Một cuộc phỏng vấn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - về những vấn đề của nhiếp ảnh Việt Nam.
Với vị trí là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội, anh có nhận xét gì về chất lượng các cuộc thi ảnh gần đây?
- “Xu hướng lối mòn” đã xuất hiện trong các liên hoan ảnh khu vực, khi đều đi theo các chủ đề đất nước, con người, gần như là tự do, chỉ có điều tác giả phải nộp ảnh chụp trong khu vực. Nhiều tác giả không có đầu tư sáng tạo, không có ràng buộc khuôn khổ nhất định về thể loại. Năm sau chụp na ná như các ảnh đoạt giải năm trước. Thậm chí, có tác giả chụp nhiều ảnh tương tự trong một series, năm ngoái gửi một ảnh, năm sau gửi một ảnh. Nếu những người cầm máy không thực sự nỗ lực và đam mê thì chất lượng ảnh LH khu vực khó mà nâng cao.
Với các cuộc thi lớn như triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hay cuộc thi ảnh về biển đảo do Ban tuyên giáo phát động năm nay thì mảng ảnh bộ vượt trội, đem lại sự thú vị. Bấm một ảnh đơn đẹp rất khó, đòi nhiều yếu tố trong đó có yếu tố may mắn, có những tác giả Việt Nam chỉ thành công trong một vài ảnh đơn. Còn thực hiện ảnh bộ, tác giả phải có nền tảng tư duy tốt, có sự đầu tư.
Vì thế theo tôi, với các LH ảnh khu vực nên có chủ đề cụ thể, ảnh toàn quốc thì vẫn nên duy trì ảnh bộ và ảnh đơn.
Việc có nhiều bức ảnh “na ná” nhau trong nhiều cuộc thi không phải là chuyện hiếm, vậy làm sao để tạo dựng phong cách riêng?
- Từ những cuộc thi định hướng, nên mở những đề tài chuyên biệt. Hiện nay, có 2 mảng đề tài mà nhiều tác giả Việt Nam chụp cực kỳ đẹp là ảnh Macro và ảnh các loài chim. Xu hướng chuyên sâu này rất hay.
Trong hội nghị tập huấn giám khảo toàn quốc vừa qua, anh quan tâm nhất tới vấn đề gì và có đề xuất gì để việc thẩm định ảnh tốt hơn?
- Cần có quy chế cụ thể và chi tiết. Chuẩn hóa phương thức chấm, thang điểm, những ràng buộc sau thi có thể coi như quy chế đạo đức nghề nghiệp để giám khảo có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình, chứ không “rũ áo” ra đi.
Trong một số cuộc thi, giám khảo này nói nhìn ảnh này có vấn đề, có photoshop nhưng không chứng minh được, và bức ảnh đó chỉ dừng ở một vị trí nhất định mà không thể đi xa được. Cần có biện pháp chế tài cho giám khảo nhận định, phát ngôn không đúng, ảnh hưởng cục diện cuộc thi. Qua hội nghị này, hy vọng có thêm một lực lượng trẻ tham gia đội ngũ giám khảo và mỗi giám khảo ý thức hơn về lá phiếu của mình.
Chuyện tranh cãi về photoshop vẫn chưa có kết luận ở hội thảo nên dùng ở mức độ nào. Ý kiến của anh ra sao?
- Photoshop chỉ là một trong nhiều công cụ hoàn thành tác phẩm. Đa phần giám khảo xem photoshop như “tội đồ” nói thẳng ra là các vị đó hơi lớn tuổi, mù tịt về photoshop, mù công nghệ, cái gì không biết dễ phủ nhận. Họ nghĩ đó là giải pháp an toàn nhưng nó đã hạn chế sự thăng hoa trong ảnh nghệ thuật.
Trong dòng chảy bão hòa của nhiếp ảnh hiện nay, làm sao để tách ra khỏi đám đông để vượt lên? Là một tác giả thành công, anh có chia sẻ gì?
- Chúng ta đang tập trung quá nhiều kinh phí, nhân sự, tiền bạc vào cuộc thi. Thi có mặt tốt là tạo cho tác giả nỗ lực, và nhiều người trưởng thành nhanh qua thi. Tuy nhiên, sau giai đoạn thành công, họ là hội viên, có tước hiệu và tiếp tục thi thì chặng đường của họ lại ngắn lại, vì đích đến chỉ là cuộc thi. Vì thế, bên cạnh việc giảm số lượng, nâng cao chất lượng cuộc thi, cần tổ chức nhiều workshop, hội nghị mang tính chuyên sâu khám phá về lĩnh vực ảnh đương đại và ai cảm thấy phù hợp con đường nào thì tự chọn, điều đó sẽ làm ảnh đa dạng hơn.
Có thể thấy một số tay máy trẻ xuất sắc nhưng lại không tham gia các cuộc thi của Hội, vì công tác quảng bá còn kém hay vì chất lượng cuộc thi?
- Chủ đề cuộc thi chưa hấp dẫn thì khó thu hút đông. Rồi thành phần ban giám khảo, nhiều khi lại ngại công bố, dẫn đến số lượng hơi lèo phèo. Ở nước ngoài, họ nhìn vào danh sách giám khảo để chơi. Rồi giải thưởng cao, hiện vật, hiện kim có giá trị cũng là một yếu tố.
Chúng ta có nhiều tác giả tốt nhưng lại chưa có một nền nhiếp ảnh mạnh. Anh có đồng ý và nếu có thì đưa ra giải pháp nào?
- Các phần mềm đơn giản trên điện thoại cũng phải cập nhật (update). Trong hội nghị, có báo cáo viên trình bày tốt nhưng lại lấy minh họa dẫn chứng từ cách đây 40, 50 năm. Đừng nạp thông tin cũ, mà khi xác định hướng đi, phải tự đào sâu bằng cách tìm hiểu đọc và xem những triển lãm của nhiếp ảnh đương đại.
Tự làm mới, tìm tòi nhiều hơn (tìm tòi chỉ nhấn nút là có, nhưng nhiều người thiếu sự nhạy bén). Ở nước ngoài, nhiều triển lãm nghệ thuật (Art exhibition) chấm trộn lại không phân biệt, tách riêng nhiếp ảnh và tranh, tượng… cái nào đạt chuẩn thì chọn. Chừng nào ở Việt Nam có được điều đó thì chúng ta mới đạt mức chuẩn mới.
- Xin cảm ơn!