Công trình đẹp nhất Kinh thành Huế xưa
Điện Long An, nay là Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế (ở số 3 Lê Trực, thành phố Huế), được xây dựng vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị.
Thời điểm này được cho là thời kỳ phát triển cực thịnh của mỹ thuật cung đình nhà Nguyễn, nên ngôi điện hội tụ được những gì tinh túy nhất của nghệ thuật kiến trúc và trang trí cung đình.
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, điện Long An là ngôi điện có kiến trúc đẹp nhất trong kinh thành Huế xưa và hiện là công trình gỗ có kiến trúc đặc sắc nhất Việt Nam.
Điện Long An có kiến trúc là một tòa nhà kép, theo lối "trùng thiềm điệp ốc", tức là một công trình ghép từ hai tòa nhà theo lối nối mái. Tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn, chính điện gồm 5 gian 2 chái kép.
Toàn bộ ngôi điện với tổng diện tích mặt nền hơn 1.000m2 được đặt trên một nền đắp cao, bó vỉa bằng đá cẩm thạch và đá thanh. Bộ khung điện Long An được dựng lên bởi hơn 100 cây cột bằng gỗ lim đặt trên chân đá táng.
Bộ mái của điện Long An nguyên thủy lợp ngói âm dương tráng men vàng, bên dưới có gần chục lớp ngói liệt, mái chia làm nhiều lớp để giảm bớt sự nặng nề.
Đỉnh nóc chính điện đắp hình đầu rồng đội hạt trân châu, hai đầu bờ nóc gắn hồi long, bốn góc bờ quyết có tượng long lân quy phụng đắp bằng vữa khảm sành sứ.
Năm 1923, vua Khải Định đã ra chiếu sử dụng điện Long An làm trụ sở chính của Bảo tàng Khải Định.
Hiện nay ngôi điện này là nơi trưng bày, lưu giữ khoảng 9.000 cổ vật cung đình cũng như các hiện vật, tài liệu quý giá liên quan đến triều đại nhà Nguyễn và sự hình thành xứ Đàng Trong.
165 bài thơ trong một ngôi điện
Theo TS Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Điện Long An, một thời được xem là “biệt điện” của vua Thiệu Trị, nơi chạm khắc đến 165 bài thơ đều là thơ của vị vua này.
Thơ ở đây được trang trí với nhiều dạng thức: Chạm nổi sơn son, chạm nổi thếp vàng và cẩn xà cừ...
Đặc biệt có hai bài thơ chơi chữ đồng dạng, được cẩn xà cừ cực kỳ tinh xảo trên vách ván ngôi điện này. Đó là bài "Vũ trung sơn thủy" (Non nước trong mưa) và bài "Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm" (Ngâm vịnh trong đêm thơ ở vườn Phước Viên).
Cả hai bài thơ đều có cùng hình thức trình bày, chạm khảm theo đồ hình bát quái. Bên cạnh mỗi bài thơ là “mã” để mở khóa với nội dung như sau: Dụng hồi văn thể kiêm liên hoàn, bằng trắc tứ vận, độc thành thất ngôn ngũ ngôn, lục thập tứ chương (Dùng thể hồi văn kiêm liên hoàn với bốn vần bằng trắc, đọc thành thất ngôn, ngũ ngôn được 64 bài).
Ví dụ bài "Vũ trung sơn thủy". Đây là bài thơ có tính chất hồi văn và liên hoàn, có nghĩa là bắt đầu từ xuất phát điểm nào cũng có thể đọc thành câu, ghép thành bài.
Bên cạnh đó, tính liên hoàn buộc phải ít nhất, chỉ trong một cặp câu thì phải có sự láy/ lặp một chữ, nối hai bài lại với nhau (hoặc vận dụng nhiều dạng láy khác). Điều quan trọng nữa, bài thơ được giải mã phải trên cơ sở xác định rõ bốn vần (bằng trắc tứ vận) là Canh, San, Dạng, Chấn.
Tại cuốn sách "Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn kiêm liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thủy của Thiệu Trị", giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng đã “mất” hơn 450 trang sách để lý giải, trình bày phương pháp, cách đọc cho từng bài theo trình tự nhất định.
Theo TS Nguyễn Phước Hải Trung, bài thơ là một kiểu chơi chữ trí tuệ của một vị vua. Chỉ từ 56 chữ, vua Thiệu Trị đã cho đến 64 bài thơ thất ngôn bát cú (chưa kể 64 bài ngũ ngôn bát cú).
Trong đó có kiểu hồi văn với 32 cặp bài thất ngôn thuận nghịch độc với 16 điểm xuất phát đi 2 hướng; lại có kiểu liên hoàn vô cùng phức tạp: liên hoàn thẳng, liên hoàn vòng quanh; liên hoàn một chiều, hai chiều; liên hoàn đối xứng, không đối xứng. Đó là một cách sắp xếp cực kỳ công phu, người thật có tài và vốn chữ nghĩa phong phú mới có thể làm được.
Ngoài ra từ hình thức và cấu trúc của "Vũ trung sơn thủy" có thể suy luận thêm về mối liên hệ giữa Dịch học trong kết cấu bài thơ.
Bài thơ trình bày theo một hình tròn tượng trưng cho thái cực, có 2 vần bằng/ trắc tượng trưng cho lưỡng nghi, có 4 vần Canh, San, Chấn, Dạng tượng trưng cho tứ tượng, và đọc được 64 bài tượng trưng cho 64 quẻ trong Dịch học.
"Những sự trùng khít một cách nhịp nhàng về các con số chắn chắn phải có nguyên nhân. Vua Thiệu Trị là một Nho gia, ở đây sự đề cao về dịch lý của các nhà nho theo khuynh hướng Tống Nho có thể là nguyên nhân hình thành nên hiện tượng này", TS Nguyễn Phước Hải Trung nói.