51 Hàng Bồ dấu yêu

Thanh Hà |

77 năm trôi qua và cho đến tận bây giờ, địa chỉ 51 Hàng Bồ luôn ghi những dấu ấn không thể phai mờ của nhiều thế hệ cán bộ phóng viên báo Lao Động.

Những ngày tháng đầu tiên

Lịch sử báo Lao Động ghi lại những ngày tháng đầu tiên địa chỉ 51 Hàng Bồ trở thành trụ sở Báo Lao Động.

“Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một trang đẹp rực rỡ trong lịch sử báo Lao Động. Ngay trong ngày 19.8, ngày Hà Nội giành chính quyền, ngôi nhà 51 - Hàng Bồ sau này là trụ sở Báo Lao Động, đã thuộc về tay Cách mạng. Ngôi nhà này là của Phạm Lê Bổng, một nghị sĩ giàu có. Lúc đó ngôi nhà đang là trụ sở Báo Bình Minh do Nguyên Giang làm chủ bút.

Ngôi nhà có mặt tiền trông ra phố Hàng Bồ là một phố cổ của Hà Nội, có chiều sâu chừng 60 mét, gồm 3 tầng xây kiên cố. Tầng dưới đặt máy in và kho giấy. Việc biên soạn bài cho tờ Bình Minh, sắp chữ, lên khuôn, chế bản làm ở tầng hai. Ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa, ngôi nhà được giao cho Ban Công vận của Trung ương Đảng, đồng thời là Trụ sở của Trung ương Hội công nhân cứu quốc Bắc Bộ.

Đồng chí Trần Danh Tuyên - thuộc Ban công vận thời điểm đó được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Báo Lao Động ra công khai. Những người làm báo cùng với Trần Danh Tuyên thời đó còn có Văn Cao, Trần Quốc Diệp tức Trần Lưu Trác, Nguyễn Huyến. Phụ trách nhà in là Vũ Tiệp.

Nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao kể chuyện làm Báo Lao Động tại 51 Hàng Bồ trong những ngày tháng đầu tiên:

- Tôi có cái vinh dự là sau Cách mạng Tháng Tám, khi Báo Lao động ra số công khai đầu tiên thì tôi đã có mặt. Trước đó tôi làm việc bên báo Độc Lập. Vốn có quan hệ công tác thời bí mật với ông Trần Danh Tuyên và ông Nguyễn Hữu Mai, nên khi ông Tuyên phụ trách tờ Lao Động mời là tôi về ngay.

Hàng ngày tôi làm việc trực tiếp với ông ấy ở 51 - Hàng Bồ, trụ sở của Báo Lao Động. Tôi vừa viết bài, viết truyện vừa trông nom việc ấn loát. Nhà in ở tầng một. Trên gác bàn việc xong là tôi xuống ngay với anh em công nhân. Và suốt ngày, thậm chí suốt đêm ở đó luôn.

Nhà in thiếu thốn đủ thứ, mầu, mực không có đã đành. Khuôn chữ thì nham nhở. Phải tìm tòi lục lọi cái gì còn tận dụng được thì dùng. Phải làm sao tờ báo in ra được đẹp. Bí quá tôi phải về lấy bộ chữ mới (bộ chữ có chân) ở nhà in Rạng Đông của ông bố vợ sau này. Có chữ tốt rồi lại phải tìm cách trình bày sao cho đẹp, cho rõ ràng, sáng sủa... Trước mình là anh sáng tác, suốt ngày lang thang vơ vẩn ngoài đường. Giờ thì từ sáng đến khuya quanh quẩn bên bàn, bên máy; bên anh em công nhân... giữ luôn cả việc sửa mo-rát (sửa bản in thử) nữa. Có vất vả nhưng thấy rất vui, không biết mệt là gì...

Tờ Lao Động in rất đẹp, chữ có chân vào loại nhất thời bấy giờ… Sau đó, theo đề nghị của đồng chí Tố Hữu, tôi được điều sang Văn hoá cứu quốc. Tôi vẫn sang chơi bên báo Lao Động luôn cho tới ngày toàn quốc kháng chiến.

Trong hai năm 1945 - 1946, Báo Lao Động ra được 30 số, bắt đầu từ số 13 ra ngày Thứ Năm 18.10.1945, 59 ngày sau ngày Tổng khởi nghĩa.

Báo Lao Động trong hai năm 1945 - 1946 phản ánh sự lớn mạnh của Hội công nhân Cứu quốc, phát triển thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 20.6.1946 tại số nhà 51 - Hàng Bồ - Hà Nội (trụ sở của báo) đã diễn ra sự kiện lịch sử Hội nghị cán bộ toàn quốc của Công nhân cứu quốc hội quyết định thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Số 21 ra ngày 13.7 long trọng báo tin trên với bạn đọc cả nước và đăng Điều lệ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngày 19.12.1946 bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống Thực dân Pháp quay trở lại xâm lăng nước ta lần nữa. Trước đó, biết là cuộc kháng chiến sẽ xảy ra không tránh được, Báo Lao Động đã tổ chức nhiều cuộc di chuyển máy móc, giấy in, mực in tạm cất giấu tại xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Người cuối cùng của Tòa soạn và trị sự báo rút khỏi trụ sở báo, số nhà 51 - Hàng Bồ - Hà Nội là Vũ Tiệp, quản lý nhà in.

Anh rời Hà Nội vào chiều ngày 19.12, vai đeo một tay nải nặng những con chữ bằng chì và khay xếp chữ. Đêm hôm đó, lúc 20 giờ, từ địa điểm tản cư Bối Khê nhìn về Hà Nội, thấy vùng trời tối sầm lại, những tia lửa đạn trùm lên, anh biết là cuộc chiến đấu cảm tử cho tổ quốc quyết sinh đã bắt đầu, từ nay không quay về Hà Nội được nữa. Anh âm thầm kiểm lại trong óc và vui mừng thấy hầu hết những bộ phận máy móc quan trọng nhất cho đến từng chiếc bulông đã ra khỏi Hà Nội. Cuộc chiến đấu mới đã bắt đầu…

Trở về từ chiến khu

Kháng chiến thành công, Thủ đô được giải phóng năm 1954 cùng với bộ đội, người dân các cán bộ, phóng viên Báo Lao Động đã từ chiến khu về với Thủ đô. Nguyên Phó Tổng biên tập Phạm Văn Nhàn nhớ lại:

“Năm 1954, Tôi cùng anh em được về tiếp quản Thủ đô và làm việc tại Tòa nhà 51 Hàng Bồ. Nhớ lại, Tòa nhà lúc đó thật to đẹp và đoàng hoàng quá. Thật sung sướng khi trụ sở của Cơ quan mình được đặt tại trung tâm Thủ đô. Người Tôi gặp đầu tiên khi về Hà nội là Anh Nguyễn Văn Vui, anh Vui tính tình điềm đạm, hướng dẫn chúng tôi công việc. Sau đó, trực tiếp là Anh Lê Vân là Lãnh đạo trực tiếp.

Tôi luôn nhớ mãi hình ảnh người thủ trưởng nghiêm nghị, sống rất giản dị, liêm khiết. Đối với anh em rất tình cảm chân thành như một Người anh, xong rất kín đáo không biểu hiện ra bên ngoài. Chính sự điềm đạm kín đáo ấy làm bọn tôi nể sợ, rất nghiêm túc trong sinh hoạt và ngay cả lúc duyệt bài, góp ý thẳng thắn không sợ mất lòng.

Người Thủ trưởng tốt bụng ấy không thọ được bao lâu, lúc sắp qua đời trên giường bệnh, Tôi nắm tay Anh và Anh bảo: “Sống chết có số rồi, nhà mình từ ông, bố đến các anh không ai sống qua được 60 tuổi”. Tôi nắm chặt tay anh chia sẻ ngậm ngùi và thương tiếc…

Thời gian đầu, trụ sở 51 Hàng Bồ quân số cũng không đông, mãi những năm sau này số cán bộ phóng viên được bổ sung phù hợp với chức năng nhiệm vụ, yêu cầu của tờ Báo. Thời gian này, Anh em chúng tôi thực sự đã sống với nhau như những người thân trong gia đình. Đoàn kết yêu thương nhau, sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ nhau trong công việc, săn sóc gia đình các anh em đi thường trú, để anh em yên tâm công tác.

Sự gắn bó đoàn kết, yêu thương của các đồng chí lãnh đạo cũng như của các anh em phóng viên, cán bộ công nhân viên Báo Lao động qua các thời kỳ Tôi không thể nào quên, nó luôn hiện lên trong tôi như một thước phim với biết bao kỷ niệm vui buồn của một thời làm báo.

Tôi coi Báo Lao Động là Gia đình Thứ hai của mình, suốt chặng đường dài hơn 45 năm ấy đã gắn bó Tôi từ thời trai trẻ đến lúc tôi về hưu và bây giờ nữa ở tuổi 83 rồi không thể nào quên những ký ức tốt đẹp.

Năm 1963, Tôi tổ chức Lễ cưới tại Trụ sở 51 Hàng Bồ với sự chứng kiến của đầy đủ anh chị em cán bộ phóng viên. Rồi năm 1973, khi địch đánh phá ác liệt nhất thì trụ sở 51 Hàng Bồ cũng là hầm trú ẩn cho CBNV và gia đình một số đồng chí còn lại ở Hà Nội chưa kịp đi sơ tán, trong đó có vợ chồng tôi”.

Số báo đầu tiên ra mắt công chúng Hà Nội sau ngày Giải phóng thủ đô là số 276 ngày 6.11.1954. Báo có tám trang, khổ 52 x 35 cm ra hàng tuần ngày thứ bảy. Ngay trên trang đầu, bài phóng sự có đầu đề như một tiếng reo vui: “Chuyến tàu đầu tiên trên đường Hà Nội - Hải Dương giải phóng!”.

Và như một tiếng reo vui, ngay trong số này, báo đăng tiểu thuyết “Vùng Mỏ” của Võ Huy Tâm, 3 số liền. Báo tiếp tục mục báo có cái tên rất thợ thuyền “Trên đe dưới búa” và gây cảm tưởng là lạ với bạn đọc Hà Nội, mục báo chuyên đánh đòn vạch mặt những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Báo mở mục “Những điều thường thức về công đoàn” bắt đầu bằng câu hỏi: Công đoàn là gì?

Sứ mệnh mới

Sau ngày 30.4.1975, Báo Lao Động từ số nhà 51 Hàng Bồ bằng mọi cách chuyển lên từng chuyến xe của Tổng Công đoàn đi xuyên Việt vào phát hành trong thành phố Sài Gòn giải phóng. Trong những năm bao cấp khó khăn, Lao Động trở thành một trong những tờ báo đứng ở hàng đầu cuộc đấu tranh đổi mới báo chí. Trụ sở 51 Hàng Bồ cũng từng vinh dự 2 lần được đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm.

Tại số 51 Hàng Bồ hiện nay đặt trụ sở của Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng. Hơn 25 năm qua, với tôn chỉ chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, nhân dân thiên tai bão lũ..., quỹ Tấm Lòng Vàng đã trở thành địa chỉ tin cậy kết nối những tấm lòng hảo tâm.

Đồng thời, về mặt nghiệp vụ, đây cũng là nơi Báo Lao Động đặt trường quay của Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện và sản xuất hàng loạt chương trình đã lên sóng thời gian qua, đặc biệt là các bản tin video, talkshow cùng nhân vật,...

77 năm trôi qua, Thủ đô Hà Nội cũng đã có nhiều đổi thay, phố Hàng Bồ cũng tấp nập, nhộn nhịp hơn nhưng 51 Hàng Bồ đã và vẫn là địa chỉ quen thuộc, thân yêu của nhiều lớp cán bộ, phóng viên Lao Động. Khi nhắc đến 51 Hàng Bồ là nhắc đến lịch sử và những giai đoạn anh dũng, hào hùng của đất nước, của báo Lao Động.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Báo Lao Động luôn ở “điểm nóng” bảo vệ quyền lợi cho công nhân

BẢO TRUNG |

Phóng viên Báo Lao Động luôn có mặt ở những điểm nóng, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, bất chấp những khó khăn vất vả.

Báo Lao Động trong tim những “chị Hai”

Hoàng Văn Minh |

Huế - Thời gian có thể xóa đi nhiều thứ, nhưng hình ảnh bước thấp bước cao của chị Lê Thị Hai do đôi chân bị dị tật bẩm sinh, trên tay khệ nệ ôm tập hồ sơ đến gõ cửa Văn phòng Báo Lao Động tại Huế vào một buổi trưa nóng bức của năm 2001 thì tôi không bao giờ quên được.

Báo Lao Động trong lòng bạn đọc: "Một chất riêng... dũng cảm nhưng gần gũi"

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Báo Lao Động đã khẳng định được vị thế vững chắc trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam và trở thành niềm tin yêu của bạn đọc. Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo Lao Động xuất bản số báo đầu tiên (14.8.1929-14.8.2022), bạn đọc ở nhiều lứa tuổi đã bày tỏ, gửi gắm những ấn tượng và lời chúc tốt đẹp tới toàn đội ngũ nhà báo, phóng viên Báo Lao Động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Báo Lao Động luôn ở “điểm nóng” bảo vệ quyền lợi cho công nhân

BẢO TRUNG |

Phóng viên Báo Lao Động luôn có mặt ở những điểm nóng, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, bất chấp những khó khăn vất vả.

Báo Lao Động trong tim những “chị Hai”

Hoàng Văn Minh |

Huế - Thời gian có thể xóa đi nhiều thứ, nhưng hình ảnh bước thấp bước cao của chị Lê Thị Hai do đôi chân bị dị tật bẩm sinh, trên tay khệ nệ ôm tập hồ sơ đến gõ cửa Văn phòng Báo Lao Động tại Huế vào một buổi trưa nóng bức của năm 2001 thì tôi không bao giờ quên được.

Báo Lao Động trong lòng bạn đọc: "Một chất riêng... dũng cảm nhưng gần gũi"

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Báo Lao Động đã khẳng định được vị thế vững chắc trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam và trở thành niềm tin yêu của bạn đọc. Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo Lao Động xuất bản số báo đầu tiên (14.8.1929-14.8.2022), bạn đọc ở nhiều lứa tuổi đã bày tỏ, gửi gắm những ấn tượng và lời chúc tốt đẹp tới toàn đội ngũ nhà báo, phóng viên Báo Lao Động.