Trao đổi với PV Lao Động, con trai nhà văn Kim Lân (nhà văn Kim Lân là người đóng vai Lão Hạc trong phim "Làng Vũ Đại ngày" ấy – PV) cho biết, giá trị văn chương của truyện ngắn "Chí Phèo" là không thể phủ nhận. “Tuy nhiên, về giá trị, tư tưởng tinh thần của thời đại qua văn học, nhiều khi cũng cần phải có sự thay đổi. Không phải ở thời kỳ nào, tác phẩm đó cũng đặc trưng cho đặc tính của người Việt.
Khi Trung Quốc bỏ tác phẩm AQ chính truyện ra khỏi chương trình giáo dục, cả thế giới đã ngỡ ngàng. Tôi cũng ngỡ ngàng tự hỏi tại sao lại như thế được. Một tác phẩm kinh điển, bất hủ như AQ sao lại có thể bỏ được khỏi hệ thống giáo dục?
Nhưng họ lý giải rằng, tác phẩm đó về mặt văn học là bất hủ, có giá trị trường tồn nhưng vô hình chung bao đời nay lại được mặc định như là tinh thần của người Trung Hoa. Nhưng người Trung Hoa không phải thế, không phải là kiểu tự kỷ ám thị như AQ. Cũng như nhân vật Chí Phèo với tính cách “hở ra là ăn vạ” không phải đại diện cho một tính cách của người Việt. Xét trên hệ thống tư tưởng, việc đưa tác phẩm này để giáo dục học sinh ngay từ bé sẽ có những ảnh hưởng nhất định”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.
Cũng bàn về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại cho rằng, với một tác phẩm văn học, tính giáo dục không phải nằm ở việc tác phẩm đó có ca ngợi người tốt hay không. “Đôi khi, viết về cái ác, cái xấu cũng là cách mang lại sự giáo dục”, ông nói.
Tác giả tiểu thuyết “Quyên” cho rằng, một tác phẩm văn học cần đặt vấn đề về nghệ thuật lên trên hết. Truyện ngắn "Chí Phèo" đã đạt đến đỉnh cao về khả năng khắc họa nhân vật. Đó cũng là đỉnh cao, là điển hình nhân vật của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn đầu tiên của chữ quốc ngữ. Đặt vấn đề nhân vật đó tích cực hay tiêu cực là cách nhìn thô thiển đối với một tác phẩm văn chương.
“Mỗi thời đại đều để lại những kiệt tác nghệ thuật văn học mà ở đó ghi đậm dấu ấn về một hiện thực xã hội. Chúng ta cần tôn trọng và chấp nhận “hiện thực đó”. Cho dù “Chí Phèo” là mảng tối của xã hội thì cũng phải có sự nhìn nhận thẳng thẳn. Hơn nữa, đó còn là một nhân chứng lịch sử thời đại, sao có thể bỏ được”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho hay.