Văn hóa Sa Huỳnh phát hiện tại vùng Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi năm 1909, có niên đại 3.000 năm trước, và sau đó tiếp tục phát hiện tại Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… Hiện vật khảo cổ chủ yếu là các mộ chum, chứa vật tùy táng của người đã mất, trong đó nhiều nhất là đồ trang sức. Các hiện vật này cho thấy điều thú vị, từ hàng nghìn năm trước, con người tiền sử đã biết làm đẹp trước đồng loại.
Năm 1909, M. Vinet (người Pháp) tình cờ tìm thấy bên đầm An Khê, vùng Sa Huỳnh, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi một số khuyên đeo tai bằng đá quý không phải của người thời nay làm ra. Bên cạnh Gò Ma Vương, Vinet tìm được đến gần 200 chiếc chum gốm của người tiền sử chôn sâu dưới đất.

Phía trong chum ngoài than củi, xương người và hàng vạn hạt mã não, cườm thủy tinh, vòng đeo tay và khuyên đeo tai được chế tác rất tinh xảo…


Vì tìm thấy ở Sa Huỳnh, nên các nhà nghiên cứu, khảo cổ Viện Viễn Đông bác cổ Pháp định danh thời kỳ này là Văn hóa Sa Huỳnh. Các cuộc khai quật tiếp tục vào nhiều năm sau đó tại một số điểm lân cận, phát hiện ngày càng nhiều dấu vết của con người tiền sử, đã đem lại những đánh giá xác đáng và quan trọng về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển loài người sinh sống trong thời kỳ này trên vùng đất duyên hải miền Trung.

Sống trong thời kỳ này họ đã biết khai thác những khoáng vật sẵn có trong thiên nhiên như mã não, thủy tinh, đá quý, vàng… sau đó chế tác làm dây đeo, vòng hay khuyên trang trí trên thân mình…


Gần đây, những phiên đấu xảo di vật tiền sử Châu Á liên tục được các nhà đấu giá quốc tế tổ chức. Nhà tổ chức Cornette de Saint Cyr mang tên Việt Nam - 3000 năm nghệ thuật tại Drouot Richelieu - Salle 7 (số 9 đường Drouot, Quận 9, Paris, Pháp đã đưa ra những vật trang sức tiền sử đẹp đến làm ngẩn ngơ người dự khán.

Đã có một nhà văn nhận định: Từ thuở khai thiên lập địa, nơi nào có hai sinh vật được sinh ra, thì nơi đó bắt đầu có một cuộc đấu tranh sinh tồn. Và những cuộc tranh chấp sống còn triền miên đó cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác… từ thế kỷ này đến thế kỷ kia và đến nay vẫn chưa chấm dứt… Phải chăng để “mềm hóa” các mâu thuẫn mà con người từ nghìn xưa đã biết tự làm đẹp mình lên trước mắt đồng loại. Nói một cách hoa mỹ hơn, dường như họ cũng đã biết lấy cái đẹp để “cứu vãn thế giới”.
