Kỳ 1:

Xứ Thanh ký sự

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG |

Cho đến bây giờ rất nhiều người khi nhắc đến sự hy sinh quên mình, vô điều kiện vẫn trân trọng gọi  tên một người trẻ tuổi ở Thanh Hóa làm việc ở TP.Hồ Chí Minh: Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống thép dầu khí (trụ sở đóng tại Tiền Giang). Anh đã dũng cảm cứu sống 5 người gặp nạn trên chuyến tàu H29-BP định mệnh vào đêm 2/8/2013. Đặc biệt, theo nhiều người chứng kiến, anh đã ném chiếc phao của mình cho người phụ nữ đang mang thai, một hành động nghĩa hiệp hiếm có của một anh hùng bình dị quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã nhường cơ hội sống duy nhất của bản thân mình cho người khác. Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, lay động tâm can của bao người. Chúng tôi sẽ kể về một vài “xứ Thanh trong tôi” với những câu chuyện vì nhiều lý do còn rất ít người biết đến.

Tấm bia biên viễn

Qua lại xã Hướng Phùng (Hướng Hóa-Quảng Trị) nhiều lần cũng đinh ninh mình biết khá rõ vùng này. Ai dè... Một sáng gần đây khi làm phóng sự ở chợ Hướng Phùng như mấy lần trước thì một người dân tình cờ đi qua, bất chợt hỏi chúng tôi tôi: "Anh có biết tấm bia kia không?" - "Tấm bia nào vậy ?" - tôi ngạc nhiên, hỏi lại. Anh ấy chỉ tay rồi gật đầu và tất tả bước đi có vẻ vội vàng theo việc.

Chúng tôi theo hướng anh chỉ, đến gần mới thấy một tấm bia khá lớn. Lạ thật, mình qua lại đây bao lần mà sao không để ý đến nó. Những dòng chữ trên tấm bia cho biết đây là câu chuyện xảy ra vào năm 1978 khi những người trong cuộc thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng và lặng lẽ, để lại một tự sự nhất thiết phải kể cho hôm nay và cả mai sau ...

... Sau ngày nước nhà thống nhất, trong ngổn ngang cả núi việc thời hậu chiến nhưng Chính phủ vẫn không hề quên trọng trách quốc gia ở vùng biên viễn. Năm 1977, sau khi ký Hiệp ước hoạch định biên giới hai nước Việt-Lào thì một nhiệm vụ được đặt ra là phải cắm cột mốc biên giới. Nhưng đây lại là công việc rất khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Đại tá Nguyễn Văn Lưu, nguyên Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế (vào thời điểm câu chuyện xảy ra thì tỉnh lớn chưa chia tách là Bình Trị Thiên, bao gồm cả Thừa Thiên-Huế) đã kể lại hồi ức của mình về những năm tháng không thể nào quên. Đại tá Lưu nói như đinh đóng cột đường phân thủy biên giới ở trên những đỉnh núi cao toàn là 1.000 mét trở lên với địa hình cực kỳ hiểm trở, hơn thế dày đặc bom mìn vì Quảng Trị vốn là "túi bom" trong chiến tranh, chưa kể đến khí hậu khắc nghiệt, sốt rét ác tính đã từng quật ngã nhiều người như lực sĩ. Nhiệm vụ gian nan này dĩ nhiên trước hết đặt trên vai những chiến sĩ biên phòng.

Đại tá Lưu nhớ lại: Tháng 8 năm ấy, thời tiết không thuận. Ngày 11.8.1978, trời mưa to, sông suối dâng cao nhưng Đồn Biên phòng Sen Bụt (nay thuộc xã Hướng Phùng) nhận được lệnh đưa đoàn khảo sát song phương của Chính phủ hai nước lên phúc tra tọa độ mốc chuyển hướng đường biên giới trên đỉnh Tà Púc để kịp thời phục vụ hội đàm hai nước khi đánh giá phân định biên giới thí điểm. Đồn trưởng Hồ Mường họp toàn đơn vị, hỏi ai xung phong. Nhiều cánh tay đưa lên, đồn chọn sáu người làm nhiệm vụ giữa lúc thời tiết đang trực tiếp đe dọa nhân mạng. Đồn Biên phòng Sen Bụt cấp tốc huy động toàn bộ lực lượng chặt cây bắc ngang qua suối để làm đường đi cho đội sáu người băng qua để kịp gặp đoàn trung ương vừa đến vị trí tập kết. Những lúc ngớt mưa, cả đội khẩn trương lên điểm cao thực hiện các thao tác nghiệp vụ như đo tọa độ, tính góc phương vị... Xong việc đội vội vã xuống núi thì trời lại mưa to và tối mịt như cảnh tượng thường thấy ở núi rừng. Vậy là họ dừng lại che lán ngủ ở phía dưới động Tà Púc. Và tai họa đã ập đến bất ngờ. Nửa đêm lũ quét đã cuốn phăng lều trại và năm người vĩnh viễn ra đi. Đó là các người lính gồm thượng sĩ Hồ Văn Trường, trung sĩ Châu Văn Dung, đại úy Võ Cán, đại úy Võ Xuân Tăng. Đặc biệt có một người không phải là lính nhưng anh dũng hy sinh như một quân nhân ngay giữa thời bình, đó là kỹ sư Lê Doãn Tường, công tác tại Cục Bản đồ nhà nước, quê ở Thọ Xuân- Thanh Hóa. Đại tá Nguyễn Văn Lưu xúc động từ hồi ức: " Khi đưa thi hài các đồng chí hy sinh ra xe ôtô, bà con các bản ở xã Hướng Phùng chạy theo cáng khóc nức nở. Ngày 15.8.1978, tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ đã hy sinh trong quá trình khảo sát, phân giới cắm mốc đường biên giới Quốc gia đã được tổ chức trong niềm thương xót của mọi người".

Tên của các anh đã được lưu danh trên tấm bia ở xã Hướng Phùng.

Bia liệt sĩ hy sinh năm 1978 khi cắm cột mốc biên giới tại xã Hướng Phùng, trong đó có liệt sĩ Lê Doãn Tường, người quê Thanh Hóa. Ảnh: P.X.D
Bia liệt sĩ hy sinh năm 1978 khi cắm cột mốc biên giới tại xã Hướng Phùng, trong đó có liệt sĩ Lê Doãn Tường, người quê Thanh Hóa. Ảnh: P.X.D

Người dân địa phương đã không quên những liệt sĩ trong suốt hơn 40 năm qua. Khi tôi hỏi chuyện tấm bia, thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hướng Phùng đã nói: "Kể từ khi tôi về đây làm hiệu trưởng, năm nào vào dịp 22.12 trường cũng tổ chức buổi tưởng niệm những liệt sĩ cắm mốc biên giới ngay trước tấm bia này. Tôi thiết nghĩ đó là cách tri ân và giáo dục truyền thống thiết thực, cụ thể, khơi dậy tinh thần vì chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng trong thầy trò".

 Trở lại Vĩnh Linh

Nhà thơ Nguyễn Duy nổi tiếng cả nước thì có lẽ quá nhiều người biết. Nhưng duyên nợ văn bút Quảng Trị với thi sĩ xứ Thanh thì không phải ai cũng tỏ tường.

Vào lính thời đánh Mỹ, Nguyễn Duy là bộ đội thông tin nhiều năm tham gia mặt trận Đường 9 Nam Lào. Nhiều bài thơ được ra đời trong những tháng ngày trận mạc ở xứ sở gió Lào cát trắng. Có tác phẩm đã góp phần đưa ông lên bậc vinh quang được sáng tác từ mảnh đất này, như thi phẩm "Bầu trời vuông" năm 1972 cùng với hai bài thơ khác đã giúp ông giật giải nhất báo Văn Nghệ danh giá lúc bấy giờ, năm 1973. Quảng Trị như tự bạch bằng thơ của người lính Nguyễn Duy bằng các địa danh đã hóa thơ: "Nhận được thư ở Đông Hà", "Cô gái Hải Lăng", "Bà mẹ Triệu Phong", "Bên hàng rào Ái Tử", "Bát nước ngô của bà mẹ Việt ở Cam Lộ"... mới đọc tên thôi đã chan chứa ân tình. Và bài thơ quen thuộc trong sách giáo khoa của ông "Tre Việt Nam" với nhiều thế hệ học sinh: " Tre xanh, xanh tự bao giờ/Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi..."

Chúng tôi cũng có vài dịp nghe Nguyễn Duy đọc thơ ở Huế, nhưng không hề nghĩ sẽ thấy ông xuất hiện ở Quảng Trị với vai trò khác. Nhưng rồi chuyện ấy đã xảy ra...

... Vào năm 1967 bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng được mời sang phủ Chủ tịch nước. Đến nơi gặp mới biết Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tiếp đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Pháp gốc Hà Lan Ivens có vợ Loridan, một tù nhân của trại tập trung phát xít Đức. Hồ Chủ Tịch trân trọng giới thiệu họ là "Những nhà điện ảnh cách mạng nổi tiếng". Bà Phượng được cử làm phiên dịch đi cùng đoàn làm phim vào Vĩnh Linh thực hiện cuốn phim “Vĩ tuyến 17- chiến tranh nhân dân”. Hai tháng ở Vĩnh Linh, sống và chiến đấu như những người lính với biết bao nguy hiểm, với nhiều kỷ niệm quý giá. Đến khi phim đưa ra Hà Nội, dọc đường bị ném bom, cuốn phim cũng thấm máu của những nhà làm phim. Bộ phim được công chiếu ở nước ngoài đã gây được tiếng vang và được dư luận thế giới chú ý. Sau chuyến đi này số phận của bà Xuân Phượng đã rẽ sang hướng khác, trở thành nữ đạo diễn phim tài liệu chuyên nghiệp hiếm hoi như gợi ý và mong mỏi của đạo diễn Ivens. Với nhiều cống hiến cho giao lưu văn hóa Việt-Pháp, bà Xuân Phượng đã được chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương cao quý Bắc đẩu bội tinh.

40 năm sau vào 2007 bà Xuân Phượng trở lại Vĩnh Linh với mong muốn thực hiện bộ phim về những nhân vật đã từng xuất hiện trên màn ảnh cách đây nửa thế kỷ. Điều này còn nhằm thỏa ước nguyện của đạo diễn Ivens trăng trối với vợ trước lúc qua đời: Hãy tìm về với những nhân vật trong phim của Vĩnh Linh ngày trước. Nhà thơ Nguyễn Duy được mời làm biên kịch của bộ phim này với tên gọi "Trở lại Vĩnh Linh". Với ông, vốn từng là người lính đây cũng là dịp làm sống dậy những ký ức chiến tranh của một thời trai trẻ và của cả dân tộc này một thời bi tráng. UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi tiếp đoàn trọng thị và được nhận bộ phim tài liệu "Vĩ tuyến 17- chiến tranh nhân dân" của đạo diễn Ivens do bà Xuân Phượng tặng.

Nhà thơ Nguyễn Duy - người biên kịch bộ phim “Trở lại Vĩnh Linh“. Ảnh: P.X.D
Nhà thơ Nguyễn Duy - người biên kịch bộ phim “Trở lại Vĩnh Linh“. Ảnh: P.X.D

Gần cả tuần rong ruổi vất vả mà sôi động nhưng tâm nguyện của đạo diễn Xuân Phượng vẫn chưa đạt được khiến ai nấy băn khoăn, đương nhiên nhà biên kịch Nguyễn Duy, một cựu binh từng gắn bó với Quảng Trị cũng suy nghĩ rất lung. Bà Xuân Phượng muốn gặp lại hai người: Một đứa bé được bà đỡ đẻ ngay trong địa đạo và được bà lấy tên mình đặt cho còn nhân vật thứ hai cũng là một đứa trẻ 9 tuổi tên Đức rất gan dạ không hề sợ máy bay Mỹ. Nhưng càng tìm kiếm, hỏi han, nhắn gửi đều không có kết quả, kể cả đã ra đến tỉnh Quảng Bình nhưng tất cả hầu như biệt vô âm tín, không một phản hồi có thể lóe lên hy vọng. Buồn bã, bà Xuân Phượng vào đêm cuối trên đất Vĩnh Linh, tâm sự với phóng viên quay phim đài tỉnh Quảng Trị là Phan Khiêm: "Chán quá, ngày mai cô phải trở vào Sài Gòn rồi. Hơn một tuần này không sao tìm được bé Đức. Nếu còn sống năm nay Đức cũng đã 49 tuổi". Nghe vậy anh Phan Khiêm buột miệng: "Cháu cũng từng học với một người thầy tên Phạm Công Đức nhưng lại ở Gio Linh, không phải Vĩnh Linh, nhà thầy ở ngay Dốc Miếu...". Đạo diễn Xuân Phượng bật dậy như một bản năng nghề nghiệp và câu chuyện kết thúc thật bất ngờ. Sau một cuộc điện thoại chớp nhoáng, thầy giáo Phạm Công Đức đã gặp lại bà Xuân Phượng và cả đoàn làm phim trong hạnh ngộ vỡ òa, hạnh phúc nghẹn ngào. Chính người thầy Phạm Công Đức là cậu bé Đức đầu đội mũ cối, cười nói hồn nhiên trong bộ phim tài liệu của 40 năm trước. Ngay những người kinh qua trận mạc, từng chứng kiến bao điều lạ trong đời như nhà thơ Nguyễn Duy cũng chỉ còn biết lặng im cảm tạ cuộc đời.

Cuộc đời, như người ta vẫn nói- đã mỉm cười với những con người luôn làm việc hết mình và biết sống thủy chung.

Còn phía trước chúng tôi là cuộc hành trình đáng đợi chờ đi qua sông Mã.

XUÂN DŨNG - NGUYỄN KHIÊM - HỮU TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Những bí ẩn đằng sau suối cá thần ở Thanh Hoá

Nguyễn Liên |

Với công cụ Google, gõ cụm từ "suối cá thần" sẽ cho khoảng 5,1 triệu kết quả trong 0,4 giây. Có lẽ trên thế giới, ít có địa danh nào đặc sắc như suối cá thần ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Vậy nhưng không phải ai cũng biết những chuyện đằng sau thắng tích này.

Bình minh trên Núi Đọ

HOÀNG HẢI LÂM |

Nằm trong vùng đồng bằng do sự bồi đắp của sông Chu và sông Mã, Núi Đọ, di chỉ cấp Quốc gia có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, ngọn núi đại diện cho văn hóa từ thủa bình minh của loài người rất đỗi bình yên.

Thanh Hóa với điệp vụ ngoạn mục đi vào tiểu thuyết và phim truyện

PHẠM XUÂN DŨNG |

Đây là một điệp vụ hoàn toàn có thật trong kháng chiến chống Pháp, lấy địa bàn Thanh Hóa làm tâm điểm, trở thành đề tài cho nhiều nhà văn và cũng đã được dựng phim truyện. Bài viết này tái hiện chiến công một phần lớn dựa vào cuốn tiểu thuyết được dư luận hoan nghênh mang tên "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, quê Quảng Trị.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Những bí ẩn đằng sau suối cá thần ở Thanh Hoá

Nguyễn Liên |

Với công cụ Google, gõ cụm từ "suối cá thần" sẽ cho khoảng 5,1 triệu kết quả trong 0,4 giây. Có lẽ trên thế giới, ít có địa danh nào đặc sắc như suối cá thần ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Vậy nhưng không phải ai cũng biết những chuyện đằng sau thắng tích này.

Bình minh trên Núi Đọ

HOÀNG HẢI LÂM |

Nằm trong vùng đồng bằng do sự bồi đắp của sông Chu và sông Mã, Núi Đọ, di chỉ cấp Quốc gia có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, ngọn núi đại diện cho văn hóa từ thủa bình minh của loài người rất đỗi bình yên.

Thanh Hóa với điệp vụ ngoạn mục đi vào tiểu thuyết và phim truyện

PHẠM XUÂN DŨNG |

Đây là một điệp vụ hoàn toàn có thật trong kháng chiến chống Pháp, lấy địa bàn Thanh Hóa làm tâm điểm, trở thành đề tài cho nhiều nhà văn và cũng đã được dựng phim truyện. Bài viết này tái hiện chiến công một phần lớn dựa vào cuốn tiểu thuyết được dư luận hoan nghênh mang tên "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, quê Quảng Trị.