Lan tỏa nhiều mô hình cưới văn minh
Sau thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, ngày 03/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội” hết sức kiên trì, nghiêm túc, thiết thực, không chạy theo hình thức với sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở các cấp; đặc biệt là việc tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc tổ chức việc cưới văn minh trên địa bàn Thành phố.
Các lãnh đạo chủ chốt từ Thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị cơ sở tổ chức tiệc cưới cho người thân trong gia đình nghiêm túc, tạo sự lan toả tích cực trong cộng đồng. Đó là, tổ chức gọn nhẹ trong gia đình, hạn chế mời cán bộ trong cơ quan, sau khi hoàn thành việc cưới cho con mới gửi thiệp báo hỷ đến bạn bè, đồng nghiệp; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với thu nhập chung của cộng đồng và cán bộ, công chức. Điển hình: Cựu chiến binh Bùi Văn Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Trung Liệt (Đống Đa) cưới con theo nếp sống mới bằng hình thức tiệc trà. Tại Thị ủy Sơn Tây, đám cưới của đồng chí Đinh Duy Hưng, nguyên Bí thư Thị Đoàn đã tổ chức tiệc ngọt và báo hỷ. Tại huyện Ứng Hòa, đồng chí Hà Văn Toán, Phó Bí thư Đoàn xã Trầm Lộng vận động người yêu và gia đình cho tham gia lễ cưới tập thể năm 2016...
Đã có nhiều mô hình cưới mới như tổ chức cưới tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã; đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ; đám cưới không có thuốc lá, mô hình mỗi đám cưới ủng hộ Quỹ Khuyến học của địa phương trị giá một mâm; tổ chức báo hỷ sau cưới; không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời tràn lan, làm không quá 40 mâm cỗ... Những mô hình trên đang được nhiều gia đình trên địa bàn Thành phố tự giác hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và gương mẫu và dần duy trì thành nếp.
Bà Bùi Thị Ánh Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã nhân rộng 36 mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang". Với mô hình “Tiết kiệm trong việc cưới”, các chi hội phụ nữ đã vận động được 1.378/1.762 đám cưới tiết kiệm tổ chức ăn uống nội bộ gia đình 25 - 30 mâm, không tổ chức đón dâu 2 lần, không ăn lại mặt, không hút thuốc lá... Hội cũng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, mô hình sáng tạo để tuyên truyền việc cưới văn minh gắn với các mô hình tiết kiệm và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chính vì vậy, việc thực hiện việc cưới văn minh trong gia đình các hội viên có chuyển biến tích cực, nhiều gia đình tổ chức theo nếp sống mới.
Tăng cường kiểm tra và khen thưởng, động viên kịp thời
Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp phân công các ngành, thành viên tích cực giám sát, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý rút kinh nghiệm những trường hợp vi phạm được quan tâm thường xuyên. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, trước khi tổ chức đám cưới được tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm tại địa phương…
Đáng chú ý, công tác sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, khen thưởng các tập thể có thành tích trong triển khai thực hiện được ngành Văn hoá và các ngành, đoàn thể lồng ghép trong hội nghị tổng kết hàng năm nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề ra các giải pháp để thực hiện trong những năm tiếp theo một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, đưa mục tiêu thực hiện cưới “Trang trọng - Lành mạnh - Tiết kiệm” vào việc bình xét các danh hiệu văn hóa.
Có thể thấy, việc khen thưởng kịp thời đã phát huy tích cực, chủ động đối với các tập thể, cá nhân, tạo động lực để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện các quy định về việc cưới văn minh tiết kiệm. Đây cũng được coi là một tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, đảng viên và bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên, công chức.
Đối với cấp quận, huyện, thị xã, hằng năm tổ chức biểu dương khen thưởng những cá nhân, gia đình và tập thể thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn tại hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hội nghị “Đại biểu Nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa”. Thông qua hình thức phát thanh, tuyên truyền, các xã, phường, thị trấn cũng phát thanh biểu dương các nhân tố tích cực điển hình tiên tiến, phê phán và lên án những biểu hiện tiêu cực, động viên khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới tại địa phương, tạo dư luận đồng tình ủng hộ.
Những kết quả đạt được trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới thời gian qua là do sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng; sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động; sự nhận thức của người dân trước một số thủ tục cưới hỏi rườm rà, sự xa hoa, lãng phí không cần thiết… Đặc biệt, là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.