Sau thời gian điều trị, mặc dù được đội ngũ thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu, nhạc sư Vĩnh Bảo đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 104.
Lễ viếng nhạc sư Vĩnh Bảo bắt đầu từ 10h ngày 8.01.2021 đến 10h ngày 10.01.2021 tại Câu lạc bộ Hưu trí TP. Cao Lãnh (số 209 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Di quan lúc 10h ngày 10.01.2021, hỏa táng tại Nghĩa trang Quảng Khánh (TP. Cao Lãnh).
Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh ngày 19.8.1918 ở Mỹ Trà (Sa Đéc) nay là TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Sinh thời, ông không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện nhiều nhạc cụ trong và ngoài nước, ông còn là người thầy lớn về âm nhạc dân tộc, nhất là lĩnh vực đờn ca tài tử Nam bộ. Là Trưởng ban nhạc cổ miền Nam đầu tiên của Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, rồi sau này là dạy và truyền nghề đàn, kiến thức âm nhạc đờn ca tài tử Nam bộ qua mạng Internet và sách do chính mình biên soạn, ông còn là thầy dạy nhạc với hàng nghìn môn đồ trong nước.
Và với khả năng thạo 5 ngoại ngữ, ông đã nhiều lần đến trường đại học ở Mỹ, Pháp, Nhật... giảng dạy và nói chuyện về đờn ca tài tử trong vai trò giáo sư biệt thỉnh. Ông cũng nhiều lần thực hiện biểu diễn âm nhạc dân tộc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong vai trò cá nhân và phối hợp cùng GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy...
Sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê xem nhạc sư như người thầy lớn của mình: "Nhờ anh Vĩnh Bảo mà tiếng đờn ngô nghê, chân thật, nhưng có vẻ “nhà quê” của tôi từ trước đã trở nên mượt mà bay bướm và cũng từ đó phát triển lên đến bây giờ. Vì vậy đối với tôi, anh Vĩnh Bảo là một người anh em ruột thịt, một người bạn chí thân, tri âm tri kỷ, nhưng tôi vẫn xem anh như một người thầy đã gián tiếp và nhiều khi trực tiếp uốn nắn tiếng đàn tranh của tôi”.
Ông cũng là người cải tiến và trực tiếp thực hiện toàn phần từ cưa, bào, đóng thùng, căng dây... để “lột xác” cây đàn tranh 16 dây du nhập từ Trung Quốc thành đàn tranh 17, 19 rồi 21 dây, tiện lợi khi chuyển điệu, có âm sắc, âm vang cao hơn, hay hơn.
Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều sách dạy đàn tranh. Tất cả những việc ông làm xuất phát từ cái tâm của người sống hết mình vì âm nhạc dân tộc. Vì thế với nhiều người, ông là “di sản sống” của âm nhạc dân tộc nói chung, của Đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng.
Những đóng góp miệt mài của ông đã đặt nền tảng để UNESCO công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ là “Di sản phi vật thể của nhân loại”. Ông được nhiều tổ chức âm nhạc trong nước và thế giới công nhận, trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, như Giải thưởng Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, Giải thưởng Đào Tấn,... được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới ở Honolulu (Mỹ) và Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học...
Tháng 5.2018, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vận động nhà hảo tâm cùng gia đình cất ngôi nhà bên rạch Cái Sâu (phường 4, TP Cao Lãnh) để nhạc sư trở về cố hương sau 70 năm xa cách. Ngày 18.8.2018, sau thời gian chuẩn bị, tỉnh Đồng Tháp chính thức khánh thành Nhà trưng bày nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ "Nguyễn Vĩnh Bảo - giai điệu và cuộc đời" đặt tại Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp.
Nhà trưng bày với gần 1.000 tư liệu, tài liệu, hiện vật như: sách, ảnh, băng đĩa, bằng khen, nhạc cụ,... được nhạc sư gửi tặng, đã được bộ phận nghiệp vụ của Bảo tàng Đồng Tháp bày trí theo 05 nội dung chính gồm 1 khu trung tâm và 4 chuyên đề.