Theo số liệu thống kê, trong 10 năm (2012-2022) trên địa bàn Thành phố có tổng số 481.920 đám cưới được tổ chức. Trong đó, số đám cưới thực hiện theo quy định là 437.153, đạt 90,71%. Số đám cưới theo mô hình mới, hiệu quả, tiết kiệm là 64.435, đạt 13,37%.
Số đám cưới không thực hiện theo quy định chiếm khoảng 5,34%. Trước thực trạng tại nhiều địa phương, các đám cưới trở thành “vấn nạn” cỗ bàn, hay các thủ tục rườm rà, khiến nhiều gia đình phải chật vật tổ chức đám cưới, năm 2012, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 11-CT/TU về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới”.
Phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên) là địa bàn “từ làng lên phố” nên trong đời sống sinh hoạt còn nhiều nếp cũ sót lại. Trong đó, từng có tình trạng “cả làng đi ăn cỗ” khi có cưới xin. Việc cưới xin khiến nhiều gia đình dù không khá giả vẫn phải vay mượn để tổ chức.
Mặc dù vậy, khi Chỉ thị 11 của Thành uỷ ra đời, không phải ai cũng đồng thuận ngay. Nhiều người vẫn ngại mang tiếng với hàng xóm khi thực hiện “cưới văn minh” bằng giảm các thủ tục, hạn chế số lượng cỗ bàn.
Thực hiện Chỉ thị 11, phường đã triển khai mô hình đám cưới tổ chức theo tiêu chí “6 không”: Không ăn uống linh đình, kéo dài; Không hút thuốc lá; Không tổ chức quá 1,5 ngày; Không tổ chức vui chơi văn nghệ quá 22 giờ; Tổ chức hôn lễ không quá 45 phút; Không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu bia, gây mất trật tự an ninh và tổ chức đánh bạc; Không vi phạm pháp luật an toàn giao thông, nhất là trong quá trình đưa đón dâu.
Để nhân dân hưởng ứng thì 100% lãnh đạo phường, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên đăng ký thực hiện văn minh trong việc cưới, vận động gia đình thực hiện tổ chức cưới văn minh cho con hay bản thân. Việc cán bộ, đảng viên gương mẫu đi trước được kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động. Phường đã huy động “tổng lực” tuyên truyền trên đài truyền thanh, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, zalo, facebook với công tác vận động. Dần dần, nhận thức của mọi người thay đổi.
Sau 10 năm thực hiện toàn phường có 1.879 đám cưới; các đám cưới được tổ chức tại Nhà văn hóa các tổ dân phố vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; nghi lễ trước, trong và sau khi tiến hành đám cưới đã đơn giản, gọn nhẹ. Cách làm của phường Ngọc Thuỵ là một điển hình cho việc thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn quận Long Biên. Trên địa bàn toàn quận, từ năm 2012 đến hết năm 2021, có 16.364 đôi kết hôn, trong đó, có 16.182 đôi nam nữ thực hiện cưới theo nếp sống văn hóa “vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”.
Tại quận Bắc Từ Liêm, trước đây, tình trạng đám cưới dềnh dang, hát hò đến 3 ngày cũng khá phổ biến. Nhưng Chỉ thị 11 của Thành uỷ đã thay đổi hẳn nhiều nếp cũ. Triển khai Chỉ thị, Đoàn Thanh niên phường Minh Khai đã xung kích đi đầu vận động và chủ trì 2 đám cưới theo nếp sống mới được tổ chức tại Hội trường UBND phường. Đám cưới được tổ chức vui tươi, trang trọng với sự tham dự của đại diện họ hàng nội ngoại, các ban ngành đoàn thể, đoàn viên, thanh niên với tiệc trà thay cho tiệc mặn.
Mô hình điểm này có sức lan toả rất lớn, nhiều người nhận thấy tổ chức cỗ bàn linh đình là lãng phí, không cần thiết. Hầu hết các đám cưới trong gia đình cán bộ, đảng viên đã thực hiện mời không quá 300 khách ăn tiệc cưới. Kết quả là “đảng viên đi trước” thì “làng nước theo sau”. Những đám cưới linh đình tốn kém giảm hẳn. Một số phường còn có sáng kiến đưa việc thực hiện “cưới văn minh” vào Quy ước của Tổ dân phố, bình xét Gia đình văn hoá. Điều đó giúp nâng cao ý thức của mọi người.
Báo cáo của Quận ủy Bắc Từ Liêm cho thấy, 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy, quận Bắc Từ Liêm đã có trên 14.100 cặp đăng ký kết hôn. Nhiều mô hình về cưới văn minh giản dị, tiết kiệm được áp dụng, duy trì tốt trong nhiều năm như: Mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang”; mô hình cưới 40 - 50 mâm cỗ; mô hình cưới tiệc ngọt, tiệc trà; các câu lạc bộ “Gia đình trẻ”, “Tiền hôn nhân”; Hội Người cao tuổi với phong trào “Ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền” vận động người thân, con cháu tổ chức lễ cưới theo tinh thần “Vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”...
Các hoạt động cưới xin ở khu vực ngoại thành cũng thay đổi hẳn khi triển khai thực hiện Chỉ thị 11. Điển hình trong đó là huyện Quốc Oai. Qua 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”, huyện Quốc Oai đã được nhiều kết quả ghi nhận, toàn huyện có 15.212 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh (chiếm 95,9%).
Số đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm chỉ tổ chức báo hỷ, tiệc ngọt hoặc chỉ đăng ký kết hôn) là 2.918 (chiếm 18,4%). Trên địa bàn huyện đã tổ chức điểm 38 đám cưới văn minh, chỉ liên hoan tiệc trà, bánh kẹo được chính quyền và các đoàn thể giúp đỡ. Tiêu biểu là xã Phượng Cách, trong 10 năm qua, có tới 97,5% đám cưới tổ chức theo mô hình nếp sống mới.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song ở nhiều nơi, nhất là địa bàn nông thôn với nhiều phong tục, tập quán địa phương, dòng họ còn nặng nề nên quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 11 gặp nhiều khó khăn, vẫn còn những trường hợp tổ chức với số lượng khách mời vượt quá quy định. Thời gian tới, việc thực hiện Chỉ thị 11 cần có sự sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng đặc thù của địa phương; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hay; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt để tạo sức lan tỏa và sự vào cuộc của toàn xã hội.