Xuất thân trong cái nôi cải lương
Trải qua quãng thời gian dài hoạt động nghệ thuật, Thái Châu trở thành một trong những tên tuổi gạo cội của dòng nhạc trữ tình Việt Nam gắn liền với các ca khúc như: Bài thánh ca buồn, Linh hồn tượng đá, Tình cờ gặp lại nhau… Những năm gần đây, Thái Châu thường xuyên tham gia các cuộc thi về âm nhạc với vai trò giám khảo.
Danh ca Thái Châu ví von việc sinh ra trong một gia đình nghệ thuật và các bậc sinh thành đều là nghệ sĩ tên tuổi là một sự sắp xếp của ông trời.
“Ba mẹ là bên ngành sân khấu cải lương, tôi cũng hát được cải lương lai rai nhưng lúc bé nhút nhát và mắc cỡ lắm đâu dám đứng trên sân khấu diễn những vai em bé hay kép nhí. Những tháng hè theo ba mẹ đi lưu diễn thì hằng đêm đều được đứng xem tuồng mẹ đóng.
Thế mà cái tánh tôi lại kỳ, đi xem cải lương nhưng toàn đến đứng chỗ hố nhạc để nghe nhạc, đứng sát bên ông đánh trống vì mê đánh trống lắm. Tôi cứ đứng cạnh đó để thưởng thức ban nhạc hòa tấu trước giờ mở màn” - danh ca Thái Châu nhớ lại kỉ niệm.
Nam nghệ sĩ cũng cho biết chính những khoảng thời gian đó đã nuôi dưỡng lòng đam mê và ông trời lại phú cho anh thích âm nhạc nên duyên số đưa đẩy dấn thân vào tân nhạc.
“Ba mẹ và cô dì chú bác nói thằng này ngộ, ai trong nhà cũng theo cổ nhạc có mình nó lọt sang tân nhạc” - Thái Châu cười nói.
Gắn duyên 5 thập kỷ với âm nhạc
Xuất hiện trò chuyện cùng danh ca Thái Châu trong "Đời nghệ sỹ" là một người em thân thiết – nữ danh ca Ngọc Ánh. Cô tiết lộ danh ca Thái Châu chính là thần tượng của không riêng mình và với rất nhiều người trong giới nghệ sĩ. Bên cạnh tài năng, Ngọc Ánh còn thành thật thú nhận rằng mê đàn anh bởi vẻ đẹp trai.
“Nữ hoàng nhạc rock” chia sẻ vào đầu những năm 80 của thập niên trước cô vẫn còn hoạt động trong những đoàn ca nhạc thanh niên và nhóm sinh viên học sinh, đến năm 1985 mới trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Nữ danh ca đánh giá giai đoạn đó rất khó khăn và thiếu thốn nên mọi thứ vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, trong thời điểm ấy lại hình thành nên một trào lưu nhạc mới của thập niên 80 cực kì hay và danh ca Thái Châu chính là một trong những người đi đầu để đẩy mạnh những ca khúc ấy.
“Tôi hát mà phải nghe theo cách anh Thái Châu hát vì có nhiều cách xử lý và nhả chữ tuyệt vời. Một giai đoạn âm nhạc rất khó khăn nhưng bài nào cũng hay và nó phù hợp với thời điểm khi ấy. Anh Thái Châu đã thổi hồn vào các bài hát ấy, cái hồn xưa kết hợp với nay để tạo ra một ca khúc đặc biệt của riêng anh” - Ngọc Ánh khẳng định về sự quan trọng của danh ca Thái Châu trong việc định hình trào lưu âm nhạc.
Với tư cách là lớp ca sĩ đàn em, danh ca Ngọc Ánh miêu tả mình và các đồng nghiệp khác khi nghe được những ca khúc ấy là “mê lắm, nghe mà nhão cả sợi băng để học cách anh hát”. Chính việc học hỏi từ danh ca Thái Châu, Ngọc Ánh cho biết ai cũng cố gắng phấn đấu để tạo cho mình một bước đi riêng.
Danh ca Thái Châu cũng phải công nhận rằng ngày ấy anh may mắn được nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm phối khí lại một loạt ca khúc của nhạc sĩ Vũ Hoàng như Hương tình yêu, Hương tràm, Phượng hồng…
Những ca khúc ấy qua giọng hát của nam danh ca đã trở thành những bài hát kinh điển trong dòng nhạc trữ tình. Thái Châu cho biết các ca khúc này khiến cho anh cảm giác gần gũi với gu âm nhạc nên dễ dàng thể hiện một cách tình cảm.