Tác giả Rose Mittal từng mở đầu bài viết nói về thực tế của các cuộc thi nhan sắc bằng cách nói hài hước, pha chút châm biếm, “Gương kia ngự ở trên tường, ai là người đẹp nhất trong số các cô gái này? Tất nhiên, đó là cô gái trẻ với cơ thể mảnh mai, làn da trắng ngần không tì vết, đôi môi hồng hào và mái tóc óng ả".
Trải qua hàng thế kỷ phát triển, những cuộc thi sắc đẹp gần như giữ nguyên tiêu chuẩn về cái đẹp. Những minh tinh nổi tiếng xuất thân là hoa hậu như Gal Gadot hay Aishwarya Rai cho thấy dù trải qua thời gian bao lâu, gương mặt và hình thể nóng bỏng vẫn là khuôn mẫu để đánh giá về ngoại hình một phụ nữ đẹp.
Những tiêu chuẩn sắc đẹp ở các đấu trường nhan sắc ngày càng phi thực tế và thường đề cao công thức quá lý tưởng.
Nêu cao bình đẳng nhưng vẫn tồn tại phân biệt ngoại hình
Các cuộc thi sắc đẹp nêu cao khẩu hiệu "tôi làm được, bạn cũng làm được", "tôn vinh sự đa dạng của phụ nữ", "vì một thế giới bình đẳng"...
Thế nhưng kết quả ở nhiều đấu trường nhan sắc cho thấy, không phải "bạn" nào cũng có thể giành được chiếc vương miện danh giá.
Tính đến thời điểm hiện tại, qua 67 năm tổ chức Miss Universe chỉ có vỏn vẹn 6 người đẹp da màu đăng quang.
Ở những cuộc thi quốc tế, các thí sinh thừa cân, chiều cao khiêm tốn gần như không có cơ hội lọt vào top 5 để thi ứng xử và thể hiện "vẻ đẹp trí tuệ" của mình.
Năm 2014, Tổ chức Hoa hậu Thế giới đã loại bỏ vòng bikini, và thay thế bằng vòng “trang phục đi biển”. Động thái này gây tranh cãi và được coi là không tạo ra nhiều khác biệt.
Trên thực tế, các cô gái vẫn cần trình diễn những trang phục cắt xẻ để khoe hình thể. Và một đôi chân dài, vóc dáng săn chắc cùng làn da trắng trở thành tấm vé đặc cách để các thí sinh bước vào vòng trong, theo Rustler News.
Vì vậy, theo Ultius, các cuộc thi hoa hậu chưa bao giờ đề cao sự đa dạng. Hầu hết ban giám khảo tập trung vào đánh giá sắc đẹp, còn tài năng hay trí tuệ được quyết định bằng một câu hỏi ứng xử vô thưởng vô phạt.
Ngược lại, những người ủng hộ cuộc thi sắc đẹp cho rằng những cô gái trẻ tham gia sẽ trở nên giỏi giang và tự tin, biết thêm các kỹ năng xã hội. Thế nhưng, tính cách và kỹ năng là điều có thể quyết định bởi môi trường giáo dục và gia đình.
Hoa hậu đơn độc trên con đường theo đuổi vẻ đẹp hoàn hảo
Nhà báo Ritika từng nhận định: "Khi quan sát kỹ tất cả những người đoạt vương miện, tôi nhận ra tất cả họ đều giống nhau về kiểu dáng cơ thể. Những cô gái có thân hình cao và eo thon luôn giành được danh hiệu cao nhất. Vậy thì điều đó mang lại thông điệp gì cho xã hội? Rõ ràng, họ ngụ ý rằng chỉ có kiểu cơ thể này mới được gọi là đẹp".
Tiêu chuẩn phi thực tế mà các cuộc thi sắc đẹp đặt ra là những thứ không tưởng. Theo ước tính, chỉ có khoảng 0,5% số người có thể đáp ứng những điều kiện này.
Do đó, tờ Outlook cho rằng các thí sinh bị áp đặt và mất tự do, thậm chí chán ghét bản thân. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng và con người không thể quyết định các đặc điểm sinh học của mình.
Trong một nghiên cứu đối với 131 thí sinh cuộc thi sắc đẹp, 48,5% trong số họ muốn gầy hơn, 57% thừa nhận đã ăn kiêng khắc nghiệt để ép cân và 26% mắc chứng rối loạn ăn uống.
The Gazette khẳng định các người đẹp bị giới hạn chặt chẽ nhưng cùng lúc bị đẩy đến cực hạn.
Nữ diễn viên Minnie Driver từng tham gia bộ phim "Beautiful" nói về các cuộc thi sắc đẹp. Cô chia sẻ: "Phụ nữ muốn lên tiếng nhưng họ đã bị xã hội điều khiển để tin rằng họ chỉ có thể làm như vậy mới được thừa nhận xinh đẹp".
Khi ồ ạt tổ chức những cuộc thi hoa hậu, cũng có nghĩa, xã hội vẫn đang đưa ra một công thức chung về vẻ đẹp phụ nữ. Trong khi, sự văn minh trong cách nhìn nhận đang chứng minh rằng, phụ nữ đẹp theo nhiều cách khác nhau.
Chúng ta không cần phải ăn kiêng khắc nghiệt để đẹp như hoa hậu, vẻ đẹp của phụ nữ ngày càng đa dạng ở hình thể, ở màu da, ở trí tuệ, ở sự hiểu biết, ở nỗ lực cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân mỗi ngày.