Kỳ cuối:

Xứ Thanh ký sự: Tính cách tre

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM |

Rong ruổi xứ Thanh, hầu như ở đâu cũng nhìn thấy tre và họ hàng của nó. Càng lên vùng cao càng nhìn thấy những cây luồng (họ tre) vạm vỡ, sừng sững, hiên ngang giữa đất trời hùng vĩ. Vẫn biết rằng ở nước Việt khắp nơi đều có tre, nhưng đến xứ Thanh thì mới thấm rằng đây đúng là "vương quốc tre", diện tích cây luồng lớn nhất Việt Nam. Thảo nào nhà thơ Nguyễn Duy đã viết bài thơ "Tre Việt Nam" đi vào sách giáo khoa và lòng người, được nhiều thế hệ nhắc đến.

Đành rằng cây tre biểu tượng cho khí chất chung của người Việt, nhưng trước hết với con người của "vương quốc tre" thì có gì tương hợp ? Vậy có mối liên hệ nào giữa cây tre với tính cách người Thanh Hóa nói riêng. Phải chăng ở đây mới xác tín tính cách Thanh-tính cách tre: can trường, bền bỉ, dẻo dai  như là vô hạn và không thiếu khiêm nhường.

Theo chúng tôi, câu trả lời trọn vẹn như giọt nước tràn ly vào đêm rượu cuối chân tình ở Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Sĩ quan biên phòng Cao Văn Long đang nói chuyện sông Luồng- con sông mang tên một loài tre,  chảy dài quanh co khoảng 80 cây số, chợt cao hứng nhắc lại chuyện người đồng hương Sầm Sơn nổi tiếng của anh. Và đang từ núi rừng biên giới, sáng mai chúng tôi lại quay về với biển.

Chỉ xứ Thanh mới có

Chính trường- liên- tưởng- tre đã dẫn dắt chúng tôi về với Sầm Sơn để gặp một người.

Ông rất nổi tiếng, nhiều cuốn sách, nhiều bài báo và cả đài truyền hình quốc gia đã kể nhiều về ông, một con người bình dị ở vùng biển Thanh Hóa. Chúng tôi chỉ muốn nói đến một số tình tiết mà truyền thông nói ít hoặc chưa hề đề cập.

Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, vào năm 1993, ông Lương Viết Lợi (sinh năm 1959) đã tham gia một chuyến vượt Thái Bình Dương phải nói là có một không hai trong thời hiện đại bằng chính chiếc bè tre đơn giản xứ Thanh được đóng  bằng cây luồng sơn cước của chính vùng đất này. Một chuyến đi nhớ đời và để đời vượt 5500 dặm vang dội thế giới. Trong bảng đề danh các nhà chinh phục biển lừng danh, có thêm tên một người Thanh Hóa.

Nhưng sao lại phải nhất thiết là Sầm Sơn bởi tre nhiều nơi sẵn có?

Ông Lương Viết Lợi ở TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) kể về hải trình có một không hai của mình khi vượt Thái Bình Dương Ảnh: Nguyễn Trường
Ông Lương Viết Lợi ở TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) kể về hải trình có một không hai của mình khi vượt Thái Bình Dương Ảnh: Nguyễn Trường

Ngồi trong căn nhà đơn sơ gần biển, ông Lương Viết Lợi vừa giữ cháu vừa kể chính nhà thám hiểm danh tiếng Tim Severin (thường gọi thân mật là Tim) lúc đầu định đóng bè tre ở nước ngoài, chẳng hạn Hồng Kông nhưng dự định bất thành. Đơn giản tre thì vẫn có nhưng cách đóng bè thì tuyệt tích, không còn ai biết. Ông Tim phải tìm đến Việt Nam sau những manh mối đưa đường chỉ lối. Sau những lần tìm, ông Tim mới thấy ở Sầm Sơn vẫn còn nghề đóng bè tre, trong khi nhiều nơi ở Việt Nam nghề này đã mất hút từ lâu. Ông Lương Viết Lợi được lựa chọn bởi ba lý do chính: Thứ nhất, là một ngư dân thành thạo vì đi biển từ năm 17 tuổi, thứ hai: là một thợ mộc khá lành nghề, thứ ba: có máu phiêu lưu mạo hiểm, dám nghĩ dám làm.

Chuyến đi đã vượt qua muôn trùng thử thách, gặp bão kinh hoàng, gặp cả cướp biển rồi trong đoàn có người không may bị tai nạn gãy xương... cuối cùng mọi chuyện đều ổn. Họ đã thành công với tiếng tăm vang dội. Kể lại chuyến đi đã qua nhiều năm, giọng ông Lợi vẫn hào hứng, sôi nổi. Ông bảo: "Chính những cây luồng miền núi Thanh Hóa đã làm nên chiến công vượt đại dương. Chúng tôi đóng luồng bốn tầng, thay vì một tầng, tốn đến 500 cây tre, thay vì vài chục cây như bình thường. Chính cách đóng này đã làm tăng độ cân bằng và an toàn cho bè tre đến mức cao nhất. Vì vậy có lúc gặp bão lớn vượt cấp 12, bè vẫn an toàn vô sự".

Tre xứ Thanh và người xứ Thanh đã làm nên chiến tích hiếm có khi chinh phục biển.

Chia tay, người hùng vượt đại dương Lương Viết Lợi mong mỏi:  "Tôi ao ước làm một bè tre bên bờ biển Sầm Sơn để góp phần thu hút khách du lịch, giới thiệu bè tre và bán sách kể về nó. Được thế cũng coi như là thỏa nguyện". Ông còn nói thêm mới đây nghe thông tin, chính quyền địa phương đồng tình cho ông làm tiếp bè tre vượt biển, nếu vậy thì ông rất sẵn lòng và hào hứng tham gia. Vì theo ông đó cũng là một cách quảng bá du lịch cần thiết cho quê nhà.

Hy vọng rằng những mong muốn giản dị đời thường mà hữu ích của ông sớm thành hiện thực.

Vầu là no ấm

Tiếp theo chuyện ông Lợi, chúng tôi muốn đi tìm những gương mặt mới, khát vọng mới mà nói theo cách nói của những nhà kinh tế hiện nay ưa dùng, đó là nhân tố mới. Bởi nói chuyện những người đã thành danh và giàu có thì xứ Thanh không thiếu, nhiều người được cả nước biết tiếng, thậm chí danh thơm vượt ra ngoài biên giới. Nhưng chúng tôi cứ muốn tìm đến những người mới mở đường, thiên hạ còn không biết họ là ai. Nhưng họ lại là những biểu tượng sinh động của tính cách tre- tính cách Thanh.

Hay tin có chuyện xóa luồng trầu vầu. Ô hay, cũng họ nhà tre cả mà sao phải bới cây sống, trồng cây chết, có hiệu quả không nên chúng tôi cũng bán tín bán nghi, nhất là lởn vởn hai chữ "dự án"? Nhưng ông Hà Văn Toản, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn giải thích do khai thác cây vầu quá mức nên xảy ra nguy cơ cạn kiệt, cần phải phục hồi. Ông còn  nói thêm như đinh đóng cột rằng cả huyện đã xây dựng thành công mô hình thâm canh rừng vầu quy mô khoảng 27ha và phục tráng rừng vầu tự nhiên 30ha. Cây trồng đang là chỗ dựa cho bà con các dân tộc vùng cao.

Bà con huyện Na Sơn (Thanh Hóa) phấn khởi với cây vầu xóa nghèo Ảnh: Nguyễn Trường
Bà con huyện Na Sơn (Thanh Hóa) phấn khởi với cây vầu xóa nghèo Ảnh: Nguyễn Trường

Trăm nghe không bằng một thấy. Gặp ông Vi Văn Pin, Chủ tịch xã Tam Lư. Ông cũng hồ hởi khoe cây vầu đã thành cây chủ lực thoát nghèo của bà con vùng núi nơi đây, của cả huyện Quan Hóa. Tưởng ông lạc quan có khi nói hơi quá. Nhưng không, khi chứng kiến cảnh bà con phấn khởi theo nghề trồng vầu và tận mắt thấy những cánh rừng vầu xanh tốt thì hiện thực đã làm yên lòng không chỉ chúng tôi.  Rồi chính anh Lữ Văn Duyệt ở bản Ngàm, xã Trung Thượng thật thà bày tỏ: "Cây vầu dễ sống, mất không nhiều công chăm bón, trồng 3-4 năm thì thu hoạch được. Mỗi tạ bán được từ 200-250 ngàn đồng. Như nhà tôi trồng 8ha vầu, cộng với chăn nuôi, mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng".

Hiện thực vầu đã khả thi và thuyết phục!

Phải giữ biển đến cùng!

Đồng nghiệp Quách Du dẫn chúng tôi đến một địa chỉ cũng ở ngay cảng cá Sầm Sơn, giới thiệu về một doanh nhân với nghề mới toanh ở đất Thanh. Mới nhưng không lạ!

Một người đàn ông trạc khoảng gần bốn mươi, nét mặt linh lợi, dễ mến ngồi tiếp chúng tôi sau khi tiễn một người khách ra về. Anh là Trịnh Ngọc Nam, đại diện cho Công ty TNHH Phước Thịnh, vợ anh là giám đốc công ty. Anh bảo mình hay đi giao dịch, đối ngoại xa nhà nên vợ làm giám đốc là hợp lý. Câu chuyện mở đầu bằng nỗi trăn trở của một người yêu biển bằng phản biện chân thành: "Mấy năm nay, Thanh Hóa phát triển mạnh về du lịch và cả xây dựng cơ bản. Nhưng nói thật với riêng kinh tế biển, bên cạnh những mặt sáng cần ghi nhận vẫn còn nhiều chuyện rất đáng bàn. Chẳng hạn đáng nói nhất là gần như 100% doanh nghiệp chế biến hải sản lớn nhỏ đều có điểm chung là chế biến thô. Sản xuất kinh doanh như vậy thì chủ yếu chạy theo thời vụ, khó chủ động trong mua bán, bà con ngư dân cũng dễ bị tư thương ép giá, doanh nghiệp cũng khó lòng xoay xở vào những thời điểm khó khăn, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngư dân cũng khá lỏng lẻo. Chính vì vậy khi ngư trường thu hẹp, sản lượng đánh bắt hạn chế, lại nếu phụ thuộc vào thương lái nước ngoài thì bà con ngư dân và cả doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí lao đao. Chính vì vậy nhiều ngư dân đã đi xuất khẩu lao động, tìm kiếm mưu sinh ở chỗ khác nếu nghề biển không thực sự mang lại cho họ cuộc sống ấm no, ổn định dài lâu. Tôi có dịp được đi nhiều nơi, nếu làm cho bản thân mình thôi, tôi có nhiều cơ hội ở các địa phương trong nước, khỏi phải lo nghĩ nhiều. Nhưng cứ nghĩ đến bà con ngư dân, nghĩ đến biển quê hương mình là tôi trăn trở, mặc dù sức mình có hạn. Phải giữ lấy biển bằng được, tôi tâm nguyện như vậy. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn bạc, tôi quyết định đầu tư 30 tỷ cho cơ ngơi này để chế biến sâu. Chuyện cũng chỉ mới bắt đầu hơn một năm nay".

Chúng tôi dạo quanh công ty, nhìn những dây chuyền sản xuất khá hiện đại cấp đông sản phẩm. Anh Nam cho biết thêm công ty anh chế biến tôm, mực ngoài ra khi thời vụ đến, còn chế biến ớt, một hướng lấy ngắn nuôi dài cho doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện công ty anh có khoảng 100 nhân công và bạn hàng thường xuyên của anh là một số doanh nghiệp uy tín ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Dự tính đến năm 2020 công ty anh sẽ thực hiện đúng nghĩa các khâu: thu mua- chế biến- xử lý an toàn thực phẩm- giao hàng, như vậy cũng đã coi như tương đối trọn gói. Chúng tôi hỏi thêm: "Vạn sự khởi đầu nan, nhưng có vẻ Công ty Phước Thịnh hanh thông khi khởi nghiệp, có còn nhiều khó khăn, trở ngại không anh ?". - "Vẫn còn nhiều việc quan trọng, các anh à. Tất cả dù có những kết quả nhất định nhưng cũng chỉ mới bắt đầu. Điều tôi hiện trăn trở nhất, đó là làm sao bà con ngư dân gắn bó với doanh nghiệp của mình. Muốn vậy phải chủ động từ khâu đầu tiên là đánh bắt hải sản cho đến khâu cuối cùng đưa thành phẩm đi tiêu thụ, tạo nên một vòng tròn khép kín. Chính vì vậy tôi đang nung nấu ý định mua lại 10 con tàu vỏ thép 67 đang được hóa giá để thành lập Hợp tác xã thủy sản, bà con ngư dân là xã viên. Lúc ấy mình mới có thể chủ động hoàn toàn từ công đoạn đầu tiên cho đến cuối cùng như tôi đã nói;  tàu đánh cá cứ làm việc của mình, sẽ có tàu trung chuyển chở sản phẩm vào bờ chế biến sâu, riêng việc giảm bớt hao phí sản phẩm theo lối từ trước đến giờ, theo tính toán chính xác cũng đã là 17-18%, một con số không hề nhỏ. Mô hình như vậy theo tôi là tối ưu nhưng chưa ai làm, đúng hơn là họ ngại những vướng mắc và không đủ nguồn lực tài chính, hơn nữa ở đất này chưa có ai làm.

Chế biến ớt xuất khẩu, một trong những mặt hàng của Công ty TNHH Phước Thịnh ở TP.Sầm Sơn, giải quyết nông sản cho nông dân và tạo công ăn việc làm cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Trường
Chế biến ớt xuất khẩu, một trong những mặt hàng của Công ty TNHH Phước Thịnh ở TP.Sầm Sơn, giải quyết nông sản cho nông dân và tạo công ăn việc làm cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Trường

Cái khó nhất của tôi hiện giờ là kinh phí. Nhà nước nên xem xét,  ghi nhận và ủng hộ chúng tôi một cách thiết thực, cụ thể làm một "bà đỡ" mát tay. Như việc ngân hàng bảo chứng cho việc hóa giá tàu 67 và cho vay vốn ưu đãi dài hạn để phương án nói trên khả thi. Nếu không dần dà sợ bà con ngư dân sẽ xa rời biển. Mà tôi thì muốn bám biển đến cùng, nhưng sợ lực bất tòng tâm. Mặt khác cũng cần tổ chức, kiện toàn Hội nghề cá để thực sự là cầu nối hiệu quả cho ngư dân và doanh nghiệp. Tôi cũng nói thêm, tôi nói đây với tư cách là chủ doanh nghiệp, cũng là đại diện cho quyền lợi ngư dân. Vì tôi còn là đại biểu HĐND thành phố Sầm Sơn".

Đó thực sự là cách nghĩ, cách làm mới mẻ, táo bạo với những đề xuất từ chính con người gắn bó với biển khơi. Chúng tôi cầu mong anh và bà con ngư dân thuận buồm xuôi gió.

  Vài lời kết

Xứ Thanh có đủ những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng hiện diện nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy những thành tựu nổi bật về nhiều mặt vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh kinh tế-xã hội của địa phương.

Sau nhiều ngày lên rừng, xuống biển, hôm sau cùng, đứng trên một nhà cao tầng nhìn toàn cảnh thành phố Thanh Hóa, chúng tôi càng thấy sức bật của xứ Thanh là một điều có thể nhìn thấy được. Lại nghĩ với tính cách tre của người bản địa, với nguồn lực nhân văn như thế, chắc rằng mảnh đất này sẽ xứng đáng tên gọi nghìn năm sắp đến bây giờ và nhiều năm sau nữa. Đó cũng là ước nguyện của tiền nhân, của bao lớp người xứ Thanh trùng điệp, là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu. Đó cũng là mệnh lệnh thiêng liêng của mỗi con người đã và đang gắn bó, yêu quý mảnh đất này.

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM
TIN LIÊN QUAN

Xứ Thanh ký sự: Ngày mới ở Na Mèo

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Chiều biên giới Na Mèo (Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hoá) trông sang nước bạn Lào với tấm biển chỉ dẫn “Sầm Nứa 85km” và thì thầm câu thơ của Quang Dũng “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Thi vị và mời gọi thế nhưng người dân ở bản 83 của xã Nà Mèo đã kéo chúng tôi theo những cuộc trò chuyện kỳ thú của họ…

Xứ Thanh ký sự: Sông Mã - hai chiều thời gian

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM |

Sông Mã đoạn đi qua phía tây huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) vẫn còn “hung dữ” và “gầm lên khúc độc hành” bởi núi cao, dòng chảy siết vì hẹp. Những cánh rừng hai bên bờ sông hầu như chỉ toàn cây luồng. Luồng từ mép nước lên đỉnh núi, thẳng tắp, cao vút như những mũi tên bắn lên phía trời. Và dường như trong gió lao xao ấy, dòng sông vẫn thao thiết với những câu chuyện kể không hồi kết…

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Xứ Thanh ký sự: Ngày mới ở Na Mèo

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Chiều biên giới Na Mèo (Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hoá) trông sang nước bạn Lào với tấm biển chỉ dẫn “Sầm Nứa 85km” và thì thầm câu thơ của Quang Dũng “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Thi vị và mời gọi thế nhưng người dân ở bản 83 của xã Nà Mèo đã kéo chúng tôi theo những cuộc trò chuyện kỳ thú của họ…

Xứ Thanh ký sự: Sông Mã - hai chiều thời gian

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM |

Sông Mã đoạn đi qua phía tây huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) vẫn còn “hung dữ” và “gầm lên khúc độc hành” bởi núi cao, dòng chảy siết vì hẹp. Những cánh rừng hai bên bờ sông hầu như chỉ toàn cây luồng. Luồng từ mép nước lên đỉnh núi, thẳng tắp, cao vút như những mũi tên bắn lên phía trời. Và dường như trong gió lao xao ấy, dòng sông vẫn thao thiết với những câu chuyện kể không hồi kết…

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.