"Phố Tây" Itaewon hóa ác mộng trong đêm Halloween
Thảm kịch ở Itaewon xảy ra 2 ngày trước Halloween - một trong những lễ hội mùa thu lớn ở Mỹ. Ngày lễ này đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc trong vài năm gần đây, nhất là với giới trẻ và các trường học.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng văn hóa đại chúng đã tiếp cận đến Itaewon - khu phố sầm uất thu hút du khách ngoại quốc - và kết hợp với văn hóa chơi hóa trang (cosplay) của Nhật Bản.
Lee Taek Gwang, giáo sư truyền thông toàn cầu tại Đại học Kyung Hee giải thích, thương mại hóa và truyền thông xã hội là yếu tố tạo nên cơn sốt Halloween tại Hàn Quốc.
"Với những người đã tiếp xúc với Halloween trong những năm thơ ấu, họ sẽ coi đó là một phần văn hóa và tiếp tục kỉ niệm ngày lễ đó khi lớn lên.
Đặc biệt, các phương tiện truyền thông xã hội như Instagram cũng tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ mỗi dịp Halloween. Trào lưu này thúc đẩy thế hệ trẻ khám phá bản sắc riêng của họ", giáo sư Lee cho biết.
Theo đó, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng giúp phố Itaewon hấp dẫn và thu hút giới trẻ. Trong loạt phim truyền hình ăn khách "Itaewon Class", có phân cảnh diễn viên chính ví lễ hội này với sự tự do. Bộ phim quảng bá khu phố Itaewon như một địa điểm sầm uất, náo nhiệt với những vị khách đa quốc tịch tận hưởng night life (cuộc sống về đêm).
Sau thành công của "Itaewon Class", phố Itaewon trở thành điểm đến thời thượng của giới trẻ Hàn, là đại diện của cuộc sống phóng khoáng, tự do.
Sự du nhập văn hóa, tâm lý muốn giải trí, bộc lộ cá tính và sự hấp dẫn của lễ hội sau 3 năm giãn cách xã hội khiến hơn 100.000 người - hầu hết là thanh thiếu niên - đổ về những con hẻm chật chội ở Itaewon để hóa trang, khám phá điều mới lạ.
Khoảng cách thế hệ gián tiếp tạo nên thảm kịch
Con số hơn 100.000 người tham dự lễ hội Halloween ở Itaewon đã tạo nên đám đông khổng lồ, vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng an ninh.
Lúc này, người dân và truyền thông mới đặt câu hỏi về vai trò của chính quyền, lực lượng bảo vệ trật tự công cộng và cứu hộ, cứu nạn.
Các chuyên gia cho rằng sự cách biệt thế hệ khiến cho các nhà chức trách ít quan tâm đến Halloween, dẫn đến sơ suất đáng tiếc trong công tác cứu hộ các nạn nhân trong thảm kịch Itaewon.
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông mô tả sự kiện này là "kỳ quặc", "lai căng văn hóa", trong khi Itaewon trở thành "không gian ngoài hành tinh ở Seoul".
Theo nhận định của ông Koo Jeong Woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, thế hệ Z (gen Z) đã góp phần tạo ra bầu không khí lễ hội cuồng nhiệt ở các khu phố Tây Itaewon.
Ngược lại, theo Los Angeles Times, các chuyên gia cho rằng khoảng cách văn hóa giữa các thế hệ khiến người lớn không hài lòng về trào lưu văn hoá du nhập. Điều này giải thích tại sao chính quyền không thiết lập hệ thống an ninh đầy đủ, chuyên nghiệp để kiểm soát đám đông ở Itaewon.
Tờ Hankyoreh đưa ra con số 137 nhân viên cảnh sát có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ giẫm đạp. So sánh với đêm nhạc của BTS diễn ra trước đó, khoảng 1.300 cảnh sát, 2.700 nhân viên an ninh đã được điều động để đảm bảo trật tự cho hơn 55.000 khán giả (số liệu thống kê từ Newsis, một hãng thông tấn Hàn Quốc).
Từ năm 2019, trong một bài viết được đăng trên tờ Hankook Ilbo có trụ sở tại Seoul, tác giả Kim Young-hoon đã dự đoán trước thảm kịch tồi tệ sẽ diễn ra ở Itaewon. "Thánh địa Halloween hay địa ngục Halloween ở Itaewon?" là tiêu đề nhức nhối của bài viết.
Sau 3 năm, Itaewon thật sự trở thành cơn ác mộng, nơi tiếng la hét chìm nghỉm trong tiếng nhạc xập xình và người trẻ tuyệt vọng trong gần 2 tiếng chờ được giải cứu.