Viết để… “mua vui”, không “mua” áp lực

Việt Văn (thực hiện) |

Một cái tên rất sáng và vẻ ngoài khá điển trai với nụ cười trên môi, Trần Kim Khôi, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh thuộc thế hệ 8X là một cây bút khiêm nhường. Năng động, đa tài và có những thành công đáng nể với hơn 10 giải thưởng về kịch bản sân khấu nhưng Khôi không dám nhận là “nhà biên kịch” vì nó “lớn quá”, chỉ “biên kịch” là phù hợp.

Thành công đến với Khôi từ rất sớm khi bạn là tác giả trẻ nhất có tác phẩm tham dự Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2010” và Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Đó là niềm vui nhưng phải chăng cũng là áp lực cho Khôi trong nghề viết?

- Có được tác phẩm góp mặt ở hai Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, đó là cột mốc đáng nhớ với tôi. Ở phương diện giao lưu gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm những người làm sân khấu trong cả nước, tôi tự thấy mình đã may mắn “thành công”; riêng phương diện thành tích và quan trọng nhất là chuyên môn thì tác phẩm của tôi chỉ mới ở dạng “góp mặt có tiềm năng”… và vui là chính. Tôi hay chọc ghẹo các bạn của mình và luôn dặn dò bản thân: “sống không vui thì… buồn lắm”. Trong cuộc sống tôi luôn mong muốn đón nhận thật nhiều năng lượng tích cực để nhận về nhiều niềm vui nhất có thể. Trong nghề viết kịch bản cũng vậy. Khi tôi nghĩ được một ý tưởng hay: vui; viết xong bản thảo kịch bản: vui; có thông tin kịch bản được dàn dựng hoặc có giải: vui; tác phẩm được tham dự những cuộc thi lớn: vui; nhận được tiền nhuận bút: càng vui.

Tôi viết là để… mua vui chứ không muốn “mua” áp lực.

Tôi là một tác giả tự do, nên không lo áp lực. Từ khi viết được cái tiểu phẩm đầu tiên cho đến bây giờ có thể viết được nhiều kịch bản dài điều đó vẫn không thay đổi. Có những kịch bản đã được dàn dựng, sau vài năm tôi đem ra đọc và sửa lại. Tôi tự làm biên tập, tự “lý luận phê bình” cho chính mình. Làm những điều đó đơn giản vì tôi cảm thấy vui.

Một trong những thành công của Khôi là vở “Cây bàng vuông”, đề tài chủ quyền biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa, được NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ dựng theo phong cách nhạc kịch, đã đem về Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam dành cho vở diễn xuất sắc năm 2014, giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam... Khôi có thể nói thêm về nét đặc sắc của vở diễn này?

- Bằng uy tín của mình, đạo diễn đã quy tụ được một dàn diễn viên trẻ, đẹp và đầy nhiệt huyết để vào vai những người chiến sĩ trên đảo trong vở diễn “Cây bàng vuông”. Lúc tập luyện và biểu diễn, có cảm tưởng những diễn viên mang tinh thần của những chiến sĩ sắp xung trận vào từng vai diễn. Dường như họ ý thức rằng, cháy hết mình với vai diễn, với nhân vật là góp một cánh tay, góp một tiếng nói, góp một hành động thể hiện trách nhiệm công dân trước hiểm họa của đất nước trong thời điểm cả nước đang sôi sục nói về vấn đề chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm.

Nét đặc sắc của vở diễn theo tôi là khi trên sân khấu, ranh giới giữa cái tôi diễn viên và cái tôi nhân vật giao nhau ở một điểm có tên gọi: lòng yêu nước.

Là biên kịch, Khôi cũng quyết định học Đạo diễn như bạn từng nói là để: “dàn dựng” vở kịch của mình trên giấy thật kỹ lưỡng, khi đưa lên sàn tập, đạo diễn không phải mất nhiều công chỉnh sửa câu chữ nữa” nhưng phải chăng bản thân Khôi cũng sẽ thử sức ở vai trò đạo diễn trong một tương lai không xa?

- Tôi thấy mình được vui vẻ và tự do khi chọn nghề viết. Thật lòng tôi không dám “đánh đổi” hai điều đó để chọn làm đạo diễn - công việc mà mình không tin tưởng vào bản thân cũng như nhiều người không tin tưởng vào bản thân mình (cười).

Được biết, Khôi còn học những điệu lý, những bài vọng cổ, những bài bản tổ... để trang bị cho mình những kiến thức về nhạc cổ truyền của dân tộc, sau này sáng tác những kịch bản cải lương. Vì sao nghệ thuật cải lương có sức hút với Khôi như vậy?

- Hơn một trăm năm nay, Cải lương lúc nào “bao dung thâu nhận” tất cả các loại hình nghệ thuật vào trong bản thân mình. Nhờ đó, Cải lương - đúng như tên gọi, luôn tự làm mới, tự “cách mạng” chính mình. Chỉ tính riêng điều này, tôi thấy mình “giông giống” Cải lương. Trong nghệ thuật, tôi cũng luôn tiếp nhận, học hỏi, thích viết và viết được được nhiều mảng khác nhau, thậm chí không “ăn nhập” gì với nhau. “Nghề tay phải” của tôi là viết kịch nói nhưng có thời điểm buổi sáng tôi viết chặp Cải lương, buổi chiều tôi lại viết kịch bản phim hoạt hình.

Và mảng đề tài thiếu nhi mà Khôi mới yêu nhưng đã nặng lòng thì sao? Liệu kịch bản sân khấu về thiếu nhi mà Khôi sẽ tung ra sẽ gửi gắm những ý tưởng nào? Nó có khiến các bậc phụ huynh phải suy nghĩ?

- Trước khi có con, tôi thích viết những kịch bản chính luận. Nhưng từ khi có con, tôi đã dần dần tập trung viết những kịch bản, hoạt cảnh, truyện ngắn, điệu lý… dành cho thiếu nhi. Vì vẫn còn trong quá trình “dò dẫm tìm đường” nên những ý tưởng mà tôi viết vẫn chưa định hình thành một vệt xuyên suốt. Hoặc nói đúng hơn những ý tưởng dành cho thiếu nhi trong kịch bản của tôi chỉ mới định hình một cách… chung chung. Có kịch bản nói về tình cảm giữa mẹ và con; có kịch bản nói về sự nhút nhát và dũng cảm; có kịch bản lại nói về tình yêu thiên nhiên; có kịch bản nói về sức mạnh của sự đoàn kết để vượt qua bản thân và vượt qua nghịch cảnh…

Sự “nặng lòng” dành cho thiếu nhi của tôi diễn ra một cách tự nhiên và… nhẹ nhàng. Tôi làm bạn với hai con, đùa giỡn với hai con và từ đó những ý tưởng ùa đến. Có lần về quê, nhìn thấy con gái chơi trò thổi bong bóng xà phòng với các bạn nhỏ cùng lứa trong xóm, tôi đã có ngay ý tưởng để viết một kịch dài “Những chiếc gương di động” (Kịch bản này năm vừa rồi đã được Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh trao thưởng). Số lượng kịch bản dành cho thiếu nhi của tôi vẫn chưa nhiều. Kịch bản được dàn dựng vẫn còn khiêm tốn. Hy vọng thời gian tới sẽ có những kịch bản thiếu nhi “ra lò” do tôi viết vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí, giáo dục cho thiếu nhi, vừa khiến phụ huynh nếu có đi xem sẽ phải suy nghĩ.

Theo Khôi, làm sao để luôn luôn duy trì được cảm hứng sáng tạo và không bị cuốn vào vòng xoáy của giải thưởng và kinh nghiệm vì xét đến cùng đó cũng là cạm bẫy?

- Tôi “định vị” bản thân mình là đi trại sáng tác và đi thi. Đi thi thì luôn cần kinh nghiệm để có giải thưởng. Tôi luôn tỉnh táo để ý thức rằng, kinh nghiệm và giải thưởng chỉ phù hợp với một tiêu chí, một hội đồng, một thời điểm… nhất định. Như đã nói, tôi thích sửa, thích “phê bình” chính tác phẩm của mình nên dù tác phẩm nào đó đã đoạt giải, thỉnh thoảng tôi vẫn đem ra đọc và “làm mới” nó lại. Từ một kịch bản đã thành hình - F0, thỉnh thoảng tôi vẫn biến nó thành những F1, F2… Và so với F0, những “ép” sau đó chỉ giống mỗi cái tứ. Làm mới những kịch bản đã được công nhận chính là cách để tôi không sa vào cạm bẫy và luôn tạo cảm hứng sáng tạo cho mình.

Điều ước đầu năm mới của Khôi?

- Tôi ước mình được cầm trên tay một cuốn sách in những kịch bản của mình. Đó có thể là cuốn sách tập hợp những kịch ngắn đoạt giải ở các cuộc thi; cũng có thể đó là cuốn sách in những kịch dài đã được dàn dựng trên các sân khấu và đài truyền hình; sung sướng nhất nếu đó là cuốn sách gồm những kịch bản thiếu nhi. Tôi muốn có một sản phẩm cụ thể, gần gũi để “khoe” với các con của mình.

Trong lĩnh vực sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung, tôi ước những nghệ sĩ trong nước vượt lên đại dịch và ngày càng sáng tạo nên những tác phẩm được nhiều nước trên thế giới công nhận, vinh danh. Sẽ là điều tuyệt vời và thiêng liêng khi tên tuổi của người Việt, tên nước Việt Nam được vang lên trên trường quốc tế.

- Cảm ơn Khôi và chúc bạn luôn đầy ắp năng lượng tích cực và sáng tạo.

Việt Văn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nhà biên kịch Phạm Hạ Thu “Viết văn giống như hơi thở…”

Việt Văn (thực hiện) |

Một trong những biên kịch vô cùng đắt “sô” ở phía Nam: Phạm Hạ Thu với hàng loạt bộ phim truyền hình nhiều tập gây “sốt” với khán giả như  “Sông dài”, “Hai người vợ”, “Biệt thự hoa hồng”, “Mơ hoang”, “Bóng giang hồ” ,“Lời nguyền lúc 0 giờ”…, đặc biệt “Tiếng sét trong mưa” phát sóng từ tháng 9.2019 đã phá vỡ mọi “kỷ lục rating” của phim truyền hình khi đạt đến chỉ số 26.0, chưa kể lượng truy cập trên các thiết bị di động, liên tục đứng đầu “top trending” YouTube Việt Nam. Ở ngoài đời, khiêm tốn và trầm lắng, Phạm Hạ Thu luôn đắm mình vào nghiệp viết và không hề nhắc đến các giải thưởng uy tín của Hội Điện ảnh, Liên hoan truyền hình toàn quốc… mà chị đạt được.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhà biên kịch Phạm Hạ Thu “Viết văn giống như hơi thở…”

Việt Văn (thực hiện) |

Một trong những biên kịch vô cùng đắt “sô” ở phía Nam: Phạm Hạ Thu với hàng loạt bộ phim truyền hình nhiều tập gây “sốt” với khán giả như  “Sông dài”, “Hai người vợ”, “Biệt thự hoa hồng”, “Mơ hoang”, “Bóng giang hồ” ,“Lời nguyền lúc 0 giờ”…, đặc biệt “Tiếng sét trong mưa” phát sóng từ tháng 9.2019 đã phá vỡ mọi “kỷ lục rating” của phim truyền hình khi đạt đến chỉ số 26.0, chưa kể lượng truy cập trên các thiết bị di động, liên tục đứng đầu “top trending” YouTube Việt Nam. Ở ngoài đời, khiêm tốn và trầm lắng, Phạm Hạ Thu luôn đắm mình vào nghiệp viết và không hề nhắc đến các giải thưởng uy tín của Hội Điện ảnh, Liên hoan truyền hình toàn quốc… mà chị đạt được.