Bay lên, những giai điệu ước mơ

Nguyễn Thụy Kha |

Trưa 30.4.1975 lịch sử mãi đi vào tâm trí dân tộc ta mang theo âm hưởng của một thời đại thống nhất đất nước và thanh bình hạnh phúc. Chính thời khắc thiêng liêng ấy, cũng là lúc bay lên những giai điệu ước mơ.

Ngày ấy, lòng người đã chuyển từ nhịp hành khúc sang nhịp khải hoàn của điệu Valse. Ngay trong bài “Đất nước, mùa xuân”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã tuôn trào: “Từ ngày hôm nay, chỉ còn những tiếng ca/ Tổ quốc bao la đất nước của chúng ta/ Năm tháng hy sinh biết bao đầu rơi máu đổ/ Cho độc lập tự do và cho những tiếng ca”.

Cùng với tiết nhịp đó, nhạc sĩ Huy Du khẳng định đường tới tương lai bằng bài “Việt Nam ơi! Ta bước tiếp”: “Hát lên Tổ quốc ơi! Cho đời sau đi tới/ Những con đường khắc sâu mối tình trong chiến đấu/ Thẳng đường lên phía trước chúng ta đi dựng nước/ Đẹp mùa xuân thống nhất với bao nhiêu hùng ca…”.

Còn nhạc sĩ Văn An với lời thơ Tạ Hữu Yên cũng reo vui, nhịp nhàng trong “Trên đường hạnh phúc: “Nào bên nhau cầm tay/ Ta lên đường hạnh phúc/ Ca lên cho tương lai/ Trong tiếng chim gọi bầy/ Nhịp cầu xưa ngăn đôi/ Nhưng lòng ta gắn bó/ Đôi bờ chung nắng đỏ/ Buồm ta chung gió tươi…”.

Những giai điệu ước mơ lại tiếp tục nồng nàn qua “Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca/ Độc lập tự do trên đất quê nhà ta/ Ngày hội non sông nô nức gần xa/ Dạt dào tình yêu thương Bắc - Nam một nhà”.

Tiết điệu Vaise vẫn tiếp tục lai láng trong “Mùa về trên quê hương” của nhạc sĩ Hoài Mai: “Quê hương vang mãi muôn khúc ca thanh bình/ Đời vui náo nức sức sống đang trào dâng/ Mùa về trên quê hương/ Nghe bao tiếng thân thương/ Khi sông núi nối liền/ Tin vui đến mọi miền”.

Những giai điệu ước mơ từ cảm nhận đã đi tới triết lý cũng vẫn trong tiết nhịp Valse qua “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Đây biển Việt Nam/ Đây sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vui sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca/ Biển kể chuyện quê hương”. Triết lý mang tầm nhân loại. Nếu không biết khép lại quá khứ đau thương, thì làm sao mở ra được tương lai hạnh phúc.

Cũng với tầm vóc ấy, Văn Cao đã từ tốn đi từ khải hoàn đến khải huyền một cách dung dị và sâu sắc: “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”. Các tiết điệu Valse cổ điển như nhân bản đã chắp cánh cho những giai điệu ước mơ bay lên.

Từ tiết điệu cổ điển này, nhịp ước mơ nhập vào những tiết điệu nhạc nhẹ đang thịnh hành ở miền Nam mà gần gũi hơn cả là tiết điệu Low - Rock dìu dặt, tự sự, thấy rõ ngay trong “Tình ca mùa  xuân” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Nửa đêm nghe xuân về/ Nghe đời lên rất trẻ/ Gọi tên anh thầm nhớ/ Lời ru em dạt dào…”.

Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Hồ Bắc thì tự sự điềm đạm và tha thiết trong “Tổ quốc yêu thương”: “Ta đi trên đường mùa xuân/ Đường vang muôn tiếng hát yêu thương/ Trong anh mắt nụ cười rạng rỡ/ Ba mươi năm mới có một ngày/ Quê hương ơi biết mấy tự hào/ Về đây Nam Bắc/ Cầm tay ca hát trên con đường vui…”.

Nhịp ước mơ trở nên bình dị và tràn trề âm hưởng cha ông trong “Bài ca thống nhất” của nhạc sĩ Võ Văn Di: “Biển trời bao la/ Đẹp tựa gấm hoa/ Nước mây muôn màu/ Những con tàu ra Bắc vào Nam/ Biển trời quê ta/ Rộn vang tiếng ca/ Bắc Nam một nhà/ Vui một nhà vang tiếng hò khoan…”.

Người nghe thấy thấp thoáng trong đó tiết điệu Boléro đã được “Việt hoá” trong các dân khúc đang tràn ngập các xóm làng miền Nam thời đó. Cũng rất nhiên, con người bỗng hoà tan trong “Tình ca đất nước” của nhạc sĩ Phan Nhân: “Rằng đã về ta/ Cỏ cây, sông núi, ruộng đồng/ Cửu Long, sông Hồng thoả bao chờ mong/ Sài Gòn mến yêu của ta/ Đêm dài đã qua/ Tình non sông thêm thiết tha/ Ngọt ngào hương hoa/ Đẹp tình non sông ta/ Ngân vang tiếng ca…”.

Cũng có thể chất ngất với “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca khúc muôn đời Việt Nam…”.

Có thể phức điệu nhịp ngân hoà của giai điệu này với nhịp hành khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Cũng có thể là “Nối vòng tay lớn” mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dốc tâm can hát trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn vào đúng trưa 30.4.1975 vừa như một khép lại, vừa như một mở ra cho một tương lại mới.

Cặp đôi bạn bè thân thiết Nguyễn Văn Thương - Tố Hữu từ thuở thanh xuân ở Huế cũng góp vào bản hợp ca Khải hoàn một khúc tự sự chứa đựng nhiều khát vọng. Từ bài thơ “Vui thế, hôm nay” của Tố Hữu viết vào tháng 8.1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã viết ra bài ca “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” bằng việc trích phổ bài thơ này: “Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ/ Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ/ Xanh núi xanh sông xanh đồng xanh biển xanh trời xanh của những giấc mơ/ Tôi bay giữa màu xanh giải phóng/ Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng/ Ôi Việt Nam! Ôi Việt Nam yêu suốt một đời/ Nay mới được ôm Người trọn vẹn Người ơi!”.

Có thể vì rất muốn biết đất nước mình trọn vẹn thế nào qua giai điệu này, mùa xuân 1976, tôi đã được nghỉ phép và thực hiện một chuyến xuyên Việt lặng lẽ từ mũi Cà Mau đến Lạng Sơn và sau đó trở về mang theo cảm hứng ấy để viết trường ca “Năm tháng và chiều cao” trong đó có một chương mang tựa đề là “Nhật ký 30.4.1975”.

Nhịp ước mơ đã thấm vào bao con tim Việt Nam thời đó bồng bột và lãng mạn, để rồi sau đó 10 năm, tôi thấy phải viết thêm về điều này cho thật tường minh hơn khi sống qua 10 năm hậu chiến trong thời quan liêu bao cấp.

Bài thơ “Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư” đã khép lại 10 năm này, mang theo nhịp ước mơ ban đầu tươi rói, hồn nhiên bước sang thời kỳ đổi mới.

Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư
những người lính bỗng chung nhau một tuổi
trẻ già gương mặt đều xạm khói
nắng hắt lên máu nhưng tấc đường qua

Bao cao ốc nguy nga
thấp xuống trước mắt người xuống núi
bao rạch nước hãm tù bóng tối
chợt rưng rưng in những ánh cờ 

Buổi ấy Sài Gòn làm thật lại ước mơ
nhiều tưởng tượng xưa kia trước phố phường tan biến
mùa hạ xanh những người lính đến
đột ngột mặt sông ngọn gió chuyển mùa 

Buổi ấy quá nhiều khát khao ngây thơ
quên trĩu nặng bởi ba lô vừa cởi
cứ ngẩn ngơ màu hoa phượng cháy
hồn bay theo những quả bóng màu 

Bao năm rồi lùi lại ngắm nhìn lâu
nhiều lúc cứ buồn cười tấm ảnh mừng buổi ấy
không còn lạc giữa ngã năm ngã bảy
nhưng biết mình chưa thấm hết hẻm sâu 

Người lính rảo bước vội về đâu
hay dáng bạn bè ngỡ ngàng buổi ấy
cho tôi có Sài Gòn từ đấy
vào một trưa ngày cuối cùng của tháng Tư

Chính thời đổi mới đã minh chứng cho những gia điệu ước mơ ngày ấy là chân thành, là nhân bản. Phải chăng đó chính là quyền năng dự báo của nghệ thuật mà có lúc vì nó, người nghệ sĩ sáng tạo phải chịu rất nhiều áp lực của hiện thực muôn màu và không thể nào trùng khít với ước mơ được. Nhưng nếu ta thật trải lòng, thật bao dung đón nhận, ta sẽ thấy rằng chính những giai điệu ước mơ đó đã lặng lẽ dắt ta qua bao thử thách thời cuộc để rồi cùng mỉm cười đón nhận tương lai, sau những lần rơi nước mắt.

Nguyễn Thụy Kha
TIN LIÊN QUAN

"Tài năng âm nhạc Việt" tìm ra nhiều nhân tố ấn tượng

MINH TRIẾT |

Cuộc thi "Tài năng âm nhạc Việt mùa I" đã khép lại sau đêm chung kết diễn ra vào tối 9.1.

Hướng tới Hội nghị Văn hóa: Tùng Dương tin vào sức bật của âm nhạc

Lan Anh |

Dịch bệnh diễn biến phức tạp suốt năm 2021 khiến tất cả hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có âm nhạc hoàn toàn đóng băng.

Cần hiểu chính xác về bản quyền âm nhạc trên môi trường số

THANH HƯƠNG |

Trước những tranh cãi video bản quyền ca khúc “Giấc mơ trưa”, phía nhạc sĩ Giáng Son và BH Media đưa ra những phản hồi và luận điểm riêng.  

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

"Tài năng âm nhạc Việt" tìm ra nhiều nhân tố ấn tượng

MINH TRIẾT |

Cuộc thi "Tài năng âm nhạc Việt mùa I" đã khép lại sau đêm chung kết diễn ra vào tối 9.1.

Hướng tới Hội nghị Văn hóa: Tùng Dương tin vào sức bật của âm nhạc

Lan Anh |

Dịch bệnh diễn biến phức tạp suốt năm 2021 khiến tất cả hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có âm nhạc hoàn toàn đóng băng.

Cần hiểu chính xác về bản quyền âm nhạc trên môi trường số

THANH HƯƠNG |

Trước những tranh cãi video bản quyền ca khúc “Giấc mơ trưa”, phía nhạc sĩ Giáng Son và BH Media đưa ra những phản hồi và luận điểm riêng.