Kỳ 3:

Xứ Thanh ký sự: Sông Mã - hai chiều thời gian

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM |

Sông Mã đoạn đi qua phía tây huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) vẫn còn “hung dữ” và “gầm lên khúc độc hành” bởi núi cao, dòng chảy siết vì hẹp. Những cánh rừng hai bên bờ sông hầu như chỉ toàn cây luồng. Luồng từ mép nước lên đỉnh núi, thẳng tắp, cao vút như những mũi tên bắn lên phía trời. Và dường như trong gió lao xao ấy, dòng sông vẫn thao thiết với những câu chuyện kể không hồi kết…

Đám cưới bên sông Mã

Bản Lót (xã Hiền Chung, huyện Quan Hoá, Thanh Hóa) nằm nghiêng mình bên vách núi nhìn xuống dòng sông Mã. Những ngôi nhà sát mép QL 15 có lưng dựa vào đồi núi hay bám vực sông sâu. Trông xa như những tổ yến bám vào vách đá giữa hiu hắt gió mây.

Buổi trưa, nắng vàng, gió hây hây lạnh. Cơn gió đầu mùa đã khiến má của những cô gái Thái hồng hơn. Nhưng hôm nay những cô gái bản Lót không chỉ má hồng bởi nắng gió đầu đông mà hồng phơi phới vì có thêm son phấn. Những thứ mỹ phẩm trang điểm cho nhan sắc sơn nữ để chuẩn bị cho một tiệc cưới đang sắp bắt đầu.

Nhạc đã vang lên ngay đầu bản. Hôm nay nhà ông Hà Manh Chung có cưới. Đôi tân lang tân nương được xướng tên hôm nay là Hà Tuấn Anh và Lò Thị Thuỷ. Cả bản rộng ràng tiếng nói cười, tiếng nhạc, tiếng gọi nhau chia việc ra làm.

Ngân Thị Sen (sinh năm 1982, dân tộc Thái) nói với chúng tôi rằng, hai con bò và hai con heo thật to đã được những chàng trai khoẻ trong bản hạ thịt. “Hôm nay đám cưới cháu gọi mình bằng dì. Thường thì có việc lớn, cả dòng họ tập trung tới lo việc. Mỗi  người một tay để chắp nối tình yêu cho đôi bạn trẻ. Người nấu nước, người mài dao, kẻ chặt lá… Công việc khiến tình làng xóm được gắn kết hơn”, Sen cho biết.

Chị Ngân Thị Sen (dân tộc Thái) ở bản Lót thuyết mình về phong tục cưới và ẩm thực của dân tộc mình. Ảnh: Nguyễn Trường
Chị Ngân Thị Sen (dân tộc Thái) ở bản Lót thuyết mình về phong tục cưới và ẩm thực của dân tộc mình. Ảnh: Nguyễn Trường

Nói rồi Sen kéo những vị khách lạ tận xứ gió Lào cát trắng Quảng Trị và giới thiệu từng món ăn trong bữa tiệc: “Đám cưới của người Thái ở Hiền Chung tầm vừa vừa cũng ngót 150 mâm. Ở đây mâm chỉ ngồi 6 người. Mỗi tiệc cưới dọn 2 ngày. Mỗi lần có việc là cả bản tắt lửa tập trung tại một nơi để phụ giúp và ăn uống nhảy múa”. Theo Sen kể, những năm nay kinh tế có khởi sắc, đám cưới có phần long trọng và to hơn. Như đám cưới hôm nay làm 160 mâm, là một trong những đám cưới to nhất vùng.

Con đường đi qua bản Lát nổi lên những bếp lửa toả khói nồng nàn. Mùa xuân còn khá xa nhưng ở đây hoa trạng nguyên đã nở. Có vài tốp người làm việc say sưa và vui như hội. Từng món một dọn lên mâm, bịt kín nilon để đảm bảo vệ sinh. Sen giới thiệu những món ngon của bữa tiệc cưới đang chuẩn bị bắt đầu. Mỗi tiệc cưới của người Thái thường có 8 món trên mâm. Trong đó món xôi nếp cẩm được gói trong lá dông được gọi là khấu nừng; canh pía được nấu từ nội tạng lợn, rau mùi và lá sịa là những món không thể thiếu. Khách dùng các món ngon cùng với rượu do cư dân bản Lót tự nấu. Sau khi dùng xong, món tráng miệng là củ đậu giòn ngon. “Tất cả các món kể trên đều do bàn tay của người Thái tự trồng, tự làm lấy”, Sen tự hào.

Thấy chúng tôi trầm trồ về nhà 2 tầng, về những món đồ gỗ nội thất sang trọng trong nhà, anh Di Văn Luật (sinh năm 1980), chồng của Sen cho biết: “Sau nhiều năm trồng và khai thác cây luồng, cùng với chăn nuôi gia súc, trồng trọt gia đình em vừa xây được căn nhà này vào đầu năm nay với trị giá gần 1 tỷ đồng”.

Tiệc cưới của đồng bào dân tộc Thái ở bản Lót, xã Hiền Chung, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa Ảnh: Nguyễn Trường
Tiệc cưới của đồng bào dân tộc Thái ở bản Lót, xã Hiền Chung, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa Ảnh: Nguyễn Trường

Chia tay cuộc vui đang giữa chừng của đám cưới ở bản Lót, những cái bắt tay thắm thiết hẹn ngày tái ngộ giữa trùng trùng núi non và sông sâu gầm gào. Chúng tôi vui mãi với câu nói của anh Luật: “Dân ở đây hiền như đất. Họ sống chan hoà cùng sông núi. Đêm ngủ không bao giờ đóng cửa. Đánh nhau và trộm cướp chỉ có ở trên... tivi”.

 Bước qua lời nguyền

Chuyện xảy ra hơn 5 năm nhưng người dân huyện Mường Lát còn nhớ mãi người dám “bước qua lời nguyền” để xoá bỏ một hủ tục lạc hậu của người H’Mông. Đó là người đàn ông “cả gan” Lâu Minh Pó, người làm cuộc “cách mạng” trong đám tang vốn đè nặng nhiều đời nay, như hòn đá lớn trên vai nhưng không ai dám nhúc nhích.

Trò chuyện với ông Lâu Minh Pó mới hay ông nguyên là giáo viên tiểu học, am hiểu về lịch sử, văn hoá của dân tộc mình. Ông kể: “Khi đang còn là giáo viên tiểu học, tôi đã nhận thấy tục người dân tộc H’Mông của mình khi có người thân mất thường bỏ vào cáng và để giữa nhà từ 5 đến 7 ngày làm lễ cúng và để khách viếng. Có khi thi thể đã có dấu hiệu phân huỷ, thối rữa tràn mùi tử khí thì chưa đủ ngày vẫn chưa đem đi chôn. Vấn nạn ô nhiễm, lây lan bệnh tật và những hệ luỵ khác từ hủ tục này mà nên”. Ông Pó cho rằng, người H’Mông vốn xuất phát từ Trung Quốc, khi bị các dân tộc lớn thời phong kiến đàn áp đã không ngừng di chuyển chỗ ở. Trải qua nhiều thế hệ họ chạy giặc, khi người thân chết nếu bỏ vào quan tài thì quá cồng kềnh không thể khiêng được mà chạy nên bỏ trên cáng cho tiện. Lâu dần thói quen thành tập tục. Nhưng đó là thói quen lạc hậu, không phù hợp, không văn minh. Ông Pó cho biết: “Những năm nghiên cứu văn hoá người H’Mông, tôi đã nhận thấy cần bãi bỏ hủ tục lạc hậu này. Nhưng lúc đó mình không thể làm được vì mình chỉ là một giáo viên tiểu học, nói ai nghe”. Ông nung nấu tâm nguyện phải đợi đến thời cơ chín muồi mới thực hiện, đó là khi ông làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát.

Ông nhớ lại : “Năm 2013, ông Lâu Chứ Dơ là em thứ 3 của ông nội mình mất, thọ 62 tuổi. Bố mình gọi điện báo hung tin và bàn chuyện làm đám ma cho ông. Nhận thấy đây là thời khắc thay đổi. Lấy người thân của mình để làm gương. Nếu không làm, chẳng biết bao giờ làm được.

- Tôi bảo: Con muốn đưa ông vào quan tài chứ không để trên cáng như luật tục.

- Bố tôi: Đừng làm thế con ơi. Mày làm thế thần linh sẽ giáng xuống tai ương cho con cái mày, xuống cái nhà này, dòng họ này.

- Tôi nói: Con quyết định rồi. Con sẽ chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình, nếu có”

Sau cuộc điện thoại ấy, hệ thống chính quyền cấp xã và một số cán bộ huyện ủng hộ ông Pó đã về lo đám ma này. Đó là đám ma đầu tiên trong lịch sử dân tộc H’Mông tại Thanh Hoá mà người chết được bỏ vào quan tài và chôn cất chỉ sau 3 ngày. Bà con dân bản gần xa gần như nín thở chờ đợi xem thần linh sẽ trừng phạt một người dám bẻ nạng chống trời. Chờ mãi không thấy tai ương xảy ra. Cả gia tộc ông Pó đều vô sự, cây trồng, vật nuôi không hề hấn gì, mọi người vẫn khỏe mạnh, ăn nên làm ra, con cái học hành tấn tới. Vậy là bà con lần lượt noi gương. Tháng 6/2013, Đại hội các Dân tộc thiểu số huyện đã thông qua đề án Hỗ trợ kinh phí mua quan tài khiến hủ tục truyền đời để người chết trên cáng dần tàn lụi. Theo ông Pó, hiện nay chính quyền hỗ trợ 8 triệu đồng tiền mai táng phí khi có người chết. Trong đó 5 triệu tiền quan tài, 3 triệu chi phí khác. Ông Pó vui mừng kể “Người dân giờ phấn khởi lắm. Họ đã bỏ được cái thói quen “chết người” ấy để lựa chọn cái mới văn minh. Giờ người chết không để quá 3 ngày. Ai chết vì bệnh thì không để quá 24 tiếng. Cái gì xấu, không phù hợp thì mình nên bỏ; cái gì tốt thì giữ gìn, tiếp thu và phát huy”.

Ông Lâu Minh Pó, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Mường Lát kể chuyện cuộc thay đổi kỳ diệu phong tục đám tang. Ảnh: Nguyễn Trường
Ông Lâu Minh Pó, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Mường Lát kể chuyện cuộc thay đổi kỳ diệu phong tục đám tang. Ảnh: Nguyễn Trường

Trước khi chia tay, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâu Minh Pó cho biết một thông tin quan trọng rất hay và cũng đầy ý nghĩa nhân văn: "Các anh biết không, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa có một nghị quyết rất tiến bộ và kịp thời về đám tang của người H'Mông. Và theo tôi được biết trong 63 tỉnh thành, chỉ có Thanh Hóa của chúng tôi làm được việc này trong công tác dân tộc và dân vận".

Mường Lát hoa về trong đêm hơi...

Dấu chân người Tây Tiến 60 năm trước đã từng qua đây. Nơi heo hút, khắc nghiệt đến nỗi “đoàn binh không mọc tóc” nay đã là phố thị khá sầm uất.

Chúng tôi qua đêm ở một khách sạn ở trung tâm Mường Lát, đi bộ để cố tận hưởng cảm giác phố núi khi về đêm. Những con phố gập ghềnh, cong cong và nghiêng nghiêng phá vỡ những nguyên tắc quen thuộc của mắt nhìn. Với độ cao hơn 700m so với mực nước biển, khí hậu Mường Lát mát lạnh và tinh khiết đến bất ngờ. Ở đây về đêm hơi sương lãng đãng đủ ướt tóc, ướt mi mắt như giống Đà Lạt của Lâm Đồng hay Khe Sanh của Quảng Trị. Không gian gợi nhớ đêm xưa đoàn binh ấy hơn nửa thể kỷ trước ngang qua đây một cách hào hoa, lãng tử.

Mường Lát giờ là nơi của “hợp chủng quốc” gồm nhiều thành phần dân tứ xứ đổ về làm ăn. Đó là miền đất hứa trong mắt của những người buôn xa. Như lời của Phó Bí thư Thường trực huyện Mường Lát nói: “Huyện thành lập năm 1996, cũng đã hơn 20 năm. So với các huyện khác thì không bằng nhưng so với những năm trước thì đó là sự vượt bậc”. Chúng tôi hiểu được sự so sánh ấy khi trông về những ngày tháng khó khăn trên vùng đất vốn không có gì lợi thế. Nhìn quanh chỉ có núi đá dựng đứng và sông sâu vực thẳm.

Những con phố có hàng quán và nhà cửa san sát. Họ tận dụng từng tấc đất bởi như lời ông Phó Bí thư huyện “Do địa hình khúc khuỷu, đồi dốc nên đất làm nhà khan hiếm. Quỹ đất chẳng được nhiều như những nơi khác”. Nhưng đó có khi là lợi thế của Mường Lát, bởi cái gập ghềnh, đồi cao đồi thấp ấy làm nên nét riêng, độc đáo cho đô thị du lịch trong nay mai như Sa Pa, Tam Đảo…

Đi qua chợ Tén Tằn gần biên giới. Một tiệm may nhỏ nhưng có sức hút bởi nơi đây bán những món hàng đặc sắc bản địa. Cô chủ Hà Thị Út, người dân tộc Thái vốn từ nơi khác đến. Không muốn những thứ hồn cốt văn hoá của người miền núi mất dần nên chị Út đã học cách may trang phục dân tộc Thái và kinh doanh hàng lưu niệm. Đó là những chiếc áo ngắn (xửa cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ), các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích vốn là trang phục truyền thống của người Thái.

Chị Út cho hay: “Hiện nay trang phục người Thái chỉ mặc trong những ngày lễ, tết chứ còn ngày thường ít người mặc. Ngày xưa người dân tự dệt tự may lấy nhưng nay không ai cất công làm vậy. Họ có thể ra chợ và chọn một bộ ưng ý chỉ trong vài phút”.

Chị Hà Thị Út (dân tộc Thái) ở chợ biên giới cửa khẩu Tén Tằn đang giới thiệu về chiếc khăn Piêu của dân tộc mình Ảnh: Nguyễn Trường
Chị Hà Thị Út (dân tộc Thái) ở chợ biên giới cửa khẩu Tén Tằn đang giới thiệu về chiếc khăn Piêu của dân tộc mình Ảnh: Nguyễn Trường

Chị kể để có những chiếc váy (xỉn), khăn piêu bán ra thị trường chị phải cất công đi đặt ở các bản vùng sâu, vùng xa dệt mới có. “Khách du lịch hiện nay qua Tén Tằn còn ít, thu nhập còn bấp bênh nhưng tôi cũng sẽ theo đuổi để duy trì những bộ trang phục truyền thống của người Thái”, chị Út tâm sự. Bài hát "Chiếc khăn Piêu" vẫn nghe tưởng xa xôi, diệu vợi bỗng phút chốc trở nên gần gụi trong gang tấc, như vang lên trong tâm tưởng chúng tôi giữa trập trùng sơn cước.

Chúng tôi ghé qua Cửa khẩu Quốc gia Tén Tằn, bên cạnh cột mốc 281 là thượng nguồn con sông Mã. Sông bắt nguồn từ tỉnh Điện Biên, chảy một đoạn trên đất Lào rồi trở lại đất Việt. Dòng sông như đứa con “lưu lạc” trên đất Lào giờ quay về cố quận ở ngả cửa khẩu này. Và rồi ghềnh thác ở đây gầm rú, reo vui như mở tiệc ăn mừng. Nơi con sông chảy về đất Viết ấy, chúng tôi gặp đại uý Trần Xuân Hải, cán bộ Cửa khẩu Quốc gia Tén Tằn, anh cho hay: “Bản Tén Tằn của xã Tén Tằn, huyện Mường Lát và bản Xôm Vẳn của huyện Sấp Bâu, tỉnh Hủa Phằn, Lào đã kết nghĩa bản- bản, bao đời thắm tình hữu nghị, gắn kết bền chặt”.

Thật bất ngờ và thú vị, khi chia tay, anh lính biên phòng cỏ vẻ ngoài mộc mạc, gương mặt đầy nắng gió lại đọc hai câu thơ Quang Dũng: "Sông Mã xa rồi Tây Tiền ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…"

Hết thảy chúng tôi phút chốc sững sờ khi nghe những câu thơ hay nghe đã bao lần, nay chợt bùng lên như ngọn lửa rừng lay động tâm can trong hoàng hôn biên viễn.

Ngày mai lại sang một vùng biên khác nữa để hình dung rõ hơn một Thanh Hóa phía thăm thẳm núi rừng.

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM
TIN LIÊN QUAN

Xứ Thanh ký sự: Đi qua sông Mã

NGUYỄN KHIÊM - XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG |

Trên hành trình ngược nguồn sông Mã, chúng tôi đi qua bao cung đường, bao chiếc cầu. Đôi lúc tự hỏi đã đi qua bao nhiêu nấm mồ khi ngó xuống dưới chân mình...

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.

Có một Đông Sơn - Hàm Rồng như thế ở xứ Thanh

Bùi Liên Nam |

Một chiều cuối thu, tôi xách máy ảnh lang thang vào làng cổ Đông Sơn. Làng cách trung tâm thành phố không xa lắm, nhưng may mắn thay, như nhiều làng quê nông thôn khác, Đông Sơn vẫn còn êm đềm lắm. Cạnh đó là Hàm Rồng với chiến công oanh liệt ngày nào...

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Xứ Thanh ký sự: Đi qua sông Mã

NGUYỄN KHIÊM - XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG |

Trên hành trình ngược nguồn sông Mã, chúng tôi đi qua bao cung đường, bao chiếc cầu. Đôi lúc tự hỏi đã đi qua bao nhiêu nấm mồ khi ngó xuống dưới chân mình...

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.

Có một Đông Sơn - Hàm Rồng như thế ở xứ Thanh

Bùi Liên Nam |

Một chiều cuối thu, tôi xách máy ảnh lang thang vào làng cổ Đông Sơn. Làng cách trung tâm thành phố không xa lắm, nhưng may mắn thay, như nhiều làng quê nông thôn khác, Đông Sơn vẫn còn êm đềm lắm. Cạnh đó là Hàm Rồng với chiến công oanh liệt ngày nào...