Diễn viên Bảo Thanh - “Sống chung với mẹ chồng”: Từ “nụ” đến hoa

Nguyên Lê |

Phủ sóng cùng lúc trên 3 đầu phim, nhưng “Sống chung với mẹ chồng” mới là bộ phim đưa tên tuổi của nữ diễn viên trẻ Bảo Thanh đến với công chúng rộng rãi hơn cả. Cùng với Nhã Phương ở “đầu cầu” phía Nam, Bảo Thanh ở “đầu cầu” phía Bắc là một trong hai gương mặt nữ đắt sô nhất hiện nay của phim truyền hình. Nhưng với công chúng điện ảnh, bông hoa này đã từng được biết sớm hơn thế, khi cô còn là “nụ”.
“Vào Nam ra Bắc”
“Vào Nam ra Bắc” - bộ phim điện ảnh từng mang đến cho nữ diễn viên nhí Bảo Thanh giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ 13 lúc cô lên 8, cũng ít nhiều vận vào lộ trình làm nghề của cô sau này. Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật tại Bắc Giang, bất ngờ được đạo diễn Phi Tiến Sơn phát hiện và giao cho vai bé Nụ trong “Vào Nam ra Bắc”, Bảo Thanh sau một thời gian ngắt quãng đã được mời “Nam tiến” cho hai bộ phim truyền hình dài tập (35 tập) “Người chồng điên” và “Ba ơi mẹ có về không” - một cơ hội không mấy khi dành cho một nữ diễn viên trẻ phía Bắc trên sóng HTV.
Trong đó, bộ phim “Người chồng điên” thêm lần nữa cho thấy Bảo Thanh vô cùng có duyên với các giải thưởng (giải Nữ diễn viên xuất sắc của giải Cánh diều 2014, ở lĩnh vực phim truyền hình). Trong “Người chồng điên”, nữ diễn viên có vẻ ngoài khá là cương nghị và phúc hậu này bất ngờ được giao một vai phản diện: Ngọc Diệp - người vợ “tham vàng bỏ ngãi”, đã từng bước đẩy chồng mình đến chỗ tâm bệnh vì những mánh khóe mà cô ta giở ra với nhà chồng. Không hẳn là một vai diễn quá xuất sắc, nhưng “Người chồng điên” quả đã thu được vào ống kính những trường đoạn diễn xuất bằng mắt khá đắt giá của nữ diễn viên nắm trong tay sở trường này, từ lúc còn là một cô bé diễn bằng bản năng trong “Vào Nam ra Bắc”. Một gương mặt những tưởng sẽ phù hợp với những vai chính diện, nhưng từ “Người chồng điên” đến “Sống chung với mẹ chồng”, Bảo Thanh dù không còn ở vào độ tuổi xuân sắc nhất vẫn cho thấy cô đặc biệt phù hợp với những dạng vai xốc nổi, cạn nghĩ... và thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ sự thiếu chín chắn đó của mình.
Là một nữ diễn viên “con nhà”, được đào tạo bài bản, lại có cơ hội đến với điện ảnh từ rất sớm, sự nghiệp diễn xuất của Bảo Thanh lẽ ra đã có một bước tiến dài và liền mạch hơn nếu như cô không sớm ca bài “Sao em nỡ vội lấy chồng”. “Từ điểm xuất phát có đà ấy của mình, bước đường diễn xuất của “bé Nụ” tiếc là đã bị gián đoạn mất một thời gian khá dài nên khi quay trở lại, Bảo Thanh ít nhiều gặp khó trong việc làm quen với lối làm phim mới. Cơ hội được giao những vai diễn trẻ trung, xuân sắc... do đó cũng hẹp hơn. Nhưng bù lại, cũng chính nhờ sự “đứt quãng” đó mà quyết tâm của người trở lại càng trở nên tha thiết hơn bao giờ. Có thể cảm nhận rất rõ máu nghề của Bảo Thanh trong cách cô lao động kỹ lưỡng, hết mình trên trường quay cũng như nỗ lực đào sâu tâm lý nhân vật của một diễn viên được đào tạo qua trường lớp, từng bản lĩnh đứng trước máy quay ngay từ lúc rất nhỏ” - Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC đánh giá.
Từng là một “Em bé Hà Nội”
Trong đó, vai diễn ấn tượng nhất của Bảo Thanh theo tôi lại chính là vai diễn lúc cô còn chưa kịp đặt chân đến trường điện ảnh: Bé Nụ trong “Vào Nam ra Bắc”. Nếu ai đã xem bộ phim truyện điện ảnh này của đạo diễn Phi Tiến Sơn, sẽ khó mà quên được diễn xuất vô cùng dễ thương và hết sức ăn ý của cô bé 8 tuổi này bên cạnh “bạn diễn” của mình (nam diễn viên Hồng Quang). Một vai thứ chính, dành cho một diễn viên nhí, nhưng được biên kịch và đạo diễn cho khá nhiều đất diễn, chiếm gần hết những trường đoạn xúc động nhất trong phim.
Từ niềm tin trong trẻo ngây thơ mà cô bé chăn trâu bắt cua loem nghoem bùn đất ấy dành cho chú bộ đội đang phải “làm nhiệm vụ bí mật” mà cô tình cờ bắt gặp trên một ngọn đồi, đến nỗi thất vọng, đổ vỡ của Nụ khi phát hiện ra “chú Quang” nói dối. Rằng, “chú Quang” thật ra chỉ là một người lính đào ngũ, khi không đủ can đảm đối diện với những khốc liệt của cuộc chiến đang chờ mình phía trước. “Vào Nam ra Bắc” đã kể rất duyên về diễn biến tâm lý và quá trình trưởng thành nhận thức của anh lính trẻ (từ chỗ đào ngũ đến quyết định nhảy lên tàu vào Nam chiến đấu), một phần không nhỏ chính là nhờ vào lối diễn xuất rất có hồn của người đảm nhận vai bé Nụ.
Có thể nói không ngoa rằng, diễn xuất của Bảo Thanh với vai bé Nụ trong “Vào Nam ra Bắc” hoàn toàn không thua kém gì “trình” diễn xuất của nữ diễn viên Lan Hương trong phim “Em bé Hà Nội”. Hẳn là đạo diễn Phi Tiến Sơn đã phải ưng ý và thích thú với phát hiện của mình lắm mới chấp nhận đưa giọng Bắc của cô bé Bảo Thanh vào phim, bất chấp bối cảnh câu chuyện diễn ra tại một vùng quê Trung Bộ. Phim vì thế có một sự phi lý: Mẹ nói giọng Trung, con lại nói giọng Bắc, nhưng đã được khán giả dễ dàng thể tất chính là nhờ diễn xuất vô cùng ấn tượng, không hề có một chút gượng gạo nào của “bé Nụ”.
Xem Bảo Thanh diễn xuất trong phim “Sống chung với mẹ chồng”, nếu tinh ý sẽ thấy “biểu đồ diễn” của cô không được đều tay lắm qua các tập phim. Có tập, có trường đoạn cô diễn rất thật, rất duyên, nhất là những đoạn cần lột tả những “tội lỗi hồn nhiên” thường thấy ở một cô dâu trẻ. Nhưng lại cũng có những đoạn cô vào vai chưa thật mềm, thật nhuyễn - điều cô từng làm được ở vai diễn điện ảnh đầu tay khi mới lên 8.
Âu đó cũng là hạn chế nói chung của phim truyền hình dài tập so với phim điện ảnh và riêng với Bảo Thanh, lại còn là mật độ chạy sô khá dày: Ba phim, với các vai diễn lớn bé khác nhau đều lên sóng cùng thời điểm. “Cũng phải thông cảm cho một nữ diễn viên máu nghề, khi có cơ hội làm nghề trở lại sau một thời gian dài đứt quãng. Để biết chọn lọc vai diễn, tiết chế sự xuất hiện của mình hơn, đòi hỏi một sự tỉnh táo cao độ của người diễn viên. Nếu để tính chuyện đường dài, thì việc “dán nhãn” tên mình khắp nơi rõ ràng là cần cân nhắc” - Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói về trường hợp của Bảo Thanh.
Còn nhớ, trong “Vào Nam ra Bắc”, khi thả một chiếc thuyền giấy ước mơ xuống một hố bom nhỏ, được giả định là “mặt biển”, bé Nụ đã hỏi “chú Quang”: “Bên kia bờ là gì?”. Rồi khi được giải thích “bên kia bờ là nước Mỹ”, cô bé đã khẩn thiết gào lên: “Thuyền ơi, về đi! Nước Mỹ nhiều bom lắm, về đi!”. Để biết bờ bên kia là gì, và nên đi tiếp thế nào, thiết nghĩ cũng là một câu hỏi mà người thủ vai bé Nụ cần tự vấn lúc này, cả khi và càng khi cô đang “được đà” nhất.

 

Nguyên Lê
TIN LIÊN QUAN

“Sống chung với mẹ chồng” mới thành công một nửa

VIỆT VĂN |

Phim đã đi tới tập gần cuối và cho dù có thể kết phim là hạnh phúc mới của Minh Vân, cho dù raiting phim cao thì “Sống chung với mẹ chồng” cũng chỉ thành công một nửa. Tại sao phim chỉ “một chiều” toàn người “xấu xí”?

“Sống chung với mẹ chồng” bị chê thiếu nhân văn

Bích Hà |

Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đã mang gần hết những tiêu cực và nỗi khổ trong hôn nhân ra phô bày trên màn ảnh. Đã đi đến những tập cuối, phim vẫn bị nhiều khán giả truyền hình chê là "thiếu nhân văn", không có tính giáo dục.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

“Sống chung với mẹ chồng” mới thành công một nửa

VIỆT VĂN |

Phim đã đi tới tập gần cuối và cho dù có thể kết phim là hạnh phúc mới của Minh Vân, cho dù raiting phim cao thì “Sống chung với mẹ chồng” cũng chỉ thành công một nửa. Tại sao phim chỉ “một chiều” toàn người “xấu xí”?

“Sống chung với mẹ chồng” bị chê thiếu nhân văn

Bích Hà |

Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đã mang gần hết những tiêu cực và nỗi khổ trong hôn nhân ra phô bày trên màn ảnh. Đã đi đến những tập cuối, phim vẫn bị nhiều khán giả truyền hình chê là "thiếu nhân văn", không có tính giáo dục.