Đi Trường Sa vẽ bộ đội mình

Thùy Ân |

“Thật sự, tôi không thể nhớ cụ thể mình đã ký họa, vẽ bao nhiêu tranh chủ đề anh bộ đội cụ Hồ, trong đó, đặc biệt là những người lính đảo Trường Sa. Mỗi người yêu nước theo cách của riêng mình. Mỗi người thể hiện tình yêu nước, trách nhiệm - nghĩa vụ với Tổ quốc theo khả năng của mình, với tôi, đó là cầm cọ vẽ” - Hồ Minh Quân - “một trong những họa sĩ của biển đảo  Việt Nam” - chia sẻ với tôi.

Vẽ người lính đảo nơi đầu sóng ngọn gió

Cảm thấy là có chút phi lý nhưng tôi vẫn không sao giữ được chút… ghen tỵ xen lẫn “nỗi vui mừng hộ người” khi vừa mở máy điện thoại đã nghe anh Quân giọng hồ hởi, “giữa tháng tư này anh lại đi Trường Sa vẽ bộ đội mình! Chuyến đi thứ hai cách chuyến đi thứ nhất 9 năm!”

Tôi thích 7 từ “đi Trường Sa vẽ bộ đội mình” anh Quân dùng và cả âm sắc trong giọng khi anh nói mấy từ đó. Rất thân thương, ấm áp với Tổ quốc mình, với những người lính.

Họa sĩ Hồ Minh Quân và các chiến sĩ trong chuyến đi năm 2013. Ảnh: NVCC
Họa sĩ Hồ Minh Quân và các chiến sĩ trong chuyến đi năm 2013. Ảnh: NVCC

Và tôi, một người vinh dự từng được cử  tham gia đoàn công tác thăm - chúc Tết nhà giàn DK1 năm 2016, không thể không gặp Hồ Minh Quân trò chuyện trước khi họa sĩ lên đường đi Trường Sa.

Khoảng chục năm nay, Hội Mỹ thuật Việt Nam đều phối hợp cùng Quân chủng Hải quân tổ chức cho các họa sĩ đi thực tế sáng tác ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một số đơn vị trong quân chủng. Từ những chuyến đi thực tế bổ ích ấy, các họa sĩ đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về biển đảo quê hương và người lính hải quân.

Lần đầu tiên, họa sĩ Hồ Minh Quân được cử tham gia chuyến đi thực tế Trường Sa từ ngày 3-12.5.2013, trên tàu HQ 996, Hải đội 441, vùng 4 Hải quân, xuất phát từ cảng Cát Lái, cùng đoàn công tác số 10. Trong chuyến đi hơn 10 ngày,  đoàn thăm 6 đảo nổi, 4 đảo chìm, 2 nhà giàn… thuộc quần đảo Trường Sa

Về “cảm xúc Trường Sa”, anh nhớ lại:  Đoàn họa sĩ gồm 7  hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đều từ phía Nam, có cả họa sĩ tuổi 70, tất cả chúng tôi náo nức, mong mỏi, hồi hộp. Sau 3 ngày hai đêm, vượt 480 hải lý; vào lúc 16g30 ngày 5.5  - đảo  Song Tử Tây (hòn đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa) -  mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc - hiện ra trước mắt chúng tôi với ngọn hải đăng lừng lững  hiên ngang…

Ngay trên tàu và đặc biệt trên các đảo, nhà giàn, các họa sĩ được đi tham quan, ghi chép tài liệu, gặp gỡ quân dân trên đảo, ký họa chân dung tặng các chiến sĩ, “những người lính trẻ - phần nhiều các cháu tầm 19, đôi mươi” anh Quân bồi hồi.

7 họa sĩ - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trong chuyến đi Trường Sa năm 2013. Ảnh: NVCC
7 họa sĩ - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trong chuyến đi Trường Sa năm 2013. Ảnh: NVCC

“Trường Sa - tuyến đầu Tổ quốc” (120cm x 140cm), là một bức tranh nổi tiếng của Hồ Minh Quân. Khi nghe tôi hỏi về hai người lính anh thể hiện trong tranh, cụ thể đó là ai,  anh Quân trầm giọng kể: “Ý tưởng về tác phẩm hình thành khi  tôi và các họa sĩ trong đoàn đi viếng mộ các liệt sĩ trên đảo Nam Yết. Thấy 4 ngôi mộ tại đảo Nam Yết, bia ghi tuổi đời người lính; họ hy sinh  rất trẻ, mười chín đôi mươi, trong lúc đi gác...  Chúng tôi thắp nhang và khóc. Tôi  thầm nói với các cháu, nhất định chú sẽ vẽ các cháu.  Sau chuyến đi, như một điềm tâm linh, tôi thấy  khi vẽ tranh như thấy có họ bên mình… Đất nước chúng ta yên bình vì chúng ta có những người lính bảo vệ, hy sinh…”.

Tác phẩm “Trường Sa - tuyến đầu Tổ quốc đã nhận các giải thưởng: Giải C khu vực VI của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014, giải B của Ban Tuyên giáo Trung ương trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2 năm 2015, giải Nhì của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015. Hiện bức tranh thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Tranh “Trường Sa”. Ảnh: NVCC
Tranh “Trường Sa”. Ảnh: NVCC

“Tổ quốc nơi đầu sóng” (120cm x 140cm) là tác phẩm tiếp theo nằm trong seri biển đảo của Hồ Minh Quân cũng đã thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam năm 2020.

Bức Sức mạnh tiềm ẩn (150cm x 150cm) thì nhận giải C khu vực VI của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017.

Chủ đề anh bộ đội cụ Hồ  - ngoài một số bức tranh đã  thuộc bộ sưu tập các bảo tàng, toàn bộ tranh sơn dầu còn lại của Hồ Minh Quân đã thành “tài sản quý giá” của một nhà sưu tập tranh ở Thảo Điền - TPHCM.

Cả trăm ký họa chân dung chiến sĩ trên trong chuyến đi Trường Sa lần thứ nhất, họa sĩ đều tặng lại các nhân vật.

Tranh: “Tổ quốc nơi đầu sóng”. Ảnh: NVCC
Tranh: “Tổ quốc nơi đầu sóng”. Ảnh: NVCC
Tranh: “Từ Bạch Đằng đến Trường Sa”. Ảnh: NVCC
Tranh: “Từ Bạch Đằng đến Trường Sa”. Ảnh: NVCC
Tranh “Trường Sa - nơi tuyến đầu Tổ quốc”. Ảnh: NVCC
Tranh “Trường Sa - nơi tuyến đầu Tổ quốc”. Ảnh: NVCC

Mãi mãi “Trường Sa trong trái tim và vòng tay Tổ Quốc”

Chuyến đi thực tế Trường Sa tháng 4.2022 này chỉ có 3 họa sĩ từ Hội Mỹ thuật Việt Nam là Hồ Minh Quân (phía Nam), Đặng Đình Dũng, Trần Nguyên Hiếu (phía Bắc) - những họa sĩ có nhiều tác phẩm về biển đảo quê hương nhận giải thưởng. “Cả ba chúng tôi thấy rất vinh dự khi được Hội chọn, cử đi chuyến này”, anh Quân chia sẻ.

“Trong nhiều bức tranh sơn dầu vẽ chiến sĩ hải quân nơi biển đảo, như tôi thấy, anh thường khắc họa hình tượng người chiến sĩ từ phía sau lưng. Tại sao?”. Tôi hỏi. Hồ Minh Quân mỉm cười, giải thích: “Cảm ơn câu hỏi này. Đằng sau lưng các chiến sĩ là đảo - điểm tựa vững chắc -  đảo - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc - thế vững chãi dựa vào;  mắt những người lính dõi nhìn biển xa - đêm ngày canh giữ đất trời Tổ quốc; một tấc đất quyết không lùi.

Tôi nhớ, chuyến đi 2013, tôi mang một ít thẻ điện thoại làm quà tặng cho những người lính để họ gọi điện về cho gia đình.  Khi nghe chúng tôi thăm tình hình, những người lính trẻ kiên cường, rắn rỏi trả lời: Bộ đội Hải quân sẵn sàng hy sinh bảo vệ từng tấc đất, con sóng!

Nghe anh Quân kể tới đây, tôi chợt nhớ những ngày mình từng đi thăm DK1, gặp gỡ, trò chuyện cùng những người lính nhà giàn can trường. Bộ đội cụ Hồ, chiến sĩ Hải Quân nơi nào cũng vậy. Chắc tay súng bảo vệ quê hương. Trái tim cả nước luôn hướng về Trường Sa và DK1.

“Với một họa sĩ, cái cần nhất, tất nhiên là tác phẩm. Chuyến đi Trường Sa lần thứ 2 này, tôi mang nhiều màu vẽ hơn, cố gắng sẽ vẽ ngay tại đảo, để bắt kịp cảm xúc của mình. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mỹ thuật Việt Nam có những họa sĩ đàn anh có những bức ký họa thực địa - nhiều bức rất có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Ngày nay, chúng tôi có những ký họa thực địa thể hiện anh bộ đội cụ Hồ nói chung, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi luôn vững tin: Mãi mãi Trường Sa trong trái tim và vòng tay Tổ Quốc” - họa sĩ Hồ Minh Quân nói.

Thùy Ân
TIN LIÊN QUAN

Trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Triển lãm lưu động bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” nhằm góp phần kế thừa và phát huy truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Những người mãi ở lại Trường Sa canh giữ biển trời Tổ quốc

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Đó là những người anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Trường Sa 2022: Kết nối tình cảm giữa đất liền và biển đảo xa xôi

Ái Vân |

Chương trình nghệ thuật “Xuân Trường Sa” là thông điệp kết nối tình cảm, vui Xuân, đón Tết giữa đất liền với cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa. 

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Triển lãm lưu động bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” nhằm góp phần kế thừa và phát huy truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Những người mãi ở lại Trường Sa canh giữ biển trời Tổ quốc

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Đó là những người anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Trường Sa 2022: Kết nối tình cảm giữa đất liền và biển đảo xa xôi

Ái Vân |

Chương trình nghệ thuật “Xuân Trường Sa” là thông điệp kết nối tình cảm, vui Xuân, đón Tết giữa đất liền với cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa.