Gặp nghệ nhân làm tò he trẻ tuổi nhất Việt Nam

NGUYỄN HÀ - HOÀI ANH |

Là người con của ngôi làng có truyền thống làm nghề tò he, là nghệ nhân tò he trẻ tuổi nhất Việt Nam và quan trọng hơn cả, là một người đam mê với tò he, bởi vậy, anh Đặng Văn Hậu (sinh năm 1985, Xuân La, Phượng Dục, Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào để có thể duy trì và phát triển tò he hơn nữa. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu để hiểu hơn về hành trình mà anh đã đồng hành cùng tò he - món đồ chơi dân gian độc đáo.

Từ cậu bé nhặt bột dư đến nghệ nhân làm tò he

Đầu tiên, anh có thể chia sẻ về cơ duyên đưa anh đến với nghề làm tò he?

- Nghề này là nghề gia truyền ở quê tôi. Ngày xưa, cả làng đều nặn tò he. Và tôi cũng như bao nhiêu đứa trẻ trong làng khác, đều lấy bột dư của ông, của bố để nặn các hình dáng nhân vật mà mình yêu thích thời ấy.

Các sản phẩm tò he của nghệ nhân Đặng Văn Hậu. Ảnh: NVCC
Các sản phẩm tò he của nghệ nhân Đặng Văn Hậu. Ảnh: NVCC

Lớn hơn một chút, tôi được ông ngoại dìu dắt vào nghề. Ông cho tôi đi theo vào các lễ hội để nặn bán, sau đó ông hướng dẫn cho những kỹ năng cơ bản. Rồi tôi yêu thích nghề hơn, quý nghề hơn và chủ động tìm tòi làm sao để làm ra những sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất để bán chạy. Dần dần, nặn tò he trở thành nghề từ lúc nào không biết.

Đến giờ, anh còn nhớ cây tò he đầu tiên anh làm không?

- Hồi nhỏ tôi hay xem phim "Bao thanh thiên" và rất thích nhân vật Triển Chiêu nên đã lấy bột nặn. Đó là sản phẩm đầu tay của tôi.

Những sản phẩm sau đó của tôi được ông ngoại khen, nhưng ngày ấy các cụ tiết kiệm và khó tính lắm. Khi mình nặn không đẹp, làm hỏng bột là sẽ bị mắng “te tua” vì bột tò he khi đã nặn sai sẽ không thể tháo ra nặn lại.

Không học qua trường lớp, mọi kinh nghiệm tích luỹ từ cuộc sống, vậy bí quyết nào giúp anh được phong tặng danh hiệu nghệ nhân tò he khi mới 29 tuổi?

- Phong nghệ nhân có nhiều tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất là tay nghề cao, thứ hai là phải đào tạo được nhiều thợ, dạy được cho nhiều người, thứ ba là phải đóng góp được nhiều cho sự phát triển của làng nghề. Và tôi có đầy đủ những tiêu chí ấy.

Tôi nhớ năm 2014, quê tôi có 17 hồ sơ đăng ký xét duyệt nghệ nhân nhưng sau một cuộc thi về tay nghề để lọc ra thì chỉ có tôi và 1 người nữa được phong tặng danh hiệu.

Lúc mới được phong nghệ nhân, tôi còn rất trẻ nên có nhiều áp lực. Bởi trong ký ức của người Việt Nam, những người làm tò he là những cụ ông đã già, râu tóc bạc phơ, mặc áo dài khăn đóng ngồi tỉ mỉ nặn tò he. Khi đó, tôi biết bản thân phải không ngừng cố gắng chứng minh được năng lực của bản thân. Nếu như không liên tục trau dồi, sáng tạo hay có sự bứt phá lên thì rất khó được công nhận.

Hiện tại, các sản phẩm tò he mà anh “cho ra lò” hằng ngày có đáp ứng thị hiếu của khách hàng?

- Mỗi dịp lễ hay ngày đặc biệt, tôi sẽ cho ra mắt những sản phẩm để bắt kịp với xu hướng thị trường. Ví dụ, vào ngày Trung thu, tôi thiết kế ra bộ Tết Trung thu có những nhân vật như chị Hằng, chú Cuội mặc trang phục Việt Nam nhưng với khuôn mặt chibi. Hoặc vào ngày Giáng sinh, tôi thiết kế những ông già Noel đứng cạnh Elsa. Những sản phẩm của tôi lồng ghép cả cái cũ và cái mới, những cái đã rất quen thuộc và những cái đang được ưa chuộng. Có như vậy, sản phẩm mới vừa có thể truyền đi thông điệp ý nghĩa, vừa thu hút được giới trẻ.

Ngoài những sản phẩm như vậy, tôi cũng nghiên cứu, tìm tòi để khôi phục những con giống bột xa xưa đã bị thất truyền.

Thậm chí, những người chuyên sưu tầm đồ cổ muốn tôi phục chế một số đồ vật, tôi cũng đáp ứng yêu cầu. Hiện tại, tôi đang làm những trang phục triều đình Nguyễn nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, không chỉ mất thời gian nặn mà mất thời gian nghiên cứu để chính xác từng hoạ tiết.

Tôi muốn tò he của tôi luôn có thể phục vụ được cho những khách hàng khó tính nhất.

Thổi làn gió mới cho tò he Việt

Hiện nay, tò he cũng như đồ chơi truyền thống nói chung đang phải cạnh tranh với đồ chơi hiện đại, vậy anh nghĩ sức hấp dẫn của tò he nằm ở đâu?

- Tò he luôn có rất nhiều sức hấp dẫn. Riêng việc đủ màu sắc, ngộ nghĩnh, đáng yêu đã rất hấp dẫn trẻ con. Thêm vào đó, mỗi cây tò he đều có một câu chuyện riêng, mang tính giáo dục. Vậy nên, trải qua một thời gian dài, sức hấp dẫn của tò he vẫn không hề thuyên giảm.

Bây giờ cuộc sống ngày càng phát triển, nhưng mọi người lại có xu hướng tìm về những đồ chơi truyền thống nhiều hơn. Nguyên vật liệu của tò he cũng rất thân thiện với môi trường. Ngày xưa, trẻ con thậm chí còn ăn được, nên đây cũng được coi là một điểm cộng giúp các bậc phụ huynh lựa chọn.

Chất liệu làm tò he xưa và nay liệu có gì thay đổi không, thưa anh?

- Hồi mới làm nghề, tò he chưa thể lưu giữ được lâu như bây giờ. Nhưng từ năm 2012, tôi bắt đầu cải tiến bột để chất lượng bột bền hơn. Điều này rất cần thiết trong công cuộc phát triển nghề. Để giúp tò he đến gần hơn với người dân, cần có những sản phẩm tốt, giữ được lâu để khách du lịch đến Hà Nội có thể mua về nhà tặng cho con, em họ.

Thêm vào đó, việc tạo ra loại bột lưu giữ được lâu rất có ích trong mùa nông nhàn. Ngày xưa, nặn tò he thường làm vào mùa lễ hội, mùa hè, mùa giáp tết. Tuy nhiên, ngoài mùa đó, các nghệ nhân lại chuyển sang nghề khác, và khi nghề khác ổn định thì họ sẽ bỏ nghề làm tò he. Và cứ như vậy, nghề làm tò he bị mai một dần.

Một lý do tiếp theo khiến tôi quyết tâm cải tiến bột làm tò he là vì trước đây, khi làm một sản phẩm đẹp, cầu kỳ, chất lượng thì chỉ để từ 3 - 5 ngày là hỏng. Vậy nên, ít ai bỏ ra nhiều thời gian để làm một sản phẩm tinh xảo. Khi tôi cải tiến bột, tay nghề nghệ nhân được rèn giũa hơn, sản phẩm công phu hơn, đẹp mắt hơn để phục vụ cho những khách hàng dù là kỹ tính. Tôi mất rất nhiều thời gian và nhiều tiền bạc để cải tiến. Hiện tại, tôi đang bán loại bột này cho cả làng ở quê tôi.

Bản thân là một nghệ nhân tò he, anh có những định hướng như thế nào để gìn giữ đồ chơi truyền thống này? Mong muốn của anh là gì trong tương lai để phát triển nghề làm tò he?

- Tôi luôn mong muốn nghề tò he ngày càng phát triển, không chỉ về mẫu mã mà còn về chất liệu. Tôi mong có thể giữ gìn và phát triển nghề này hơn nữa.

Tôi đang định hướng mở những work shop (trao đổi, thảo luận) dạy làm tò he cho học sinh và những người nước ngoài. Thêm vào đó là mở khu vực cho người nước ngoài đến du lịch trải nghiệm tại chính làng nghề. Tôi cũng sẽ nặn tò he dưới hình thức biểu diễn để mọi người hiểu hơn về nghề này.

Trong một bản nhạc của xã hội hiện đại, tò he như một nốt trầm giúp người ta sống chậm lại, suy ngẫm về quá khứ, về tuổi thơ... Tôi mong tò he sẽ mãi là một "món ăn tinh thần" được mọi người đón nhận.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

NGUYỄN HÀ - HOÀI ANH
TIN LIÊN QUAN

Nghệ thuật cắm hoa Tết của nữ nghệ nhân theo phong cách Ikebana

Phạm Đông - Lan Nhi |

Từ những chất liệu truyền thống của người Việt như cành mai, hoa đào, hoa thủy tiên... nghệ nhân Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1979, Hà Nội) đã biến tấu thành những bình hoa hoa độc đáo mang phong cách hoa Đạo - Ikebana, thu hút sự quan tâm của nhiều chị em trong những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc.

Nghệ nhân 10 năm làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ

ANH NHÀN - THANH CHÂN |

10 năm cần mẫn làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, nghệ nhân Nho Hoà Thanh vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc như những ngày đầu.

Gặp hai nghệ nhân xác lập kỷ lục Việt Nam với tò he

Ngọc Dủ (thực hiện) |

Hơn 20 năm giữ hồn nghề tò he truyền thống của cha ông, hai nghệ nhân Xuân Tung, Xuân Tùng mong muốn ngành nghề này sẽ không mai một, dù cho xã hội không ngừng thay đổi. Để làm được điều này, họ đã miệt mài lao động và sáng tạo ra công thức vẽ tranh tò he bằng ốc vít và mắt xích. Đây cũng là bộ môn vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Nghệ thuật cắm hoa Tết của nữ nghệ nhân theo phong cách Ikebana

Phạm Đông - Lan Nhi |

Từ những chất liệu truyền thống của người Việt như cành mai, hoa đào, hoa thủy tiên... nghệ nhân Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1979, Hà Nội) đã biến tấu thành những bình hoa hoa độc đáo mang phong cách hoa Đạo - Ikebana, thu hút sự quan tâm của nhiều chị em trong những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc.

Nghệ nhân 10 năm làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ

ANH NHÀN - THANH CHÂN |

10 năm cần mẫn làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, nghệ nhân Nho Hoà Thanh vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc như những ngày đầu.

Gặp hai nghệ nhân xác lập kỷ lục Việt Nam với tò he

Ngọc Dủ (thực hiện) |

Hơn 20 năm giữ hồn nghề tò he truyền thống của cha ông, hai nghệ nhân Xuân Tung, Xuân Tùng mong muốn ngành nghề này sẽ không mai một, dù cho xã hội không ngừng thay đổi. Để làm được điều này, họ đã miệt mài lao động và sáng tạo ra công thức vẽ tranh tò he bằng ốc vít và mắt xích. Đây cũng là bộ môn vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam.