Hàng năm, các giải thưởng, tặng thưởng dành cho phim tài liệu thường được xướng lên ở nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế, nhưng đưa được phim tài liệu ra rạp cũng là mong muốn của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất. Thực tế đã có những bộ phim tài liệu ra rạp thương mại thành công, song đó vẫn là con đường nhiều khó khăn trở ngại. Đạo diễn Phan Huyền Thư - tác giả của những bộ phim tài liệu xuất sắc như “Cha mẹ xin lỗi con”, “Quyền được học”, “Cuộc đua”... đã có cuộc trò chuyện với LĐCT.
Thưa đạo diễn Phan Huyền Thư, bộ phim tài liệu tiêu biểu nhất của chị là “Cha mẹ xin lỗi” đã chu du ở nhiều quốc gia, lên sóng truyền hình của BBC Worldwide. Tuy nhiên, một buổi chiếu thương mại cho phim vẫn chưa có?
- Phim được hoàn thành, tôi đã tự bỏ tiền để tổ chức chiếu ra mắt, mời cả nhân vật đến tham dự. Thời điểm ấy, chưa ai nghĩ đến việc đưa phim ra rạp thương mại. Khi tham gia Liên hoan phim FFF (Female filmmaker festival) - liên hoan chỉ dành cho các nữ đạo diễn trên thế giới, tôi quan sát thấy các rạp phim của nước ngoài đều dành thời gian để chiếu một bộ phim tài liệu, sau đó mới vào phim truyện chính. Điều ấy đã tồn tại từ lâu.
Còn ở nước ta thì khác. Bây giờ bước vào hệ thống rạp nhà nước hay tư nhân, chúng ta mất đến 15 - 20 phút ngồi đợi, xem đủ các loại quảng cáo, ăn đến mấy hộp bỏng ngô rồi mà phim vẫn chưa bắt đầu, trong khi đó là thời gian lý tưởng để chúng ta có thể thưởng thức thêm một bộ phim tài liệu.
Thực ra, nhiều diễn đàn hội thảo cũng đã đề cập vấn đề này rồi. Nhưng đó chỉ là những tiếng nói yếu ớt và lẻ loi. Tôi có cảm giác là cả ngành điện ảnh Việt Nam bây giờ cứ điên cuồng lên nghĩ cách làm phim thế nào để kéo khán giả đến rạp và thu được nhiều tiền. Thế thôi. Ngay các giải thưởng cũng chỉ hồi hộp xướng tên phim nào được giải, diễn viên nào được giải. Có lẽ, phim tài liệu mãi mãi sẽ chấp nhận vai trò kiểu “đào già kép ế” hay là kiểu “con ghẻ”.
Như đạo diễn vừa chia sẻ, có vẻ cánh cửa dành cho phim tài liệu được công chiếu, được phát hành ở nước ngoài rộng hơn so với trong nước?
- Thực sự không phải cánh cửa rộng hơn đâu. Vấn đề nằm ở chỗ: Hệ thống phát hành phim tài liệu, các hội chợ ý tưởng cũng như đầu tư sản xuất phim tài liệu trên thế giới đã ra đời, song hành với lịch sử điện ảnh từ lâu rồi. Nhưng khi phim tài liệu về đến Việt Nam thì có một sự đánh tráo khái niệm. Phim tài liệu được sử dụng như công cụ tuyên truyền định hướng dư luận. Điều này được khai thác rất nhiều trên truyền hình, ví dụ phóng sự ngắn, phóng sự dài, phim tài liệu truyền hình.
Các đồng nghiệp quốc tế của tôi nói rằng, họ rất sợ hãi dòng phim tài liệu của nước ta vì không phải là tính chất của phim tài liệu. Mọi người gọi đùa là “radio film”, có nghĩa là chỉ nghe lời thuyết minh, lời bình thôi là người ta hiểu, không cần quan tâm trên hình ảnh có gì cả. Đó là một loại phim trám lại bình.
Các bạn đồng nghiệp của tôi cũng nói rằng, khi họ sang Việt Nam, họ xem hàng trăm phim, đôi khi không chọn nổi một hai phim để giới thiệu tới những liên hoan phim quốc tế. Theo họ, Việt Nam là một đất nước mà Phật giáo là tôn giáo chính, nhưng trong phim tài liệu luôn có một vị Chúa Trời. Tôi hỏi tại sao lại như vậy? Họ giải thích là người làm phim đóng vai Đức Chúa Trời, vừa vào phim đã chỉ ra cho khán giả biết ai tốt ai xấu, cái gì tích cực, cái gì tiêu cực rồi sau đó kết luận. Phim tài liệu Việt Nam gần như những bài học. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, con người ta đủ trưởng thành, đủ nhận thức, thậm chí đủ áp lực với chính mình, họ không muốn nghe bất kỳ một sự rao giảng, dạy dỗ hoặc gò ép nào về tư tưởng. Đấy là lý do tại sao nhiều người sợ hãi phim phóng sự truyền hình.
Tuy nhiên, lời bình trong phim tài liệu vẫn có một vị trí nhất định?
- Trong năm loại kinh điển của phim tài liệu, ba loại có lời bình. Nghĩa gốc của nó là lời thuyết minh, nhưng về đến Việt Nam thì bị đánh tráo khái niệm trở thành “lời bình”. Chúng ta không phủ nhận phim có lời bình hay không có lời bình. Vấn đề là sử dụng nó như thế nào. Anh dùng nó để gần như giáo huấn người ta, bắt người ta phải nghĩ theo anh thì là sai lầm. Còn anh dùng nó để thuyết minh, tức là làm rõ những ý trên hình ảnh không có hoặc những vấn đề về lịch sử, về khoa học mà hình ảnh không chuyển tải nổi, đó mới là vai trò của lời thuyết minh.
Hàng năm, nhà nước cũng bỏ ra khá nhiều tiền cho việc làm phim tài liệu. Rất nhiều bộ phim tài liệu làm xong đưa đi chiếu giao lưu, chiếu trong các dịp lễ lạt và sau đấy cất vào kho. Những giải thưởng thì vẫn được xướng lên nhưng phim không có đời sống riêng của nó. Tôi cảm thấy đây là một lãng phí lớn.
Chúng ta đang nói câu chuyện tưởng rằng rất bên ngoài, nhưng thực ra đang chạm đến cốt lõi của cơ chế quản lý về văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Thời tôi còn ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, mỗi năm chúng tôi được phân bổ 15 đầu phim. Ban đầu được 5 phim nhựa, 10 phim video. Nhưng về sau, chúng tôi thấy phim nhựa quá tốn kém, làm phim nhựa mà không ra rạp thì lại cho vào các hộp bảo quản, để lâu cũng mốc ra. Khi chiếu phim nhựa, có thời gian phải telesin sang băng video mới xem được, mới phát sóng được. Thế nên, họ dồn xuống còn 3 phim nhựa và đến bây giờ bỏ hoàn toàn phim nhựa.
Sứ mệnh của mỗi bộ phim là gì? Buổi họp đầu năm sẽ đề cập năm nay có bao nhiêu lễ kỉ niệm chẵn, hướng đến mục đích gì, chúng ta sẽ làm phim gì. Vệt đề tài thứ hai là làm phim chân dung của những vị nguyên thủ, anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Vệt đề tài thứ ba mang tính chất khoa giáo, đem đi chiếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có điều kiện đến rạp. Nhiệm vụ của chúng tôi xoay quanh những nội dung như vậy.
Chưa bao giờ họ đặt ra mục tiêu là hãy làm những bộ phim thực sự hay để đưa ra rạp thương mại. Cho nên bây giờ có ép những rạp phim chiếu những bộ phim đó thì tôi nói thật là cũng quá ác với người ta. Vì họ bỏ bao nhiêu tiền đầu tư rạp chiếu là để thu tiền, khán giả bỏ tiền ra mua vé cũng muốn được thư giãn, được thưởng thức, chứ không phải để được định hướng, được khuyên răn.
Ở góc độ là một khán giả, khi đi xem phim tài liệu ngoài rạp chiếu chắc chắn rằng cảm xúc của chị sẽ khác so với khi xem qua sóng truyền hình?
- Chắc chắn. Phim tài liệu là một trong những thể loại ban đầu của điện ảnh. Tất cả đạo diễn đều phải học qua ba bước: Đầu tiên phải có phim tài liệu, tiếp theo đến phim ngắn và một thời gian sau nữa mới được nhà sản xuất mời cộng tác làm những phim truyện đầu tiên. Không có một đạo diễn nào một phát nhảy ra mà lại được làm phim truyện cả. Bước đi ban đầu ấy gọi là cơ bản. Cái cơ bản là cái rất quan trọng.
Như vậy, trước khi nghĩ đến câu chuyện đưa phim tài liệu ra rạp thì cần phải thay đổi cách nhìn về phim tài liệu?
- Câu chuyện tại sao phim tài liệu không được ra rạp, làm thế nào để bộ phim có thể kéo khán giả đến rạp thì trong gần 20 năm nay và 15 năm qua, những học viên cũng như các cộng sự trẻ của chúng tôi ở Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), chúng tôi đã âm thầm làm, kiên trì, lặng lẽ. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi đã đến gần hơn với người xem. Thời gian đầu, chúng tôi dạy cho nhau xem phim. Dạy nhau xem phim xong rồi thì tự nhiên lại có mong muốn làm ra những bộ phim thật sự. Gần như chúng tôi đang ngấm ngầm giúp khán giả xem phim tài liệu. Và khi họ chạm được vào rồi, dần dần phim sẽ tự đến với khán giả theo cách của nó, tất nhiên phải tự nhiên, không áp đặt, không dạy dỗ, câu chuyện đời sống phải rất thật.
Xin cảm ơn đạo diễn Phan Huyền Thư về cuộc trò chuyện này!