Kỳ 4:

Xứ Thanh ký sự: Ngày mới ở Na Mèo

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Chiều biên giới Na Mèo (Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hoá) trông sang nước bạn Lào với tấm biển chỉ dẫn “Sầm Nứa 85km” và thì thầm câu thơ của Quang Dũng “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Thi vị và mời gọi thế nhưng người dân ở bản 83 của xã Nà Mèo đã kéo chúng tôi theo những cuộc trò chuyện kỳ thú của họ…

"Bản 8.3"

Bản Xa Ly là tên gọi trước đây, nay là bản 83, tên gọi theo cây số 83 thuộc xã Na Mèo. Bản có 70 hộ, chủ yếu người Thái. Tìm gặp ông Vi Thanh Nghị- Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản nhưng ông bận đi họp. Vợ ông, bà Phạm Thị Khuya thấy khách đến liền pha trà và ngồi trò chuyện cùng khách. Đập vào mắt chúng tôi là vấn đề bình đẳng giới hay nói cho sang là vấn đề nữ quyền dường như đã đạt đến mức “chuẩn” ở ngay lúc này, nơi bản biên giới với người dân tộc thiểu số chiếm đa số và nhiều hệ tục lạc hậu đang còn hiển hiện.

Hiện vợ chồng bà Khuya ở với đứa con trai đầu đang làm đại lý thu mua cây vầu (họ tre) từ các hộ khai thác quanh xã để bán cho thương lái dưới miền xuôi. “Dân ở đây chủ yếu làm ruộng, làm nghề tre đan. Những năm trở lại đây có một phần chuyển sang giao thương, buôn bán ở Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Cuộc sống bây giờ dù chưa giàu có nhưng nhàn hơn xưa nhiều”, bà Khuya cho biết.

Trong câu chuyện của bà Khuya có sự so sánh về quan niệm mẹ chồng, con dâu giữa thời xưa và hiện nay. Ngày xưa bà lấy chồng, về nhà chồng làm việc quần quật cho đến lúc tắt mặt trời, ngữa bàn tay chai sạn ra không thấy gì mới vác cuốc ra về. Bà Khuya kể: Mùa đông rét căm căm phải dậy từ rất sớm để giã gạo. Giã đến lúc mặt trời lên thì ăn vội để lên rẫy. Người phụ nữ thời xưa họ làm việc như một con xoay. Chỉ khi nào không đủ sức mới nằm vật vạ ra và ốm một trận thừa sống thiếu chết”.

Trò chuyện với ông Trưởng bản 83 Vi Thanh Nghị, dân tộc Thái (người phía trong, ở giữa) bên cạnh Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hóa), Ảnh: Nguyễn Trường
Trò chuyện với ông Trưởng bản 83 Vi Thanh Nghị, dân tộc Thái (người phía trong, ở giữa) bên cạnh Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hóa), Ảnh: Nguyễn Trường

Con dâu phục vụ nhà chồng, phục vụ mẹ chồng là lẽ đương nhiên. Đó là bổn phận, trách nhiệm của con cái vừa cũng là luật tục ngàn đời nay. Nhưng nay thì đã khác. “Như sau cuộc nói chuyện này, tôi phải vào bếp cắm cơm, nấu nướng để “phục vụ” đứa con dâu của mình. Nó làm việc của nó nhưng tôi rảnh thì tôi… làm dâu cho nó. Đó là chuyện thường của thời này”, bà Khuya nói rồi cười sảng khoái.

Hỏi, rằng ở bản mình người phụ nữ nay đã khác. Vậy có bao giờ những phụ nữ bất hạnh, lấy trúng chồng vũ phu bị đánh không? Bà Khuya cười lớn, bảo: “Đánh sao được. Vung tay cái là chạy lên uỷ ban nhân dân báo ngay”. Chúng tôi cùng vui lây với sự hài hước của bà Khuya. Và sau tràng cười, một người trong đoàn đã nói đùa như rất đúng: “Bản 83 từ này nên gọi là bản mồng 8 tháng 3 đi nhé. Nơi phụ nữ “vùng” lên mọi lúc mọi nơi”.

Trong lúc đang theo đuổi những câu chuyện về bình đẳng giới, về đổi thay từ thân phận phụ nữ ở biên giới còn khó khăn này. Ông Vi Văn Khôi đến và góp vui bằng những câu chuyện mới bên ấm trà ngày lập đông. Ông Khôi cho hay: “Na Mèo chủ yếu là cư dân từ Lâm trường Na Mèo trước đây, sau này các vùng khác tới sinh sống mà lập nên. Bản 83 là một trong những bản có đời sống kinh tế ổn định nhất, dân trí cao. Là nơi có nhiều bác sỹ, giáo viên và cán bộ của xã”. Và ông Khôi không quên nói về 2 đứa con trai hiện đang là giáo viên dạy ở trường Quan Sơn. Ông nói không giấu nổi vẻ tự hào: “Cả bản chỉ còn lại 2 hộ nghèo. Nhưng sang năm sẽ xoá nghèo ngay được thôi”.

Chợ phiên thứ bảy

Cốt cách của những người kinh doanh nơi biên giới, hàng ngày gặp đủ mọi lượng khách đã giúp những chủ quán nơi này có cách phục vụ rất chu đáo, xứng đáng là nơi để ghé lại lần nữa. Quán cơm bình dân có tên H.A ở gần cửa khẩu Na Mèo là một ví dụ. Khi nghe trong đoàn có người nói giọng sệt Quảng Trị, chủ quán có tên Hoài đon đả ra chào mời, giới thiệu món ăn trên rừng dưới biển đủ thứ trên đời. Và khi phục vụ không quên đem thêm một chén ớt tươi kèm ớt dầm nước mắm. “Nghe giọng Quảng Trị là phải có ớt ngay. Mà phải thứ ớt cay nhất mới chịu chứ!”, anh Hoài vừa nói vừa cười thật sảng khoái.

Những sản vật dân dã của nương rẫy, núi rừng được bày bán ở chợ phiên Na Mèo, Ảnh: Nguyễn Trường
Những sản vật dân dã của nương rẫy, núi rừng được bày bán ở chợ phiên Na Mèo, Ảnh: Nguyễn Trường

Anh cho biết quê ở huyện Yên Định, lên đây lập nghiệp vì cũng dễ làm ăn hơn ở quê. Cách đây vài năm khi chính sách từ Lào chưa thắt chặt, chưa đóng cửa rừng hay chưa có những quy định mới quản lý người lao động Việt thì Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo là nơi “hái ra tiền” bằng nhiều nghề khác nhau. Khách vãng lai rất nhiều. Cả Tây ba lô, khách du lịch cũng ghé qua đây nên quán sá đông đúc, dễ buôn bán. Giờ cùng với tình trạng chung của những cửa khấu giáp Lào, đều mang chút ảm đạm nhưng không vì thế mà quá bi đát. “Khách xa cũng đến đây qua đêm để đợi phiên chợ sáng thứ 7. Phiên chợ chung hai nước Việt – Lào rất nhiều thứ khám phá, trải nghiệm”, anh Hoài tâm sự.

Và rồi chúng tôi cả đêm thấp thỏm mất ngủ để tham gia phiên chợ sớm duy nhất trong tuần, chỉ họp vào ngày thứ bảy. Tiếng gà gáy đánh thức cả đội trước khi đồng hồ báo hiệu. Có lẽ tiếng gà ấy cư dân hai nước đều nghe thấy. Tự ngàn xưa và cho đến hôm nay vẫn thế, tiếng gà chung, ngọn rau muống bò ngang hai nước. Vì chúng tôi đang ở rất gần biên giới, chỉ cần một “gang tay” nữa thôi có lẽ đã hưởng được… gió Lào.

Chợ phiên thứ 7 họp sớm trên đất Lào, ngay cạnh barie ở Quốc môn Lào được gọi với cái tên Nậm Xôi. Đó là một khu đất rộng chừng 1 hecta. Chưa đến 5 giờ mà chợ đông nghịt người. Hàng chục xe bán tải chở thực phẩm bắt đầu thả hàng xuống chợ. Cơ động nhất là những người mang a chói chất đầy nông, lâm sản. Những thứ hái, đánh bắt từ vườn, từ rừng mang đậm chất hoang sơ như dúi, chuột rừng, sóc; rau củ quả…

Chị Xén Pẹt ở bản Pun Cẩu, huyện Viêng Xay, tỉnh Hua Phẳn có nhà cách cửa khẩu Na Mèo gần 10 cây số cho biết: “Hàng hoá chuẩn bị từ đêm trước. Sáng nay 4 giờ sáng đã xuất phát. Hôm nay thứ 7, mấy đứa con nghỉ học nên tôi cho nó theo sang chợ Na Mèo để biết đất Việt”.

Ở gian hàng tươi sống như thịt heo, thịt bò được bày bán ngay trên xe bán tải Libro. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi giá cả ở đây rất “rối”. “Rối” khi mỗi kg thịt bò chỉ có 150 ngàn đồng và thịt heo có giá 60 ngàn đồng. Trong khi đó giá ở thành phố thịt bò 250 ngàn/kg; thịt heo là 150 ngàn/kg. Ông Khăm Xen người bản Pun Mơ (cách Na Mèo 12km) giải thích về sự chênh lệch này: “Thịt heo và bò rẻ là do ở Lào chăn nuôi rất mạnh. Họ chăn nuôi chỉ thả rong trên các sườn đồi nên không tốn thức ăn. Người ta bán giá đó là cảm thấy thoả mãn và có lời rồi”.

Cùng với nông lâm sản, những món hàng cao cấp khác như mỹ phẩm có xuất xứ từ Thái Lan cũng được các thương nhân Lào bày bán. Trong ánh đèn mờ mờ, người mua người bán không mặc cả mà mua rất nhanh. Họ luôn có cảm giác nếu chậm hơn lát nữa thì mọi thứ sẽ biến mất vì chợ chỉ họp được một lát rồi dời sang đất Việt.

Hôm nay thứ 7 được nghỉ học, bé Du Mỳ (10 tuổi) theo mẹ Keo Nhăng đi chợ biên giới, cho biết: “Hôm nay lần đầu tiên em đi chợ biên giới nên rất vui. Lát nữa em sẽ được sang Việt Nam. Em bán rêu suối và chuột rừng. Nếu hôm nay bán hết hàng em sẽ được mẹ mua áo ấm”. Nhìn những gương mặt trẻ thơ của nước bạn Lào được đi chợ phiên mà vui như đi hội, như đi chợ tết, rạng ngời hạnh phúc khiến chúng tôi không khỏi nao lòng.

Khách Việt sang biên giới chủ yếu người từ xã Na Mèo nên thông quan khá thuận lợi. Họ qua chợ Lào mua thì giá cả tốt hơn. Chủ yếu là mua sỉ về phân phối lại cho các vùng xa hơn của các xã trong huyện Quan Sơn và lân cận.

Trẻ em đến chợ phiên Na Mèo  (Thanh Hóa) vui như đi hội. Ảnh: Nguyễn Trường
Trẻ em đến chợ phiên Na Mèo (Thanh Hóa) vui như đi hội. Ảnh: Nguyễn Trường

Đúng 6 giờ, sau khi họp vừa đúng một tiếng trên đất Lào thì barie tung mở. Hàng trăm người gồng gánh nối đuôi nhau chạy sang chợ Việt, cách đó khoảng 500m. Nếu có một cái tên nào khác thay cho phiên chợ biên giới Việt – Lào thì người ta phải nghĩ đến “chợ chạy”. Vì ai cũng muốn sang phía Việt Nam thật nhanh để được bày hàng ra sớm. Khi qua đến chợ Việt ở trung tâm xã Na Mèo thì trời bắt đầu sáng. Dù đang được xây dựng nhưng chợ Na Mèo vẫn dành không gian cho buổi họp chợ chung như thế này. Người mua khắp nơi tràn về khi chợ Lào kéo hàng sang. Chỉ một thoáng khu chợ trời ở Na Mèo đã kín chỗ. Những sạp hàng cố định quanh chợ có chủ là người Việt bản địa, nhưng quân số của khu chợ trời đủ làm nên tên gọi chợ Lào dù ở trên đất Việt. Phải có đến 2/3 chợ lúc này là người dân của huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phằn. Hình ảnh này làm chúng tôi nhớ đến ngôi chợ sát biên giới Việt – Lào có tên là Ka rôn ở cửa khẩu Densavan giáp với Lao Bảo của Quảng Trị. Đó là ngôi chợ có đến 2/3 là người Việt và dĩ nhiên ở đó nói tiếng Việt thông dụng hơn tiếng Lào.

Đối với lớp trẻ chợ phiên biên giới Na Mèo là nơi giao lưu, tham quan, trải nghiệm hơn là nơi mua bán. Lộc Văn Công, một thanh niên người dân tộc Thái ở tận xã Sơn Điện, cách cửa khẩu chừng 70 cây số cũng đến thật sớm để tham quan. Công cho biết: “Hôm nay em có bạn ở dưới thành phố Thanh Hoá lên chơi muốn đến chợ Phiên để được trải nghiệm hơn là mua sắm. Ở đây có những cô gái Lào xinh đẹp, vừa bán hàng vừa soi gương trang điểm thật thú vị”. Trong khi đó cô gái Hà Thị Dương quê ở tận Điền Lư (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), cách cửa khẩu này hơn trăm cây số đã đến đây với bạn trai để tham quan chợ Phiên: “Chợ Phiên Na Mèo thú vị vì có nhiều người Lào bán. Họ nói sành tiếng Việt. Hàng hoá ở đây khá rẻ. Điều đặc biệt ở chợ Phiên có nhiều hàng tươi sống như sóc, dúi, chồn và các món lạ không nơi nào có như rêu suối”, Dương tâm sự.

Có thể nói chợ Phiên Nậm Xôi (Lào) và Na Mèo (Việt) có nhiều điều đặc biệt, đó là chợ “quốc tế” vì ở đây dùng đa ngôn ngữ; có thể dùng cả tiền đồng và tiền Kíp (Lào), thậm chí cả Bath (Thái Lan); và chợ hầu như không mặc cả. Người bán và người mua rất “thật thà” khi không nói thách và không ngã giá.

Chợ phiên hữu nghị Việt-Lào ở hai bên cửa khẩu quốc tế Na Mèo được tổ chức thường lệ vào sáng thứ 7 hàng tuần. Ảnh: Nguyễn Trường.
Chợ phiên hữu nghị Việt-Lào ở hai bên cửa khẩu quốc tế Na Mèo được tổ chức thường lệ vào sáng thứ 7 hàng tuần. Ảnh: Nguyễn Trường.

Những ngày cuối tuần, khách phương xa thường ghé Na Mèo lưu trú để sáng mai tham dự chơ Phiên cuối tuần. Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, cán bộ Đội Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo) cho biết: Chợ Phiên biên giới Nậm Xôi tổ chức vào rạng sáng thứ 7 ở phía Lào rồi khoảng 6 giờ bắt đầu di chuyển sang đất Việt ở chợ Na Mèo. Chợ là nơi giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa hai huyện Viêng Xay (Hủa Phằn, Lào) và Quan Hoá (Thanh Hoá). Điều đó không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là sự giao lưu văn hoá, xã hội. Thể hiện sự gắn kết keo sơn, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào”.

Na Mèo, nơi địa đầu tổ quốc, chúng tôi đang đứng cạnh cột mốc 327. Ngay bên cạnh cột mốc ấy là dòng Nậm Xôi góp vào dòng sông Luồng. Ngày mới, chúng tôi đã lắng nghe sự trỗi dậy của vùng đất cực tây tỉnh Thanh Hoá. Có một điều lạ ở xứ Thanh này, cả hai cửa khẩu giáp Lào đều bên cạnh một dòng sông. Và hai dòng sông đó đều là phụ lưu của dòng Mã oai hùng, đậm chất sử thi.

Ở nơi những dòng sông bắt đầu chảy vào đất Việt ấy, chẳng bao giờ thôi hết quyến rũ và mê đắm lòng lữ khách.

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Xứ Thanh ký sự: Sông Mã - hai chiều thời gian

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM |

Sông Mã đoạn đi qua phía tây huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) vẫn còn “hung dữ” và “gầm lên khúc độc hành” bởi núi cao, dòng chảy siết vì hẹp. Những cánh rừng hai bên bờ sông hầu như chỉ toàn cây luồng. Luồng từ mép nước lên đỉnh núi, thẳng tắp, cao vút như những mũi tên bắn lên phía trời. Và dường như trong gió lao xao ấy, dòng sông vẫn thao thiết với những câu chuyện kể không hồi kết…

Xứ Thanh ký sự: Đi qua sông Mã

NGUYỄN KHIÊM - XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG |

Trên hành trình ngược nguồn sông Mã, chúng tôi đi qua bao cung đường, bao chiếc cầu. Đôi lúc tự hỏi đã đi qua bao nhiêu nấm mồ khi ngó xuống dưới chân mình...

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Xứ Thanh ký sự: Sông Mã - hai chiều thời gian

XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG - NGUYỄN KHIÊM |

Sông Mã đoạn đi qua phía tây huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) vẫn còn “hung dữ” và “gầm lên khúc độc hành” bởi núi cao, dòng chảy siết vì hẹp. Những cánh rừng hai bên bờ sông hầu như chỉ toàn cây luồng. Luồng từ mép nước lên đỉnh núi, thẳng tắp, cao vút như những mũi tên bắn lên phía trời. Và dường như trong gió lao xao ấy, dòng sông vẫn thao thiết với những câu chuyện kể không hồi kết…

Xứ Thanh ký sự: Đi qua sông Mã

NGUYỄN KHIÊM - XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG |

Trên hành trình ngược nguồn sông Mã, chúng tôi đi qua bao cung đường, bao chiếc cầu. Đôi lúc tự hỏi đã đi qua bao nhiêu nấm mồ khi ngó xuống dưới chân mình...

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.