Cặp bài trùng độc nhất vô nhị trên đất Tổ

Nhà văn NGUYỄN HỮU NHÀN |

Nguyễn Khắc Xương (sinh năm 1922, đang sống tại thành phố Việt Trì) là con cả của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939).

Cụ Tản Đà tự nhận mình là người “ngông” nên mới viết: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không”. Ngày bé, Nguyễn Khắc Xương được người anh con bác làm quan tri phủ Vĩnh Tường nuôi ăn học. Học xong Tú tài vừa lúc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Khắc Xương hăng hái tham gia phong trào diệt dốt, dạy bình dân học vụ và hoạt động văn hóa văn nghệ rồi đăng ký vào ngành Công an ở khu Ba.

Vốn có dòng máu “ngông” cha truyền con nối, nên khi cơ quan phân công ông xét hỏi một phụ nữ Pháp xinh đẹp, bị nghi làm gián điệp, cậu “Tú Xương” (Nguyễn Khắc Xương) vốn giỏi tiếng Tây bỗng hứng lên nói những lời bỡn cợt, đại ý: “Thật phí, đẹp thế này kia mà!”, đồng thời “cậu Tú” xoa đùi kẻ địch. Hành động “táo bạo” này của cậu Tú bị cơ quan phát giác. Nguyễn Khắc Xương ngay sau đó bị điều động lên Việt Bắc cho xa vùng địch hơn, được phân công làm Văn phòng ở Ủy ban huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), sát Yên Bái.

Nhà thơ Bút Tre (Đặng Văn Đăng, 1911 - 1987) trước đấy cũng mới được cơ quan điều từ Trung ương về tăng cường cho Phú Thọ để tham gia lãnh đạo công tác thông tin tuyên truyền của tỉnh. Vì Phú Thọ là thủ phủ Khu 10, nơi tập trung nhiều cơ quan của Khu và của Trung ương, cũng là trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam, hội tụ nhiều văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng nên Trung ương tăng cường cho Phú Thọ đội ngũ lãnh đạo của tỉnh với nhiều người học cao, nổi tiếng.

Ông Bút Tre khi ấy, thường gọi “anh giáo Đăng”, người làng Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đang làm Thư ký cho Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm về Phú Thọ cùng tham gia phụ trách thông tin, mà khi ấy văn hóa văn nghệ còn nằm trong ngành thông tin, biết tin cậu “Tú Xương” con ông Tản Đà đã chuyển lên Hạ Hòa, ông bèn đến thăm, để đề nghị tổ chức điều về cơ quan mình đang cần người có năng lực hoạt động chuyên môn của ngành.

Gặp được anh giáo Đăng, Nguyễn Khắc Xương mừng lắm. Ông kể: “Anh Đăng vốn là bạn vong niên với bố mình, nhưng là bạn thân. Anh trước đó còn dạy học ở Tuyên Quang vẫn đến chơi nhà mình ở khu Ngã Tư Sở. Khi ấy anh Đăng đã in tiểu thuyết “Lục y lang”. Vốn người thật thà xởi lởi, anh được cụ Tản Đà quý mến thân như anh em ruột thịt. Một lần cụ Tản Đà nhờ: “Mỗ chỉ tin có đệ, trông cậy đệ tìm kiếm cho một người thân có phẩm chất về giúp mỗ phần trị sự của tòa báo”.

Chưa đầy tháng sau, anh giáo Đăng đã làm xong công việc một cách mĩ mãn với cụ Tản Đà. Lần này gặp gỡ, anh giáo Đăng vỗ vai Nguyễn Khắc Xương bảo: Toa về với moa mới có đất mà tung hoành.

Trở về Ty Thông tin, Nguyễn Khắc Xương “nhận lệnh” ông Đăng: “Cậu đưa thơ cậu viết cho tớ xem thử!”. Nguyễn Khắc Xương hồi ấy cũng theo bố làm nhiều thơ lắm. Nhưng xem xong bản thảo thơ của “Tú Xương”, ông chun mũi lắc đầu phán: “Vứt vứt, cậu có làm thơ cả đời cũng không theo kịp bố cậu đâu!”. Rồi ông Đăng chỉ cho Nguyễn Khắc Xương ngả sang lối nghiên cứu. Còn sáng tác thơ ca chỉ là để phục vụ công tác tuyên truyền.

Đặng Văn Đăng, lúc ấy đã in nhiều thơ ca, vè tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, lấy bút danh Bút Tre. Ông khẳng định bút của mình chỉ là bút tre, không phải bút sắt. Thơ của mình chỉ là thơ vè, không phải thơ bác học. Ông rất tin vào lối kể vè gây cười cho người ta thích mà nhớ đến chính sách và nhờ vậy người ta bắt chước làm theo, nên đã tạo ra cả dòng thơ dân gian Bút Tre nổi tiếng. Đương thời, Bút Tre rất hiểu điều này, nhưng ông phải ngậm ngùi nhận bao lời giễu nhại châm biếm cay đắng của mọi người.

Nào là từ phía lãnh đạo tỉnh, nào là cán bộ dưới quyền, kể cả mấy văn nghệ sĩ chỉ được làm chuyên môn không được ông cất nhắc đề bạt. Ngày ấy, đi đâu người Phú Thọ cũng bị chê hai cái xấu “nổi tiếng” là thơ Bút Tre và “xin xà phòng”. Số là người Phú Thọ cả nam lẫn nữ còn có tục tắm truồng, thấy bộ đội ở đâu là chìa tay “xin xà phòng”.

Ông Bút Tre đầu tiên cất nhắc ông Nguyễn Khắc Xương phụ trách phòng Thư viện tỉnh. Ông giới thiệu cho Nguyễn Khắc Xương đến khắp các cơ quan trường học để nói chuyện về sách.

Cậu Tú lại hay “ngông”, khi đang đứng trên bục diễn giả “tia mắt” xuống hội trường, thấy em nào xinh xinh bèn xuống tận nơi, vừa nói rồi cầm tay xoa đầu vuốt má cô gái để làm “thị phạm” cho bài nói. Việc này bị một nhà thơ trong cơ quan cũng khét tiếng về đăng đàn diễn thuyết thường đem chuyện này nói xấu Nguyễn Khắc Xương về cái tật “máu gái” của ông.

Kết hợp với công tác thư viện, ông còn dịch cuốn tiểu thuyết “Nhạc sỹ mù” của văn học Pháp từ Pháp văn sang Việt ngữ rồi gửi về nhà xuất bản. Nhưng bản dịch của ông đến muộn hơn người khác, nhà xuất bản xử lý để ông viết phần giới thiệu in lên phần đầu. Bản giới thiệu ấy được Nguyễn Khắc Xương viết dài, viết hay làm ông nổi tiếng và khi ấy cả nước mới biết ông là con cả cụ Tản Đà. Ông Bút Tre đi đâu cũng khoe về cuốn tiểu thuyết này càng làm Nguyễn Khắc Xương nổi tiếng hơn.

Qua truyền thuyết dân gian nghe ở địa phương, Bút Tre phát hiện Phú Thọ là đất Tổ, nơi Vua Hùng dựng nước. Ông bèn mời các giáo sư giảng dạy về lịch sử, khảo cổ, văn nghệ dân gian, ngôn ngữ ở Trung ương về Phú Thọ để đi thực tế tìm hiểu những vấn đề về khoa học trên.

Các giáo sư đầu ngành: Phạm Huy Thông, Vũ Ngọc Phan, Cao Huy Đỉnh, sau này là Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê v.v... thường xuyên về Phú Thọ, được Bút Tre đón tiếp tổ chức cho họ đi điền dã. Nguyễn Khắc Xương được ông Bút Tre điều từ bên Thư viện tỉnh sang phụ trách phòng Bảo tàng để tập trung vào công tác lịch sử.

Những câu hát Xoan, hát Ghẹo, các tục thờ cúng Vua Hùng, truyền thuyết Hùng Vương được Nguyễn Khắc Xương ghi chép trong dân gian từ hồi tiếng súng của giặc Pháp còn đì đùng nổ trên đầu. Được thủ trưởng “bật đèn xanh”, Nguyễn Khắc Xương hàng tháng chỉ về họp phòng, phân công cụ thể công việc cho từng người và lĩnh phụ cấp xong là “lặn” một hơi.

Ông không có thì giờ họp cơ quan, không dự đọc báo đầu giờ, không tăng gia tập thể, lẽ đương nhiên là không còn thì giờ để phấn đấu vào Đảng. Việc này bị đa số cán bộ nhân viên trong cơ quan thắc mắc.

Ông Bút Tre trấn áp ngay: “Nó đang phải hy sinh vào Đảng đấy. Nó mà cũng đút chân gầm bàn như chúng mày thì vô tích sự!”. Ai không ưa Nguyễn Khắc Xương, chỉ có thể nói xấu ông về “máu ngông” và ý thức Đảng non kém. Nhưng những tập tài liệu Nguyễn Khắc Xương đem về báo cáo thì ông Bút Tre vỗ đùi hét lên: “Thằng này sẽ được cả nước ghi công cho mà xem”.

Bút Tre báo cáo thành tích của Nguyễn Khắc Xương với lãnh đạo tỉnh. Ông vừa khoe vừa báo cáo với giới khoa học Trung ương. Có khi Bí thư Tỉnh ủy sang Ty Văn hóa thông tin để được gặp Nguyễn Khắc Xương. Việc này làm cho nhiều người ghen tỵ mà không khỏi ngỡ ngàng. Họ xì xào: “Cái lão Xương máu gái vô tổ chức mà vẫn được lãnh đạo chú ý quan tâm”.

Bút Tre đọc được trong bản tin của Đại đoàn quân Tiên phong biết chuyện Bác Hồ trên đường Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô có vào thăm Đền Hùng và nói với các chiến sĩ câu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ông vỗ đùi như bắt được vàng vì câu này có thể tuyên truyền thành câu danh ngôn của Bác, giáo dục lòng yêu nước cho mọi người.

Bút Tre liền cho in sách báo để tuyên truyền và ở mọi diễn đàn đều phổ biến cho câu nói trên. Ông trực tiếp gặp Bác Hồ, ông Trường Chinh để đề xuất ý tưởng này. Nhân Thủ tướng Phạm Văn Đồng sắp xuất bản cuốn “Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ”, ông đề nghị in câu nói của Bác làm đề từ cho tập sách. Nhưng trước đó một số giáo sư yêu cầu ông biên tập lại, bỏ từ “lấy” trong “giữ lấy nước” để thành câu văn viết hoàn chỉnh.

Bút Tre không nghe, bởi theo ông, giữ lại chữ “lấy” quần chúng dễ tiếp nhận vì cách nói thân mật của Bác. Ở địa phương sau đó, có một nghị quyết bắt Bút Tre phải thêm chữ “đất” trước mọi chữ “nước”, kiểu như: “Các Vua Hùng đã có công dựng đất nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy đất nước”.

Bút Tre không nghe vì khi nói ở hội nghị Thủy lợi toàn quốc, Bác mới nhấn mạnh, khi nói đến “đất” là phải nói đến “nước”. Nhưng ở đây “nước” là Tổ quốc là non sông, không phải nước tắm giặt, nước H2O.

Khi ấy, ngoài Nguyễn Khắc Xương được tung tẩy về địa phương để điền dã sưu tầm các tài liệu liên quan đến việc mở nước của Vua Hùng ở Phú Thọ, ông còn giao cho các ông Lê Tượng, Nguyễn Lộc, Lê Nhiễu ở phòng Bảo tàng về các cơ sở phát động quần chúng tìm phát hiện các hiện vật khảo cổ.

Thế là các di chỉ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun và nhiều hiện vật văn hóa thời Đồng Đậu, Đông Sơn cũng tìm thấy ở Phú Thọ. Khi giáo sư Phạm Huy Thông (1916 - 1988) đưa sinh viên khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội về điền dã ở Tứ Xã (huyện Lâm Thao), ông đã ngợi ca: “Mỗi hạt bụi ở làng này cũng có thể viết được một tiểu luận khoa học”.

G.S Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Hoàng Văn Hành đứng trước dân làng Tứ Xã với khẩu ngữ rất riêng đặc trưng cho một đảo ngôn ngữ. Ông ví Tứ Xã giống quê hương của Tần Thủy Hoàng cậy thần cậy thế mà bảo thủ giữ riêng một giọng nói, một lối sống cổ lỗ của mình. Vốn là xã giàu mạnh đông dân nhất tỉnh mà xưa nay người Tứ Xã vẫn giữ riêng giọng nói. Ai ra ngoài bắt chước giọng nói thiên hạ bị coi là “Chửi cha không bằng pha tiếng”.

Sau hòa bình, Bút Tre lấy công văn Trung ương về cho tỉnh chỉ thị việc mở lại lễ hội Đền Hùng. Một ông lãnh đạo tỉnh còn máy móc chỉ thị cho giới báo chí địa phương cấm nói từ “Hội Đền Hùng”, chỉ được nói: “Kỷ niệm Hùng Vương”.

Bút Tre và Nguyễn Khắc Xương thành hội viên sáng lập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1967. Bút Tre là Ủy viên Ban chấp hành của Hội này. Ở Phú Thọ, Chi hội VNDG địa phương đầu tiên của cả nước cũng được thành lập. Nhà thơ Bút Tre là Chủ tịch, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương là Thư ký. Khi sự kiện này được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thì trên Đài Sài Gòn của Mỹ ngụy lúc ấy, một giáo sư uy tín phát biểu: Về mặt văn hóa, ta thua miền Bắc rồi!

Bút Tre và Nguyễn Khắc Xương đã cùng giới khoa học cả nước và các nhà khoa học thế giới hội thảo thành công chứng minh lịch sử thời đại Hùng Vương là có thật và thành Phong Châu của nhà nước Văn Lang là ở Việt Trì. Phú Thọ trở thành đất Tổ cả nước.

Tên Đặng Văn Đăng Bút Tre được ghi trong mục từ cùng các danh nhân, các văn nghệ sĩ trí thức nổi tiếng khác trong Từ điển Văn hóa Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin). Còn ông Nguyễn Khắc Xương thì được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với mảng văn nghệ dân gian, đặc biệt là phần nghiên cứu về hát Xoan và văn hóa Hùng Vương.

Nguyễn Khắc Xương lúc đương thời không ai hại được, dù ông có dị này tật khác, nhưng luôn được Bút Tre bao bọc. Còn Bút Tre cũng không ai hại nổi, song ông chịu nhiều tai tiếng về thơ ca. Nhưng bây giờ, người đời đã nhìn ra chân giá trị của ông. Bút Tre và sức sống thơ ông đã vượt dự đoán và mường tượng của chính ông lúc sinh thời lẫn giới nghề nhiều thế hệ.

Lời giới thiệu: Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn sinh năm 1938 tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Từ thời thanh niên đến hết cuộc đời, ông sống và làm việc tại thành phố Việt Trì và hiện đang là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ.
Ông là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà văn viết về nông thôn đặc sắc hàng đầu hiện nay. Không chỉ sáng tác, cả đời ông tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu văn hóa dân gian vùng đất Tổ.
Ông là kho tư liệu quý báu mà chính ông cũng chưa đủ sức và thời gian công bố (đăng tải, in sách) hết, chưa nói đến việc khai thác của các đồng nghiệp, đơn vị xuất bản. Nếu không nhanh, chỉ e thất tán và lãng phí vì ông đã ngoài bát thập, hậu bối kế cận chưa thấy mấy ai tâm huyết nối nghề.
Giai thoại về Bút Tre rất nhiều, nhưng không phải ai cũng biết những câu chuyện về quãng đời công tác của Bút Tre cùng con trai trưởng của thi sĩ Tản Đà còn nhiều điều thú vị như trong bài viết này của ông.

Nhà thơ VI THÙY LINH

Nhà văn NGUYỄN HỮU NHÀN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.