Kỳ 2:

Xứ Thanh ký sự: Đi qua sông Mã

NGUYỄN KHIÊM - XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG |

Trên hành trình ngược nguồn sông Mã, chúng tôi đi qua bao cung đường, bao chiếc cầu. Đôi lúc tự hỏi đã đi qua bao nhiêu nấm mồ khi ngó xuống dưới chân mình...

Đất lành bên sông Mã

Một ngày đầu đông, đoàn chúng tôi bon bon QL 15 để đến với địa danh Mường Lát ở trên kia biên giới, như lời mời gọi trong câu thơ của thi sĩ Quang Dũng “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.

Chúng tôi quyết định dừng chân khi ngang qua cầu Na Sài, để đến với thị trấn Hồi Xuân, và gặp ở đây cả một trời ký ức khơi lại một giai đoạn cam go, hi sinh và đầy trách nhiệm của những con người bám vùng đất mới. Chúng tôi đã gặp những nhân vật kiến thiết cung đường QL 15 vốn heo hút thành con đường khang trang.

Ngay chân cầu Na Sài là nhà bà Ngô Thị Lan (sinh năm 1958) quê gốc Hậu Lộc – Thanh Hóa. Chúng tôi gặp bà khi đang quét rác ven đường. Với phong thái của người về hưu vốn trải qua nhiều chuyện lớn nhỏ trên đời nên khi gặp chúng tôi muốn tìm hiểu về cung đường QL 15 và chiếc cầu thì bà “kéo ghế” mời nước như gặp cố nhân.

Trong câu chuyện của bà có hình ảnh hổ gầm, mồ hôi, máu và thành quả sau ngày tháng nếm trải những đau thương. “Tôi theo đoàn người lên đây làm đường QL 15 khi vừa 19 tuổi. Ở nông thôn tuổi ấy đáng lẽ phải ở nhà lấy chồng nhưng tôi tình nguyện đăng ký lên đường.

QL 15 lúc này chỉ là con đường nhỏ đầy lau lách. Hai bên đường không một bóng người, không một mái nhà. Đêm đêm còn nghe tiếng thú gào”, bà Lan kể lại nhưng có vẻ đang rùng mình với những hồi tưởng đã qua.

Cứ 10 đến 15 người thành một tốp, khoảng 10km có một tốp như thế. Công cụ thô sơ chỉ có cuốc xẻng, nhìn xuống dưới đất đá lởm chởm, trên trời bụi đỏ mù mịt. Trông về quê cũ một màu bàng bạc chẳng biết đâu bến bờ. “Những thanh niên mới lớn chưa nếm mùi khổ ải chợt xa gia đình và ở một nơi heo hút thì sao không nhớ nhà, nhớ quê cho được”, bà Lan tâm sự.

Và rồi đã có những tình yêu nảy nở ở nơi heo hút, đầy lau sậy bên dòng sông Mã. Cô Lan đã trở thành vợ của người đàn ông làm công nhân chống phà qua sông Mã. Họ nên duyên rồi chọn một khoảnh đất nơi tả ngạn con sông này để làm nơi lập thân, lập nghiệp.

Từ đầu cầu Na Sài cho đến địa phận trung tâm thị trấn, những công nhân miền xuôi lên làm đường rồi bén duyên với đất để định cư lâu dài thành những hộ sinh sống đầu tiên. Những ngôi nhà ấy như những thành trì tiên phong kiến thiết nên thị trấn sầm uất bên dòng sông Mã như ngày nay.

“Lúc đó tình yêu đôi lứa và những hẹn hò về một tương lai trên vùng đất mới đã giúp những con người tha hương như chúng tôi có động lực để sống, để bám đất lập làng. Từ chiếc cầu này đi lên khoảng vài trăm mét có trên 10 cặp làm công nhân cầu đường rồi nên duyên định cư tại đây. Chúng tôi gọi là xóm giao thông”, cô Lan hồi tưởng về những ngày tươi đẹp.

Máu đổ thời bình

Những đứa con ra đời trên vùng đất mới còn nhiều khó khăn. Cái đói đến cả trong những cơn mơ. Dường như trong câu kể vẫn còn tiếng nấc nghẹn chỉ chực oà khóc. Bà Lan vẫn đều đều kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn và vinh quang của mình: “Khi mới sinh được hai cháu. Cháu đầu 8 tuổi, cháu sau 5 tuổi. Một hôm con bé đầu thều thào nói mẹ ơi con đói. Nói rồi nó đứng dậy và đi về phía tôi nhưng đi không vững. Cái đói đã làm những con người kiệt quệ cả sức lực lẫn tinh thần. Tôi đã oà khóc, đau đớn khi thấy con bé nhặt thức ăn từ cái nồi cho chó dùng”.

Trước mộ công nhân giao thông Nguyễn Thị Thái đã bỏ mình khi làm nhiệm vụ Ảnh: Nguyễn Trường
Trước mộ công nhân giao thông Nguyễn Thị Thái đã bỏ mình khi làm nhiệm vụ Ảnh: Nguyễn Trường

Với khẩu phần 5kg gạo/ tháng cho cả gia đình 4 người. Chừng ấy sao đủ ăn, đảm bảo sức khoẻ để lao động? Cả tháng trời không thấy được lát thịt. Ăn uống thiếu thốn, nước da xanh xao. Không có cách nào phải lên đồi trồng thêm sắn, mà sắn cũng không kịp cho củ mà nhổ mà nhai. “May trời thương cho chúng tôi và con cái được sống. Chứ lúc đó sợ không qua khỏi”, bà Lan nghẹn ngào.

Bên cạnh đói khổ thì những rủi ro đủ thứ luôn rình rập và toan cướp đi sinh mạng của những người hiền. Cùng làm công nhân cầu đường với bà Lan, bà Nguyễn Thị Miên (sinh năm 1958) nhà bên cạnh cũng bồi hồi, chan chứa nước mắt khi chúng tôi khơi lại chuyện cũ.

Bà Miên về hưu sớm do mất sức lao động với thương tật 21%. Nhưng đối với bà còn được sống là điều may mắn. “Tôi ở dưới miền biển. Viết đơn xin gia nhập đoàn quân làm đường QL 15 nhưng không đủ tuổi đành khai lên. Từ 1961 thành 1958. Nhưng lúc ấy đi khám sơ tuyển chỉ cân được 35kg, không đủ sức khoẻ để đi, đành “làm liều” sửa số 35 thành 38”. 16 tuổi, bà Miên nhỏ nhất đoàn nhưng nhờ tính tháo vát, cần cù, chịu khó nên ai cũng thương, giúp đỡ.

Công việc nặng nhọc, cuộc sống khó khăn nhưng những cô gái làm giao thông thời ấy luôn lạc quan, trong sáng yêu đời đến kỳ lạ. Nhớ nhà là chỉ biết quay mặt về hướng đông mà khóc. Khóc chán rồi việc đến tay cũng phải làm. Làm rồi quên đi mệt nhọc, quên đi nỗi nhớ đồng quê. Đôi lúc muốn chạy ùa về hướng ấy một mạch để về nhà nhưng đó chỉ là giấc mơ khi việc đón xe về xuôi là điều không hề dễ dàng. Từ Quan Hoá về đến nhà cũng phải mất 3 ngày…

Nhưng rồi một ngày định mệnh đã đến...

Đó là một ngày làm việc như mọi ngày. Ngày 1.7.1989, một ngày mưa mù trời. 5 chị em đi trên chiếc xe ben chở đá hộc để làm đường. Khi xe qua cua đã bị lật xuống hố. “Đá lộn người, người lộn đá. Máu chảy thành từng dòng giữa cơn mưa tầm tã. 4 người chết tại chỗ. Chỉ còn lại mình tôi còn thoi thóp”, bà Miên nghẹn ngào kể.

Sau 2 giờ nằm dưới mưa, máu loang cả vùng đất, các nạn nhân mới được đưa đến bệnh viện. Do điều kiện đường sá kém cùng với phương tiện khó khăn nên không thể cơ động cấp cứu ngay được. Cả vùng Quan Hoá dậy sóng, bàng hoàng trước vụ tai nạn kinh hoàng ấy. Bà Miên kể tiếp: “Bệnh viện lúc đó chở về 5 cái quan tài, đồng nghiệp đã làm 5 bát cơm để cúng. 4 người đã chết. Chỉ còn lại tôi bị chấn thương sọ não. Nặng quá ai cũng bảo chết rồi, cứu gì nổi nữa”.

Sau một tháng nằm viện, bà Miên dần hồi phục nhưng mắt vẫn mờ, nhìn đâu cũng loà loà không thấy. Đơn vị Đoạn đường 2 đã tổ chức an táng 4 người phụ nữ xấu số ở khu rừng chỉ cách đường QL 15 chưa đầy 200m. “Dù không được công nhận là liệt sỹ, nhưng trên những tấm bia mộ ấy, người dân nơi này vẫn ghi thêm hai chữ Liệt sỹ như một điều biết ơn sự hi sinh của họ trong thời bình khi kiến thiết con đường QL 15 này”, bà Miên quệt nước mắt, nói.

Cuộc tìm về xúc động

Bốn nấm mồ với tấm bia nhỏ nhoi khắc tên: Liệt sỹ…, quê…. Và tất cả cùng một ngày mất. Họ ra đi để lại con thơ, chồng trẻ. Sau thời gian những nấm mồ xấu số được cải táng đưa về quê cũ. Duy còn lại nấm mồ “Liệt sỹ” mang tên Nguyễn Thị Thái quê Nga Sơn (Thanh Hóa), có chồng là Nguyễn Hữu Ninh, quê ở Đông Sơn (Thanh Hóa).

Khi biết chúng tôi có ý định lên mộ bà Nguyễn Thị Thái thắp một ném hương thì bà Miên bỏ ngay công việc đang làm dỡ để dẫn chúng tôi đi. Con đường dẫn vào rừng tre, luồng phủ đầy cỏ dại. Mộ bà Thái nhỏ nhoi, khiêm tốn giữa rừng thâm u. Cùng đi với bà Miên, bà Lê Thị Nguyện (sinh năm 1956) là nữ cán bộ y tế khoa ngoại-sản phụ trách mai táng những nạn nhân xấu số trong vụ lật xe chở đá làm đường đúng 30 năm trước. Bà Nguyện nghẹn ngào kể phải ngồi khâu lại thân thể của bà Thái vì bị đá đè rách để liệm.

Bà Thái cùng ba người phụ nữ đang còn trẻ ấy mất để lại trống vắng cho gia đình. Cô Nguyên kể: “Chị Thái mất để lại đứa con mới 18 tháng tuổi, anh Ninh chồng chị là một người hiền lành, chất phác nếu không nói là vụng về, chậm chạp. Chúng tôi luôn nghĩ anh sẽ không nuôi nổi thằng bé. Đã vài lần cơ quan và tập thể bệnh viện xin nuôi thằng bé nhưng anh Ninh không chịu”

“Sau khi chị Thái mất, gà trống nuối con, thằng Hoàn (tên đứa bé) nay đây mai đó cùng với anh Ninh, sống lay lắt, tạm bợ. Chị Thái mất được vài tháng thì anh Ninh dẫn Hoàn về quê rồi mất tích, không một lần trở lại thăm mộ vợ”, bà Nguyện bằng giọng đều đều, chậm rải kể.

Cho đến  năm 2019, Hoàn tìm đến bên mộ mẹ ở thị trấn Hồi Xuân, Quan Hoá sau 30 năm lưu lạc. Những người có mặt hôm đó không thể tin được rằng Hoàn có ngày trở lại. “Tôi nghĩ rằng sẽ không gặp lại cháu nữa. Người dân xóm giao thông này tin rằng anh Ninh đã cho Hoàn để ai đó nuôi chứ anh nuôi không nổi”.

Bà Lê Thị Nguyện, cán bộ y tế, người từng cấp cứu các nữ công nhân giao thông gặp nạn năm xưa nhớ về chuyện cũ. Ảnh: Nguyễn Trường
Bà Nguyễn Thị Miên (công nhân giao thông). Ảnh: Nguyễn Trường

Chúng tôi liên hệ với Hoàn qua điện thoại, anh cho hay đang công tác ngoài Hà Nội, hiện đang kinh doanh lĩnh vực đá ốp lát, cuộc sống khá ổn. “Sau khi bố đưa em về quê, bố không hề nhắc đến mộ mẹ. Đến khi bố mất (năm 2016) em vẫn không biết được mộ mẹ nằm ở đâu. Cho đến một ngày có người phụ nữ ở thị trấn Hồi Xuân là người cùng quê với bên nhà ngoại em và có chồng là công nhân giao thông cùng làm với mẹ em. Người này đã kể chuyện về ngôi mộ bỏ hoang mấy năm liền của một người phụ nữ tên Thái, làm công nhân cầu đường. Ngôi mộ này là một trong những người xấu số đã mất năm 1989 khi làm đường QL15. Chắp nối với những ký ức và thông tin em có được. Thế là em tìm đến bên mộ mẹ cùng các cô, các chú là đồng nghiệp của mẹ ngày xưa. Cuộc hội ngộ hôm ấy đầy nước mắt”.

Hoàn cho biết thêm, mẹ mất xong thì bố đưa em lang thang nên các chế độ lao động của mẹ cũng không biết có hay không? “Em muốn mẹ em cùng những người hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, dù thời bình, dù không được công nhận liệt sỹ nhưng cũng nên có một công trình tưởng niệm nào đó về sự mất mát để kiến thiết con đường này như hôm nay”, Hoàn tâm sự.

Bây giờ đi trên con đường QL 15 phẳng phiu. Những ngôi nhà cao tầng, khu chợ sầm uất và bao nhiêu công trình đáng kể tên đã là bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống đã khác xưa nhiều lắm. Từ con đường đầy lau lách, bụi đỏ ấy giờ đã đổi thay đến không ngờ. Ai cũng nhận ra điều đó nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những phồn hoa ấy có những phận người đã hi sinh, có những giọt mồ hôi và cả nước mắt thầm lặng chảy cho quê hương trên dọc cuộc hành trình đến với ấm no, hạnh phúc.

Và chúng tôi lại tiếp tục lên đường ngược dòng sông Mã mà Tây Tiến. Phía trước chắc hứa hẹn đầy những bất ngờ thú vị.

NGUYỄN KHIÊM - XUÂN DŨNG - HỮU TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.

Bình minh trên Núi Đọ

HOÀNG HẢI LÂM |

Nằm trong vùng đồng bằng do sự bồi đắp của sông Chu và sông Mã, Núi Đọ, di chỉ cấp Quốc gia có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, ngọn núi đại diện cho văn hóa từ thủa bình minh của loài người rất đỗi bình yên.

Thanh Hóa với điệp vụ ngoạn mục đi vào tiểu thuyết và phim truyện

PHẠM XUÂN DŨNG |

Đây là một điệp vụ hoàn toàn có thật trong kháng chiến chống Pháp, lấy địa bàn Thanh Hóa làm tâm điểm, trở thành đề tài cho nhiều nhà văn và cũng đã được dựng phim truyện. Bài viết này tái hiện chiến công một phần lớn dựa vào cuốn tiểu thuyết được dư luận hoan nghênh mang tên "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, quê Quảng Trị.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.

Bình minh trên Núi Đọ

HOÀNG HẢI LÂM |

Nằm trong vùng đồng bằng do sự bồi đắp của sông Chu và sông Mã, Núi Đọ, di chỉ cấp Quốc gia có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, ngọn núi đại diện cho văn hóa từ thủa bình minh của loài người rất đỗi bình yên.

Thanh Hóa với điệp vụ ngoạn mục đi vào tiểu thuyết và phim truyện

PHẠM XUÂN DŨNG |

Đây là một điệp vụ hoàn toàn có thật trong kháng chiến chống Pháp, lấy địa bàn Thanh Hóa làm tâm điểm, trở thành đề tài cho nhiều nhà văn và cũng đã được dựng phim truyện. Bài viết này tái hiện chiến công một phần lớn dựa vào cuốn tiểu thuyết được dư luận hoan nghênh mang tên "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, quê Quảng Trị.