Hưng thịnh và khó khăn
Đồng Tháp đang có 3 nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu, huyện Lai Vung; Nghề dệt chiếu xã Định An và Định Yên, huyện Lấp Vò; Nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự.
Đối với những làng nghề truyền thống này từng có thời gian hưng thịnh, xuất hàng bán không đủ, lợi nhuận cao.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương (làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) chia sẻ: “Năm 2011 – 2013 là những năm thợ đóng ghe của gia đình tôi hoạt động hết công suất.
Một chiếc ghe lớn đóng trong từ 30 - 45 ngày, không kịp giao cho khách hàng sử dụng. Khi đến 2016 – 2017 không một người đến hỏi mua ghe, mua xuồng cho đến nay. Nhiều người đã bỏ nghề, vợ chồng tôi cũng đi mua bán dừa tươi”.
Còn tại làng nghề dệt choàng, bà Nguyễn Thị Mèn (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, có hơn 50 năm trong nghề dệt choàng) tâm sự: “Trước đây, việc mua bán khăn choàng thành phẩm rất tốt. Đến năm 2002, 2003, việc tiêu thụ bị chững lại, tiêu thụ không đến 20% trước kia, 3 đứa con tôi không đứa nào theo nghề”.
Làng nghề dệt chiếu truyền thống có hơn 100 năm tuổi ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng không ngoại lệ, bà Nguyễn Thị Liên Hoa (77 tuổi) cho biết bà có hơn 50 năm dệt chiếu và nghề dệt được bà kế thừa từ gia đình.
Cũng theo bà Hoa, vào những năm 1980 là thời điểm phát triển cực thịnh của làng chiếu Định Yên, nhờ mẫu mã đa dạng như chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc,… nhưng những năm gần đây, việc tiêu thụ chiếu thấp hơn rất nhiều vì chiếu hiện nay không được sử dụng nhiều như trước kia.
Để làng nghề không bị mai một
Do việc tiêu thụ các sản phẩm gặp khó nên thu nhập mang lại không cao, từ đó nhiều hộ sản xuất, nhiều người còn trong độ tuổi lao động chuyển sang lao động khác để tăng thu nhập.
Nhưng thời gian gần đây, nhiều địa phương đã đưa ra các kế hoạch nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, tiếp tục phát triển làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Tốt ở làng nghề xuồng, ghe rạch Bà Đài cũng đang ra sức lưu giữ làng nghề bằng cách quảng bá sản phẩm xuồng ghe thủ công mỹ nghệ ở nhiều nơi. Và hơn hết, ông đang đào tạo cho hơn 10 thanh niên phương thức đóng thuyền truyền thống và dạy làm những mô hình mỹ nghệ.
Cũng với mong muốn lưu giữ tìm người nối nghiệp dệt choàng truyền thống, anh Phạm Thanh An, Giám đốc HTX Dệt choàng Long Khánh – huyện Hồng Ngự đang nhận đào tạo miễn phí cho nhiều bạn trẻ trong độ tuổi lao động.
Em Trần Thị Yến Như, ở xã Long Khánh A cho biết: “Em theo học dệt choàng vì đây là nghề truyền thống của địa phương. Nếu mình có thể đưa ra nhiều mẫu mã mới mà trên thị trường đang yêu thích, sẽ giúp sản phẩm mình bán được nhiều hơn trước”.
Trao đổi với báo chí ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc đào tạo nghề trong thời gian qua cũng là một chính sách của nhiều địa phương để truyền lửa làng nghề chiếu, nghề dệt choàng và nghề xuồng, ghe từ những người lớn tuổi sang các bạn thiếu niên hay thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, từ tỉnh, đến huyện, xã cũng tập trung giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động du lịch, hội chợ, đưa sản phẩm đến nhiều nơi, nhiều người biết đến.
“Việc tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng nâng cao hiệu quả kinh tế mới níu chân thế hệ trẻ lưu giữ làng nghề trước thời buổi kinh tế thị trường khó khăn”, ông Tuyên cho biết thêm.