc chủ viết về biển Việt Nam. Đọc cả bài thơ, chúng ta chỉ thấy một thi nhân đang thảnh thơi giữa giang sơn gấm vóc. Sáng leo lên đỉnh núi phủ đầy mây nổi, chiều về lại nằm ngủ trong vịnh trăng trong. Xúc cảnh sinh tình, nên nhà thơ mới dạt dào thi tứ. Trong cảm hứng của các vị hoàng đế, cái đẹp của non sông có khi còn gắn liền với cảm hứng thế sự, cảm hứng chính trị như bốn câu thơ cuối của bài Hạnh Thiên Trường hành cung:

Trăng vô sự chiếu người vô sự

Nước mùa thu ngậm trời mùa thu

Bốn bể đã trong, bùn đã lắng

Năm nay an lạc vượt năm xưa

Bài thơ cho thấy một tâm thái an lạc, tĩnh tại. Nhà thơ ca ngợi vùng đất Thiên Trường như một đảo châu trong các tiên đảo huyền thoại. Trăm loài chim hót véo von như sênh phách. Ngàn hàng quýt xanh hàm ý nhấn mạnh sự giàu có của sản vật. Còn con người chủ thể ở đây, tuy thảnh thơi, nhưng vẫn đau đáu nghĩ về những vấn đề của đất nước: “bốn biển trong xanh bởi đã sạch bóng quân thù”.

Hải Quốc từ chương. Ảnh: The Book Lag
Hải Quốc từ chương. Ảnh: The Book Lag

Nhà thơ hồi tưởng về chiến thắng oai hùng chống giặc Nguyên Mông năm nào với khí thế của thời đại Đông A: “Tuốt mây gươm giáo dựng non ngàn; Biển nuốt thủy triều cuốn tuyết tan”. Đôi câu thơ trên của vua Trần Minh Tông (1300- 1357) khi đi thăm lại chiến trường xưa trên cửa sông Bạch Đằng cũng cho thấy một khí thế tương tự. Núi biếc dựng chót vót như kiếm kích đang lôi tuột mây xanh xuống nước thẳm. Cửa biển nuốt nhả thủy triều bằng cách cuốn lấy những làn sóng bạc. Sông núi cổ kim mở ra trong đôi mắt nhà thơ. Đó là cái nhìn “siêu việt thời gian”, để kết nối quá khứ với hiện tại, để hồi cố lại chiến thắng oanh liệt trên cửa sông lịch sử. Đến cuối bài thơ, tác giả kết bằng hình ảnh thơ hùng tráng:

Đỏ loang ngàn nước, tan vầng nhật

Tưởng rằng máu giặc hãy còn tươi

Cảm xúc lịch sử là một đặc điểm của văn học Trung đại. Đứng trên cửa Bạch Đằng, ai cũng đều rung động về chiến thắng lịch sử. Nguyễn Trãi trước biển từng đưa ra những nhận định về quy luật của vũ trụ và lẽ hưng vong của cuộc đời:

Cọc gỗ trùng trùng đóng sóng khơi

Xích căng mặt biển cũng đành thôi

Lật thuyền mới biết, dân như nước

Dựa hiểm khôn hay, mệnh tại trời văn

Nhìn cửa biển như một hệ thống phòng thủ then chốt với rừng cọc lưới sắt, nhà thơ không chỉ đề cập đến những nỗ lực về quân sự và nghệ thuật binh pháp, mà còn đặt nó trong quan niệm chung về sự tổng hòa của các yếu tố địa chính trị để làm nên sự vững mạnh của một đất nước. Đó là sự tổng hòa của ba yếu tố: thiên thời- địa lợi- nhân hòa. Quân hùng tướng mạnh là một biểu hiện của “nhân hòa”, còn điều cơ bản nhất của sức mạnh quân sự, của sự vững bền thể chế và sự tồn vong của triều đại chính là ở “lòng dân”.

Sự nhắc nhở kinh nghiệm chính trị từ nguồn dẫn kinh điển Nho gia ở đây cho thấy, Nguyễn Trãi luôn đặt thực thể triều đại trong mối tương quan với bối cảnh chính trị xã hội và học thuyết Nho giáo về đức trị. Điều này ông còn nhắc lại một lần nữa trong bài Quan duyệt thủy trận:

Biển Bắc năm nao chém giặc kình

Thanh bình còn tính luyện nhung binh.… 

Lòng vua cùng muốn dân ngơi nghỉ

Văn trị xây nên nghiệp thái bình

Yếu tố “lòng dân” được coi như là nguyên nhân then chốt cho việc “chở thuyền, lật thuyền”. Đây là một trong những hạt nhân tư tưởng dân bản của Nho giáo. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đó phải được thực thi bởi những biện pháp chính trị theo đúng khuôn mẫu của kinh điển, ấy là “văn trị”. Thời loạn thiên về võ trị, thời bình chuộng dùng văn trị; còn dân bản là nền tảng cho cả hai phương thức chính trị đó.

Những cột mốc chủ quyền

Với 55 bài thơ hiện còn, Lê Thánh Tông là tác gia văn học hướng biển lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông là vị quân vương dựng nên những cột mốc chủ quyền về thơ ca trong suốt cuộc đời 38 năm cai trị đất nước. Mỗi một bài thơ như một “cột mốc lịch sử”, “cột mốc văn hóa” cắm chốt ở những cửa biển, những địa điểm quan yếu theo dọc dài đất nước, như Bạch Đằng, Thần Phù, Hải Vân, Tư Dung, Nhật Lệ... Sự xuất hiện tập trung các tác phẩm văn học hướng biển với hàng chục địa danh biển đảo của Lê Thánh Tông không phải ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu từ một nhận thức chính trị - văn hóa có hệ thống, có tầm chiến lược và tầm viễn kiến lâu dài.

Hải Quốc từ chương. Ảnh: The Book Lag
Hải Quốc từ chương. Ảnh: The Book Lag

Biển đảo đã trở thành một đề tài không thể thiếu trong hoạt động kiến tạo văn hóa của Lê Thánh Tông. Ta biết, Lê Thánh Tông là một nhà chính trị kiến tạo thể chế, kiến tạo lộ trình phát triển, và hoạch định chiến lược quân sự với cái nhìn địa chính trị sâu sắc. Năm 1467, ông đã ra lệnh cho quần thần vẽ bản đồ 12 thừa tuyên, năm 1469, quy định bản đồ toàn quốc. Năm 1490, các bản đồ ấy được soạn thành bộ Hồng Đức bản đồ nổi tiếng. Nếu như Hồng Đức bản đồ như một văn bản tổng thể về hình thế núi sông của đất nước, thì những bài thơ hướng biển của Lê Thánh Tông như là những dòng châu phê chói đỏ trên tấm bản đồ ấy. Mỗi bài thơ trên cửa biển là một cột mốc chủ quyền:

Diệt bạo trừ tàn đạo đế vương

Lòng nhân đâu muốn chuyện đông chinh...

Kình ngạc biển Nam ta chặt khúc

Mộ Nô chiến thắng khắc bi minh.

Bài thơ Khải hành được viết khi ông nhổ neo xuất quân Nam chinh tiến đánh Chiêm Thành. Cuộc Nam chinh của ông được đặt trên một bối cảnh chính trị cụ thể: sự giằng co lãnh thổ giữa hai vương quốc. Trước đó, năm 1469, người Chiêm đã cướp phá Hóa Châu. Tháng 8 năm 1470, Trà Toàn đã đem hơn 10 vạn quân thủy bộ đánh úp Hóa Châu. Tháng 10 năm ấy, sai sứ sang nhà Minh báo việc Chiêm Thành, tháng 11 đặt 52 điều lệnh về việc hành binh. Như vậy, việc xuất chinh được ông thực hiện bài bản đúng theo quy trình chính trị, và coi là một hành động “trừ gian diệt bạo”, “điếu dân phạt tội”. Đó là biểu hiện lòng Nhân của bậc đế vương đối với nhân dân:

Ta đang tính việc muôn đời,

Quân ta tráng trí danh ngời sử xanh

Biển xa vác núi công thành

Cầu vồng chín đợt long lanh giữa trời

Đọc những lời thơ trên đây, ta phần nào hiểu thêm được tư tưởng của Lê Thánh Tông. Đó là cái lòng nhân, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với bách tính. Đánh giặc là một hành vi chính trị - đạo đức của các bậc tiên vương thời cổ. Việc chinh phạt là một hành động đa trị: trừ bạo ngược thể hiện đạo Nghĩa, thể hiện lòng Nhân với dân chúng, đồng thời thể hiện trách nhiệm hành Đạo của một vị hoàng đế. Mục đích của điếu phạt là để hướng đến một xã hội thái bình: Hôi tanh quét sạch yên bờ cõi, Kéo tuột dòng ngân rửa giáp qua!

Câu thơ được viết ngay trên đường hành quân. Đang hành quân nhưng ông đã nghĩ đến việc xây dựng một xã hội thanh bình. Mặc dầu, ở một khía cạnh khác, đây là một phát ngôn Nho giáo thể hiện xu hướng mở rộng cương vực lãnh thổ. Đây là một hiện tượng lịch sử được hình thành trên cơ sở lâu dài của những tranh chấp lãnh thổ giữa Đại Việt với Chăm Pa qua nhiều đời từ thế kỷ X (Đinh Lê) cho đến Lý- Trần- Lê sơ.

Biển đảo đã trở thành một chủ đề của hoạt động sáng tác văn học. Tư duy hướng biển và văn học biển đảo vốn được xây dựng từ cơ tầng văn hóa biển, là xu hướng quan trọng trong diễn trình lịch sử Việt Nam. Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tư tưởng về chủ quyền đã trở thành động lực để người Việt hướng biển, và từ biển mở rộng về phương Nam.

Các tác giả của văn học biển đảo phần lớn là các hoàng đế, các nhà Nho, nhà văn hóa như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu… Hàng trăm tác phẩm viết về biển, các hải cảng, các danh lam thắng tích cửa biển đã tạo nên sự phong phú về nội dung nghệ thuật, đã phản ánh nhiều khía cạnh của lịch sử Việt Nam, phản ảnh tư duy hướng biển, đặc biệt là sự nhận thức về chủ quyền lãnh hải của người Việt trong lịch sử.

Trần Trọng Dương
TIN LIÊN QUAN

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Khơi dậy tình yêu biển đảo cho các em học sinh

TIẾN ĐẠT |

Thừa Thiên Huế - Ngày 30.4, Đồn biên phòng Vinh Hiền, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên Huế phối hợp với trường THCS Vinh Hương, huyện Phú Lộc tổ chức buổi tuyên truyền “Hướng về biển đảo quê hương”.

Chủ quyền biển đảo: Chất kết dính người Việt Nam ở nước ngoài

Ngọc Vân |

Chủ quyền biển đảo là chất kết dính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhân dân trong nước, tạo nên sự cố kết, đoàn kết toàn dân tộc chung sức, chung lòng hướng về biển đảo Tổ quốc.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Khơi dậy tình yêu biển đảo cho các em học sinh

TIẾN ĐẠT |

Thừa Thiên Huế - Ngày 30.4, Đồn biên phòng Vinh Hiền, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên Huế phối hợp với trường THCS Vinh Hương, huyện Phú Lộc tổ chức buổi tuyên truyền “Hướng về biển đảo quê hương”.

Chủ quyền biển đảo: Chất kết dính người Việt Nam ở nước ngoài

Ngọc Vân |

Chủ quyền biển đảo là chất kết dính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhân dân trong nước, tạo nên sự cố kết, đoàn kết toàn dân tộc chung sức, chung lòng hướng về biển đảo Tổ quốc.