Vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc
Tần Thủy Hoàng sinh năm 259 TCN, tên thật là Doanh Chính - vị vua thứ 36 của nước Tần. Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên ghi lại, Tần Thủy Hoàng lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi, do trọng phụ Lã Bất Vi nhiếp chính.
Khác với các vị đế vương khác của nhà Tần, sau khi trị vì đất nước, Tần Thủy Hoàng tham vọng thâu tóm 6 nước chư hầu, tự xưng là Hoàng đế. Năm 38 tuổi, Tần Thủy Hoàng thực sự làm được điều đó.
Sau khi thống nhất bờ cõi lập nên nước Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của lịch sử. Ông xưng đế được 12 năm, sau đó qua đời vào năm 210 TCN (49 tuổi) vì bệnh nặng.
Từ khi sinh ra, Tần Thủy Hoàng đã có số phận đầy sóng gió khi mẹ là Triệu Cơ, một tiểu thiếp được Lã Bất Vi dâng cho 1 công tử Doanh Dị Nhân nhà Tần. Không lâu sau, Triệu Cơ mang thai và sinh ra Doanh Chính.
Thuở nhỏ, Doanh Chính cùng mẹ phải lưu lạc ở nước Triệu, chịu mọi cay đắng tủi nhục. Sau này khi trở về nước Tần, nhận Dị Nhân làm cha - lúc này đã là Tần Trang Tương Vương, Doanh Chính trở về báo thù hết những kẻ đã bắt nạt mình.
3 năm sau khi đăng cơ, Tần Trang Tương Vương qua đời, truyền lại ngôi cho Thế tử Doanh Chính. Bất chấp những lời bàn tán về nguồn gốc xuất thân, ông đã chứng minh bản thân là một vị vương giả vĩ đại bằng chính thực lực của mình.
Câu chuyện thuở nhỏ và hành trình chinh phạt 6 nước chư hầu của Tần Thủy Hoàng nhanh chóng trở thành truyền kỳ trong lịch sử. Từ đó, dân chúng cũng thêu dệt thêm nhiều đồn đoán, truyền thuyết dân gian về quá trình ông trị vì đất nước, lưu truyền đến tận sau này.
Hậu thế vừa tò mò, khiếp sợ, vừa không khỏi thán phục trước những thành tựu to lớn của vị Hoàng đế đầu tiên tại Trung Hoa.
Những thành tựu, công trình vượt qua thời đại
Tần Thủy Hoàng là người đánh dấu sự khởi đầu của nhà nước phong kiến tập quyền tại Trung Quốc, kéo dài mãi đến năm 1912 (khi nhà Thanh sụp đổ).
Sau khi thống nhất Trung Hoa, ông và thừa tướng Lý Tư đã ban hành một loạt cải cách lớn về kinh tế và chính trị, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ.
Đồng thời, Tần Thủy Hoàng đã tiến hành nhiều dự án lớn, bao gồm việc xây dựng trường thành ở phương bắc, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành, kênh Linh Cừ, cung A Phòng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng với đội quân hàng nghìn chiến binh đất nung bảo vệ...
Những công trình mà Tần Thủy Hoàng không tiếc dùng xương máu, tài vật của dân chúng và đất nước để xây dựng có giá trị vượt thời gian, trở thành dấu ấn vĩ đại của lịch sử Trung Quốc. Dù là một vị Hoàng đế tàn bạo, hậu thế vẫn không thể phủ nhận vai trò của những thành tựu đó với sự phát triển của đế chế nhà Tần hùng mạnh một thời.
Bí ẩn lưu truyền trong hậu thế
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được những người nông dân sinh sống ở Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc) vào năm 1974. Sau hơn 2.000 năm ngủ quên, lăng mộ được khai quật, một lần nữa làm sống dậy bối cảnh lịch sử và những bí ẩn còn chưa biết hết thời Tần Thủy Hoàng.
Từ "Sử ký" của Tư Mã Thiên đến những gì tìm thấy trong lăng mộ, các nhà khảo cổ và lịch sử học thời Tần có thể xác định được những câu chuyện, cột mốc có thật về bối cảnh xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, điều gì xảy ra trước và sau khi Hoàng đế băng hà.
Hàng ngàn tượng chiến binh đất nung, hàng trăm ngôi mộ và vô số bộ hài cốt, vàng bạc châu báu... được tìm thấy trong lăng mộ. Tuy nhiên, dường như đó vẫn chưa phải là tất cả.
Sau vài chục năm khai quật và đối chiếu với sử sách, các nhà khảo cổ vẫn đang đi tìm lời giải cho nhiều bí ẩn về công trình lăng mộ khổng lồ nhất lịch sử nhân loại này.
Danh tính những bộ hài cốt trong lăng mộ là ai? Thi thể Tần Thủy Hoàng được mai táng như thế nào? Ý nghĩa của từng món đồ, vật dụng, con người... được bồi táng theo Hoàng đế?... Tất cả vẫn đang thu hút trí tò mò, ham muốn khám phá của hậu thế về sau.