Buổi hội nghị quy tụ lãnh đạo ngành điện ảnh từ nhiều nơi trên thế giới như bà Liza Dino - Giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh Thành phố Quezon kiêm Giám đốc điều hành Chợ dự án Qcinema (Philippines); bà Gayatri Nadya Paramytha - Quản lý Tuần lễ Điện ảnh Jakarta (Indonesia); ông Ed Lejano - Giám đốc nghệ thuật QCINEMA IFF; bà Manijeh Fata - Giám đốc điều hành Ủy ban phim San Francisco (Mỹ)...
Từ góc nhìn của mình, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm của Mỹ, Malaysia, Indonesia… trong công tác xây dựng chiến lược cho một ngành công nghiệp điện ảnh bền vững và mô hình hợp tác giữa các bên liên quan để phát triển.
Nói về hệ sinh thái điện ảnh bền vững, ông Ed Lejano - Giám đốc nghệ thuật QCINEMA IFF - cho rằng: “Sự bền vững trong hệ sinh thái phim là do sự tài trợ của chính phủ và giá trị mà phim ảnh mang đến cho người xem, cộng đồng nói chung. Nó bao gồm tính tương hỗ, tính làm giàu và tính mở rộng”.
Với chủ đề “Bồi dưỡng tài năng mới: Chương trình cố vấn và liên hoan phim”, các diễn giả đề cập đến các chương trình đào tạo và ươm mầm các tài năng trẻ.
Trong đó, các diễn giả nhấn mạnh đến vai trò của các liên hoan phim quốc tế trong việc hỗ trợ các nhà làm phim mới. Những yếu tố đó sẽ góp phần tạo nên bệ phóng vững chắc cho các nhà làm phim trẻ.
Với chủ đề “Tương lai của nguồn tài trợ phim ở Đông Nam Á”, tài chính luôn là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.
Từ góc độ là nhà đầu tư, các chuyên gia chia sẻ về những nhân tố của dự án phim mà họ chú trọng để đầu tư vào các bộ phim.
Các diễn giả đánh giá, châu Á là một nơi độc đáo, đa dạng văn hóa, mỗi quốc gia có màu sắc khác nhau, do đó tương lai của điện ảnh Đông Nam Á rất cần đến việc xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững tại Đông Nam Á, hỗ trợ tài năng mới và tìm tương lai của nguồn tài trợ cho phim.
Các liên hoan phim (LHP) đều dành tiền hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, như ông Ed Lejano - Giám đốc nghệ thuật QCINEMA IFF - cho biết, năm ngoái LHP đã dành 35.000 USD nuôi dưỡng các tài năng Đông Nam Á.
Ở Malaysia, bà Joanne Gon - Chủ tịch Liên hoan phim MIFFest - cho hay, chính phủ hỗ trợ các nhà làm phim.
Bà Joanne Gon cho rằng, tại Việt Nam chưa có quỹ hỗ trợ cho các nhà làm phim là điều đáng tiếc bởi đây là nơi có nguồn nhân tài lớn của Đông Nam Á.
Đông Nam Á là khu vực có nhiều nhà làm phim tài năng trẻ, nhưng ông Raymond Phathanavirangoon - cựu lãnh đạo SEAFIC - chỉ ra một hạn chế của các nhà làm phim Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là các nhà làm phim chỉ đang tập trung vào thị trường nội địa nên khó khăn để hoàn vốn.
Ông phân tích thêm, không nên làm phim thương mại chiếu đi chiếu lại cùng chủ đề. Việc nhà làm phim mãi kể những chuyện buồn thảm, đau khổ khóc lóc thì đến lúc nào đó khán giả sẽ chán không muốn xem phim nội nữa. Ông khuyên rằng, điện ảnh Việt Nam không nên vậy, đừng tập trung vào hài nhảm, mua nước mắt người xem...