Chuyện đá gà Tết Đinh Dậu xưa: Đòn cáo

Nguyễn Lưu |

“Nào phải ai cũng biết những ngón nghề tinh túy của giới chơi gà chọi…”
Đọc “Đòn cáo” của Nguyễn Lưu, tôi chợt có cảm giác rùng mình nhẹ, như gặp lại một ai đó, một cái gì đó đã thân quen mơ hồ từ trong ký ức. Dần bị cuốn vào câu chuyện và càng đọc tôi càng nhận ra rằng, cái truyện này, mình đã đọc từ mấy chục năm trước ở đâu đó, và đã từng hả hê sung sướng theo mạch chuyện. Nó mang âm hưởng của truyền thuyết, về những ngón nghề tinh túy của giới chơi gà chọi mà không phải ai cũng biết, và nếu có biết, không phải ai cũng có thể kể lại một cách hấp dẫn đến thế.
Nguyễn Lưu không viết một cách dễ dãi. Những gì anh bày lên mặt giấy là những thứ mà anh đã rất am hiểu, hay đã kỳ công tìm hiểu kỹ càng, từ tâm trạng nhân vật đến ngôn từ, cách biểu đạt, cứ như người trong cuộc. “Đòn Cáo” là một không gian bàng bạc của vùng ngoại ô xa vắng với những đệ tử thú “chiến kê” day dứt tìm chiến thắng.
Giá như Nguyễn Lưu chỉ chuyên tâm vào viết truyện, có thể nền văn học nước nhà đã có thêm một tên tuổi, nhưng anh lại còn nhiều lĩnh vực quan tâm khác, viết báo, bình luận thể thao, sáng tác và bình luận âm nhạc… Có tiếc không? Tôi không tiếc, bởi mỗi người sinh ra đã có một số phận, và Nguyễn Lưu tài hoa đã có một số phận như thế, cũng nhiều ngọt ngào và cay nghiệt. Nhưng trên hết, anh có nhiều bè bạn, nhiều người yêu quý.
Nhà báo Nguyễn Năng Lực - Tháng 11 năm 2016

Gà nhà phở Tư Lùn đã gáy điểm canh hai, ông Viết vẫn không ngủ được. Ông tức điên người. Chiều nay, cái tin con gà Ô của ông bị con Tía nhà Quảng Thành đá chết vào hồi thứ 4 trên sới Gầm Cầu cứ như gáo nước lạnh giội vào đầu ông giữa tiết đại hàn. Còn sớm, nhưng ông đã cho đóng cửa hàng Dấm Thủ Đô, vào bàn uống hết lưng cút rượu với lạc rang rồi lên giường vắt tay lên trán cho đến bây giờ…
Bao năm nay, giới thành thạo thú chơi gà chọi ở đất Hà thành vẫn kiêng nể ba tay quái kiệt trong nghề là Viết Thủ Đô, Ngọc “mù” và Quảng Thành. Ngọc “mù” hồi này do mắt đã kém nên đang tính chuyển qua thú chơi chim và cây cảnh tại nhà vườn mãi dưới Bạch Mai. Nhân vật số một là Viết Thủ Đô lại ít xuất hiện trong các trận hay ở các sới lớn và chẳng bao giờ cầm gà cho một đàn em hoặc học trò nào trong những trận trung bình. Riêng Quảng Thành dạo này đang phất. Năm trước, lão kiếm đâu được con Tía về làm gà chiến, đánh đâu được đấy và khét tiếng đến giờ. Quảng Thành lại có con mái cực đẹp giống Thanh Hóa, đem về đúc với con Mơ đã nổi tiếng của lão, năm sau từng bị con Bịp của Dấm Thủ Đô đá gãy cổ bằng một cú vỉa ngay giữa hồ 2, phải về vườn. Thế mà bây giờ, không ít dân chơi gà lại cứ đi tìm cho được giống Mơ của Quảng Thành! Thật ra, tông gà Đăm của Quảng Thành cũng nổi tiếng chả kém tông Lỗ Mồng của ông Viết và Ngọc “mù”. Ngày ấy, nếu lấy cái mốc là đường Hàng Bông Nhuộm, nơi có nhà của Quảng Thành, kéo ngược trở lên phía Ba Đình, Bưởi, Ngọc Hà…thì dân chơi ở đây đa số thích tông gà Đăm. Ngươc lại, phía dưới này, từ Bờ Hồ xuống tới Bạch Mai, kể cả tuyến Kim Mã, Cầu Giấy, thì tông Lỗ Mồng lại được ưa chuộng hơn cả. Cái “bản đồ gà chọi” của đất Hà thành năm ấy là như thế.
…Tháng trước, con Tía nhà Quảng Thành đã đá chết đối thủ thứ 5. Chiều nay, thêm con Ô của mình nữa là thứ 6, mà cái đau hơn cả là sau khi con Ô chết, con Tía kia còn đạp lên xác nó cất tiếng gáy đắc thắng nữa. Cánh đi xem ở sới Gầm Cầu trở về đều nói như vậy.
- Tội nghiệp con Ô… Ông Viết khẽ thốt lên. Năm ngoái, trong một chuyến đi Yên Tử, Quảng Ninh, ông đã thấy nó ngay trước lúc trở về. Khi ấy chú gà đó mới chừng hai tháng tuổi, trụi thùi lụi và đang bới đất ở gốc cây bên quán nước ông ngồi. Ngắm nó theo thói quen, ông bỗng giật mình bởi tướng này lớn lên sẽ rất đẹp: Cần dài, quản ngắn, mình trường và mắt, mỏ đều hay. Lại thêm hai hàng vẩy nuột nom đều tăm tắp…Ông đi hỏi thăm, mặc cả và trả cho chủ con Ô - một bà cụ mắt kèm nhèm, ít hiểu biết về gà, một khoản tiền bằng giá của một con gà thiến rồi hớn hở ra bến xe về Hà Nội. Ngồi trên xe, ông còn nựng nó:
- Chú mày về với ta nhé. Lớn lên chắc sẽ là gà Ô. Hà hà, tông Lỗ Mồng đây, tông Lỗ Mồng mà lại là Ô chân xanh. Tướng chú mày mà đá mé và dọc hầu là hay lắm, lấy 2 mắt người ta như chơi đấy!
Ở với ông hơn hai tháng, con Ô lớn như thổi, ngày càng đẹp mã và sau tháng thứ 6 nó đã có dấu hiệu căng: Toàn thân da đỏ hồng, mắt lúc nào cũng long lên và nếu ai đó đưa chiếc gương soi trước mặt hoặc đẩy nhẹ vào ức nó, thậm chí chỉ cần dứ dứ là nó “chiến đấu” ngay. Thấy vậy, ông Viết giao con Ô cho em trai mình là ông Vinh, một chuyên gia chuyên xử lý thời kỳ căng của gà chiến. Ông dặn kỹ em trai:
- Chú nhớ đấy, chỉ cắt tai và mào nó sau lần vần thứ 5. Chú cho nó vào trận vừa vừa thôi và tới khi nào đủ 2 tuổi tôi sẽ lại mang nó về. Con Ô này có khả năng trở thành gà vô địch đấy!
Thế mà không hiểu sao, mới gần 2 tuổi mà ông Vinh đã cho nó đánh tới 4 kỳ và có lẽ do thắng hết nên tuần trước, chú ấy mới dám liều mạng chấp nhận việc so cựa với con gà ghê gớm của Quảng Thành. Mà lạ thật, chú ấy lại chả nói gì với mình chuyện này cả. Nghe đâu, Quảng Thành đã giao hẹn với ông Vinh rằng nếu con Ô đứng được hết 4 hồ coi như lão thua cuộc với số tiền khá lớn. Kể cũng đáng, bởi con Ô của mình tuy cũng tầm đại, lúc ấy nặng gần 5 cân nhưng còn thua con kia chừng 8 lạng với bao mẹo mực, cựa cũng ngắn hơn nên bị chấp là phải. Có điều là chú Vinh nhà mình làm sao có thể là đối thủ của lão ma đầu kia trong cách cầm gà. Và bây giờ, thêm con Ô là mạng thứ 6 để theo cách gọi đương thời của giới gà chọi Hà thành, con Tía của lão được xưng danh là gà vô địch! Ông Viết trở mình và lẩm bẩm:
- Quảng Thành kỳ này to gan thật. Quên cái tội năm trước rồi hay sao?
Năm kia, con Bịp của ông Viết đang nổi tiếng, vô địch 3 kỳ liền (tức là đã đá chết 6 đối thủ, sau đó thắng 3 trận khác) làm lão tức tối liền lập kế gian để hạ bệ ông và trả thù cho con Mơ của lão bị gãy cổ vì con Bịp. Lão bảo con trai mình xúi bẩy thằng bạn Long “khỉ” của nó ở phố Nguyễn Khuyến, vốn quen nhà ông Viết, đến nhà ông rồi bí mật nhét thuốc độc vào mỏ con Bịp. Hai hôm sau, con Bịp lăn ra chết tức tưởi và mãi nửa năm sau, ông đi bộ lên tận nhà Quảng Thành và mắng cho lão một trận nhưng vẫn bỏ qua chuyện ấy trong làng gà chọi. Và đến bây giờ là cái chết mới đây của con Ô nhà ông…
Sáng hôm sau, dù còn hơi mệt do đêm qua mất ngủ, ông Viết vội vã đến phố Lê Văn Hưu tìm người bạn thân là ông Cần. Ông Cần vốn là tay chơi chim có hạng, người đã dạy ông Viết nghề cắt tóc và qua bạn mình, ông cũng học được chút cao siêu của nghệ thuật gà chọi. Hai người ngồi nói chuyện và uống trà dưới giàn hoa thiên lý đang ra hoa. Họ nói đủ chuyện trên đời, tuy nhiên chọi gà vẫn là đề tài hấp dẫn nhất. Một lúc sau, vốn nhanh miệng, ông Cần nêu vấn đề:
- Non nửa năm nữa là Tết rồi đấy. Tìm đâu ra con gà chiến cho hay để ra sới Tết chứ binh tình này không khéo con Tía nhà Quảng Thành nó lại ăn giải mất. Thằng cha hồi này ngông nghênh quá, chẳng coi ai ra gì cả…
——
- Ông Viết này, xưa nay trong các sới gà, có bao giờ có chuyện đá vượt tầm?
- Không. Tầm nào đá với tầm ấy. Tiểu với tiểu, trung với trung và đại với đại. Chênh nhau nửa cân là phải có nghề lắm mới dám đá và tất nhiên là khi mà con gà ngang tài thì ăn nhau chính là tài năng của người cầm gà, phải giỏi nghề và lại biết cách nắm phần thắng trong cách đặt cược…
Chợt ông Cần vỗ vỗ vào đầu mình rồi nói như reo lên:
- Ông Viết, ông còn nhớ cái con Mơ chân xanh không? Cái con “độc đắc” mà năm nào ông bắt ở Tứ Lộc, Hải Dương rồi về sau, khi bị sốt nặng ông đã giao nó cho thằng Hải Việt ấy. Nó cùng lứa với con Ô, đẹp lắm, tầm bán trung thì phải…
Ông Viết ngớ ra một lúc rồi thầm phục trí nhớ của bạn. Một lúc sau, ông Cần lóc cóc đạp xe lai người bạn đến hãng sơn Hải Việt ở phố Hàng Bài. Chủ nhà nhận ra hai bậc thày của làng gà chọi Thủ đô và lễ phép mời hai ông vào nhà uống nước ở buồng khách có kê bộ sa lông sang trọng. Ông Viết đang sốt ruột, đứng chống tay hỏi chủ nhà, vốn là người giúp việc cũ của ông hồi mươi năm về trước:
- Ông Hải này, con Mơ chân xanh hồi trước tôi giao cho ông đâu rồi?
- Bẩm còn. Năm ngoái cho đá 2 trận lớn, thắng cả. Nhưng năm nay xưởng đang lắm việc quá, thằng cháu lại về quê giúp mẹ nó đào ao, thành ra con Mơ chỉ ngày ngày 2 bữa thóc, nó béo và chắc thịt lắm, ông ạ…
- Được rồi, hôm nay ông giao lại nó cho tôi nhé, tôi đang cần đến nó đây, còn chuyện tiền nong sẽ nói sau, được không?
- Dạ không dám, ông dạy thế nào cũng được ạ.
Đem gà về rồi, hai ông bạn tiếp tục ngắm kỹ con Mơ trong lồng úp, cả hai xem chừng thú lý lắm.
- Bây giờ nó nặng chừng bốn cân rưỡi, nhưng theo chế độ ăn và bài thuốc đặc hiệu của tôi thì đến Tết nó sẽ chỉ còn ngót nghét 4 cân cho săn chắc thịt. Lúc ấy, con Tía của lão Quảng Thành chắc cũng giảm trọng lượng xuống khoảng gần 5 cân gì đó.
- Nhưng vẫn chênh nhau ngót một cân - ông Cần lo lắng.
- Khoảng cách ấy, ở tầm tiểu và trung thì thật đáng ngại. Nhưng trưởng hợp này thì cũng có thể, vả lại ông đã ngắm kỹ gà mình chưa?
- Con Tía nhà Quảng Thành năm nay càng đá càng hay, nghe đâu nhiều đòn độc lắm.
- Nó đẹp mã thật: Tông Đăm, đầy mình, mào đứng, ức nở, chân 3 hàng vẩy xanh lục và cặp cựa đang ở độ thuận lợi nhất cho những cú đâm khai cuộc…
- Tôi nói lại là ông đã xem kỹ gà mình chưa? Lạ thật, con Mơ này đẹp quá mà sao tôi lại quên bẵng nó đi nhỉ? Này nhé, tông Lỗ Mồng, cặp mắt nó mới nhìn đã biết ngay là cực mau, lại gan lì, mình trường, đuôi lá vả và cái chính là cặp giò. Ông xem, hai hàng vẩy nuột gồ ra thế kia còn sắc hơn cạnh lim trong những cú dọc hầu và đấm. Bộ móng này còn hơn cả con Ô mới chết về cái món lấy mắt đối phương. Duy có cặp cựa hơi ngắn và tù hơn của con Tía nhưng tôi sẽ gia công cho nó một chút để bù đắp lại điểm yếu ấy.
- Tiếc nhỉ! Hai hàng vẩy nuột đẹp thế này mà không có lấy một cái vẩy giắt nào đấy ở giữa để nó có thêm đòn Cáo. Ông Viết à, nhìn một cái vẩy giắt của gà mình có thể biết được về mức độ nguy hiểm do cái đòn Cáo mà nó sẽ tạo ra không?
- Sao lại không? Ăn tiền hay không là ở chỗ đó đấy. Ông đã quên rằng hồi năm Năm Hai, tôi đã 2 lần cầm gà có vẩy giắt, hay còn gọi là vẩy Cáo, đá chết đối thủ lớn hơn à? Con trước màu xám của quan đốc tờ ở Hải Dương và con Bạch Nhạn sau đó của một thằng mũi lõ, gà nó to hơn gà mình khoảng một cân nhưng Tây thì sao tinh bằng ta! Cầm gà pha mà cứ tưởng là chính tông, thế rồi mới hết 3 hồ, gà mình giở Cáo ra đá gãy cổ con kia, máu phun như suối từ cái “vòi voi” rồi giãy chết giữa sới. Ông à, cái vẩy giắt ấy nó nằm ở khe thứ 3 bên trái, đối xứng với chiếc cựa. Còn con Mơ này của mình, nó có đòn Cáo hay không, sau Tết ông sẽ rõ, ông Cần ạ.
Đang say sưa, ông Viết chợt im lặng.Hình như còn có điều gì đó rất tế nhị và kín đáo định tâm sự với bạn nhưng không hiểu sao ông lại thôi.
——
Xuân ấy, cái Tết thứ ba sau ngày Thủ đô giải phóng hình như về sớm hơn mọi năm thì phải. Người ta nô nức mua sắm để chuẩn bị vui Tết Đinh Dậu, riêng giới chọi gà lại có tin đồn rằng xuân này sẽ có cuộc hò hẹn lớn của những gà chiến từ Hải Phòng, Hải Dương, Hà Bắc và Hà Nội. Các trận đấu sẽ diễn ra từ ngày Hai Bảy tới mồng Ba Tết. Người ta háo hức mong đợi và chờ đợi.
Mới từ chiều Hai Lăm Tết, hai dải đất trống xung quanh sới gà của Ấu trĩ viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội) đã tề tựu hàng trăm gà chiến từ bốn phương, thôi thì đủ chủng loại, màu sắc, đứng nhấp nhô trong các lồng úp đa dạng. Theo quy định thì các chủ gà tự tìm đối thủ rồi đăng ký với Ban tổ chức để họ xếp lịch, công bố trên loa, cử trọng tài và trao thưởng cho bên thắng cuộc. Giải thưởng thường là chè thơm Hồng Đào, thuốc lá Thăng Long và giấy khen của Ban tổ chức. Riêng con Tía của Quảng Thành, do quá ư nổi tiếng nên được xem là “nhà vô địch” và Ban tổ chức công bố đấy là con gà tiêu biểu của sới gà Hà Nội, sẽ thách thức với tất cả. “Thành tích” của nó được nhắc đi nhắc lại trên loa phóng thanh, kèm theo lời hứa là sẽ có giải thưởng xứng đáng cho con gà nào dám so cựa với nó, nhất là lại cầm chân hoặc thắng được nó… Tuy thế, người ta cũng tinh cả và chẳng có chủ gà nào dám cho gà của mình lâm trận cùng con gà vô địch kia. Với nó, đám gà kia chỉ biết “kính nhi viễn chi” mà thôi. Nó đứng đó, khí thế lẫm liệt và vô tư thách thức tất cả, vừa cao lớn lại đẹp mã, lại tỏ ra không quên quá khứ hiển hách của mình. Thỉnh thoảng, nó căng họng và ưỡn ngực cất tiếng gáy khàn khàn nhưng vang xa, đấy còn là thói quen của nó sau mỗi lần hạ đo ván đối thủ. Suốt 4 ngày, từ Hai Bảy đến Mồng Một Tết, chừng dăm chục trận đấu đã diễn ra trên sới này nhưng giới hâm mộ vẫn chưa hài lòng. Họ còn chờ xem võ của “nhà vô địch” cơ! Trong khi đó, ông Viết vẫn ém con Mơ trong một căn phòng của hãng sơn Hải Việt. Cả tuần qua, nó chỉ dùng một thực đơn duy nhất là thịt bò tươi, mỗi này ba bữa. Khi màn đêm buông xuống, người ta thấy như có lửa trong con mắt long lanh của nó.
——
Đúng ba giờ chiều ngày mồng Một Tết, con trai ông Hải ung dung mang con Mơ ra và đặt lồng úp cách lồng con vô địch chừng ba mét. Sáng hôm sau, mồng Hai Tết Đinh Dậu, tiếng loa oang oang “mời đồng bào đúng hai giờ chiều nay đón xem trận thách đấu giữa con Mơ, nặng ba cân chín của ông Hải Việt, với con Tía vô địch, nặng năm cân mốt của ông Quảng Thành…”. Thật là một thông tin giật gân! Nghe được thông tin ấy, dân chơi gà lần lượt kéo nhau đến quan sát cả hai “võ sĩ” ở bãi gà rồi bàn tán sôi nổi.
- Lão Hải Việt có điên không nhỉ? Con Mơ này làm sao đứng nổi quá hai hồ trước võ nghệ của con vô địch? Chết là cái chắc!
- Thua người ta đến gần một cân mà dám thách đấu. Ngu!
- Chả lẽ nó không biết đấy là con Tía vô địch của Quảng Thành à?
- Chưa chắc đâu. Vừa nhỏ hơn, lại vô danh mà dám chọi lại con kia tất sẽ có chuyện.
- Cứ chờ xem!
Họ chờ, nhưng họ không biết được rằng trưa hôm ấy, hai bên đã làm việc xong với nhau ở “cấp chuyên viên” và một giao ước ngầm đã được thỏa thuận. Theo đó, nếu con Mơ chỉ đứng được ba hồ trở lại tức là thua. Nếu nó đứng được hết bốn hồ mà không chết hoặc chạy là thắng, bên thắng sẽ được hưởng số tiền tương đương với hai chục lạng vàng. Nếu đứng được năm hồ hay hơn nữa, số tiền sẽ gấp đôi. Chỉ có thế. Và đó cũng là canh gà lớn nhất, vô tiền khoáng hậu kể từ sau năm Năm Tư ở Hà Thành. Họ - người xem, cũng không thể biết rằng đêm qua, ông Viết đã sai đứa con trai ông Hải đi mua bốn bó hương trầm và đào sẵn một cái huyệt nhỏ vuông vắn ở góc sân để… chôn con Mơ.
——
Mới một giờ rưỡi, sới gà đã kín người xem, trong đó có cả hai người khách Ba Lan ở phái đoàn quốc tế giám sát Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Việt Nam, họ còn mang theo cả một máy camera.
Bên phía tây sới gà là lồng của con Tía, xung quanh là hai hàng ghế đặc kín các ủng hộ viên nhà Quảng Thành. Chính giữa, con trai ông ta ngồi cạnh chú nó bên lồng gà và người ta biết rõ rằng Quảng Thành sẽ đích thân cầm con Tía trong trận này.
Phía đông là khu vực của con Mơ. Cha con ông Hải ngồi đó, họ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau trước những câu hỏi lao xao của người xem. Ai cầm con gà này đây? Con gà bất hạnh quá! Ai mà bạo phổi thế, dám ôm con gà nhỏ đối mặt với một tay ma đầu có hạng giữa chốn đô thành?
Khi tiếng cồng khai cuộc sắp sửa cất lên, Quảng Thành bệ vệ bước vào sới với chiếc mũ bê-rê đen trên đầu, lập tức con trai ông ta cất ngay chiếc lồng úp đi. Quảng Thành giơ tay ôm con Tía, làm một vài động tác khởi động cho nó rồi đưa mắt cú vọ nhìn qua phía đối thủ.
Chợt đám đông bên kia rẽ ra, một người đàn ông thấp bé, đầu hói và mang kính trắng, nhanh nhẹn bước vào sới rồi ngồi xuống, ngẩng đầu đón lấy con Mơ từ tay ông Hải. Đám đông nhìn nhau rồi nổi lên tiếng xì xào:
- “Viết Thủ Đô” - Vua gà chọi đấy!
- Đúng là ông Viết rồi! Quảng Thành phen này nguy to!
- Thật là một Oa-téc-lô ở sới gà Việt Nam!
Như gà gặp cáo, bên kia Quảng Thành chợt rùng mình, song y vẫn cười nhạt và cúi xuống gà mình.
Bó hương thứ nhất đã được đốt lên cùng với tiếng hô dõng dạc của hiệu lệnh vào cuộc. Ngay từ đầu, phía tây như chết lặng đi vì lối đánh khai cuộc nhanh đến chóng mặt của con Mơ. Trong nửa hồ đầu, nó đã tung ra đến sáu cú dọc hầu và chừng mười cú mé, trong đó ít nhất tới ba lần con Tía bị trúng cựa. Tuy thế, là nhà vô địch, con Tía chưa coi vào đâu và bắt đầu trả đòn một cách vững vàng, chắc chắn. Bỗng phía đông rộ lên tiếng reo:
- Mất mắt trái rồi. Vô địch mất mắt trái rồi!
- Có mà đến mùa quýt! - Phía tây đồng loạt trả lời.
Ông Viết nói nhỏ với ông Cần đang ngồi bên cạnh: “Mắt trái nó mới bị láng thôi”.
Láng chứ chưa phải mù, nhưng thị lực của con mắt ấy đã chỉ còn một phần ba. Và hồ đầu đã kết thúc trong sự vui sướng của phía đông, duy có ông Viết vẫn im lặng cầm gà. Ông rút đờm trong cổ họng con Mơ bằng cái lông đuôi gà thiến, ghé miệng hút mạnh ở khoang đầu con gà rồi bóc quả chuối tiêu, tách ra hai nhánh cho vào miệng nó đoạn vuốt cánh, nắn gân đùi và bấm mấy huyệt trên mình con gà.
Hồ thứ hai khởi đi ở thế cân bằng. Con Tía ra đòn ít hơn nhưng hiếm khi trượt đích. Người ta thấy rõ nó mổ vào đầu con Mơ để giữ cân bằng rồi vỗ cánh, tung cặp chân lên, đôi ống quản có hai chiếc cựa bổ quặp vào đối phương như thể người ta cầm đôi néo đập lúa bổ xuống cối đá vào dịp ngày mùa. Và mỗi lần như thế, trên thân hình con Mơ lại thêm hai vết đâm chí mạng. Nhưng con Mơ gan lì hình như không biết đau là gì và vẫn liên tục tấn công lại bằng các loạt đòn, tuy nhẹ cân hơn nhưng khá trúng đích và chỉ tập trung vào chiếc cổ dài của con gà vô địch cao ngạo kia.
- Mất mắt trái rồi, Mơ ơi là Mơ! - phía tây lại reo lên.
Bên này không một tiếng trả lời, riêng ông Viết đã lẳng lặng rút từ trong túi ngực ra một viên Aureomicin. Vừa hết hồ, ông nhét ngay viên thuốc ấy vào bên mắt hỏng của con Mơ và lấy khăn tẩm nước nóng lau mạnh khắp mình nó cùng với những động tác hồi phục, bình thản và chính xác.
Hồ thứ ba mới được chừng một phút, con Mơ đã lấy được mắt trái của con Tía bằng một cú mé phải sở trường. Mắt trái của nó đã hỏng nên con Mơ tập trung vào bên phải của mình, tức phía trái đối thủ. Ba lần nữa, nó lại cho con Tía dính cựa và một trong những cú đá ấy đã trúng ngay vào con mắt hỏng của đối thủ làm cho hốc mắt ấy của con Tía toét ra, máu chảy ròng ròng. Sới gà rộ lên tiếng ủng hộ con Mơ vì nó bé hơn và lại đang có ưu thế. Nhưng con gà vô địch quả là danh bất hư truyền.
Nó lồng lên vì đau đớn song lại rất tỉnh táo và rút ngắn khoảng cách với con Mơ để ra đòn dữ dội hơn. Chỉ một loáng, nó đã đá văng mất cái mỏ trên của con Mơ. “Thôi thế là rồi đời”, phía đông đau xót nghĩ vậy, bởi mất mỏ thì đâu còn chỗ giữ thăng bằng cho đôi cựa làm việc. Trong khi đó, bên phía tây lại như vỡ ra tiếng hò reo khoái trá trước thắng lợi nhỡn tiền của nhà vô địch. Rồi khi tiếng cồng kết thúc hồ thứ ba sắp vang lên, cũng là lúc con Mơ mất nốt mắt phải và trở thành con gà mù hoàn toàn.
Ghé vào tai người bạn đang chăm sóc con gà chiến mang đầy thương tích, ông Cần dè dặt:
- Hay ta xin thua đi bởi gà mình chưa chết và cũng không chạy. Thua lúc này sẽ chỉ mất bốn mươi phần trăm tiền cược…
Còn chủ gà, ông Hải Việt cũng đang hướng ánh mắt lo lắng về phía ông Viết và toan nói điều gì. Nhưng, vị chủ soái đã quắc mắt lên và dằn giọng:
- Các ông im đi! Lúc này người quyết định là tôi và thời điểm quyết định là ở hồ này. Ở - hồ - này - nghe - chửa?
Mở đầu hồ thứ tư dường như là cuộc tàn sát của nhà “vô địch chột” trước con Mơ đáng thương, đã mù lại mất cả mỏ. Đến nỗi, ống kính của người khách Ba Lan lúc này đã lia về phía người xem nhiều hơn là vào cặp gà đang phân định thắng thua ở hồi chung cuộc. Con Mơ, có lẽ lục phủ ngũ tạng của nó đã giập nát trước những cú đá nặng như chì của đối thủ và nếu không có những vị thuốc và cách luyện của ông Viết mấy tháng qua thì chắc bộ ngực ấy đã phải vỡ ra từ hai hồ trước. Nó đứng đó, như Từ Hải giữa trùng vây, chỉ nghe tiếng gió để tránh đòn và phản công lại kẻ thù. Vẫn những cú mé sở trường nhưng cứ sau một cú như thế, dù trúng hay không nó cũng luồn ngay vào nách đối phương để ra một cú vỉa. Tội nghiệp, những cú vỉa nửa vời vì mỏ đâu nữa mà mổ, thành ra vỉa mà chỉ như buông, thậm chí như cú đấm. Không ai bảo ai, sới gà lặng đi như để chờ cái chết của con Mơ và phút tái đăng quang của con gà vô địch. Cái giây phút ấy dường như đến quá chậm và bây giờ chỉ còn chừng hơn một phút nữa là hết hồ thứ tư. Nhưng… cái gì thế kia? Sau vài giây im lặng, hai con gà bỗng như dính vào nhau, cổ họng phát ra tiếng kêu lạ và đồng loạt nhảy đá. Lập tức, có người sành điệu đã nhanh miệng reo to:
- Đòn Cáo! Đòn Cáo!
Đúng thế, nhưng thật lạ, bởi hai mà như một. Vừa rơi xuống sau cú đá trước - bước đệm của nguyên lý đòn Cáo, chúng lại nhảy lên và va vào nhau một cú thật mạnh.
Con Mơ bị bật ngửa ra xa tới hai thước, phơi trần bộ ngực nát bét nhầy nhụa máu đoạn run run mãi nó mới đứng dậy được. Còn con Tía đã bị gãy cổ. Cả sới gà cùng nghe tiếng cặp cựa của con Mơ va vào nhau khi bổ vào cổ nó. Chiếc cổ dài oai vệ kia nay đã thành “vòi voi”, lủng lẳng trước ngực. Nó lò dò từng bước đến bên kẻ thù và mổ mổ vào mình con Mơ. Rồi khi tiếng cồng hết hồ vang lên, theo thói quen nó định đạp một chân lên kẻ thù đang run rẩy dưới đất để cất lên tiếng gáy bất diệt của mình. Nhưng không được nữa rồi, cổ họng nó đã rách toang và xương cổ đã gãy, không sao ngóc đầu lên được nữa. Nó loạng choạng bước về góc sới phía tây nhưng chưa tới nơi đã ngã quỵ xuống đất. Trong khi đó, phía bên này, con Mơ cũng trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay xót thương cùng gương mặt đẫm nước mắt của ông chủ.
Tối hôm ấy, mồng Hai năm Đinh Dậu, ông Viết đích thân lau chùi sạch sẽ con Mơ trước khi mai táng nó. Ôm xác con Mơ bên ngọn đèn, ông gọi ông Cần cùng cha con ông Hải Việt đến bên rồi chìa cặp chân con Mơ ra trước mặt họ. Cả ba cặp mắt cùng trố lên: Sau khi dùng nước sôi cạo sạch và lột đi lớp vẩy ngoài, trên ống chân con Mơ đã hiện ra hai hàng vẩy bóng loáng. Nhưng kỳ lạ hơn là ở khe thứ tư bên chân phải nó đã có một chiếc vẩy giắt màu hồng, thân vẩy nằm đối xứng với chiếc cựa của bên chân ấy…

Nguyễn Lưu
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.