Chứng minh nguồn gốc sắc phong Việt Nam nghi vấn đấu giá tại Trung Quốc

TS NGUYỄN HỮU MẠNH (Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN) |

Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở phối hợp trong việc xác minh tính xác thực của các sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong Việt Nam đang nghi vấn đấu giá tại Trung Quốc.

Vụ mất trộm sắc phong gây xôn xao

Đền Quốc tế còn gọi là Đền Thượng nằm trên đỉnh gò Trạm Lĩnh ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đền được xây dựng kiến trúc theo kiểu chữ nhị (=), hiện còn lại hai tòa tiền tế và đại bái. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong… phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê.

Vì những giá trị của mình, đền Quốc tế được Nhà nước công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa” cấp Quốc gia vào ngày 22.9.1992. Ngôi đền này đã từng nổi tiếng là ngôi đền giữ nhiều đạo sắc phong có giá trị  nhất tỉnh Phú Thọ.

Cuốn sách Di sản Hán Nôm Phú Thọ của Văn Kim Chung thống kê cho biết, toàn huyện Tam Nông có 87 sắc phong thì chỉ riêng ngôi đền Quốc tế này đã sở hữu 40 đạo sắc phong quý.

Đáng chú ý có các sắc phong của các triều đại cho các đức Thánh Thần, trong đó, sắc phong cổ nhất còn giữ được là sắc phong của vua Lê Chân Tông (hiệu Phúc Thái) đã tấn phong cho ngài Cao Sơn “Linh ứng đại vương” vào ngày 17.7 năm Ất Dậu (1645).

Giữa tháng 5.2021, người dân phát hiện đền Quốc tế đã bị kẻ gian đột nhập, dùng xà beng cạy két để lấy đi 40 đạo sắc phong là báu vật của làng Dị Nậu và một lượng sách cổ quý giá gây xôn xao dư luận.

Theo anh Trần Ngọc Đông - một thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt: lúc sắc phong bị mất, những người được giao nhiệm vụ trông nom ngôi đền rất buồn. Trưởng Ban Quản lý đền buồn tới mức đổ bệnh, không ăn không ngủ. Ông cảm thấy việc để mất những đạo sắc mà tiền nhân truyền lại như mất đi linh hồn của ngôi đền, mất đi linh hồn của làng... và rất có lỗi với tiền nhân.

Ông Nguyễn Đắc Thuỷ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ trao đổi với báo chí ngày 13.4, ngay khi nhận thông tin về việc đấu giá sắc phong nghi là sắc phong mà đền Quốc Tế bị lấy cắp, ngày 21.5.2021, Sở đã có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Thọ.

Đến sắc phong xuất hiện trên trang đấu giá của Trung Quốc

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, anh Trần Ngọc Đông, đã cung cấp thông tin về Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh đăng một số cổ vật thuộc nhóm Phiên Thuộc Văn Hiến, bao gồm hơn 100 sắc phong của Việt Nam, trong đó có 10 sắc phong của làng Dị Nậu với giá đề nghị khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (từ 9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng).

Trong số 10 sắc phong của đền Quốc Tế có thể đọc được thông tin trên trang bán đấu giá, anh Trần Ngọc Đông cho biết qua trang Facebook cá nhân rằng: có 9 sắc triều Nguyễn và 1 sắc triều Lê niên hiệu Phúc Thái năm thứ 3 (1645).

Đáng buồn thay là 6 sắc phong của Đền Quốc tế đã chốt xong giá bán, trong đó có sắc phong cổ xưa nhất của ngôi đền này, gồm: Sắc có ký hiệu 2184: Thiệu Trị Tứ Niên (năm 1844). Đã bán ngày 24.12.2022 giá chốt 4.830 RMB; Sắc có ký hiệu 2224: Thiệu Trị Tứ Niên (năm 1844). Đã bán ngày 24.9.2022 giá chốt 9.200 RMB; Sắc có ký hiệu 2255: Thiệu Trị Lục Niên (năm 1846). Đã bán ngày  24.9.2022 giá chốt 9.200 RMB; Sắc có ký hiệu 2228: Tự Đức Lục Niên (năm 1853). Đã bán 24.9.2022 giá chốt 9.200 RMB; Sắc có ký hiệu 291: Thành Thái Nguyên Niên (năm 1899). Đã bán 4.12.2022 giá chốt 12.650 RMB; Sắc có ký hiệu 2437: Phúc Thái Tam Niên (năm 1645). Đã bán ngày 29.8.2021.

Còn 4 sắc phong của đền Quốc Tế sẽ chốt giá bán vào hồi 9:30 ngày 22.4.2023, bao gồm: Sắc có ký hiệu 2245: Thiệu Trị Lục Niên (năm 1846); Sắc có ký hiệu 2246: Tự Đức Tam Niên (năm 1850); Sắc có ký hiệu 2249: Đồng Khánh Nhị Niên (năm 1887); Sắc có ký hiệu 2250: Thành Thái Nguyên Niên (năm 1889).

Ngoài ra, trang đấu giá cũng thông báo về việc đấu giá nhiều sắc phong vừa bị mất trong vài năm trở lại đây của làng Bạch Xá (Duy Tiên, Hà Nam) từng bị mất 15 sắc; Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) bị mất 10 sắc; Hoàn Dương (Phú Xuyên, Hà Nội) 3 sắc…

Ngày 12.4, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã gửi công văn số 309/DSVH-DT đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố bao gồm Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên các trang web đấu giá, để xác định nguồn gốc của chúng.

Công văn cũng đề cập đến việc phiên đấu giá "Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm" (ký hiệu phiên đấu giá S23041) sẽ được tổ chức vào ngày 22.4.2023 tại khách sạn Majesty Plaza ở Thượng Hải bởi Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn". Trong số 672 món đồ bằng giấy được đấu giá, có các đạo sắc có khả năng là các hiện vật có nguồn gốc từ Việt Nam.

Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở phối hợp chặt chẽ với Cục trong việc xác minh tính xác thực của các sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong. Cùng với đó, Cục yêu cầu các Sở triển khai và báo cáo đầy đủ cho Cục Di sản văn hóa trước ngày 17.4 để có thể triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Nhiệm vụ này được thực hiện theo nội dung của Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam đã tham gia.

Sắc phong hay còn gọi là sắc chỉ, là văn bản của nhà Vua ban để phong chức tước cho quý tộc, quan lại, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền, miếu, từ đường trong tín ngưỡng làng xã của của người Việt.

Như vậy, sắc phong có hai loại chính: một là sắc phong chức tước cho quan lại; hai là sắc phong Bách Thần. Sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến.

Sắc phong thần thường được thờ tự tại các ngôi đình, đền, miếu; là tài sản chung của cả làng, cả xã. Từ làng đến [nhà] nước, những sắc phong thần làng xã đã trở thành hồn thiêng chung của non sông, đất nước. Xưa kia sắc phong có ý nghĩa to lớn với làng xã về mặt tinh thần và tâm linh vì thế được toàn dân giữ gìn cẩn thận coi như bảo vật. Sắc phong cuốn trong một ống quyển, ổng quyến ấy lại được đặt trong một hòm sắc để ở nơi cao nhất của ngôi đình. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, làng mở hội, sắc được các chức sắc mở ra phơi trong bóng mát, không để ánh nắng mặt trời chiếu rọi trực tiếp.

Hình thức nghệ thuật được trang trí trên các sắc phong thể hiện đặc trưng cho mỗi thời kỳ lịch sử, tiêu biểu cho nghệ thuật tài hoa của người thợ thủ công xưa. Đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội có một dòng họ chuyên làm giấy sắc phong đó là họ Lại ở làng Nghĩa Đô (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Giấy làm sắc được làm bằng loại giấy đặc biệt, chế tác với nhiều công đoạn, cực kỳ công phu, cẩn thận nên sắc có độ bền cao, trải qua trăm năm vẫn còn như mới nếu bảo quản tốt.

Nếu sắc phong thần bị hỏng, cả làng phải chịu tội. Nếu bị thất lạc hoặc rách hỏng do thiên tai hoặc giặc giã, chức sắc của làng phải trình bẩm để xin lại phó bản để thờ. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều sắc phong thần đã hóa thành cát bụi khi trải qua những biến động của lịch sử và chiến tranh.

Gần đây, sau khi các di tích được quan tâm, hồi sinh, nảy sinh ra trào lưu đánh cắp những sắc phong thần này ở các di tích nơi thôn quê và trở thành món đồ mua bán. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: “làng mất sắc phong như nước mất ấn”, bởi mất sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà còn mất cả phần hồn của di tích.

TS NGUYỄN HỮU MẠNH (Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN)
TIN LIÊN QUAN

Sắc phong cổ của Việt Nam bị mất, nay được bán đấu giá trên mạng Trung Quốc

Tô Công |

Hàng loạt sắc phong cổ bị đánh cắp tại đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) gần 2 năm về trước, nay đang được bán đấu giá công khai trên mạng tại Trung Quốc.

Chiêm ngưỡng cổ vật cung đình trong bảo tàng 100 năm tuổi xứ Huế

Tường Minh - Văn Trực |

Năm 2023, Bảo tàng Khải Định hay còn gọi là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tròn 100 năm tuổi, đây là bảo tàng lưu giữ những cổ vật triều Nguyễn ở Huế và có lối kiến trúc cung đình được đánh giá là đẹp nhất nhì Việt Nam.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo: Việt Nam đang hoàn tất thủ tục hồi hương cổ vật

Hải Minh |

Trao đổi với Lao Động, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, hiện phía Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để đưa ấn vàng triều Nguyễn "Hoàng đế chi bảo" hồi hương.

Phú Thọ: Các phương án phân luồng giao thông phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương

Trọng Lộc |

Với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông để phục vụ du khách bốn phương về tham gia Lễ hội.

Những quy định buộc phải nhớ khi đăng kí thi tốt nghiệp THPT từ 26.4

NHÓM PV |

Từ ngày 26.4, học sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện thử đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên hệ thống trực tuyến quản lý thi của Bộ GDĐT. Thời gian đăng kí chính thức từ ngày 4.5 đến 17h ngày 13.5.

Để giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về điểm mới của Kì thi tốt nghiệp THPT 2023, Báo Lao Động phối hợp với Trường Đại học Gia Định thực hiện Chương trình 360 độ nghề nghiệp. Trong số phát sóng tập 4 của chương trình với chủ đề “Xét tuyển theo mã ngành, làm sao cho đúng?” có sự đồng hành của ông Nguyễn Quốc Cường - Chuyên gia tư vấn Hướng nghiệp và Tuyển sinh TPHCM và ông Phạm Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh.

Dự báo thời tiết 10 ngày tới từ 15.4 đến 25.4 ở cả ba miền

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra dự báo thời tiết 10 ngày tới (từ ngày 15.4 - 25.4.2023) ở các khu vực trên cả nước.

Tổng cục thuế yêu cầu triển khai ngay gia hạn thuế cho người dân

Đình Trường |

Tổng cục thuế mới đây vừa có có công điện yêu cầu triển khai ngay gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp tái cấu trúc để ứng phó

Anh Tuấn |

Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn khi lượng đơn hàngsuy giảm trầm trọng. Nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp nỗ lực áp dụng để tìm kiếm đơn hàng mới, giữ lực lượng lao động, đảm bảo thu nhập cơ bản cho công nhân… Song đây cũng là lúc doanh nghiệp cần các chính sách trợ lực bên cạnh việc tự thân xoay xở.

Sắc phong cổ của Việt Nam bị mất, nay được bán đấu giá trên mạng Trung Quốc

Tô Công |

Hàng loạt sắc phong cổ bị đánh cắp tại đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) gần 2 năm về trước, nay đang được bán đấu giá công khai trên mạng tại Trung Quốc.

Chiêm ngưỡng cổ vật cung đình trong bảo tàng 100 năm tuổi xứ Huế

Tường Minh - Văn Trực |

Năm 2023, Bảo tàng Khải Định hay còn gọi là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tròn 100 năm tuổi, đây là bảo tàng lưu giữ những cổ vật triều Nguyễn ở Huế và có lối kiến trúc cung đình được đánh giá là đẹp nhất nhì Việt Nam.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo: Việt Nam đang hoàn tất thủ tục hồi hương cổ vật

Hải Minh |

Trao đổi với Lao Động, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, hiện phía Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để đưa ấn vàng triều Nguyễn "Hoàng đế chi bảo" hồi hương.